Nhớ chuyến hải hành cùng giàn khoan TAD

07:00 | 12/02/2013

962 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Trong ký ức những lần đi thăm giàn khoan, chuyến hải hành cùng đi kéo giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm TAD PV DRILLING V (gọi tắt là giàn TAD) từ Singapore về Việt Nam hơn 1 năm về trước (tháng 10/2011) đối với công việc làm phóng viên báo ngành Dầu khí của tôi là một chuyến đi đầy ắp kỷ niệm. Mỗi lần nghĩ về giàn TAD là tôi lại nhớ đến chuyến hải hành đầy thử thách mà mình đã được đi và được sống với những cảm xúc thú vị giữa biển khơi mênh mông...

Từ khá lâu, tôi hằng ao ước một chuyến đi biển dài ngày thực thụ nhưng chưa có dịp. Và ước mơ đó đã trở thành sự thật khi tôi vinh dự được Ban biên tập cử sang xưởng đóng tàu của Hãng Keppel FELS (Singapore) để “bám” theo giàn TAD (sở hữu bởi Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí - PV Drilling) nhằm tường thuật chi tiết chuyến hải hành kéo giàn về vùng biển Vũng Tàu, phục vụ chiến dịch khoan ở vùng biển nước sâu tại mỏ Mộc Tinh cho Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Biển Đông POC).

Để chuẩn bị cho chuyến hải hành và đáp ứng điều kiện bắt buộc nếu muốn đi theo “đoàn quân” kéo giàn, cũng giống như những người thợ dầu khí, theo yêu cầu của lãnh đạo PV Drilling, từ TP HCM tôi xuống TP Vũng Tàu khám sức khỏe tổng quát tại Trung tâm Y tế Vietsovpetro và được xác nhận “đầy đủ sức khỏe” làm việc trên giàn khoan. Không những vậy, tôi còn phải học một khóa huấn luyện an toàn ở Trung tâm PV Drilling Training (đặt tại TP Vũng Tàu) nhằm làm quen những quy định kỹ càng về cách thoát nạn khi giàn khoan gặp sự cố, phòng chống cháy nổ, khi máy bay trực thăng rơi, cách sống sót trên biển…

Phút thư giãn của những người thợ khoan trên giàn TAD trong giờ nghỉ giữa ca

Khóa học thực sự cam go hơn những gì tưởng tượng, bằng các tình huống thử thách hiểm nguy. Nhớ nhất là bài tập mặc quần áo bảo hộ, đeo mặt nạ chống khí độc rồi chui tọt vào 3 cái container nối liền nhau kín mít và tối đen như mực với đầy chướng ngại vật để tự thoát hiểm từ đầu container này sang tuốt đầu bên kia. Càng “nhớ” hơn khi thực tập tình huống ngồi trong một khoang máy bay mô hình rồi thả rơi từ trên cao xuống bể nước, lộn nhào vài vòng, mặc dù ngợp nước sặc sụa nhưng mình phải “ráng” đạp tung cánh cửa mô hình để thoát được ra ngoài…

Cuối cùng thì khóa học cũng thành công tốt đẹp, tôi hân hạnh được chính thức cấp thẻ chứng chỉ T-FOET. Các anh kỹ sư PV Drilling cầm tấm thẻ mới toanh của tôi mà nói vui: “Với tấm thẻ này, anh có thể yên tâm đến làm việc trên các giàn khoan trong thời hạn 3 năm!”.

Tôi nhớ mãi giây phút lần đầu tiên đến Singapore, đặt chân vào “tổng hành dinh” xưởng đóng tàu của Hãng Keppel FELS lừng danh - nơi chế tạo thành công giàn TAD (giàn khoan nước sâu tích hợp nhiều công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam). Ấn tượng và cảm nhận lần đầu về “đảo quốc sư tử” là tràn ngập một màu xanh cây lá và những tòa cao ốc chọc trời được xây dựng sạch sẽ và đẹp như khách sạn 5 sao. Tôi như ngây ngất trong những bến cảng thịnh vượng cùng cuộc sống ngoài trời đầy quyến rũ và khung cảnh tráng lệ của Singapore. Nắng chan hòa, trời trong xanh, gió nhè nhẹ. Rảo bước trên khu bến cảng hoành tráng của Keppel FELS Shipyard để bước chân lên giàn TAD sừng sững trước mặt mà lòng tràn đầy cảm xúc khó tả!

Một góc giàn TAD

Đón tôi lên giàn TAD bằng nụ cười thân thiện, những người thợ gần gũi và giản dị của PV Drilling bảo rằng: “Anh có quyền hãnh diện bởi là phóng viên đầu tiên và duy nhất được làm việc dài ngày trên giàn khoan mới tinh và hiện đại bậc nhất này trong chuyến kéo giàn về Việt Nam”.

Gần 10 ngày trên giàn TAD, tôi tự hào vì được các anh hướng dẫn khám phá cặn kẽ hết tất cả mọi nơi mọi chỗ, không bỏ sót nơi nào, từ phần thân giàn tiếp trợ bán chìm cho đến cụm thiết bị khoan tách rời, kể cả nhà kho, nhà ăn, chỗ nghỉ ngơi của anh em và phòng làm việc của các “sếp”… Nói chung là mọi ngõ ngách của quần thể giàn TAD đều được tôi “mục sở thị”.

Nhớ lại ngày kéo giàn rời khỏi Singapore để tiến ra vùng Biển Đông, qua vùng eo biển Malacca, gió hải hồ thổi vào mát cả buồng phổi, ai ai cũng vui vẻ. Những khu bến cảng sầm uất, những hòn đảo xinh đẹp của Singapore, Malaysia, Indonesia, tất cả đều được giàn TAD lướt sóng đi qua. Còn nhớ một buổi chiều giàn được kéo đi ngang qua gần quần đảo Pulao, đứng trên lan can của giàn TAD, nhìn xa xa, tôi và Graham Purves (chuyên gia an toàn người Anh trên giàn) cứ ngẩn ngơ mãi trước hình ảnh quần đảo xinh đẹp và quyến rũ đến lạ kỳ này. Khi hoàng hôn dần buông, mặt trời đỏ rực trên quần đảo hắt muôn tia ánh vàng, ánh hồng xuống mặt biển lặng nhấp nhô êm đềm. Vài chiếc tàu lượn lờ ven đảo, tiếng còi hụ văng vẳng hòa nhịp bầy hải âu chấp chới lượn sát mặt nước... Cảnh tượng ấy, âm thanh ấy đẹp và thú vị đến mê hồn khiến tôi và Graham nhớ mãi!

Những người thợ trên giàn TAD trao đổi về công tác an toàn trước khi triển khai công việc

Có đi theo đoàn quân kéo giàn thì mới hiểu và nể phục những vất vả, gian nan mà những người thợ giàn TAD đã trải qua, mới thấy rằng, hành trình kéo giàn khoan trên biển không phải là chuyện đơn giản, bởi những bất trắc, hiểm nguy luôn rình rập. Bên cạnh đó là những tâm tư, tình cảm của các anh khi phải liên tục xa nhà, xa gia đình để làm công việc mang lại nguồn năng lượng cho đất nước mà các anh đã lựa chọn.

Nhớ lại những ngày kéo giàn gặp mưa, mặt trời khuất sau làn mây đen đục, bầu trời đen nghịt, gió lạnh hơn. Trên boong giàn TAD vẫn có những nhóm công nhân miệt mài thực hiện các công việc chuẩn bị để sẵn sàng khi giàn về tới Việt Nam là có thể thực hiện công việc lắp đặt cho hoạt động khoan. Rồi có những cơn gió mạnh hơn, đôi khi giàn trồi lên hụp xuống khiến không ít người say sóng, kể cả tôi. Cũng may là thời điểm đó sóng biển còn nhè nhẹ nên giàn vẫn thẳng tiến về phía trước!

Những lúc như vậy, thợ PV Drilling kể với tôi về những chuyến hành trình kéo giàn có khi mất gần cả tháng trời, vì gặp phải thời tiết xấu, những cơn bão trên biển, sóng to gió lớn, giàn và tàu kéo phải dạt vào các hòn đảo để tránh bão liên tục. Hình ảnh giàn khoan bập bềnh trên sóng nước mỗi khi có bão to sóng lớn thật hãi hùng! Nhớ lại thời điểm đó, các anh vất vả chống chọi gió biển rít từng cơn, những con sóng cao cứ vỗ đập dưới chân giàn. Biển động khiến giàn được kéo trong trạng thái lắc lư. Sóng bạc đầu vỗ mạnh khiến giàn di chuyển như giật lùi. Gần cả tháng sống trong trạng thái mất cân bằng khiến nhiều người đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ăn ngủ kém. Chưa kể lương thực dự trữ trên giàn cũng vơi cạn…

Sự nhọc nhằn của hành trình dài cùng sóng gió biển khơi khiến nhiều người tưởng chừng đuối sức. Thế nhưng, các anh vẫn yêu giàn khoan, yêu biển và bám biển, tiếp tục những cuộc hành trình mới!

Nếu ai có dịp tham gia một chuyến hải hành đi kéo giàn khoan về đến đích an toàn như giàn TAD, hẳn sẽ đánh giá cao những vị thuyền trưởng cùng bộ phận cân bằng giàn. Đặc biệt là những giàn khoan xuôi ngược theo hải trình giữa vùngBiển Đông, gặp phải thời tiết xấu. Chắc chắn các vị thuyền trưởng lúc ấy cùng những cộng sự đắc lực của mình phải tận dụng hết mọi khả năng để giữ cho giàn khoan vượt qua mọi cơn phong ba bão táp…

Có những buổi tối, khi đi dạo quanh lan can giàn TAD là được dịp ngắm nghía bầu trời đêm lấp lánh những ngôi sao sáng rực cả một vùng biển. Trong những giấc ngủ đêm trên giàn khoan TAD giữa Biển Đông, tôi thấy sóng, gió và tình yêu người thợ giàn khoan hòa chung vào giấc mơ của mình. Giữa biển trời xanh ngát, tâm trí kẻ lữ hành nhiều khi quên hẳn chuyện đất liền. Để mà tha hồ thả hồn, nghe tiếng sóng rì rào vỗ bên mạn giàn, để mà tha hồ ngắm dải bạc chạy dài tít tắp sau đuôi giàn, để được thả hồn vào những giấc mơ xa xăm…

Thế Vinh

DMCA.com Protection Status