Những “bông hồng thép” Dung Quất

07:00 | 07/03/2017

964 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ở nơi mảnh đất miền Trung nắng gió, bão bùng quanh năm, những người thợ lọc dầu Dung Quất dường như đã quen với nhịp sống công nghiệp hối hả, kỷ cương và đôi khi khô khan đến cứng nhắc. Nơi ấy, cũng có những kỹ sư ngày đêm miệt mài với công việc. Họ không chỉ lao động sáng tạo làm lợi cho Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nhiều tỉ đồng, mà cuộc sống của họ cũng lắng đọng bởi tình thương yêu đồng nghiệp, cộng đồng.

Lao động sáng tạo

Chị Trần Thị Lụa, Phó trưởng ban Quản lý chất lượng (QLCL) BSR là “chị cả” ở trong công việc lẫn cuộc sống. Chị cùng với những nữ đồng nghiệp như Lê Thị Phương Trang, Nguyễn Thị Hồng Phi cùng nghiên cứu đề tài “Ứng dụng công cụ thống kê SQC trong công tác kiểm soát chất lượng thí nghiệm”.

Chị phân tích: Kiểm soát bằng thống kê (Statistic quality control - SQC) là công cụ được ứng dụng rộng rãi trên thế giới nhưng chưa phổ biến tại Việt Nam, công cụ này dùng mẫu kiểm soát (QC) để phân tích trên thiết bị cần kiểm soát bởi nhân viên được chỉ định theo tần suất phù hợp. Kết quả phân tích từ mẫu này cho phép đánh giá tình trạng thiết bị, điều kiện môi trường và độ chính xác của nhân viên phân tích một cách nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời đưa ra các hành động khắc phục, phòng ngừa nếu cần.

Theo kết quả ứng dụng mẫu QC vào công tác kiểm soát chất lượng thử nghiệm tại nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới thì việc ứng dụng này mang lại tính hiệu quả kinh tế khá cao, bao gồm chi phí về chất chuẩn, phí đầu tư mới và bảo dưỡng thiết bị cũng như giảm thời gian phân tích lần hai, lần ba... Tuy nhiên, lợi ích kinh tế nổi bật nhất khi áp dụng công cụ này là tiết kiệm chi phí vì không sử dụng hóa chất chuẩn. Tính đến thời điểm hiện nay, Phòng Thí nghiệm công ty đã áp dụng công cụ thống kê vào việc kiểm soát hệ thống thử nghiệm hơn 5 năm cho các thiết bị khi áp dụng công cụ thống kê bằng mẫu QC vào việc kiểm soát chất lượng kết quả thử nghiệm. Mỗi tháng, công ty đã tiết kiệm được khoảng 225 triệu đồng (hoặc 2,7 tỉ đồng/năm).

Ở Ban QLCL, chị Nguyễn Thị Thu Phượng là kỹ sư “gạo cội” với hơn 10 năm làm việc tại nhà máy. Chị cùng một đồng nghiệp nam sáng tạo đề tài “Nghiên cứu ứng dụng thiết bị Quang phổ cận hồng ngoại (NIR) trong việc phân tích các sản phẩm dầu mỏ ở phòng thí nghiệm”.

Chị Phượng nhận định, nhiều thời điểm với số lượng trên 3.900 mẫu sản phẩm dầu mỏ Phòng Thí nghiệm nhận từ bộ phận vận hành trung bình trong 1 tháng. Bài toán tối ưu việc sử dụng hóa chất, thời gian phân tích, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thiết bị phân tích thí nghiệm, nhân lực… luôn được đặt ra cho lãnh đạo ban cũng như lãnh đạo công ty.

nhung bong hong thep dung quat
Những nữ kỹ sư đang phân tích mẫu xăng, dầu

Thực tế, NIR là kỹ thuật phân tích dựa trên chương trình nhận dạng mẫu bằng phương pháp hình học tô-pô. Đây là phương pháp xác định vị trí mẫu trong một không gian vectơ. So với các phương pháp phân tích ASTM thông thường cũng như các phương pháp phân tích trực tuyến, thời gian phân tích NIR rất ngắn, khoảng 1 phút/mẫu và đo được nhiều thành phần với nhiều đặc tính khác nhau. Một hệ thống NIR có thể phân tích 5-7 nhóm mẫu và xác định được 5-10 đặc tính trên một mẫu. Vì vậy, việc ứng dụng kỹ thuật phân tích NIR trong phòng thí nghiệm không những giảm thiểu thời gian phân tích mẫu (RON, chưng cất, FIA…), chi phí bảo trì, bảo dưỡng thiết bị và nâng cao tuổi thọ của thiết bị mà còn giảm thiểu hóa chất tiêu hao, đặc biệt là silica gel sử dụng cho phân tích FIA có giá thành rất cao và rất độc hại cho nhân viên phân tích khi tiến hành bằng phương pháp đo thủ công thông thường.

Thời gian qua, chị Phượng và đồng nghiệp đã ứng dụng kỹ thuật phân tích NIR cho các dòng sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối như Mogas 92/95, FR Naphtha, Light Naphtha, Heavy Naphtha, Isomerate, Reformate, RFCC Naphtha, KO/JETA1, CCR Feed, LGO, HGO, HDT-LCO, Diesel, LCO… Hiệu quả của phương pháp này mang lại rất lớn như rút ngắn thời gian phân tích, tiết kiệm chi phí nhân công, hóa chất tiêu hao, chi phí bảo dưỡng thiết bị.

Giữa năm 2016, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên đã khen thưởng đột xuất cho 12 nữ kỹ sư, kỹ thuật viên Ban QLCL có thành tích trong phân tích mẫu và xuất Chứng thư chất lượng (CoQ) cho các sản phẩm của nhà máy. Theo chị Trương Thị Thu Hà, trước kia tổng thời gian từ khi lấy mẫu đến khi được CoQ của đơn vị giám định độc lập (Quatest 2) cho sản phẩm xăng A92, A95 là 16 giờ, với dầu DO là 14 giờ. Nhưng nay khi phòng thí nghiệm của BSR đã tự khẳng định được năng lực của mình bởi con người và trang thiết bị đã đạt chuẩn chất, các nhân sự trong phòng đã tự thực hiện phân tích mẫu và cấp CoQ cho sản phẩm xăng A92, A95 và dầu DO thay thế cho Quatest 2 và được triển khai từ 30-4-2015 đến nay.

Hiện nay, thời gian cấp chứng thư cho 2 sản phẩm xăng chủ lực còn 9 giờ, DO còn 7 giờ, đáp ứng tiến độ cấp hàng cho khách hàng, đặc biệt tại những thời điểm BSR có một số sản phẩm bị khan hàng, cần linh động cấp CoQ từng lô hàng có khối lượng nhỏ. Bên cạnh đó Chứng thư chất lượng cho các sản phẩm Lưu huỳnh lỏng, nhiên liệu phản lực JetA1 đã được BSR tự xuất từ năm 2011.

Theo nhóm kỹ sư (20 người, trong đó 12 nữ) thì việc làm này tiết kiệm được khoảng 2 tỉ đồng/năm cho việc thuê đơn vị bên ngoài cấp chứng thư chất lượng.

Tâm huyết vì cộng đồng

Không chỉ là những nữ kỹ sư giỏi chuyên môn, 38 nữ cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên trong Ban QLCL còn mang đến cho các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện miền núi Trà Bồng những cuốn sách đậm tình thương yêu với tên gọi “Mỗi cuốn sách - Một tương lai”. Ý tưởng này được ra đời sau những chuyến đi công tác xã hội của anh chị em Ban Nghiên cứu Phát triển (NCPT) và Ban QLCL vào năm 2011 và sau đó hằng năm chị Trần Thị Lụa và các anh chị em của Ban NCPT và Quản lý chất lượng cùng nhau trích từ tiền thưởng sinh nhật của công ty cho các cá nhân để lập một quỹ và mua sách phù hợp với lứa tuổi học sinh. Sau đó, các thành viên tập hợp đầu sách, đóng dấu của công ty và lập thành thư viện sách cho các trường của huyện miền núi Trà Bồng. Chương trình “Mỗi cuốn sách - Một tương lai” là món quà nhỏ tuy nhỏ của những người thợ lọc dầu, đặc biệt là các nữ kỹ sư, công nhân dành tặng cho học sinh vùng cao, nhưng đã thể hiện tấm lòng dầu khí, và trao gửi tình thương và trách nhiệm đến với cộng đồng.

Ở Ban QLCL cũng có một câu chuyện xúc động, đó là trường hợp của chị Lê Thị Đào. Cách đây 2 năm, chị Đào bị bạo bệnh, cần máu gấp. Anh em đồng nghiệp trong nhóm 4 của Ban QLCL đã ra tận nơi để động viên tinh thần và chờ đợi nhiều ngày. Khi tình hình khẩn cấp, hơn 10 đồng nghiệp “sẵn sàng” tiếp máu cùng Đào chạy đua với tử thần. Chị Đào nhớ lại: “Những hình ảnh đoàn xe BSR hằng ngày chạy Quảng Ngãi - Đà Nẵng chở đồng nghiệp sẵn sàng hiến tặng những giọt máu hồng; những dòng chia sẻ của tất cả người thân, anh chị em bạn bè và cả những con người không hề quen biết… như tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho tôi mạnh mẽ hơn để đấu tranh với bệnh tật”.

Sau nhiều tuần chạy chữa, tiếp máu, Lê Thị Đào đã khỏi bệnh. Chị đã quay trở lại công việc phân tích mẫu với nhiều thành tích xuất sắc. Nhưng trên hết, nghị lực sống phi thường và tinh thần vượt qua khó khăn; sự sẻ chia, giúp đỡ đồng nghiệp của chị em ban QLCL đã là bông hoa đẹp, những “bông hồng thép” Dung Quất.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status