"Người Việt cũng làm được như chuyên gia nước ngoài"

07:00 | 24/05/2017

680 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Hơn 40 năm gắn bó với dầu khí, trải qua biết bao thăng trầm cùng lịch sử phát triển của ngành, cho đến bây giờ tôi vẫn luôn tự hào rằng, không có gì là Việt Nam không thể làm được, thậm chí còn làm tốt những công việc mà chính chúng ta vẫn hoài nghi phải phụ thuộc vào nước ngoài. Điều rất cần là, mỗi chúng ta có niềm tin khi đối mặt với những khó khăn và tự hào về chính những gì chúng ta đã làm được trong suốt chặng đường qua.
nguoi viet cung lam duoc nhu chuyen gia nuoc ngoai
Ông Đỗ Văn Đạo

Vào ngành Dầu khí là cơ duyên

Học hết cấp ba, tôi có tên trong danh sách các học sinh được cử đi học Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Tirana, CHND Albania. Đó là những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Khi đó, học sinh không được lựa chọn ngành mình thích, mà học gì là do Nhà nước phân công. Tôi được theo học về thăm dò khai thác dầu khí.

Năm 1973 về nước, Nhà nước định phân công tôi đi dạy học, nhưng vì đam mê với ngành đã học, tôi xin về Thái Bình làm kỹ sư địa vật lý giếng khoan. Thời gian đó, kỹ sư đứng máy là người Liên Xô, còn người Việt chỉ phụ giúp và làm các công việc khác. Lúc này, Liên Xô giúp đỡ chúng ta rất nhiều, từ máy móc thiết bị cho tới cử chuyên gia, kỹ sư sang ta làm việc, hỗ trợ, giám sát. Và, chính trong thời gian này, có một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên, đó là lần đầu tiên tôi đã có thể làm được công việc mà chỉ chuyên gia Liên Xô mới có thể đảm đương. Trong một lần kỹ sư người Liên Xô nghỉ phép, không có người đứng máy, tôi tự đảm nhận và rất vui mừng đã thành công. Sau này tôi còn hướng dẫn các anh em kỹ sư khác cùng thực hiện, để khi cần sẽ có người thay thế, đảm bảo cho công việc không bị ngắt quãng.

Sang những năm 1980, tôi được tham gia nhiều cuộc họp, bàn bạc và thảo luận để kiến nghị Đảng và Nhà nước mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài. Lúc đó có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều; nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bảo vệ quan điểm, đưa ra những giải thích hợp lý, mạnh dạn cho rằng chúng ta nên đi từng bước một, giữ tư tưởng tích cực để đặt cơ sở cho Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 7/7/1988 mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài vào thăm dò và khai thác dầu khí đến năm 2000 và Chính phủ có Quyết định số 125-HĐBT ngày 14/4/1992 đặt Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Ngoài Liên doanh Dầu khí Việt Xô, hàng loạt các hợp đồng chia sản phẩm được ký và hoạt động Dầu khí được mở rộng. Thời gian này, tôi về làm Giám đốc Công ty Giám sát các hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PVSC). Công việc đòi hỏi phải rất cẩn trọng ngay từ khi ký kết một hợp đồng hợp tác, đó là cần giám sát chặt chẽ tất cả mọi hoạt động thực hiện theo hợp đồng đã ký.

Cũng trong thời gian này, đầu tư tìm kiếm thăm dò khai thác cũng chỉ do nước ngoài đảm nhận. Chính đồng chí Ngô Thường San - khi đó là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam - đã mong muốn Việt Nam có thể đảm đương được công việc này và đã đề nghị chúng tôi phải bắt tay vào làm, phải bắt tay tự đầu tư, tự tổ chức khoan giếng... Thế là Công ty Đầu tư - Phát triển Dầu khí (PIDC) được ra đời trên cơ sở Công ty PVSC, là một bước ngoặt trong lịch sử phát triển của PVN tăng cường tự đầu tư, điều hành và tham gia góp vốn vào các dự án ở trong nước, đồng thời triển khai đầu tư thăm dò khai thác ở nước ngoài với các dự án đầu tiên được ký kết ở Algeria, Indonesia, Iraq và Malaysia. Và đến năm 2007, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) được thành lập trên cơ sở hợp nhất Công ty PVEP và Công ty PIDC, từ đây xác lập năng lực tự điều hành và bước đầu thành công với các dự án thăm dò khai thác dầu khí quan trọng.

Rất tự hào về ngành

Cho đến bây giờ, đã có hơn 40 năm gắn bó với dầu khí, tôi vẫn luôn tự hào về nghề mà mình đã đam mê. Cuộc đời làm dầu khí có ba điều khiến tôi tâm đắc.

nguoi viet cung lam duoc nhu chuyen gia nuoc ngoai
Ông Đỗ Văn Đạo (ngoài cùng bên trái) trong Lễ tổng kết năm 2003 của PVEP

Đầu tiên là việc người Việt có thể làm thành thạo và đảm đương được những phần việc mà chỉ chuyên gia, kỹ sư nước ngoài mới làm được. Khi đó chúng ta đã có thể chủ động, không cần phụ thuộc hoàn toàn và phải thuê tuyệt đối chuyên gia nước ngoài ở những khâu, những việc quan trọng, thậm chí chúng ta còn “xuất khẩu” được nhiều chuyên gia đi làm ở các nước trên thế giới.

Điều tâm đắc thứ hai là Việt Nam đã tự tổ chức đầu tư, điều hành tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí ngay chính trong lãnh thổ, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của mình, góp phần giữ vững an ninh quốc gia và làm giàu cho đất nước.

Và một bước tiến nữa, đó là nếu trước đây chỉ có các tổ chức nước ngoài vào Việt Nam thăm dò khai thác dầu khí, nhưng giờ thì các tổ chức của Việt Nam đã ra nước ngoài thăm dò khai thác dầu khí, như các đơn vị trực thuộc PVN, Vietsovpetro, PVEP…

Khi tiềm năng dầu khí của nước ta không lớn thì không thể chỉ chú trọng trong nước mà phải đi ra nước ngoài. Phải mở rộng đầu tư tìm kiếm, thăm dò khai thác ra nước ngoài thì ngành Dầu khí mới tồn tại và phát triển bền vững, lâu dài, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Tôi cũng không thể không nhắc đến những ngày đầu làm dầu khí với bao khó khăn. Đó là thập niên 80 của thế kỷ trước, khi mà đời sống của anh em kỹ sư, công nhân cực kỳ gian khổ, thậm chí cả các anh em làm việc trong Vietsovpetro cũng rất vất vả. Thời đó, anh em chúng tôi đi công tác trong miền Nam, chi phí và lương hoàn toàn không có gì. Rất thiếu thốn, nhiều khó khăn, dầu chưa tìm thấy, tiền đồ còn đang ở phía xa, đã có những anh em nản lòng, bỏ ngang chừng hay chuyển ngành. Nhưng số đông anh em chúng tôi đam mê với nghề mình đã chọn, có niềm tin ở tương lai.

Và mọi chuyện đã sáng sủa hơn, khi giữa năm 1986 Vietsovpetro đã cho khai thác tấn dầu đầu tiên, Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987, Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 7/7/1988 của TƯ Đảng về Dầu khí, năm 1992 đặt Dầu khí trực thuộc Chính phủ. Chúng tôi đã từng bước vượt qua khó khăn và từng bước đưa ngành Dầu khí phát triển rực rỡ.

Và cho đến hôm nay, cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người đã trót đam mê như chúng tôi vẫn luôn tự hào rằng, mình là người Dầu khí.

Đỗ Văn Đạo

Nguyên Ủy viên Hội đồng Quản trị PVN

Nguyên Giám đốc PVSC, PIDC kiêm Thành viên Hội đồng Thành viên PVEP

DMCA.com Protection Status