Nguyễn Văn Trường:

Người thủy thủ viễn dương

11:16 | 07/03/2016

15,790 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trước đây nhắc đến nghề đi tàu biển, nhất là đi tàu viễn dương, nhiều người nghĩ đời thủy thủ thật tự do, nay đây mai đó, được đi nhiều nơi, biết nhiều chỗ, những lúc rảnh rỗi ngồi trên boong tàu nhìn ngắm biển cả mênh mông… Nghề thủy thủ viễn dương khi ấy như được bọc trong hào quang, mấy ai hiểu được cái vất vả trong nghề. Đằng sau bánh lái đời thủy thủ cũng có nhiều câu chuyện buồn vui.  

Tôi có một người bạn đồng hương Hải Phòng. Anh là Nguyễn Văn Trường, hiện đang công tác tại Công ty Cổ phần Vận tải dầu Phương Đông Việt (PV Trans Oil). Mười bảy năm tuy không phải là dài nhưng từng ấy thời gian lênh đênh trên biển cũng khiến phong thái anh dày dạn hơn cái tuổi 42 của mình.

nguoi thuy thu vien duong
Đại phó Nguyễn Văn Trường - Công ty Cổ phần Vận tải dầu Phương Đông Việt (PV Trans Oil)

Đến tận hôm nay anh Trường vẫn không sao quên được chuyến tàu viễn dương đầu tiên trong đời vào tháng 12-1998, sau khi nhận bằng tốt nghiệp của Đại học Hàng Hải được ít tuần. Đó là tàu chở hàng từ Hàn Quốc sang Philippines, hành trình mười hai tháng. Lần đầu tiên xa nhà trên một con tàu ngoại quốc chỉ có một vài thuyền viên người Việt, đối với cậu sinh viên mới ra trường quả là một thử thách không dễ dàng gì. Anh kể, những tháng đầu tiên trên tàu là khoảng thời gian khó khăn nhất trong đời mà từ trước đến nay anh chưa bao giờ nếm trải. Không kể đến điều kiện sinh hoạt, ăn uống khó khăn, thiếu thốn, thì nỗi nhớ nhà là điều đáng sợ nhất. Nhiều lúc nhớ nhà đến chực rơi nước mắt, anh phải dằn lòng mình, lao vào làm việc ngày đêm để nỗi nhớ nguôi ngoai.

Trong chuyến tàu đầu tiên đó, mỗi lần gặp sóng to, tàu lắc lư, anh say sóng đến tối tăm mặt mũi, nhưng đến ca trực vẫn cầm cờ lê vào khoang máy sặc mùi dầu mỡ, nhiệt độ lên tới 40oC, tiếng động thì ầm ầm. Đi tàu biển, làm 4 tiếng được nghỉ 8 tiếng, cứ thế xoay vòng, nếu phải làm tăng ca cũng là bất đắc dĩ lắm, vì sau mỗi ca trực ai cũng mệt nhoài. Những hôm gặp gió mùa, biển động, sóng đánh trùm lên cả boong tàu, ai cũng quay cuồng, hoa mắt, ruột gan cồn cào, nhất là những người mới vào nghề như anh. Say xe thì chỉ vài giờ lúc xe chạy, chứ đi biển thì có khi say triền miên ngày này qua ngày khác theo hải trình, đến khi nào không say được nữa thì thôi. Nhưng mặc dù say, các anh vẫn phải làm việc bình thường, vẫn phải ăn uống để lấy lại sức làm việc. Đối với người đi tàu, việc bị ốm trong chuyến đi có lẽ là điều bất hạnh nhất. Thậm chí, có chuyến đi quá dài, khi đặt chân lên đất liền có cảm giác chòng chành, khó chịu mà người thủy thủ thường nói vui là “say đất”.

Anh nói, làm nghề vất vả là thế, nhưng để trở thành một sĩ quan trên tàu cũng không phải chuyện dễ dàng gì. Anh đã phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện vô cùng gian nan để có đủ kiến thức, sức khỏe và thể lực từ khi là sinh viên. Khi đủ tiêu chuẩn xuống tàu, phải sau mấy năm “thực hành” mới được đi học tiếp để trở thành sĩ quan, thợ máy. Quá trình làm và học để trưởng thành còn phức tạp và gian nan hơn, phải trải qua tuần tự từ các chức vụ thuyền phó 3, phó 2, phó 1 rồi cuối cùng mới trở thành thuyền trưởng; hay thợ máy bậc 3 lên đến bậc 2 rồi bậc 1 rồi đến máy trưởng… Người thủy thủ phải tranh thủ thời gian trên bờ thì đi học lấy bằng, sau đó lại xuống tàu đi tiếp.

Anh làm việc tại Đại học Hàng Hải được 2 năm thì chuyển công tác về Công ty Vận tải Xăng dầu Đường thủy 1, đến năm 2010 anh chuyển qua Công ty Cổ phần Vận tải Sản phẩm Dầu mỏ Phương Đông - tiền thân là đơn vị thành viên Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL), nay là Công ty Cổ phần Vận tải dầu Phương Đông Việt (PV Trans Oil) - đơn vị thành viên Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans). Đây có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời đi biển của anh. Không chỉ PV Trans Oil mà hầu hết các công ty vận tải biển lúc này đang phải đối mặt với vô vàn thử thách khi giá xăng dầu trong nước và thế giới gia tăng đột biến, khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp đội lên gấp nhiều lần. Trong khi đó thị trường vận tải biển trong nước lại dư thừa nguồn cung nhưng nhu cầu về hàng hóa vẫn dậm chân tại chỗ. Khó khăn nối tiếp khó khăn khiến thu nhập của CBCNV công ty bị ảnh hưởng đáng kể, nhiều thuyền viên đã rời đi bởi không chịu nổi áp lực công việc và cuộc sống lúc bấy giờ.

Tôi hỏi anh, đang khó khăn như vậy sao anh còn chuyển công tác làm gì? Anh không trả lời mà chỉ nói: “Khó khăn là khó khăn chung của ngành, đơn vị nào cũng vậy. Quan trọng là phải có niềm tin để vượt qua những gian nan thử thách đó”. Hai chữ “lòng tin” của anh ẩn chứa rất nhiều điều mà có lẽ người ngoài cuộc như tôi không thể nào hiểu hết được. Tuy nhiên, đúng như anh nói, thực tế đã chứng minh, chính nhờ lòng tin và sự quyết tâm cao độ, trong những năm qua, tập thể PV Trans Oil đã thực thi nhiều biện pháp trong công tác tổ chức, quản lý điều hành, phát động phong trào thi đua, phát huy sáng kiến cải tiến, tiết kiệm chi phí, khen thưởng kịp thời để phát huy được mọi nguồn lực và đã đem lại những kết quả sản xuất kinh doanh hết sức khả quan.

Yên tâm về lương bổng cũng như những chính sách đãi ngộ mà công ty mang lại, anh càng có quyết tâm phấn đấu hơn trong công việc. Anh luôn là người tiên phong làm việc trên các tàu khai thác tuyến xa với môi trường làm việc khắc nghiệt, thời gian công tác lên đến mười mấy tháng trời. Như khoảng thời gian từ tháng 11-2010 đến tháng 6-2012, anh đảm nhiệm chức danh Đại phó tàu PV Oil Venus - con tàu đầu tiên PV Trans Oil đưa vào khai thác tuyến quốc tế. Hành trình chính của anh trong thời gian này là U.A.E và Maldives, cũng là tuyến khai thác khắc nghiệt nhất đối với thuyền viên Việt Nam. Anh không sao quên được cái nóng khô rát đến bỏng da của khí hậu Trung đông. Vai trò Đại phó khiến anh phải làm việc với tần suất lớn ngoài boong trong nhiều tháng trời dưới cái nắng chói chang, khắc nghiệt. Khu vực tàu khai thác cũng thường xuyên gặp phải bão cát khiến anh cùng các thuyền viên rất vất vả để bảo vệ chuyến hàng. Hơn nữa, đi biển dài ngày, bữa ăn rất quan trọng với người thủy thủ. Nhưng thường chỉ mấy ngày đầu là được ăn rau tươi, đồ tươi, sau đó toàn đồ hộp, đồ đông lạnh. Bình thường một ngày không ăn rau đã thấy khó chịu, nhưng thủy thủ viễn dương vài tháng không có rau ăn là chuyện hết sức bình thường.

Là người chịu trách nhiệm về hàng hóa và là sĩ quan an toàn nên anh thường xuyên phải làm việc trong môi trường áp lực cao. Lênh đênh trên biển suốt từng ấy năm trời đã khó, hoàn thành tốt công việc của một sĩ quan hàng hóa, bảo dưỡng, an toàn lại khó hơn gấp bội phần. Nào là chuẩn bị hầm chứa hàng, bảo quản thiết bị, giám sát quá trình làm hàng, các công việc giấy tờ, rồi đến đảm bảo công tác bảo dưỡng, lịch trình làm việc trên boong, giám sát an toàn lao động,… và còn nhiều công việc khác nữa của anh mà tôi không tài nào nhớ hết được. Nếu không vào phòng làm việc của anh, được tận mắt thấy những tấm bằng khen do PV Trans Oil trao tặng, chắc tôi cũng không thể nào biết được anh luôn là một trong những lao động điển hình tiên tiến của công ty trong suốt nhiều năm liền, đã luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong từng chuyến hải trình.

Người đi biển như anh, vất vả lắm, khó khăn cũng nhiều, mà nỗi nhớ khi xa gia đình lại càng chẳng mấy khi vơi. Thế nhưng, anh vẫn chọn cho mình con đường đó vì nó đã trở thành cuộc sống thứ hai mà anh không thể nào rời xa được. Đối với anh, niềm hạnh phúc trọn vẹn nhất là sau mỗi chuyến hải trình, trở về mái ấm thân thương, được nhìn thấy giọt nước mắt vui mừng của vợ, tiếng hò reo tíu tít của bọn trẻ con, cùng những cái ôm, hôn đong đầy yêu thương, mong nhớ. Niềm hạnh phúc đó, nếu không phải là người thủy thủ viễn dương, liệu có mấy ai có được?

Nguyên Phương

Năng lượng Mới 444

DMCA.com Protection Status