Nghề 'bắt mạch' dưới 'âm phủ' (Kỳ 1)

07:00 | 21/04/2016

1,625 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Giếng khoan trong ngành Dầu khí được ví như một cơ thể con người, có lúc nó hoạt động tốt như lúc con người khỏe mạnh, nhưng cũng có lúc trục trặc như cơ thể con người lúc ốm đau. 

Vì dầu khí nằm sâu hàng nghìn mét trong các tầng đất đá nên những công việc liên quan đến tìm kiếm, khai thác luôn chứa đựng nhiều điều thú vị xung quanh. Để những người “ngoại đạo” dễ hình dung, người trong ngành Dầu khí hay ví giếng khoan như là một con người, nó có sinh ra, trưởng thành, già nua rồi mất đi; cũng như có khi nó khỏe mạnh, có lúc lại ốm đau. Tương đương với đó là khi giếng được tiến hành khoan, rồi đưa vào khai thác, sau một thời gian thì giếng bắt đầu cạn dầu và kết thúc dòng đời của một giếng là người ta hủy giếng bằng cách bịt lại bằng cầu xi-măng.

Và, khi giếng khoan được ví như là một cơ thể con người thì đương nhiên phải có người thực hiện công tác “bắt mạch” cho nó. Nói nôm na là giống như trong y học con người vậy. Và sự thật là đúng như thế!

Tôi đã mất hơn 1 tháng để đi tìm những người “bắt mạch” giếng dầu. Sở dĩ lâu như vậy là vì trong ngành Dầu khí Việt Nam hiện nay chỉ có một vài bộ phận chuyên thực hiện công tác “bắt mạch” này, với đầy đủ những trang thiết bị máy móc hiện đại nhất. Kế đến, vì đó là một công việc đặc thù nên không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ. Bản thân tôi cũng đã vài lần bị từ chối gặp.

Nhưng rồi may mắn đã mỉm cười, tôi tìm được những người cần tìm. Họ là những người ở đội đo Địa Vật lý tổng hợp (ĐVLTH), đội đo Kiểm tra khai thác (KTKT) và trung tâm Phân tích và Xử lý số liệu (PT&XLSL) của Xí nghiệp Địa Vật lý Giếng khoan (ĐVLGK), thuộc Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro. Họ cũng chính là những người chuyên tham gia thực hiện công tác “bắt mạch” giếng dầu chính yếu nhất, không chỉ riêng của Vietsovpetro mà cho cả ngành Dầu khí Việt Nam hiện nay. 

“Siêu âm” cho giếng

Điều thú vị đầu tiên là ngay khi giếng đang được tiến hành khoan, cũng giống như con người sắp được “sinh ra” là người ta đã bắt đầu thực hiện công tác “bắt mạch” rồi! Nếu như trong y khoa, việc siêu âm trước khi sinh là nhằm kiểm tra tình trạng sức khỏe, dị tật, giới tính thai nhi… thì mục đích của việc đo đạc địa vật lý trong giai đoạn giếng đang khoan cũng gần giống như vậy. Bởi từ các thông số thành hệ giếng khoan như: đường kính, nhiệt độ, điện trở, độ rỗng, mật độ đất đá… đo đạc được thì người ta sẽ xác định được tiềm năng chứa dầu của giếng thế nào; vị trí của các vỉa có khả năng chứa dầu, khí ... và từ đó xác định ra khoảng bắn mìn mở vỉa để tiến hành khai thác dầu.

nghe bat mach duoi am phu ky 1
Đội Công nghệ cao chuẩn bị thiết bị đo khảo sát địa vật lý thân trần tại giếng khoan

Chính đội đo ĐVLTH, bộ phận Công nghệ cao (CNC) của Xí nghiệp ĐVLGK sẽ thực hiện những công việc đo đạc ban đầu này. Quy trình làm việc của họ như sau: khi đội khoan thăm dò khoan đến một tầng nhất định thì đội CNC thả thiết bị đo xuống giếng thân trần để đo. Cứ thế công việc của hai đội tiến hành song song với nhau, cho đến khi đội khoan kết thúc giếng khoan thì đội CNC cũng có đầy đủ các thông số địa vật lý của giếng.

Sau đó, tất cả các số liệu đo đạc được chuyển về Trung tâm PT&XLSL để phân tích, minh giải và đưa ra kết luận về giếng khoan đó. Cụ thể là kết luận có nên bắn mìn mở vỉa hay không và nếu có thì bắn ở những vị trí nào. Điều này cũng giống như trong y khoa kết luận đứa con sinh ra đó khỏe mạnh hay không vậy!

Điều thú vị tiếp theo là để bắt mạch dưới “âm phủ”, đội CNC cũng sử dụng những phương pháp và nguyên tắc làm việc gần như tương tự như trong y học con người. Trong đó có 3 phương pháp đo chủ yếu đó là phương pháp siêu âm, xạ và đo điện trở suất. Đây là 3 phương pháp cơ bản nhất để đánh giá tiềm năng chứa dầu của giếng khoan và mỗi phương pháp dùng rất nhiều thiết bị máy móc khác nhau để đo.

Đặc biệt nhất có lẽ là các phương pháp công nghệ tiên tiến như phương pháp chụp hình ảnh lòng giếng khoan thân trần bằng phương pháp đo điện trở EMI, siêu âm CAST. Các phương pháp này gần giống như nội soi trong y học, máy sẽ quét hình ảnh theo 360 độ dọc lòng giếng khoan từ dưới lên trên. Hình ảnh thu được phương pháp này khá rõ nét, là hình ảnh 360 độ với màu sắc rất bắt mắt chứ không còn là những đường uốn lượn như những con giun nữa.

Anh Phạm Văn Tuấn (sinh năm 1964), Trưởng bộ phận CNC cho tôi biết rằng công việc của đội anh nguy hiểm nhất ở chỗ là thường xuyên tiếp xúc với nguồn phóng xạ và chất nổ khi đo phương pháp xạ và trong công tác bắn mìn cứu kẹt hay mở vỉa. Vì thế những người trực tiếp thao tác với các thiết bị này phải được đào tạo kỹ lưỡng, bài bản nhất để tránh những rủi ro, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người và an toàn của giếng khoan cũng như môi trường.

Tuy nhiên, cũng đã có những sự cố bất ngờ xảy ra.

nghe bat mach duoi am phu ky 1
Trưởng bộ phận đo ĐVLTH, anh Phạm Văn Tuấn

Anh Tuấn kể, khoảng năm 1990, đội anh thả máy có nguồn phóng xạ xuống lòng giếng để đo phương pháp xạ độ rỗng HHK. Khi đang tiến hành ghi tài liệu thì bị đứt cáp nối, máy rơi tự do xuống giếng khoan. Nếu đó là một máy đo thông thường thì vấn đề không có gì phức tạp, tuy nhiên đó là máy chứa nguồn phóng xạ, nó có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và con người. “Bản thân tôi cũng như mọi người đang làm việc lúc đó đều có tâm lý mệt mỏi vô cùng” – anh Tuấn nói. Và trước sự cố nghiêm trọng đó, nếu không cứu được nguồn phóng xạ lên thì sẽ liên đới tới nhiều ban ngành từ phía Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Tài nguyên - Môi trường. Họ phải trực tiếp đến để bàn cách xử lý nguồn phóng xạ này. Rất may là sau khi tiến hành thực hiện phương pháp cứu máy thì đội anh Tuấn đã “vớt” máy và nguồn phóng xạ lên được.

Khỏi phải nói là mọi người vui mừng đến cỡ nào! Anh Tuấn nhớ như in một chi tiết là anh đội phó phụ trách công tác đo đạc lúc đó đã tháo nguồn phóng xạ ra khỏi máy, đưa lên nhìn với niềm hân hoan như vừa tìm thấy một bảo vật. “Đó cũng chính là hình ảnh ấn tượng nhất với tôi bởi thứ mà anh đội phó kia đang cầm là nguồn phóng xạ có thể gây chết người. Nhưng chính niềm vui mừng khi vớt được máy lên, cũng chính là đã khai trừ được một mối họa lớn cho môi trường, con người sau này đã khiến anh ta quên đi nguy hiểm đó!”  - Anh Tuấn chia sẻ. Và sự cố đó cũng là trường hợp độc nhất cho đến bây giờ.

Trở lại quá trình “bắt mạch” cho dòng đời của một giếng khoan. Sau khi Trung tâm PT&XLSL đưa ra chuẩn đoán rằng giếng khoan mới “sinh ra” có khả năng chứa dầu và quyết định bắn mìn mở vỉa thì đội gọi dòng - thử vỉa sẽ thả thiết bị để gọi dòng sản phẩm. Nếu có dòng sản phẩm thì đội đo KTKT sẽ đến thả thiết bị xuống lòng giếng để tiến hành đo đạc các số liệu (nhiệt độ, áp suất, mật độ chất lưu, hàm lượng nước, lưu lượng dòng,…) nhằm xác định thông tin về mặt cắt dòng và sự phân bố lưu lượng dầu trong từng vỉa. Đây được xem là lần “bắt mạch” chính thứ hai cho một giếng khoan.

Tầm quan trọng của lần đo đạc này là để xác định xem tập vỉa nào làm việc chủ yếu (cho dòng dầu, khí), tập vỉa nào làm việc thứ yếu, tập vỉa nào ra nước,... Ví dụ trong một giếng có 4, 5 tập vỉa thì không phải vỉa nào cũng cho dầu và lưu lượng dầu ra từ các vỉa là khác nhau. Đây cũng là những thông tin quan trọng mà khách hàng – nhà quản lý mỏ cần biết để đưa ra quy trình khai thác cho hợp lý và duy trì khả năng thu hồi sản phẩm tối đa.

“Bệnh” của giếng khoan

Theo Trưởng bộ phận KTKT, anh Vũ Quang Trung (sinh năm 1961) thì công việc quan trọng nhất của đội KTKT không chỉ là việc trên mà đó là việc “bắt mạch” trong suốt thời gian hoạt động của giếng khoan khai thác. Như đã ví von, giếng dầu cũng giống như một cơ thể con người, có lúc giếng hoạt động tốt như lúc con người khỏe mạnh, nhưng cũng có lúc nó trục trặc giống như con người ốm đau khi trái gió trở trời. Và cũng như con người càng về già, giếng hoạt động lâu ngày thì càng “yếu”, càng dễ sinh “bệnh”.

nghe bat mach duoi am phu ky 1
Anh Vũ Quang Trung, trưởng bộ phận KTKT

Khi giếng có những biểu hiện bất thường như lưu lượng giảm, nước lên nhiều,… cũng giống như con người bị “sổ mũi”, “nhức đầu” chẳng hạn thì người chủ mỏ sẽ đặt hàng Xí nghiệp ĐVLGK yêu cầu đội KTKT đến thả thiết bị xuống lòng giếng để kiểm tra. Từ các số liệu đo được, qua phân tích, minh giải của Trung tâm PT&XLSL thì sẽ xác định được nguyên nhân gây ra những bất thường và vị trí của những bất thường đó. Dựa vào những kết luận này, chủ mỏ sẽ là người đưa ra những giải pháp khắc phục, xử lý phù hợp nhất. Họ đóng vai trò như vừa là “cha mẹ” của giếng, cũng vừa là những người trực tiếp kê “đơn thuốc” từ chuẩn đoán của các “bác sĩ” của Xí nghiệp ĐVLGK!

“Bệnh” của giếng khai thác thì có nhiều loại, thường gặp nhất là tình trạng ngập nước, tức lượng nước theo dòng sản phẩm dầu khai thác lên là quá nhiều so với giai đoạn khai thác ban đầu. Theo số liệu thống kê thì tình trạng này chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bất thường của giếng khai thác của Vietsovpetro hiện tại, đến 45%. Kế đến là vấn đề sụt giảm sản lượng dầu khai thác… 

Và với mỗi “bệnh” của giếng khoan thì có nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn như tình trạng ngập nước, có thể do chất lượng xi-măng ngăn cách vỉa không tốt, làm vỉa nước tràn vào vỉa dầu… Rồi tình trạng suy giảm sản lượng cũng có nhiều nguyên nhân: sau một thời gian khai thác thì ống chống bị gỉ sét khiến chất lưu mang theo các cặn bẩn lấp kín lỗ bắn mìn mở vỉa ban đầu; cũng có thể do áp suất một vỉa dầu nào đó bị giảm đi sau thời gian khai thác…

Đương nhiên, người chủ mỏ không thể nào biết những nguyên nhân gây bệnh của những “đứa con cưng” này, họ chỉ biết là chúng đang “ốm yếu” mà thôi. Trung tâm PT&XLSL sẽ là đơn vị cung cấp cho họ biết nguyên nhân và vị trí “gây bệnh” từ kết quả phân tích số liệu đo của đội  KTKT. Từ đó, chủ mỏ sẽ đưa ra giải pháp khắc phục. Cụ thể, họ có thể tiến hành sửa giếng để bịt vỉa nước hoặc bắn lại mìn thông vỉa, hoặc chuyển phương pháp khai thác… 

Song, việc đo KTKT không chỉ để “bắt mạch” cho giếng khai thác khi “có bệnh” mà còn được tiến hành kiểm tra “sức khỏe” định kỳ sau 6 tháng hoặc 1 năm theo yêu cầu của chủ mỏ. Việc kiểm tra này nhằm mục đích sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường và có hướng chữa trị kịp thời cho giếng.

“Có trường hợp nào thả máy xuống lòng giếng đo ròng rã suốt mấy ngày liền nhưng khi kéo lên  thì … không có dữ liệu gì không?!”- Tôi có hỏi anh Trung như vậy. Anh cho biết, chuyện đó là có xảy ra và đó cũng chính là hạn chế khi dùng máy đo công nghệ mới. Bởi tất cả các số liệu đo đạc được trong suốt một quá trình đo của công nghệ Memory sẽ được lưu trực tiếp vào bộ nhớ gắn cùng tổ hợp máy giếng. Sau khi thả máy xuống lòng giếng thì người ở trên cũng như người mù! Họ không thể trực tiếp theo dõi được hoạt động của tổ hợp máy để có những quyết định kịp thời. Chỉ sau khi kết thúc quá trình đo, kéo máy lên và chuyển dữ liệu ra máy tính thì họ mới biết được kết quả đo có đạt hay không?! Nếu không may có bất cứ một trục trặc nào như máy hỏng, PIN không đủ cấp nguồn,… thì gần như là phải tiến hành thả máy xuống đo lại từ đầu. Mà mỗi chu trình đo như vậy thì không phải chỉ vài giờ, mà ít nhất là trong vòng 1 ngày đêm tùy vào đối tượng đo…

Có lẽ cay cú nhất là khi đội đo thực địa rơi vào “bi kịch” đó!

nghe bat mach duoi am phu ky 1
Đội KTKT đang thả thiết bị xuống lòng giếng để đo kiểm tra khai thác

Ngược lại, công nghệ cũ (SRO) có ưu thế là tổ hợp máy thả xuống lòng giếng được kết nối với thiết bị bề mặt bằng dây cáp dẫn điện. Quá trình đo sẽ được thể hiện suốt trên màn hình ở thời gian thực. Khi có bất cứ trục trặc gì thì người đo đều phát hiện được nên sẽ kéo máy lên khắc phục ngay…

Sẽ không có gì bàn cãi nếu nói công việc của nhóm thực địa ngoài giàn, như đội đo ĐVLTH chỗ anh Tuấn hay đội đo KTKT của anh Trung là rất quan trọng. Bởi số liệu đo đạc của họ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả phân tích, minh giải và đưa ra kết luận cuối cùng về tình trạng giếng khoan của Trung tâm PT&XLSL. Tuy nhiên khâu phân tích số liệu và đưa ra kết luận - khâu cuối cùng (sản phẩm đầu ra) của Xí nghiệp ĐVLGK vẫn là mang tính quyết định nhất. Thậm chí, có những lúc các số liệu đo đạc thực địa gửi về phản ánh nhiều bất thường và lúc này chính là lúc mà tất cả phụ thuộc vào sự sáng suốt, nhạy bén và bề dày kinh nghiệm của người làm công tác phân tích, minh giải số liệu để đưa ra kết luận kịp thời, chính xác nhất.

Nếu ta lấy ví dụ về công tác chụp X-quang trong y khoa để so sánh thì người đo ĐVLTH và đo KTKT chính là người bác sĩ thực hiện công tác chụp, còn người tiến hành phân tích, minh giải số liệu chính là người bác sĩ đọc kết quả X-quang. Họ là người trực tiếp chỉ ra giếng đó có “bệnh” hay không và có thì đang bị “bệnh” ở chỗ nào?!

Lê Trúc

DMCA.com Protection Status