Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San:

Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất là tất yếu khách quan

10:39 | 27/09/2017

729 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) (1997-2017), phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Ngô Thường San - nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam về vai trò và vị trí của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đối với kinh tế đất nước và xung quanh câu chuyện nâng cấp, mở rộng nhà máy.

PV: Thưa ông, sau 7 năm vận hành thì hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp ngân sách Nhà nước của NMLD Dung Quất đã minh chứng cho quyết sách đúng đắn cách đây 20 năm của Đảng và Nhà nước xây dựng NMLD đầu tiên ở Quảng Ngãi?

nang cap mo rong nmld dung quat la tat yeu khach quan

Ông Ngô Thường San: Chúng ta phải đánh giá một cách tổng thể về những đóng góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong 40 năm qua, nhất là từ khi Việt Nam khai thác tấn dầu đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ cũng đã trên 30 năm. Tính đến nay, PVN đã khai thác được 500 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó trên 380 triệu tấn dầu, 125 tỉ m3 khí và 15 triệu tấn LPG. Doanh thu và nộp ngân sách Nhà nước của PVN rất lớn, hằng năm từ 20-25% GDP. Bên cạnh sự đóng góp cực kỳ lớn ở lĩnh vực upstream (thăm dò và khai thác) thì trong thành công của PVN còn có sự góp sức quan trọng ở lĩnh vực downstream (lọc hóa dầu - điện - đạm)… trong đó NMLD Dung Quất đóng vai trò tiên phong.

Sau 7 năm vận hành an toàn - hiệu quả và trải qua 3 kỳ bảo dưỡng lớn, BSR đã xử lý chế biến được 45 triệu tấn dầu thô, doanh thu khoảng 40 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 6,5 tỉ USD - gấp đôi số vốn đầu tư ban đầu được xác định là 3 tỉ USD. Riêng năm 2016 trong bối cảnh khó khăn chung của ngành Dầu khí nhưng BSR đã nỗ lực rất lớn, lợi nhuận trước thuế khoảng 5.000 tỉ đồng và 9 tháng năm 2017 doanh thu và lợi nhuận dự kiến sẽ vượt kế hoạch 120-125%. Công suất hoạt động nhà máy luôn đạt 105-107%. Hệ số ngày làm việc cao, phải nói là đạt mức cao so với các NMLD trong khu vực.

PV: PVN và BSR cho hay sẽ tiến hành nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, xin ông chia sẻ thêm thông tin về việc nâng cấp, mở rộng nhà máy sắp tới?

Ông Ngô Thường San: BSR là thành viên của Hội DKVN nên chúng tôi luôn quan tâm đến hoạt động của đơn vị và chúng tôi đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động của BSR. Việc mở rộng, nâng cấp NMLD Dung Quất là một yêu cầu thực tiễn khách quan, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thị trường xăng dầu trong tương lai về chất lượng và cạnh tranh trong hội nhập.

Còn nhớ trong quyết định đầu tư và thiết kế tổng thể FEED được Chính phủ phê duyệt vào năm 1997 cho thấy quy trình xây dựng và phát triển NMLD Dung Quất sẽ qua các giai đoạn: Giai đoạn đầu là sử dụng dầu ngọt (ít lưu huỳnh) của mỏ Bạch Hổ và giai đoạn sau sẽ nâng cấp sử dụng hỗn hợp nguồn dầu chua (nhiều lưu huỳnh) của Trung Đông. Thời điểm chúng ta xây dựng NMLD với yêu cầu cấp thiết là giải quyết nhu cầu nhiên liệu xăng dầu trong nước, để không lệ thuộc nước ngoài về nguồn nguyên liệu, không tốn ngoại tệ mua nhiên liệu trong bối cảnh đất nước rất khó khăn và thiếu thốn trăm bề, tận dụng và phát huy được giá trị gia tăng của dầu mỏ Bạch Hổ thay vì chỉ có xuất thô - đó là quyết định đúng đắn.

Hiện nay nhà máy hoạt động sử dụng chủ yếu công nghệ xử lý dầu mỏ Bạch Hổ. Dầu Bạch Hổ là dầu ngọt có chất lượng rất tốt, giá cao, chế biến nhiên liệu xăng dầu phục vụ cho ngành giao thông vận tải trong nước, trong đó có xăng máy bay và sản phẩm hóa dầu như hạt nhựa polypropylen. Mục tiêu đó đến nay BSR đã hoàn thành, giải quyết được 40% nhu cầu nhiên liệu trong nước.

Và trong Thiết kế tổng thể FEED do Chính phủ phê duyệt cách đây 20 năm nhấn mạnh sau giai đoạn I NMLD Dung Quất sẽ phát triển giai đoạn II là nâng cấp, mở rộng phục vụ chiến lược phát triển giai đoạn sau 2015-2035. Nhiệm vụ của việc nâng cấp là đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để chế biến ra các sản phẩm hóa dầu. Nâng cấp nhà máy sẽ làm phong phú thêm sản phẩm đầu ra, ngoài nhiên liệu xăng dầu chất lượng cao theo yêu cầu của hội nhập quốc tế còn có sản phẩm hóa dầu, nhựa đường là những sản phẩm phải nhập để đảm bảo nhu cầu thiết yếu hiện nay. Sau khi nâng cấp, NMLD Dung Quất sẽ chế biến được dầu chua nhập từ Trung Đông, có giá rẻ hơn dầu ngọt khoảng 20% và cho ra sản phẩm giá thành rẻ, cạnh tranh hơn. Hơn nữa, cần phải nói trong cơ cấu giá thành sản phẩm của nhà máy thì 93-95% chi phí nằm ở giá nguyên liệu dầu thô đầu vào và 5-7% còn lại là chi phí hoạt động sản xuất của nhà máy, biên lợi nhuận thấp, vì thế đa dạng hóa nguồn dầu thô đầu vào phù hợp và hiệu quả nhất với công nghệ nhà máy là nhiệm vụ hàng đầu của PVN và tập thể khoa học công nghệ, quản lý của BSR. Do đó, giá nguyên liệu dầu thô quyết định rất lớn đến giá sản phẩm xăng dầu sau khi chế biến.

nang cap mo rong nmld dung quat la tat yeu khach quan
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Hiền Anh

Đồng thời, theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã ký thì đến năm 2020 các nước trên thế giới đa phần dùng xăng theo tiêu chuẩn Euro 04, Euro 05, trong khi hiện nay công nghệ NMLD Dung Quất chỉ chế biến xăng đạt chuẩn Euro 02, Euro 03. Đây là một trong những điều kiện về mặt công nghệ mà Dung Quất phải nâng cấp để đáp ứng chất lượng sản phẩm đầu ra theo tiêu chuẩn quốc tế.

Với những lý do trên thì việc nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất theo đúng lộ trình là hợp lý với điều kiện khách quan của ngành lọc hóa dầu trong nước cũng như nhu cầu cạnh tranh của thị trường hội nhập, tiêu chuẩn môi trường

PV: Nâng cấp là điều kiện khách quan để đáp ứng nhu cầu thị trường xăng dầu trong nước, tuy nhiên có nhiều ý kiến băn khoăn, tại sao phải mở rộng NMLD Dung Quất trong giai đoạn hiện nay?

Ông Ngô Thường San: Ở những nền kinh tế mới nổi với yêu cầu công nghiệp hóa và đô thị hóa cao thì nhu cầu về nhiên liệu và năng lượng rất lớn, nhịp độ tăng cao hằng năm theo GDP. Dự báo nhu cầu về nhiên liệu xăng dầu của Việt Nam tăng mạnh sau năm 2020. Công suất chế biến của NMLD Dung Quất sau khi mở rộng và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chỉ đáp ứng đủ 70% nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của đất nước. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước thì Việt Nam sẽ phải có thêm 1-2 NMLD. Tuy nhiên, việc xây dựng một NMLD đòi hỏi đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn, tốn rất nhiều chi phí, thường chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư. Nên thay vì xây dựng một NMLD mới thì trên cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, nguồn lực đã có sẵn của NMLD Dung Quất, chúng ta mở rộng sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí, tăng hiệu quả đầu tư của nhà máy

PV: Nhưng vẫn còn những ý kiến thắc mắc là việc nâng cấp nhà máy hiện cần trên 1,2 tỉ USD vốn vay và hiện đang thu xếp vốn. Nếu Chính phủ không bảo lãnh vốn vay và ưu đãi cho PVN và BSR thì sẽ gặp khó như thế nào thưa ông?

Ông Ngô Thường San: Tôi chưa nắm nội dung thư đề nghị của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bảo lãnh vốn vay và ưu đãi gì cho BSR. Tuy nhiên, trên thực tế, việc Chính phủ bảo lãnh vốn vay cho PVN và BSR là vô cùng cần thiết. Bởi, nếu Nhà nước bảo lãnh vốn vay để nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất thì đỡ gánh nặng lãi suất cho PVN và BSR, lãi suất vay có thể chỉ ở mức 3,8-4%/năm. Còn nếu Nhà nước không đứng ra bảo lãnh vốn vay thì PVN và BSR sẽ vay thương mại và lãi suất chắc chắn sẽ cao, khoảng 7-8%/năm. NMLD Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia, hoạt động chắc chắn có hiệu quả, thiết nghĩ Chính phủ nên ủng hộ việc bảo lãnh vốn vay cho nhà máy để đầu tư nâng cấp, mở rộng góp phần mang lại hiệu quả cho nhà máy nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.

PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện Nhà nước đã rất ưu ái cho BSR, nhất là ưu đãi thuế, ông nghĩ sao về quan điểm này?

Ông Ngô Thường San: Dường như có một sự hiểu nhầm về việc PVN và BSR xin ưu đãi thuế cho NMLD Dung Quất trong quá trình nâng cấp và mở rộng. NMLD Dung Quất thời gian qua cũng đã bị hiểu oan, bị tai tiếng khá nặng nề, nào là "sống được là nhờ ưu đãi", rồi "điệp khúc xin ưu đãi", "ưu đãi đến đâu là đủ"… Có lẽ do cơ chế quản lý có những bất cập chưa theo kịp yêu cầu của thị trường hội nhập nên khi Chính phủ bãi bỏ ưu đãi và thuế thu điều tiết đối với sản phẩm dầu, khí hóa lỏng, sản phẩm hóa dầu tiêu dùng trong nước và từ ngày 1-1-2017 NMLD Dung Quất được chủ động hạch toán giá thành sản phẩm theo cơ chế thị trường, cho nên không cần "ưu đãi" mà nhà máy vẫn vận hành có hiệu quả. Thực tế chứng minh lợi nhuận của nhà máy trong 2017 dự kiến vẫn được duy trì vượt mức kế hoạch. Thực tế BSR cần có chính sách bình đẳng thuế giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế biến và phân phối xăng dầu. Các doanh nghiệp trong nước cần có thời gian và lộ trình đổi mới công nghệ nâng cấp chất lượng và sức cạnh tranh phù hợp với lộ trình giảm thuế và ưu đãi cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các hiệp định thương mại tự do FTA.

nang cap mo rong nmld dung quat la tat yeu khach quan

PV: Là người đi cùng NMLD ngay từ đầu, ông có bao giờ mong ước một sản phẩm dầu made in Dung Quất giống như NMLD ở các nước đã làm?

Ông Ngô Thường San: Như tôi đã nói ở trên mục tiêu ban đầu khi thành lập NMLD Dung Quất là giải quyết vấn đề nhiên liệu trong nước, giảm nhập xăng dầu, đỡ tốn ngoại tệ, sử dụng dầu thô trong nước là nguồn dầu mỏ Bạch Hổ. Ý nghĩa quan trọng nữa của NMLD Dung Quất là vực khu vực kinh tế Nam Trung Bộ ngày càng phát triển. Và cho đến nay, nhờ có BSR mà Quảng Ngãi là 1 trong 4 tỉnh, thành đóng góp ngân sách lớn nhất nước.

Bất kỳ một NMLD nào trên thế giới cũng thế chứ không riêng gì Dung Quất, đều phải đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm lọc hóa dầu, bởi sản phẩm lọc hóa dầu phụ thuộc vào nhu cầu khắt khe của thị trường về chất lượng và sức cạnh tranh. Mỗi NMLD đều có phân khúc riêng và đáp ứng nhu cầu cao nhất của thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một thương hiệu xăng dầu “Petrovietnam” bởi sản phẩm dầu Dung Quất cung cấp cho thị trường nội địa là chủ yếu mà nước ta thì hầu như dòng xe nào cũng có.

Hiện ta chưa có chuẩn xăng riêng mang thương hiệu “Made in Vietnam” trong khi trên thế giới, các NMLD đều có thương hiệu riêng và phân khúc riêng của họ, đảm bảo tính độc quyền, ví như xăng Total, xăng BP, xăng Caltex, xăng Petronas… Và ở các nước, sản phẩm xăng thường phục vụ cho một dòng xe độc quyền, hiệu quả kinh tế rất cao. Khi dòng xe đó dùng đúng xăng đó thì đảm bảo động cơ hoạt động rất bền, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Tôi cũng từng trao đổi với các anh lãnh đạo BSR là chúng ta phải có chiến lược lâu dài, tính đến thời điểm là sản phẩm lọc hóa dầu “Made by Dung Quat Refinery”.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Người lao động Dầu khí có thể tự hào đã đóng góp lớn, hiệu quả tạo dựng nền tảng vật chất cho sự thành công của sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa của Đảng và Nhà nước. Trong thành tích chung của PVN chắc chắn phải nói đến những đóng góp quan trọng của BSR trong 7 năm qua. Không thể phủ nhận tính hiệu quả của NMLD Dung Quất, nên để đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững giai đoạn tiếp theo của nhà máy như một Trung tâm lọc hóa dầu Việt Nam thì việc nâng cấp, mở rộng nhà máy là tất yếu, khách quan, cần thực hiện đúng lộ trình.

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status