“Ngành Dầu khí cho tôi những kỷ niệm không thể quên”

06:45 | 26/05/2017

899 lượt xem
|
Trong cuộc đời làm dầu khí của tôi, đặc biệt từ những năm 1975 trở lại đây, có những kỷ niệm với nghề mà tôi không bao giờ quên.

Năm 1972, tôi tốt nghiệp đại học ở Rumani. Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, tôi được điều vào trong Nam công tác. Khi đó chúng tôi phải bắt tay vào thực hiện luôn một hợp đồng hợp tác với Pháp - khảo sát địa vật lý khu vực biển ven bờ và đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây, ở ngoài Bắc, chúng tôi chủ yếu sử dụng các công nghệ của Liên Xô. Nếu so sánh với máy móc công nghệ được sử dụng trong Nam lúc bấy giờ, thì ngoài Bắc rất lạc hậu. Khi vào trong Nam phụ trách về địa chấn biển, tôi phải tập làm quen với công nghệ tiên tiến nhất lúc bấy giờ, do chúng ta thuê máy móc, công nghệ của Pháp.

nganh dau khi cho toi nhung ky niem khong the quen
Ông Nguyễn Đăng Liệu

Bắt đầu công việc mới, tôi được giao là Đội trưởng Đội Địa chấn biển, thường xuyên lênh đênh trên con tàu khảo sát biển. Mới nhận nhiệm vụ, tôi đã thấy được ngay những khó khăn trước mắt: chưa bao giờ đi biển, không biết sức khỏe của mình có chịu được không, rồi ngôn ngữ thì bập bẹ, nghe nói còn chưa thạo… Biển đối với tôi hồi đó là một khái niệm hoàn toàn mới, mọi người không thể tin rằng, từ bé tôi chưa bao giờ đi biển, chứ chưa nói đến chuyện giờ tôi phải lênh đênh trên những con tàu biển hàng tháng trời. Tôi vẫn nghe mọi người nói về những ngày sóng lớn, biển động, đến chuyện ngư dân quanh năm với nắng gió biển nhưng có người còn không chịu nổi những khi say sóng, huống hồ là người chưa đi biển như tôi, chưa kể có những người còn như chết đi sống lại khi bị say sóng mà tàu chưa thể vào đất liền. Với tôi, kinh nghiệm đương đầu, chống chọi với sóng gió biển lúc ấy chỉ là con số 0.

Ngày xưa khi học ở Rumani, người ta bảo tiếng Rumani giống tiếng Pháp, đã biết tiếng Rumani thì học tiếng Pháp dễ như bỡn. Nhưng đấy là người không hiểu. Hai ngôn ngữ này chỉ giống ở gốc La tinh một chút thôi, chứ hoàn toàn khác nhau, mà việc học tiếng Pháp cũng không hề đơn giản. Ngày nay để học tiếng nước ngoài có rất nhiều công cụ hỗ trợ, nhưng ngày xưa chúng tôi chỉ có duy nhất cuốn sách để học mà thôi. Thật sự, thời gian đó tôi luôn sống trong cảm giác cực kỳ lo lắng. Nhưng vì nhiệm vụ của ngành giao, khi đã nhận việc, tôi luôn tự nhủ và hối thúc bản thân rằng, phải nỗ lực, cố gắng hết sức để hoàn thành trách nhiệm.

Và sau một thời gian làm việc, tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất mà mình tưởng chừng như không thể hoàn thành được, thậm chí mình còn thực hiện tốt. Phải nói là lúc này, tôi cảm thấy vô cùng tự hào và hài lòng với nỗ lực của chính bản thân, vượt qua được chính nỗi lo lắng mà bản thân còn hoài nghi. Và cũng rất vui mừng, những thành quả này, tôi đã được Tổng cục Dầu khí đánh giá tốt. Những kết quả đầu tiên ấy đã được ngành Dầu khí sử dụng để vẽ những tờ bản đồ đầu tiên về tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam.

Trong những hoạt động trên biển lúc bấy giờ, có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi không quên. Hôm đó vào một ngày đầu tháng 3 năm 1976, Đội Địa chấn biển bắt đầu ra khơi lần đầu tiên, tiến hành khảo sát địa vật lý trên cấu tạo Bạch Hổ - trước đó Công ty Mobil của Mỹ đã phát hiện và khoan một giếng khoan thấy dầu. Bấy giờ chúng tôi cần kiểm tra lại các tài liệu, kiểm tra vị trí xem có đúng như những gì được công bố không. Đội tàu của chúng tôi ra đến cửa sông Sài Gòn thì bắt đầu sóng to, chiều tối chúng tôi tới vị trí của mỏ Bạch Hổ.

Khi chuẩn bị thả các thiết bị xuống khảo sát thì bão đến, chúng tôi chỉ khảo sát được vài cây số thì phải cuốn cáp chạy bão. Hồi đó, các tàu ra khảo sát là tàu bé, mà những tàu này không thể chịu được mưa bão to. Lúc này, trên tàu ai cũng ngả nghiêng vì say sóng. Tôi cũng nôn nao nhưng cố gắng chịu đựng. Tình thế bắt đầu nguy cấp, chúng tôi cân nhắc: Nếu quyết định không bám trụ lại đợi bão tan mà quay vào bờ tránh bão thì chúng tôi sẽ mất đứt 3 ngày - quay về bờ và quay ra tiếp tục khảo sát. Mà theo hợp đồng thuê tàu với Pháp, chi phí mỗi ngày ngốn mất 33 nghìn franc, trong khi đó ngân sách đang phải vay nợ nước ngoài.

nganh dau khi cho toi nhung ky niem khong the quen

Khi chúng tôi trao đổi và xin ý kiến trong đất liền, Công ty Dầu khí Nam Việt Nam chưa chấp nhận cho tàu quay về và ngày hôm đó chúng tôi quyết định ở lại. Nhưng đêm đó, có một đồng chí bị đau ruột thừa, có thể không qua nổi nên chúng tôi phải quyết định cho tàu quay vào bờ. Tuy nhiên, lên đất liền, đồng chí bị đau ruột thừa bỗng khỏi, không đau nữa. Thực sự lúc đó chúng tôi vừa giận, vừa thương và cũng rất khổ tâm. Nhưng tôi hiểu rằng, đồng chí đó đã bị say sóng quá mức; ruột gan cồn cào, bứt rứt không chịu nổi khiến tâm trí rơi vào trạng thái khủng hoảng.

Vào đất liền thì thời tiết cũng dần khá lên, nên chúng tôi lại chuẩn bị quay ra biển tiếp tục khảo sát. Tuy nhiên, lúc này lại có một vài đồng chí không chịu đi. Mà trong đội khảo sát, mỗi người đảm nhiệm một khâu, một phần việc, thiếu một vị trí nào cũng khó hoàn thành tốt công việc. Cuối cùng chúng tôi vẫn quyết định lên đường, ai không đi, thiếu vị trí nào thì ra ngoài đó sẽ tùy cơ ứng biến. Nhưng may mắn đến với chúng tôi khi nhiệm vụ cuối cùng cũng đã hoàn thành trọn vẹn.

Hơn 40 năm gắn bó với ngành Dầu khí, có những thời điểm mà cùng lúc nhiều khó khăn ập đến: thời tiết không thuận lợi, con người thì có một số thiếu cố gắng hoặc có vấn đề về sức khỏe, nhưng nếu chúng ta quyết tâm và kiên trì bám theo kế hoạch, tìm các biện pháp giải quyết thì mọi chuyện vẫn cứ được hoàn thành tốt đẹp, khó khăn sẽ vượt qua. Đó cũng là bài học tôi rút ra sau này, dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào cũng phải kiên trì và vững tâm, bản thân đã xác định được đúng mục tiêu rồi thì phải nỗ lực tìm đường tới đích.

Cũng trong thời gian gắn bó với biển khơi này, có một kỷ niệm nữa vô cùng đáng nhớ với tôi. Sau 2 tháng lênh đênh khảo sát trên biển thì chúng tôi gặp bão. Khi đó vị trí của tàu đang ở gần Côn Đảo và chúng tôi quyết định sẽ vào Côn Đảo tránh bão.

Trước đó, tôi mới chỉ nghe nói, chứ chưa biết Côn Đảo ra sao. Cứ theo bản đồ, chúng tôi hướng về phía Côn Đảo. Cách chừng nửa cây số, Côn Đảo đã hiện lên rất rõ, chúng tôi thả neo, nghỉ chờ tránh bão. Sáng hôm sau, mọi người gọi nhau vào Côn Đảo thăm thú, bởi các anh em trên tàu chưa từng biết đến vùng đất nổi danh này. Tàu của chúng tôi cách bờ chừng nửa cây số, cũng không quá xa, các anh em bàn nhau bơi vào bờ, chứ không hạ thuyền xuống sẽ mất công hơn. Mọi người nghĩ, toàn là thanh niên, bơi vào bờ một chút cũng không sao. Thế là mọi người hùa nhau mang phao cá nhân nhảy xuống bơi vào bờ, tôi cũng trong nhóm thanh niên đó. Khi chúng tôi bơi vào gần đến bờ thì bà con ngư dân bỗng tập trung khá đông sát bờ. Tôi nghe tiếng họ bàn tán và tâm trạng ai cũng xáo xác. Khi lên đến bờ, một bác nói với chúng tôi: “Sao các cháu liều lĩnh thế? Đây là mũi cá mập! May cho các cháu, hôm nay do thời tiết độc, biển động nên cá mập không bơi vào đây, chứ nếu ngày thường thì các cháu đã nằm trong bụng cá mập hết rồi”.

Nghe nói thế, chúng tôi rùng mình khi biết cả đoàn vừa thoát chết. Khi đó tôi mới 29 tuổi. Giờ nghĩ lại mới thấy tuổi trẻ bồng bột, suy nghĩ đơn giản cứ thấy bờ là bơi vào và cũng rất thiếu kinh nghiệm đi biển. Đến khi quay ra, chúng tôi phải gọi tàu cho hạ thuyền con vào đón. Đó cũng là một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên trong những ngày đầu gắn bó với ngành Dầu khí. Và bài học tôi rút ra sau lần này là trước khi làm bất cứ việc gì cũng phải suy nghĩ cẩn trọng, không thể hấp tấp, vội vàng và phải khảo sát, nắm tình hình đầy đủ mới bắt tay vào thực hiện.

Hơn 40 năm gắn bó, ngành Dầu khí đã tôi rèn cho chúng tôi ý chí, nghị lực và một niềm tin vững tâm, bền chí để có thể gặt hái được những thành quả. Và cho đến hôm nay, cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người đã đam mê với nghề như chúng tôi vẫn luôn tự hào rằng, mình là người Dầu khí.

Nguyễn Đăng Liệu

Nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN

Nguyên Giám đốc PV1, nguyên Giám đốc Công ty Địa vật lý

DMCA.com Protection Status