Nghĩa tình Nga - Việt

07:43 | 04/11/2017

933 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sau giai đoạn mò kim đáy bể, cuối những năm 80 của thế kỷ trước, như Phù Đổng Thiên Vương, ngành Dầu khí đã bắt đầu trỗi dậy mãnh liệt.

Nhìn con ngựa sắt khổng lồ ngày đêm hừng hực phun ngọn lửa hồng sáng rực Biển Đông làm ấm lòng nhân dân cả nước. Công thức của Bộ trưởng phụ trách dầu khí Đinh Đức Thiện định ra trước đó là: dầu khí = Bộ đội + chuyên gia Liên Xô, đến lúc này đã thành hiện thực. Chủ tịch nước Trần Đức Lương ngày ấy đã ghi nhận: “Trong 3 đồng Nhà nước đang tiêu lúc này có 1 đồng của ngành Dầu khí”.

Hiện nay, với nhiều lý do Tập đoàn Dầu khí tạm thời đang lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, bình tĩnh lại mà nhìn, chúng ta không thể phủ nhận công lao to lớn mà Tập đoàn đã đem lại cho nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay. Trong những ngày kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chúng ta cùng nhau quay lại tìm hiểu một nguyên nhân mang tính cơ sở đã tạo nên sự thành công ấy ở trong ngành Dầu khí Việt Nam của chúng ta.

Đã có nhiều chuyện để nói, nhiều vấn đề để bàn về những ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga với đất nước ta. Xin được nói về một điều rất cụ thể, đó là một đơn vị liên doanh giữa Việt Nam và Liên Xô (bây giờ Liên bang Nga kế thừa), hiện đang hoạt động, hoạt động ổn định và phát triển mạnh mẽ. Trong nhiều công trình trọng điểm của sự hợp tác giữa hai nhà nước, Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) là biểu hiện tập trung nhất, rực rỡ nhất, mang đầy đủ đặc trưng hữu nghị của những năm cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội và hiện nay đang phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở Việt Nam.

Trong tất cả những thành công của mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội... cái gốc là sự đào tạo. Trong những năm đầu thập niên 60 Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo và tái đào tạo hàng vạn lượt công nhân kỹ thuật của các ngành nghề khác nhau, cho tới những bậc đại học và trên đại học. Đặc biệt trong ngành Dầu khí, từ những người đã và đang giữ trọng trách cho tới đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật ở các đơn vị, hầu hết đều được đào tạo từ cái nôi của khoa học công nghệ dầu khí Xôviết. Suy cho cùng, đó là thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga mà chúng ta đã và đang thừa hưởng.

nghia tinh nga viet
Công nhân Việt - Nga trao đổi kinh nghiệm trên giàn khai thác

Chỉ tính riêng ở Vietsovpetro cuối tháng 6-2006, đây là thời điểm mang tính bình quân những đặc trưng của giai đoạn tương đối ổn định để ta làm nhiều phép so sánh, số người được đào tạo ở Liên Xô đã có: công nhân kỹ thuật đang trực tiếp sản xuất là 292 người, cán bộ đại học 372 người và 29 người có trình độ trên đại học. Đây là những hạt nhân, là nguồn nội lực của một đơn vị liên doanh lớn, họ đang sát cánh cùng những người Nga (được hiểu gồm cả một số người thuộc các dân tộc trong Liên bang Xôviết cũ, họ là những chuyên gia giỏi nên vẫn được giữ lại sau khi nước Nga trở thành đối tác kế thừa) ngày đêm thăm dò, tìm kiếm và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc Việt Nam. Tổng giám đốc đầu tiên của liên doanh này là ông Mamedov đã về nước sau nhiệm kỳ thứ nhất của liên doanh, trong giai đoạn sóng gió và cam go nhất của Vietsovpetro.

Xem lại bảng thống kê quá trình xây dựng và phát triển của Vietsovpetro, ta thấy những con số đáng để ta trân trọng. Những ngày đầu còn trong giai đoạn “đáy bể mò kim”, người Nga ở đây chiếm tới 80% tổng số của liên doanh. Ngày 6-9-1988 bắt đầu áp dụng công nghệ mới để khai thác dầu thô từ tầng móng ở mỏ Bạch Hổ, nhờ vậy đã tạo tiền đề đưa sản lượng khai thác của những năm tiếp theo tăng vọt. Chính trong thời điểm của năm 1988 ấy, số người Nga làm việc tại đây đang ở vào biên độ cực đại với 1.691 người, họ đã cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp dầu khí Việt Nam. Cũng xin phép được nói rằng, ngày ấy đồng lương của Vietsovpetro còn khiêm tốn lắm, mọi người làm việc theo tinh thần Quốc tế Cộng sản cao cả mà chế độ xã hội chủ nghĩa đã trang bị cho họ.

Hiện nay, người Việt Nam ở Vietsovpetro đã thay thế người Nga trong hầu hết công việc chính, kể cả quản lý, điều hành và trực tiếp sản xuất. Số người Nga làm việc ở đây tính đến giữa tháng 10-2017 chỉ còn 539 người, tuy nhiên trong số họ vẫn có nhiều người đang đảm nhận những công việc quan trọng. Cũng tính đến thời điểm này, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã khai thác được trên 227 triệu tấn dầu thô, đưa vào bờ trên 32 tỉ m3 khí đồng hành và đóng góp ngân sách gần 48 tỉ USD. Đây là những con số rất ấn tượng xứng đáng là niềm tự hào của ngành Dầu khí Việt Nam.

Trong Vietsovpetro có một tấm gương điển hình cho tình hữu nghị cao cả mà nhiều người đã biết, đó là ông Oseredko. Những kỷ niệm đẹp đẽ về cuộc đời ông với Việt Nam vẫn còn được lưu truyền. Là chuyên gia đường ống bể chứa, ông đã làm việc ở Vietsovpetro với chức danh kỹ sư trưởng, phụ trách thiết kế tuyến đường ống dẫn khí đốt từ mỏ Bạch Hổ vào đất liền. Ông đến Việt Nam từ tháng 12-1967 cùng đoàn chuyên gia của Viện Công nghệ Đường ống phương Nam, thuộc Bộ Công nghiệp Dầu khí Liên Xô để giúp Bộ Vật tư khảo sát, thiết kế và thi công tuyến đường ống dẫn xăng dầu từ cảng Bến Phao ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) về kho Nhân Vực (Hà Tây).

Thời gian này không quân Mỹ đánh phá miền Bắc rất ác liệt, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho các chiến trường miền Nam, xăng dầu là loại hàng đặc biệt, Không quân Mỹ coi đây là những mục tiêu cần phải tận diệt. Chỉ tính từ năm 1966 đến năm 1968 các kho xăng dầu của Nhà nước ở Bãi Cháy, Thượng Lý và Bến Thủy đã bị đánh đi đánh lại nhiều lần. Đặc biệt kho H150 của Cục xăng dầu Quân đội, trong 3 năm ấy đã bị đánh liên tiếp 169 trận, với 2.420 quả bom phá, bom sát thương, 1.545 quả đạn tên lửa và rốc két, chưa kể đạn pháo của tàu chiến địch từ ngoài biển bắn vào.

Trước yêu cầu về xăng dầu phục vụ chiến trường, Chính phủ đã giao cho Bộ Vật tư kéo tuyến ống này, để tiếp nhận xăng dầu từ cảng Bến Phao ở Bãi Cháy vào kho Hải Dương rồi về kho Nhân Vực. Tuyến gồm hai đường ống ф 150 đi song song vượt ngang dưới lòng sông Hồng, sông Thái Bình và 7 con sông nhỏ khác để về kho. Ông đã lăn lộn cùng quân dân Việt Nam chống trả cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, bằng cách đưa nhiên liệu, một loại hàng chiến lược, tiếp cận những nơi địch đánh phá ác liệt, để cung cấp cho những đoàn xe tiếp viện hàng ra tiền tuyến. Ông đã vào khảo sát và làm việc ở vùng đất thép Vĩnh Linh bên bờ sông Bến Hải. Kỷ niệm khó quên đối với Việt Nam, ông đã chứng kiến quân và dân bờ bắc Bến Hải bắn rơi chiếc máy bay thứ 101 của Mỹ đến oanh tạc vùng này.

Năm 1969 ông đã được Chính phủ Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Hữu Nghị. Ông tâm sự: “Tôi có dịp ở Việt Nam trong những năm đánh Mỹ, tôi đã được chứng kiến những cô gái miền Bắc đi cấy lúa nước giữa những ngày giá lạnh, vai đeo súng và quần xắn cao quá gối. Tôi hiểu hết ý nghĩa của việc làm này, nhưng rồi tôi vẫn bị bất ngờ, những bất ngờ liên tiếp ở chính những người phụ nữ Việt Nam bình dị, mà ngày nào tôi cũng có dịp gặp gỡ họ. Khi đang cặm cụi cấy lúa, thấy tiếng kẻng báo động có máy bay Mỹ đến bắn phá, họ linh hoạt hẳn lên, chạy đến chiếm lĩnh những gò đất cao, tôi thấy có người trèo lên cả ngọn cây để bắn trả, họ nhất định không chịu ẩn nấp. Nhưng rồi, có đêm xem văn nghệ ở địa phương này, tôi lại thấy chính họ lên sân khấu hát dân ca, lúc đó họ hoàn toàn là một con người khác. Còn bây giờ, trong lúc toàn Đảng toàn dân Việt Nam đang thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, cùng làm việc ở đây tôi lại gặp những phụ nữ Việt Nam như bao nhiêu người trước đây tôi đã gặp. Họ rất đẹp và dịu dàng, làm việc hăng say, hiệu suất lao động của họ không thua kém gì nam giới. Tôi nhận thấy phụ nữ Việt Nam vừa là chiến sĩ, vừa là nghệ sĩ và lao động giỏi. Tôi đã đi nhiều nơi, ở nhiều nước, tôi biết, không phải phụ nữ dân tộc nào cũng có những đức tính quý báu như thế. Và thật may mắn và hạnh phúc cho tôi, cùng làm việc trong Vietsovpetro, tôi lại được gần ông Cao Xuân Mộc, người đồng chí, đồng nghiệp và đồng sự của tôi. Trong suốt những năm khảo sát, thiết kế và thi công tuyến đường ống dẫn xăng dầu ở miền Bắc, tôi và ông Mộc đã cùng nhau làm việc dưới sự oanh kích ác liệt của Không quân Mỹ. Từ ngày ấy đến hôm nay, chúng tôi vẫn coi nhau như anh em ruột thịt. Qua những điều đã gặp, tôi nhận thấy các bạn Việt Nam rất kiên cường, đôn hậu và biết quý trọng tình nghĩa”.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Việt Nam, ông về nghỉ hưu ở quê nhà nhưng vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, cụ thể là những người đã làm việc cùng ông ở Vietsovpetro.

Trung tuần tháng 10-1997, tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Nhà nước Việt Nam trao tặng lần thứ nhất và tổ chức lễ mừng công. Nhân dịp này, Thủ tướng Việt Nam - ông Phan Văn Khải và Thủ tướng Nga - ông Viktor Stepanovich Chernomyrdin - đã đến dự và trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Vietsovpetro. Xin chúc cho cây đoàn kết, hợp tác này mãi mãi xanh tươi. Chúc tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Nga đời đời bền vững, trên tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Phạm Văn Đoan

DMCA.com Protection Status