Ngành Dầu khí sẽ làm tốt hơn công tác bảo hộ an toàn lao động

08:00 | 23/08/2013

1,207 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Công đoàn Dầu khí Việt Nam vừa tổ chức “Tập huấn Công tác bảo hộ lao động 2013” vào ngày 20/8/2013 tại Hà Nội. Đợt tập huấn có sự tham gia của 150 cán bộ công đoàn phụ trách bảo hộ lao động (BHLĐ), an toàn, vệ sinh, môi trường của gần 100 đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Đây là một hoạt động bổ ích nhằm cập nhật các kiến thức về chính sách, pháp luật lao động cho các cán bộ công đoàn trong ngành Dầu khí.

Công tác Bảo hộ lao động là chính sách hàng đầu

Trong suốt 50 năm xây dựng và phát triển, với đặc trưng là một ngành có hàm lượng kỹ thuật cao, chủ yếu hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu vực nguy hiểm như ngoài biển rộng, dưới đáy biển, trong sa mạc… Tập đoàn Dầu khí luôn là một trong những tập đoàn có các chính sách và sự quan tâm đối với công tác bảo hộ lao động. Chính vì vậy, những đợt tập huấn về công tác BHLĐ cho cán bộ công đoàn, đội ngũ an toàn vệ sinh viên, người lao động trong ngành thường xuyên đươc tổ chức.  

Buổi tập huấn công tác Bảo hộ lao động ngành Dầu khí năm 2013 được  đồng chí Nguyễn Trung Sơn, Phó trưởng ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trực tiếp giảng dạy cập nhật các kiến thức, luật pháp về BHLĐ, an toàn vệ sinh môi trường cho cán bộ công đoàn phụ trách an toàn, vệ sinh môi trường trong toàn ngành. Chương trình tập huấn có 5 nội dung chính. Trong đó có những nội dung đáng chú ý như hướng dẫn tổ chức bộ máy thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, công tác kiểm tra và tự kiểm tra công tác BHLĐ cơ sở, hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên, phương pháp và cách thức tổ chức “Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi”…

Toàn cảnh lễ khai mạc tập huấn công tác bảo hộ lao động 2013

Hai buổi tập huấn đã diễn ra sôi nổi với sự thảo luận nhiệt tình của các học viên về các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Những vấn đề nổi bật được thảo luận rất nhiệt tình là “quyền của người lao động”, “tuổi nghỉ hưu và những yêu cầu bắt buộc dành cho lao động lớn tuổi”…  Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình và phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp. Người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc đó hoặc trở lại nơi làm việc đó nếu nguy cơ chưa được khắc phục. Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân.

Về độ tuổi nghỉ hưu quy định rõ tuổi hưu có thể cao hoặc thấp hơn thông thường cho một số nhóm đối tượng theo quy định của Chính phủ. Thông thường, tuổi nghỉ hưu là 60 với nam giới và 55 với nữ giới theo quy định tại khoản 1 Điều 187 Bộ luật Lao động 2012. Tuy nhiên, Chính phủ có thẩm quyền quy định chi tiết tuổi nghỉ hưu cao hoặc thấp hơn trong một số trường hợp nhất định. Cụ thể, 2 khoản 2 và 3 Điều 187 về tuổi nghỉ hưu quy định như sau: “2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này; 3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định tại khoản 1 điều này”.

Công tác bảo hộ lao động tại công đoàn cơ sở

Công đoàn cơ sở có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể trong công tác an toàn - vệ sinh lao động. Trong đó, công đoàn thay mặt người lao động tham gia xây dựng và ký thỏa ước lao động tập thể trong đó có các điều khoản về an toàn - vệ sinh lao động; Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động; Chấp hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, các biện pháp làm việc an toàn và phát hiện kịp thời những hiện tượng thiếu an toàn, vệ sinh trong sản xuất, đấu tranh với những hiện tượng làm bừa, làm ẩu, vi phạm quy trình kỹ thuật an toàn.

Phó chủ tịch Công đoàn PVN Nguyễn Mạnh Kha phát biểu tổng kết tập huấn công tác bảo hộ lao động 2013

Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phải tổ chức lấy ý kiến tập thể người lao động khi tiến hành các công việc sau: Xây dựng nội quy, quy chế quản lý an toàn - vệ sinh lao động; Xây dựng kế hoạch an toàn - vệ sinh lao động; Đánh giá việc thực hiện các chế độ chính sách BHLĐ, biện pháp bảo đảm an toàn, sức khỏe người lao động; Tổng kết rút kinh nghiệm hoạt động an toàn - vệ sinh lao động của công đoàn ở cơ sở để tham gia với người sử dụng lao động. Công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động để đẩy mạnh phong trào bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động; Động viên khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến cải tiến thiết bị, máy, công nghệ nhằm cải thiện môi trường làm việc, giảm nhẹ sức lao động; Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác bảo hộ lao động cho cán bộ đoàn và mạng lưới an toàn - vệ sinh viên.

Công đoàn cơ sở có những quyền hạn như: Tham gia với người sử dụng lao động trong việc xây dựng các quy chế, nội quy quản lý về an toàn - vệ sinh lao động; Tổ chức đoàn kiểm tra độc lập của công đoàn hoặc tham gia các đoàn tự kiểm tra do cơ sở lao động tổ chức để kiểm tra việc thực hiện kế hoạch an toàn - vệ sinh lao động, thực hiện các chế độ chính sách an toàn - vệ sinh lao động và các biện pháp bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động; Kiến nghị với người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp an toàn - vệ sinh lao động và phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo đúng các quy định của pháp luật; Tham gia điều tra tai nạn lao động, tham dự các cuộc họp kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn - vệ sinh lao động tại cơ sở lao động.

Phát biểu tổng kết tập huấn công tác Bảo hộ lao động, đồng chí Nguyễn Mạnh Kha, Phó chủ tịch Công đoàn PVN nhấn mạnh: “Ngành Dầu khí chúng ta là một ngành kỹ thuật cao, hoạt động trên các khu vực rộng lớn, môi trường khắc nghiệt như biển khơi, sa mạc, xây dựng các dự án lớn tại các vùng sâu, vùng xa… Chính vì vậy, phần lớn người lao động trong ngành phải làm việc tại các môi trường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm có nguy cơ gây ra tai nạn lao động. Được đánh giá là một trong những ngành đang làm tốt công tác bảo hộ lao động nhưng chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa để xứng đáng với chức năng chủ yếu của công đoàn chính là bảo vệ người lao động. Bảo vệ bằng những chính sách BHLĐ tốt, bằng cách thực hiện BHLĐ cho người công nhân dầu khí, tạo ra và cải thiện môi trường lao động luôn an toàn, ngày càng tốt hơn để đạt hiệu quả lao động tốt nhất…” .

Tập huấn công tác bảo hộ lao động đã đem lại nhiều điều bổ ích cho các cán bộ công đoàn, phụ trách an toàn, vệ sinh viên. Phần lớn học viên đều bày tỏ mong muốn có thêm nhiều buổi tập huấn về công tác BHLĐ hoặc kéo dài thêm thời gian học tập của các lớp tập huấn sắp tới.

Bùi Công

DMCA.com Protection Status