Người góp phần cứu sinh nhà máy

08:05 | 23/02/2016

465 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sản phẩm xơ sợi của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đang dần chiếm được niềm tin của các doanh nghiệp trong nước quốc tế. Đây là kỳ tích đối với một dự án tưởng chừng như đã “chết lâm sàng”. Điều thần kỳ này đến từ nỗ lực “giải mã” chất lượng sản phẩm xơ sợi của đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) mà tiêu biểu là kỹ sư Đào Đình Huy, cây sáng kiến có thói quen mở lời rất lạ bằng hai từ: “Đơn giản...”.  

Học mót chuyên gia

Ngay từ thời điểm Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đóng các hàng cọc đầu tiên, Đào Đình Huy đã về đầu quân cho phòng Công nghệ tại PVTEX. Là một trong các chuyên viên năng nổ, thường xuyên cùng đội ngũ kỹ sư vận hành, công nhân kỹ thuật “trực chiến” tại nhà máy vào những thời điểm nóng nhất như lắp đặt, khởi động dây chuyền, xả melt (hợp chất polyester nóng chảy) vón cục từ phân xưởng PSF... Bởi vậy, Huy là “nhân chứng sống” trong suốt quá trình hoàn thiện kỹ thuật nâng cao chất lượng xơ PSF (Polyester Staple Fibre) của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

nguoi gop phan cuu sinh nha may
Kỹ sư Đào Đình Huy đang kiểm tra độ căng của sợi

Học chuyên ngành cơ khí nên ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến nhà máy, Đào Đình Huy đã thể hiện sự “đắm đuối” với dây truyền công nghệ hiện đại, những thiết bị bản quyền tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Anh thường xuyên “lang thang” tại các phân xưởng của nhà máy, chịu khó “bám đuôi” học hỏi từ các chuyên gia quốc tế, chuyên viên giàu kinh nghiệm của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đến hỗ trợ PVTEX vận hành nhà máy. Mỗi lần chúng tôi xuống nhà máy làm việc hay xử lý sự cố là y như rằng lần nào cũng thấy cái dáng thấp đậm nhưng rất nhanh nhẹn của Huy “béo”. Có lần anh em đùa trêu bảo Huy làm công tác giám sát các “chuyên gia” là hợp nhất. Lúc ấy Huy cười toét miệng “độp” lại: “Các ông có biết học kiểu nào là nhanh nhất không? Không phải đọc tài liệu, không phải đi nghe thuyết trình đâu nhá. Đơn giản và nhanh nhất là học “mót” đấy”. Anh em công nghệ ngẫm lại lời Huy quả đúng thật. Mình mất tiền thuê chuyên gia đến làm việc và dạy trực tiếp trên dây chuyền công nghệ mà không “tận dụng” để “mót bằng hết” các kinh nghiệm thì đúng là... lãng phí.   

Trong một quãng thời gian dài gần 2 năm, Hồ Đình Huy cùng cán bộ kỹ thuật PVTEX phải “bơi trong biển kiến thức” để làm sao làm chủ được chất lượng sản xuất xơ. Bởi đây là công nghệ sản xuất xơ sợi tiên tiến nhất trên thế giới của Nhà cung cấp bản quyền Uhde Inventa Fischer (Thụy Sỹ). Công nghệ này có thể đáp ứng mọi yêu cầu về chất lượng sản phẩm từ thấp đến cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế về xơ sợi tổng hợp. Trong khi đó, trình độ nhân lực và kinh nghiệm thì PVTEX khởi đầu bằng một số không tròn trĩnh.

Những kỹ sư, công nhân Việt Nam phải học tất cả từ vận hành ổn định từng thiết bị đến cả hệ thống, rồi thống kê các thông số, đúc rút kinh nghiệm để làm rõ tại sao mẻ này xơ đều, đẹp, còn mẻ khác lại có trục trặc. Cũng từ những lần học “mót trong khi làm việc với các chuyên gia ” mà Đào Đình Huy đã rút ra được 2 bài học rất lớn. Đó là cách quản lý sắp xếp nhân sự vận hành dây chuyền sản xuất xơ và các vấn đề công nghệ ảnh hưởng chính tới chất lượng sản phẩm. Hai điều này tưởng là 2 nhưng lại là một bởi mối tương quan chặt chẽ trong quá trình sản xuất. Chỉ cần thiếu nhịp nhàng, chậm chạp ở bất cứ khâu nhân sự nào cũng có thể dẫn đến dừng máy, thâm chí là xảy ra sự cố gây ảnh hưởng đến chất lượng xơ của từng mẻ melt.

Suốt 2 năm mày mò, tỉ mẩn nghiên cứu, thống kê Đào Đình Huy cùng đội ngũ kỹ sư xưởng PSF đã cho ra đời sản phẩm quản lý sản xuất đặc biệt quan trọng là bộ thông số tối ưu của dây chuyền xơ PSF Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Đây là tổng hợp các thông số có thể đảm bảo các yếu tố chất lượng sản phẩm về độ cường lực, khả năng nhuộm màu, độ ẩm, độ lên dầu... đồng thời đảm bảo vận hành đạt công suất lớn nhất từ tính toán vận tốc dây chuyền đến số lượng sợi trong một mẻ sản phẩm. Hơn thế nữa, các anh còn tính toán, chỉnh sửa các chi tiết để có thể tiết kiệm năng lượng, nguyên phụ liệu trong thời gian sản xuất ngắn nhất.

Sáng kiến từ điều đơn giản

Bất cứ ai từng đến Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ một lần sẽ khó quên khi tiếp xúc với một chàng trai lạc quan, nhanh nhẹn Đào Đình Huy. Khi hỏi bất cứ cái gì về công nghệ sản xuất xơ sợi đều được anh giải thích tường tận, ngắn gọn và dễ hiểu. Đặc biệt trước khi nói anh hay cười toét miệng và đệm 1 từ “đơn giản...”. Nhưng Huy lại là người biến những cái rất đơn giản diễn ra hằng ngày, trước mắt của rất nhiều người thành những sáng kiến làm lợi cho sản xuất của Công ty.

Đầu tiên Đào Đình Huy đề xuất thay thế tấm sàn dạng lưới Hàn Quốc thành các tấm tôn nhám rất đỗi bình thường. Bởi trong khi thao tác điều chỉnh dòng melt nóng sẽ chảy xuống sàn. Vì loại lưới nhôm có nhiều lỗ thủng nên melt nguội đi sẽ đi vào các khe, đóng chặt lại cứng như đá khiến anh em công nhân mỗi lần phải làm vệ sinh rất vất vả. Đấy là chưa kể đến việc melt bám vào sàn có thể khiến công nhân vấp ngã, trơn trượt. Thêm vào đó là việc dũng cảm đề xuất cắt bỏ hoàn toàn các lan can trong hành lang thao tác phân xưởng phun melt. Nguyên nhân do thiết kế của phân xưởng PSF của Thụy Sĩ thực hiện nên chỉ phù hợp với người châu Âu có thể hình cao to. Còn đối đối với công nhân Việt Nam nhỏ bé làm việc lại phải bê khối melt nặng hàng chục kg qua lan can cao rất mất sức, thời gian làm việc kém hiệu quả. Đặc biệt là những thời điểm cần phải thao tác nhanh (xả melt, chỉnh dòng melt từ vòi phun) trong điều kiện nhiệt độ hơn 50oC.

Sáng kiến thứ hai của Đào Đình Huy là cải tạo dàn treo sợi (can creel) trong phân xưởng, góp phần loại bỏ việc đứt, gãy, đảm bảo chất lượng xơ luôn đạt loại ưu. Qua quan sát thực tế Huy và các công nhân kỹ thuật phát hiện ra đường lên dòng xơ từ thùng chứa (Can) xuống dàn kéo xơ (drawing) các dải xơ bị bẻ một góc 90o. Điều này khiến sức căng lớn dẫn đến việc dải xơ dễ đứt và gây quấn trục tại drawing. Thêm vào đó phân bố hai hàng Can ko đều kéo theo lực căng các dải sợi không chuẩn. Sau khi chứng minh hai điều trên là bất hợp lý trên, Huy cùng anh em phân xưởng PSF đã cho làm lại các guide dẫn sợi để sợi đi theo góc 45o (giảm lực căng) và tạo guide dẫn sợi đồng đều từ 2 phía.

Trước khi chúng tôi ra về, Huy bộc bạch thêm: “Sáng kiến nói ra thì đầy tính kỹ thuật như vậy thôi chứ thực tế chỉ đơn giản là việc kết hợp nghiên cứu kĩ lý thuyết kéo sợi và thời gian dài quan sát vận hành của thiết bị và thao tác của công nhân vận hành thôi anh ạ. Em nghĩ rằng, công ty và đội ngũ cán bộ, công nhân viên PVTEX còn rất non trẻ trong ngành xơ sợi nhưng khả năng học hỏi và tiến bộ còn rất lớn. Với dây chuyền hiện đại như hiện nay thì mục tiêu xơ PVTEX trở thành thương hiệu lớn sánh ngang cùng Nanlon không còn xa”.

Chàng kỹ sư luôn trầm trồ bên các thiết bị máy móc ngày nào, đến nay đã là người quản lý một phân xưởng có tổng cộng 165 cán bộ, công nhân viên. Từ Huy chúng tôi hiểu ra một điều rằng chỉ có những con người lao động chân chính, đặt hết tâm sức vào công việc mới có thể biến những điều rất đơn giản thành những giá trị, lợi ích lâu dài, góp phần cho sự hồi sinh của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

Các danh hiệu thi đua của Kỹ sư Đào Đình Huy:

Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2011, 2012, 2013, 2014.

Lao động tiên tiến năm 2011, 2012, 2013, 2014.

Danh hiệu lao động giỏi - dự án PVTEX Đình Vũ năm 2010

Bằng khen của Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí 2014.

Tùng Phong

Năng lượng Mới 443

DMCA.com Protection Status