Hợp tác ĐH Bách khoa TP HCM và Vietsovpetro:

Nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả sản xuất

10:52 | 07/05/2017

1,651 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Việc tái ký kết thỏa thuận khung về hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong 5 năm giữa Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh khẳng định xu thế tất yếu trong hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN). Phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trò chuyện với GS.TS Vũ Đình Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TP HCM về quan hệ hợp tác này.

PV: Xin giáo sư nói về những thế mạnh của ĐH Bách Khoa TP HCM trong lĩnh vực đào tạo ngành Dầu khí?

nang cao chat luong dao tao va hieu qua san xuat
GS.TS Vũ Đình Thành

GS.TS Vũ Đình Thành: ĐH Bách khoa TP HCM có thế mạnh về đào tạo kỹ thuật với nhiều khoa - nhiều ngành chủ lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập, hiện nhà trường có ngành quản lý công nghiệp - cung cấp nguồn nhân lực quản trị các hệ thống nhà máy công nghiệp. Trên thực tế không chỉ Khoa Kỹ thuật Dầu khí là hợp tác với các doanh nghiệp ngành Dầu khí, mà còn có các khoa: Cơ khí, Xây dựng, Công nghệ vật liệu, Kỹ thuật Hóa học và Điện - Điện tử đều có quá trình hợp tác đào tạo với ngành Dầu khí. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ở các ngành này làm việc trong ngành Dầu khí. Đồng thời nhà trường có đội ngũ chuyên gia hàng đầu đang giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực dầu khí và các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực này. Đó là những thế mạnh rất lớn của ĐH Bách khoa TP HCM, vì thế triển vọng hợp tác với ngành Dầu khí ngày càng phát triển.

PV: Giáo sư có thể đánh giá mối quan hệ hợp tác giữa Vietsovpetro nói riêng và các đơn vị khác trong ngành Dầu khí trong thời gian qua và hiện nay. Đặc biệt là mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với Vietsovpetro?

GS.TS Vũ Đình Thành: Năm 2008, ĐH Bách khoa TP HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Vietsovpetro, ngày 24-3-2017 là tái ký kết và mở ra hướng hợp tác mới cho hai bên.

Về công tác đào tạo và nghiên cứu với phạm vi hợp tác bao gồm: Trao đổi cán bộ tham gia giảng dạy và hướng dẫn luận án cho cán bộ, sinh viên đại học, sau đại học và nghiên cứu sinh; phối hợp biên soạn, xuất bản các giáo trình, tài liệu tham khảo, chuyên san, trao đổi các đề tài nghiên cứu và giảng dạy; xây dựng chương trình, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, hướng nghiệp, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng, các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành theo yêu cầu của Vietsovpetro nhằm bổ sung, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật; phối hợp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, an toàn môi trường, phản biện đề tài - dự án, viết báo cáo khoa học đăng trên các tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế; trao đổi kinh nghiệm hợp tác trong nước và quốc tế thông qua các hội nghị, hội thảo khoa học và dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí...

Theo đó, bên cạnh đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ theo đặt hàng của đơn vị nhà trường còn mở một số lớp đào tạo chuyên đề tại trường và mời chuyên gia Vietsovpetro cùng các chuyên gia đầu ngành Dầu khí tham gia đào tạo.

Đồng thời thông qua mối quan hệ hợp tác này, ĐH Bách khoa TP HCM tổ chức các đợt thực tập thực tế tại Vietsovpetro có sự tham gia của cả giảng viên và sinh viên. Đặc biệt thời gian qua đã có một số đợt sinh viên nhà trường đi thực tập thực tế trên giàn khoan và kinh phí do Vietsovpetro tài trợ. Bản thân tôi từng ra giàn khoan Vietsovpetro một lần. Ngược lại Vietsovpetro cũng trao nhiều học bổng cho sinh viên của trường, trong đó không riêng sinh viên Khoa Địa chất, Khoa Kỹ thuật Dầu khí mà sinh viên nhiều khoa khác cũng nhận được học bổng. Và có nhiều sinh viên làm đề tài nghiên cứu theo định hướng đã cam kết với đơn vị.

Dù thời gian qua ngành Dầu khí gặp nhiều khó khăn do giá dầu giảm sâu và Vietsovpetro bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên ban lãnh đạo Vietsovpetro rất năng động, nhạy bén và có tầm nhìn chiến lược. Do đó có thể khẳng định, việc tái ký kết thỏa thuận hợp tác khung vừa qua giúp hai bên tiếp tục mở ra hướng hợp tác mới.

nang cao chat luong dao tao va hieu qua san xuat
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ĐH Bách khoa TP HCM và Vietsovpetro

PV: Thưa giáo sư, đâu là những điểm chính trong hướng thỏa thuận hợp tác mới?

GS.TS Vũ Đình Thành: Nếu trong lĩnh vực đào tạo, trước đây, nhà trường chủ yếu đào tạo một số chuyên đề cho Vietsovpetro nhưng trong đợt tái ký kết này Vietsovpetro sẽ cử một số chuyên viên thi và học thạc sĩ tại trường. Nguồn cử tuyển của Vietsovpetro vẫn theo đúng quy chế tuyển sinh sau đại học của ĐH Bách khoa. Vietsovpetro tài trợ toàn bộ kinh phí cho người lao động đi học, trường ký hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp. Còn trong lĩnh vực nghiên cứu, nhà trường giao cho Khoa Kỹ thuật Dầu khí làm đầu mối để tiếp nhận các đề xuất từ Vietsovpetro, sau đó triển khai các đề tài phù hợp với từng khoa. Các đề tài đều mang tính thực tiễn và có tính ứng dụng cao. Một thuận lợi nữa là hiện nay Vietsovpetro đang có một số vấn đề khoa học công nghệ cần tiếp tục nghiên cứu để phục vụ chiến lược phát triển lâu dài của đơn vị nên sự hợp tác sẽ ngày càng thiết thực, hiệu quả.

PV: Là đơn vị đào tạo các ngành kỹ thuật đứng đầu ở khu vực phía Nam, theo giáo sư việc hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các doanh nghiệp có vai trò và ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của ĐH Bách khoa TP HCM?

GS.TS Vũ Đình Thành: Hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa ĐH Bách khoa TP HCM và các doanh nghiệp là chiến lược chủ lực trong giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, Nhà nước luôn đặt vấn đề các trường phải đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội nên chương trình đào tạo của các trường phải thay đổi để chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội chứ không chỉ đào tạo những gì nhà trường có như trước đây. Vì thế bản thân giảng viên ở các khoa, các trường phải năng động, chủ động tìm hiểu và nắm được các DN đang cần gì và nhu cầu xã hội hiện nay và tương lai ra sao, nhà trường cần đào tạo gì, sinh viên ra trường cụ thể là làm gì… Đây là những vấn đề rất thực tiễn.

Về phía nhà trường rất cần DN để cải tiến, bổ sung trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, hợp tác với DN là điều kiện cần thiết để sinh viên có nơi kiến tập đến khi ra trường có địa chỉ làm việc, dễ xin việc hơn là các em tự bơi.

Điều quan trọng nữa là nhà trường luôn muốn tham gia các đề tài nghiên cứu lớn, tuy nhiên nguồn kinh phí của trường không thể trang trải đủ và nguồn kinh phí của Nhà nước cũng không thể trang trải đủ nên có thêm nguồn kinh phí từ DN đặt hàng sẽ thuận lợi hơn. Đây là mối tương tác hai chiều, DN có sẵn nguồn hỗ trợ kinh phí nghiên cứu rất tốt vì hiện tại các DN lớn đều có quỹ nghiên cứu và phát triển và ngược lại nhà trường có điều kiện nghiên cứu rất tốt vì có sẵn cơ sở vật chất và đội ngũ chuyên gia trong mỗi chuyên ngành. Đây là hướng đi rất thành công của các đại học trên thế giới nên các trường đại học ở Việt Nam không thể ngược xu thế này.

PV: Trong mối quan hệ hợp tác này, vai trò kết nối của Hội Dầu khí Việt Nam như thế nào thưa giáo sư?

GS.TS Vũ Đình Thành: Từ năm 2010 các chuyên gia trong Hội Dầu khí đã có nhiều chương trình hợp tác với Khoa Dầu khí với nhà trường. Cụ thể là TS Ngô Thường San - Chủ tịch Hội, nhà trường đã mời ông tham gia giảng dạy và nghiên cứu nhiều năm. Nhà trường đã có sự hợp tác thiết thực với Hội Dầu khí. Bên cạnh đó, trong Hội Dầu khí hiện có nhiều thầy cô ở Khoa Kỹ thuật Dầu khí và các khoa khác từng học Mỏ - Địa chất, Dầu khí… ở Nga về nên sự hợp tác khá thuận lợi. Trong Hội Dầu khí cũng có nhiều DN, giám đốc DN từng là cựu sinh viên nhà trường, làm việc trong ngành Dầu khí và sau này các anh chị cũng có nhiều hoạt động kết nối với nhà trường - tạo những điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển.

Và một lần nữa phải khẳng định, việc tái ký kết hợp tác giữa Vietsovpetro và ĐH Bách khoa TP HCM đã đặt dấu mốc quan trọng trong sự phối hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ của nhà trường.

PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư.

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status