Người “2 lần” làm dự án

07:18 | 21/09/2017

1,626 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sau nhiều lần “hẹn hò”, tôi mới có cơ hội gặp gỡ với anh Nguyễn Việt Thắng (sinh năm 1975), Phó Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Trái ngược với suy nghĩ ban đầu của tôi, anh Thắng là một người rất dễ gần, tính tình cởi mở cùng với tác phong trẻ trung và trên khuôn mặt luôn rạng rỡ, tươi cười. Dường như anh đã làm xóa tan khoảng cách giữa chúng tôi và làm cho câu chuyện của chúng tôi trở nên thú vị hơn…  

Quê Thanh Hóa nhưng sinh ra và lớn lên ở thủ đô Hà Nội, chàng trai Nguyễn Việt Thắng đến với Dung Quất sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ngày ấy Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chỉ là bãi đất trống, bạt ngàn cát, ban đầu anh được phân công về làm cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu (NMLD) số 1 Dung Quất, nhưng giai đoạn này Dung Quất đang làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên anh được bổ sung làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đồng thời anh cũng tham gia vào việc lựa chọn công nghệ, lựa chọn nhà thầu tư vấn. Đầu năm 2000 anh được điều động về làm phòng thương mại của công ty liên doanh NMLD Việt - Nga. Đến cuối năm 2003, khi đồng chí Trương Văn Tuyến lên làm Trưởng Ban quản lý dự án, anh lại được điều động về làm trợ lý cho Trưởng ban, kiêm phó phòng kinh tế tổng hợp. Dù ở vai trò nào anh cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

nguoi 2 lan lam du an

Với niềm đam mê, tận tâm trong công việc cùng những nỗ lực không ngừng của anh, đầu năm 2008 anh đã được bổ nhiệm là Phó Tổng giám đốc BSR khi Công ty được thành lập.

Kể về những năm tháng “chập chững” vào nghề, anh Thắng bồi hồi nhớ lại: Lần đầu tiên bước xuống tàu về Quảng Ngãi, hồi ấy ấn tượng lắm, mùa hè nắng chang chang, bụi mù mịt, vừa xuống ga mà cảm giác không biết đi đâu về đâu.

Hầu như vào đây mới biết đi uống café và chẳng biết đi đâu cả. Ngày ấy về NMLD Dung Quất còn không có điện, nhưng được bà con yêu mến, nhiệt tình giúp đỡ. Bà con ở đây tốt lắm, họ sẵn sàng giao đất để làm dự án. Mỗi lần xuống công trường, bà con sẵn sàng cho mình ở cùng, sống cùng, ăn uống cùng với người dân. Đến giờ này mình không thể quên hình ảnh bà con được nhận tiền đền bù, hình ảnh người dân chưa bao giờ cầm được số tiền đền bù lớn như vậy, nhiều nhà nhận xong không biết làm gì thậm chí họ còn không có túi để đựng tiền, họ phải gói tiền vào những mảnh áo mưa, rồi chôn xuống đất, rồi sau đó chúng tôi mới hướng dẫn họ gửi tiền vào ngân hàng để giữ tiền.

Nhâm nhi chén trà, anh Thắng cho biết thêm: “Hồi đó, khó khăn nhất là công tác tư vấn, lựa chọn nhà thầu, ngày ấy ai cũng mới ra trường nên phải tìm hiểu những thông tin nào có thể (mạng internet không phổ biến như bây giờ) để lựa chọn những đơn vị tốt nhất, phù hợp nhất và lựa chọn những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới để đưa về áp dụng cho NMLD Dung Quất. Rồi lựa chọn nhà thầu thi công cho các hạng mục như nhà máy, cảng xuất sản phẩm, đê chắn sóng, nhà hành chính… Sau nhiều lần phối hợp với đối tác Nga, có nhiều bất đồng trong việc lựa chọn công nghệ nên đã tan rã làm chậm dự án mà mãi đến năm 2005 mới chính thức khởi công lại gói thầu chính. Do vậy giai đoạn 2005 - 2008 rất vất vả trên công trường. Đây cũng là giai đoạn anh Thắng là thư ký cho Trưởng ban nên khối lượng công việc phải xử lý hàng ngày là rất lớn khi hàng ngày phải đến công trường để kiểm tra tiến độ công trình.

Anh cho biết, vào thời điểm đó anh cùng đội ngũ cán bộ công nhân viên của nhà máy đã phải làm việc gần như không nghỉ và mọi người thường nói đùa với nhau là around the clock (vòng quanh cái đồng hồ)… Làm việc với 4 nhà thầu chính gồm: Pháp, Tây Ban Nha, Malaysia và Nhật Bản; riêng thiết bị được chế tạo bởi các nước phát triển. Do vậy với múi giờ khác nhau nên anh cùng các anh em phải cập nhật hàng giờ, để kịp giao ban tiến độ với lãnh đạo Tập đoàn, giao ban với Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm của Nhà nước.

“Cảm giác mỗi một phân xưởng báo về khởi động thành công đều là một niềm vui, thật giống như cảm giác thắng trận vậy và niềm vui vỡ òa cho những người làm nhà máy như chúng tôi vào ngày 22/2/2009 khi cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên” - Anh Thắng bồi hồi nhớ lại.

Giai đoạn đầu nhà máy vất vả là vậy nhưng khi ra dòng sản phẩm đầu tiên lại càng gặp phải muôn vàn khó khăn. Lúc đó, anh Thắng lại cùng với anh em trong nhà máy đi khắp các NMLD để học tập cách vận hành, thuê các chuyên gia người nước ngoài về tư vấn vận hành nhà máy, bởi lẽ lúc đó ngành dầu khí đối với cán bộ, kỹ sư lọc dầu nói riêng và của Việt Nam nói chung còn rất non trẻ.

nguoi 2 lan lam du an

Trong quá trình hoạt động nhà máy thì việc vận hành và xử lý các sự cố là cực kì khó và vô cùng quan trọng. Vậy nhưng lúc bấy giờ anh Thắng còn phải đối đầu với nỗi lo nữa đó chính là đầu ra cho sản phẩm… Anh cho biết “Giai đoạn đầu, anh em kinh doanh phải đến từng nhà phân phối để xây dựng hệ thống phân phối, đến từng khách hàng để bán sản phẩm, giới thiệu sản phẩm trong khi đó Nhà máy vận hành liên tục và chỉ nếu sau 7 ngày sản phẩm không xuất ra được thì nguy cơ đầy kho chứa sản phẩm là không tránh khỏi. Do vậy, vào thời điểm bấy giờ việc tìm kiếm đối tác để giới thiệu sản phẩm và xây dựng các giải pháp đối phó với thời tiết xấu cũng được chính anh và ban lãnh đạo công ty xây dựng một cách chi tiết”.

Sau khi ổn định hệ thống phân phối sản phẩm cũng như ngày càng hoàn thiện kỹ năng điều độ tàu bè, cảng biển, đến năm 2015, khi Chính phủ cho chủ trương mở rộng NMLD Dung Quất, anh Nguyễn Việt Thắng lại được điều động phụ trách làm Trưởng ban Quản lý dự án nâng cấp mở rộng kiêm Phó tổng giám đốc BSR.

“Sau gần 10 năm làm lọc dầu, tôi lại quay lại với công việc ban đầu, lại bắt đầu lựa chọn nhà thầu, lựa chọn công nghệ tiên tiến trên thế giới và tiếp tục giải phóng mặt bằng, xây dựng mở rộng nhà máy như với cương vị ngày nào và trong bối cảnh nào tôi cũng luôn phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tập đoàn tin tưởng giao phó” - Anh chia sẻ.

Ghi nhận đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành lọc dầu, anh Thắng vinh dự được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và là một trong số ít cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3.

P.V

DMCA.com Protection Status