Về dự báo năm 2017 Mỹ là quốc gia khai thác dầu lớn nhất thế giới:

Người Mỹ không lạc quan

19:00 | 16/11/2012

1,290 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã công bố bản báo cáo đánh giá hàng năm, trong đó xác định Mỹ sẽ vượt Arập Xêút và Nga vào năm 2017 để trở thành quốc gia khai thác dầu lớn nhất thế giới và thậm chí, đến năm 2030 sẽ trở thành nước xuất khẩu ròng dầu. Nhưng trên thực tế, người Mỹ lại không dễ lạc quan như những dự báo của IEA…

Bản đồ năng lượng thế giới được vẽ lại?

Độc lập về năng lượng cho nước Mỹ là chủ đề được nhấn rất nhiều lần trong thời gian vận động tranh cử của cả Tổng thống Barack Obama và đối thủ Đảng Cộng hòa Mitt Romney, nhưng ai cũng nghĩ rằng, để đạt được độc lập năng lượng, nước Mỹ cần cả một chặng đường dài. Tuy nhiên, trong dự báo mới nhất của IEA - cơ quan chuyên làm tư vấn về chính sách năng lượng cho các nước công nghiệp, mục tiêu đó lại nằm ở tương lai gần.

Theo IEA, trong những năm qua tốc độ phát triển trong lĩnh vực năng lượng ở Mỹ là rất sâu rộng và hiệu quả do cập nhật ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ. Sản lượng thăm dò và khai thác dầu khí ở Mỹ, nhất là trong các điều kiện khó khăn về địa nhưỡng, đã có những phát triển vượt bậc với chi phí rẻ hơn và tạo cho Mỹ một ưu thế cạnh tranh lớn hơn. Phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở IEA ở Paris, nhà kinh tế trưởng của IEA, ông Fatih Birol cho biết, sản lượng khai thác dầu của Mỹ dự kiến sẽ vượt Nga vào năm 2015 và đến năm 2017 sẽ vượt cả Arập Xêút, trở thành nước khai thác dầu lớn nhất thế giới.

Với kim ngạch nhập khẩu dầu thô liên tục giảm trong vài năm qua, IEA dự báo đến năm 2030, Mỹ sẽ từ nước nhập khẩu trở thành nước xuất khẩu dầu của thế giới. Đánh giá lạc quan này của IEA tương phản hoàn toàn với báo cáo lần trước, trong đó xác định đến cuối thập kỷ này sẽ chỉ có Nga và Arập Xêút tham gia vào cuộc đấu tranh giành ngôi vị thủ lĩnh và đến năm 2035, Arập Xêút vẫn là quốc gia khai thác dầu lớn nhất thế giới.

Sự bùng nổ về các dự án khai thác nguồn dầu đá phiến có thể giúp Mỹ đạt được mục tiêu hoàn toàn độc lập về năng lượng.

Thêm vào đó, theo báo cáo của IEA, lượng dầu nhập khẩu của Mỹ hiện chiếm khoảng 20% nhu cầu tiêu thụ nội địa, nhưng đến năm 2035, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt được mục tiêu hoàn toàn độc lập về năng lượng, bao gồm các nguồn như dầu thô, khí đốt và than. Và riêng về khí đốt, Mỹ sẽ vượt qua Nga và trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất vào năm 2015.

Lý giải cho sự đánh giá lạc quan này của mình, IEA cho rằng, chính sự phát triển của công nghệ khai thác mới - đáng chú ý nhất là kỹ thuật fracking (bẻ gãy thủy lực) và khoan ngang đã mở khóa nguồn tài nguyên hydrocarbon ẩn trong những cấu tạo đá phiến sét mà trong suy nghĩ của con người trước đây là không thể khai thác, phục hồi được. Sự bùng nổ, bắt đầu từ khai thác khí đốt và sau là khai thác dầu mỏ từ đá phiến sét đã làm nên cuộc cách mạng năng lượng ở Hoa Kỳ.

Với đà đẩy mạnh khai thác như hiện nay, đến năm 2015, sản lượng khai thác dầu của Mỹ có thể đạt 10 triệu thùng/ngày, đạt 11,1 triệu thùng/ngày vào năm 2020 và đến năm 2035 sẽ nâng lên mức 12,3 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng khai thác của Nga, quốc gia trong thập kỷ qua đã vươn lên ngang tầm, thậm chí sắp vượt cả Arập Xêút, đến năm 2020, dự báo vẫn giữ ở mức trên 10 triệu thùng/ngày, sau đó đến năm 2035 sẽ giảm xuống 9 triệu thùng/ngày. Trong thời gian từ nay đến 2035, Nga sẽ trở thành nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, bao gồm cả dầu, khí đốt và than, dự kiến nguồn thu tăng từ 380 tỉ USD năm 2011 lên 410 tỉ USD vào năm 2035.

Tuy nhiên, IEA nhận định việc tăng vị thế của Mỹ trên thị trường dầu mỏ hoàn toàn không có nghĩa làm giảm vai trò của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu của thế giới (OPEC), mà trái lại, IEA đang mong đợi thị phần của OPEC trong sản lượng khai thác dầu toàn thế giới sẽ tăng từ 42% hiện nay lên 50% vào năm 2035. Nhưng khả năng, sự bùng nổ khai thác dầu ở Mỹ sẽ làm chuyển hướng nguồn dầu xuất khẩu của OPEC, theo đó vào năm 2035 sẽ có 90% nguồn dầu từ Trung Đông được xuất sang thị trường châu Á. Và khi đó, Trung Quốc không chỉ thay thế Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới mà còn thay Mỹ ở vị trí người bị lệ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông nhất.

Khi dầu mỏ vẫn là “nỗi đau”…

IEA lạc quan nhưng người Mỹ lại thực tế hơn nhiều. Jordan Weissmann, Phó tổng biên tập tờ Atlantic nhận định kể cả khi Mỹ có khai thác dầu nhiều hơn Arập Xêút thì Mỹ cũng không thể có một sức mạnh trên thị trường thế giới như “ông vua” dầu mỏ này và do đó, dầu mỏ sẽ tiếp tục là nỗi đau chính trị, là nỗi đau tài chính của nước Mỹ. Và Weissmann, cũng như người Mỹ, có cái lý của mình khi thừa nhận điều này.

Arập Xêút là “vua” vì 3 lý do. Đầu tiên, quốc gia Trung Đông này nắm giữ trữ lượng dầu được chứng minh lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Venezuela. Thứ hai, sản lượng khai thác dầu thô của Arập Xêút nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Thứ 3, có một thực tế là, Arập Xêút, nước duy nhất có thể khai thác thêm một khối lượng lớn dầu mỏ có ý nghĩa, dù cả khi thị trường năng lượng toàn cầu thiếu hụt lẫn khi thị trường ổn định và là điểm tựa về dầu mỏ vững chắc cho thế giới. Đầu năm 2012, khi giá dầu tăng vọt và thế giới thiếu đi một lượng dầu mỏ đáng kể từ Iran do lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu nhằm vào Tehran, Arập Xêút đã thể hiện quyền lực của một “ông vua” khi tăng sản lượng khai thác dầu lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ để giảm bớt nguồn cung thắt chặt và qua đó, giúp bình ổn thị trường.

Mặt khác, “địa vị” cường quốc khai thác dầu số 1 của Hoa Kỳ, theo dự báo, bắt nguồn từ sự bùng nổ khai thác dầu từ các cấu tạo đá phiến. Đây là một lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao và chi phí lớn và do đó, cũng đòi hỏi một mức giá thị trường cao. Trong khi đó, chi phí khai thác dầu ở Arập Xêút lại rẻ hơn nhiều. Sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp theo đuổi đầu tư vào các dự án khai thác dầu từ đá phiến một khi giá dầu giảm trên thị trường thế giới, chưa kể những rủi ro môi trường do kỹ thuật có thể làm chậm tiến độ hoặc buộc các dự án khoan đá phiến lại đình lại.

Một điều quan trọng hơn cả là theo nhà kinh tế trưởng của IEA, Tiến sĩ Birol, dự báo Mỹ có thể tự túc năng lượng có 55% là do tăng sản lượng dầu và 45% là do cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, chủ yếu nhờ các quy định chung của chính quyền Obama về tiết kiệm nhiên liệu cho các xe hơi sẽ được chế tạo trong tương lai, để tới năm 2025 thì tất cả sẽ đáp ứng đúng tiêu chuẩn.

Và phải nhắc lại rằng, Mỹ có thể tự túc năng lượng có 55% là nhờ tăng sản lượng dầu chứ không phải là khai thác dầu nội địa sẽ tăng lên 55%! Điều đó có nghĩa là, việc bảo tồn, tiết kiệm, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng ở Mỹ mới góp phần đáng kể vào việc xây dựng mục tiêu đạt độc lập năng lượng của Mỹ. Đó mới là lợi ích lâu dài của nước Mỹ, nó thiết thực hơn là “ngôi vị” trong dự báo lạc quan kia.

Dự báo của IEA cũng làm dấy lên câu hỏi, liệu một nước Mỹ đã tự túc được năng lượng có còn sẵn sàng bảo vệ các tuyến vận chuyển thương mại chính trên thế giới hay không, chẳng hạn như eo biển Hormuz? Và câu trả lời là “Có”. “Chúng tôi vẫn sẽ cần để bảo vệ các tuyến đường biển”, ông David L. Goldwyn, người từng là điều phối viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề năng lượng quốc tế trong chính quyền Obama cho biết.

Nước Mỹ vẫn còn phải lo lắng về Trung Đông và toàn cầu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào eo biển Hormuz - một điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Iran. Báo cáo của IEA ước tính rằng lượng dầu đi qua eo biển hẹp đó sẽ tăng lên 25 triệu thùng/ngày vào năm 2035, chiếm 50% thương mại dầu mỏ toàn cầu, so với mức 18 triệu thùng/ngày,  hay 42% thương mại dầu mỏ toàn cầu của năm 2010.

Linh Phương (tổng hợp)

DMCA.com Protection Status