Những lời nói thật lòng

07:00 | 26/09/2014

882 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Dám nói thẳng, nói thật lòng, nói hết những khó khăn đã gặp, hoặc sẽ phải đối mặt và đưa ra những giải pháp để vượt qua khó khăn, đấy chính là tinh thần của các thành viên Câu lạc bộ Giám đốc Dầu khí tại Hội nghị sinh hoạt lần thứ 3 mới đây. Báo Năng lượng Mới xin trích đăng lần lượt những ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm đó.

Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR)

Cái gì đang cản trở chúng ta

Trong cơ sở một hội nghị giống như hội nghị Diên Hồng này, cho phép tôi nói thẳng, nói thật những vấn đề đang cản trở bước phát triển của chúng ta. 

Trong một lần làm việc thì tôi có nghe anh em ở nhà máy nói với nhau như thế này: Uớc gì ở các cuộc họp, các lãnh đạo giảm bớt thời lượng báo cáo thành tích thì hay quá. Hãy nói về những khó khăn của chúng ta.

Những lời nói thật lòng

Sau khi nghe câu đấy, tôi để ý thì đúng thật. Hầu như ở các hội nghị, cuộc họp của chúng ta, nếu diễn ra trong vòng 3, 4 tiếng đồng hồ thì phải mất 2 tiếng rưỡi, 3 tiếng để báo cáo thành tích. Làm sao để những cái ngày hôm nay chúng ta nói ra, đã bắt đầu nói ra, nó sẽ thay thế vào đó. Báo cáo thành tích 30 phút thôi. Còn những khó khăn của các đơn vị đâu, giải pháp là gì, đặc biệt những đơn vị khó khăn như PVC, như PV EIC, sắp tới rất có thể là PTSC, là NMLD Dung Quất. Thì tất cả những chuyện đó là tâm sự mà ngày hôm nay tôi muốn nói. Từ những tâm sự như vậy, thì có 2 vấn đề tôi muốn trao đổi, với mong muốn các anh, các chú, các bác lãnh đạo Tập đoàn, với những tâm tư của mình, báo cáo thẳng lên cấp trên, kết nối với các lãnh đạo khác trong và ngoài Tập đoàn để giúp cho nhà máy nói riêng cũng như Tập đoàn nói chung.

Vấn đề thứ nhất, công tác dịch vụ cho nhà máy chúng ta chưa thật tốt, bởi vì chúng ta xây dựng chưa ăn thua. EIC ngay từ khi vào nhà máy, đặt vấn đề từ 2010, thì tôi đã nói thẳng rằng, với cách làm như vậy không thể nào phát triển. Làm từ trên ngọn làm xuống thì không bao giờ thành công được. Chúng ta có một thế lực rất tốt. Nhưng tại sao NMLD, Đạm Phú Mỹ, PV Gas... không dám giao việc cho các anh? Vì họ không tin các anh. Tại sao các anh không lấy mỗi đơn vị một nhóm, những nhóm nhỏ đấy sẽ kết hợp thành một nhóm nòng cốt để kết nối với nhau, phát triển thành một công ty bảo dưỡng. Công ty đó có đại diện của tất cả các đơn vị nằm trong đó, qua quá trình họ sẽ tin và sẽ dám giao việc. Còn bây giờ các anh lấy người từ nơi khác về, làm sao chúng tôi dám giao việc được? Trình độ đâu? Năng lực đâu? Kinh nghiệm đâu? Uy tín, tiếng tăm của anh đâu?

Từ hồi anh Vũ Quang Nam còn làm Phó tổng tôi đã đề nghị với anh Nam cho phép thành lập một công ty bảo dưỡng cho Tập đoàn, bằng cách kết nối các công ty nhỏ ở dưới lại. Vật tư phụ tùng của Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, NMLD Dung Quất, Vietsovpetro và khí, 90% là giống nhau. Cũng là những nhà cung cấp như vậy, cũng chủng loại thiết bị như vậy. Kinh nghiệm vận hành sản xuất ở các nơi đấy cùng 90% là giống nhau. Hệ thống kiến thức của con người, trang thiết bị là như nhau. Vậy tại sao chúng ta không dùng chung được? Rất cần một sự nghiêm khắc, quyết liệt, nói thẳng là áp đặt từ phía Tập đoàn để thực hiện công việc này. Làm sao để cơ sở dữ liệu về vật tư của Phú Mỹ phải hoàn toàn mở với Bình Sơn và ngược lại. Phải biết rằng trong kho của chúng ta đang có những gì để có thể sử dụng chung với nhau.

Việc này là rất khó, vì các bên vẫn không trung thực với nhau, vẫn che giấu. Có những suy nghĩ rất buồn cười như thế này, nó nhỏ thôi, nhưng rất khó khắc phục: Cái gì của riêng tôi, có giá trị cao, nếu cổ phần với ông, ông mượn của tôi thì tôi không cho mượn không được, mà cho mượn thì tôi lại phải lo cho tôi. Những suy nghĩ đấy khiến cản trở rất nhiều trong việc kết nối giữa các đơn vị với nhau, không thể tạo thành một liên kết để tập sử dụng các nguồn lực chung được. Đó là lý do tại sao cần phải có sự chỉ đạo mang tính mệnh lệnh của Tập đoàn là như vậy. Và chính sự kết nối ấy, từ việc lấy các nhóm ở những đơn vị chính như vậy chúng ta mới có thể xây dựng được một công ty BDTT cho Tập đoàn.

Những lời nói thật lòng

Chúng ta không nhất quán trong việc xây dựng mô hình tổ chức của một vài đơn vị. Ví dụ, năm 1996, tôi đã từng làm việc ở PVC IC với khát vọng có thể xây dựng nó thành một mô hình như những công ty thiết kế nổi tiếng thế giới, để có thể ít nhất là thiết kế cho Tập đoàn Dầu khí.

Cho đến nay nó là gì? Hết là công ty trực thuộc 100% Tập đoàn, lại thành công ty con của PVC, rồi lại của Tập đoàn, rồi lại cổ phần... Tách, nhập, tách, nhập... cơ chế không rõ ràng. Và đến nay chúng ta vẫn thiết kế chẳng ra gì cả. Trong vòng 3 năm, từ 2010 đến 2012, 6 lần đổi chủ. Vậy thì dự án đi đến đâu? Liệu chúng ta có thể phát triển được với sự không nhất quán như vậy hay không? Chúng ta có xây dựng được một lực lượng hùng mạnh với sự thay đổi xoành xoạch như vậy hay không? Chắc chắn là không. Không ai làm được cả. Và nếu cứ như thế này, chúng ta không cạnh tranh được với công ty khác trong nước chứ đừng nói là với tư bản nước ngoài.

Như vậy, đề nghị các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tập đoàn các thời kỳ góp ý thẳng thắn với các đồng chí đang lãnh đạo và sẽ lãnh đạo Tập đoàn trong thời gian tới. Làm sao chúng ta có thể phát triển được với một tầm nhìn như vậy, với một cách hành xử như vậy? Trong một cái Tập đoàn biến đổi liên tục như thế này?

Không mở rộng nhà máy là... chết!?

Vấn đề thứ hai, vấn đề rất cũ, vô cùng cũ, đó là nâng cấp tổng thể nhà máy. Năm 2010, lần đầu tiên tôi nói là, ngày hôm nay tôi nói về nâng cấp tổng thể nhà máy. Rất có thể nếu thực hiện, không biết bao giờ mới xong. Nhưng tôi vẫn phải nói ngay. Vì tôi biết từ khi tôi đưa vấn đề này lên, cho đến khi nó xong chắc là lâu lắm. Năm 2011, chúng tôi đã nói luôn đến cả vấn đề nhạy cảm là tự đầu tư, bởi vì tình hình này chắc không ai dám nói rằng, chúng ta không phối hợp với ai được cả. Và đến nay là 2014, sắp 2015, đã 4, 5 năm, chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ, vẫn đang đau đầu cân nhắc là theo Nga hay không đi với Nga. Đầu năm tôi đã nói trong một hội nghị, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, rằng chúng tôi cần một sự quyết liệt, mạnh mẽ trong vụ này. Chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm, nhưng các cấp lãnh đạo phải quyết là có cho chúng tôi thực hiện hay không. Tôi đề nghị là tháng 6 năm nay, nếu không thể đi được với bất kỳ “ông” nào nữa, hoặc còn chần chừ chưa quyết thì hãy cho nhà máy tự quyết con đường đầu tư, sau đó “ông” nào muốn vào thì phải chấp nhận kết nối tiếp ở điểm mà chúng tôi đang đi.

Nhưng chúng tôi phải làm chủ, chúng tôi phải cầm cán thì chúng tôi mới làm được.

Vâng, mọi người đều biết 2017 chúng ta sẽ có một NMLD thứ hai. Với tình hình này 2018, thậm chí 2019, 2020 chúng ta sẽ có 2 NMLD nữa là Vũng Rô và Nhơn Hội.

Những lời nói thật lòng

Yếu tố cạnh tranh ở đâu? Chúng tôi luôn nói rằng, yếu tố cạnh tranh là vấn đề trước sau gì chúng ta cũng phải nói đến. Cho dù chúng ta có cơ chế bảo hộ kiểu gì, như bác Nhậm nói là nó văn minh đến mức nào, cuối cùng cạnh tranh vẫn là cái chính. Còn cái bảo hộ nó chỉ là 10-20-30% là cùng, không thể hơn được. NMLD không thể cạnh tranh được nếu như chúng ta không mở rộng.

Bởi vì sao?

Bởi vì họ đi sau, công nghệ, kỹ thuật, họ tốt hơn, hiện đại hơn, họ rút kinh nghiệm được ở nhiều dự án. Họ có nhiều ưu đãi hơn trong các dự án mới.

Tôi muốn nói rằng, việc này tại sao phải nhắc lại? Bởi vì nó cũng đã đến cái điểm rất là bức xúc thì cũng đề nghị các anh, các chú, các bác hỗ trợ cho nhà máy về mặt thông tin, tư vấn, ý kiến phản hồi. Chúng tôi phải tự làm, nhưng phải được sự cho phép để tự làm, nếu không thì không đi đến đâu cả.

Báo cáo các anh là con đường mà NMLD đi, nó đã chông gai rồi. Bây giờ đã quá muộn rồi, tôi nói thẳng là cuối năm nay chúng ta mới bắt đầu chủ trương mở rộng nhà máy thì có khi tới 2023 mới xong.

Trong khuôn khổ một “hội nghị Diên Hồng” như thế này thì xin có những ý kiến phản hồi rất là trung thực. Vì trung thực, thẳng thắn đối với chúng tôi nó là tiền đề để đảm bảo cho sự phát triển an toàn, tin cậy, ổn định của NMLD Dung Quất. Tinh thần như vậy sẽ tiếp tục duy trì ở Công ty Lọc - Hóa dầu Bình Sơn chúng tôi. Và cũng muốn là những ý kiến như vậy nó chuyển cái sự khó chịu lâu nay thành sự ủng hộ, đồng thuận, thông cảm và sự giúp đỡ, trước hết là của các anh, các chú, các bác nguyên lãnh đạo Tập đoàn của toàn thể các anh em ở đây và sau đó biến thành sức mạnh để chúng tôi có thể làm một cái gì đó khác hơn, quyết liệt hơn, nhanh hơn để chúng ta có thể cứu trước tiên là nơi tôi đang làm và có thể cái đấy nó cũng sẽ tác động tốt đến chính sách của Tập đoàn.

Ông Phan Thanh Tùng, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC)

Chúng ta đã làm được 100%

Về cơ khí dầu khí, báo cáo các bác, các anh đây là khu vực thành tựu lớn nhất của PTSC trong một số năm vừa qua. Có thể nói nền móng là các lãnh đạo Tập đoàn qua các thời kỳ đã hỗ trợ tuyệt vời trong giai đoạn đầu như là anh Nhậm, anh Cảnh và nguyên lãnh đạo Tập đoàn hiện nay. Thành tựu của nó sánh ngang tầm khu vực và chúng tôi đã chứng minh điều đó bằng một loạt các dự án trúng thầu của nước ngoài. Ở đây, hiện nay cơ sở vật chất chỉ còn thiếu cần cẩu loại lớn thôi. Chúng tôi vẫn phải hợp tác với Vietsovpetro thì chỉ có cẩu 1.200 là lớn.

Những lời nói thật lòng

 

Rất mừng báo cáo với các đồng chí là chúng ta đã thiết kế các công trình dầu khí biển 100% trong nước. Nói thì dễ nhưng chúng tôi cũng phải mất đến 15 năm vô cùng nỗ lực mới làm được một số dự án như Sư Tử Vàng… Dự án này 100% người Việt Nam tự thiết kế, tự thi công. Và rất mừng là chúng ta phát triển được dịch vụ thiết kế chi tiết ra nước ngoài. Đó là giàn MF làm cho  Brunei, trong đó Total Brunei gọi mời mười mấy nhà thầu, cả nhà thầu Trung Quốc… Nhưng chúng ta đã thắng và hiện nay đang thiết kế, chế tạo giàn đó ở Việt Nam. Cũng vui mừng báo cáo với các đồng chí là chúng ta cũng có khả năng tiếp tục làm những việc như vậy. Và trong lĩnh vực này, về công nghệ chế tạo, trước đây Thủ tướng đã nói phải làm chủ, hiện 100% là người Việt Nam đã làm chủ, thể hiện ở công trình Biển Đông 01. Đây là giàn rất lớn và chế tạo phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao nhất. Nhiều chuyên gia nước ngoài không tin là ta làm được. Nhưng tập thể PTSC được sự hợp tác của nhiều đơn vị thành viên đã làm rất tốt. Không những chúng ta vừa thiết kế, chế tạo giàn, mà còn nâng cấp bãi, xây dựng cơ sở vật chất, đường trượt v.v... PTSC đã thiết kế, thi công đường trượt 22.000 tấn thuộc dạng lớn bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á, hoàn toàn của người Việt Nam. Và Tập đoàn cũng đã đẩy mạnh việc chỉ đạo cũng như một số các giải pháp trong khu vực này tôi thấy rất là đúng. PTSC và các đơn vị khác theo tôi thấy hoàn toàn có thể triển khai được.

Ngoài ra các đơn vị thành viên của PTSC, các đồng chí biết là có PV Shipyard cũng là đơn vị non trẻ, từ giàn Tam Đảo 3, đến nay thì chế tạo giàn Tam Đảo 5. Tam Đảo 3 có thể có những cái chưa được hoàn thiện, nhưng đấy cũng là giàn đầu tiên và tôi cho rằng đó là thành công vượt bậc, rồi đến nay là giàn Tam Đảo 5, có thể nói khi thực hiện không có vấn đề lớn nào cả. Tôi hoàn toàn tin tưởng giàn Tam Đảo 5 sẽ thành công và sẽ tốt hơn Tam Đảo 3.

Tựu trung lại, cơ khí dầu khí của chúng ta đã làm được hết những gì chúng ta đề ra, hầu hết các chỉ tiêu đặt ra. Riêng cái tàu kho nổi xử lý/chứa và xuất dầu thô (FPSO/FSO) chúng ta không có ụ, không có đốc, các đồng chí cũng biết PTSC cũng đã đóng 2 con tàu mà không cần đường trượt, không cần đà, không cần gì cả mà áp dụng công nghệ bãi thoải cũng như là túi khí của Trung Quốc rồi nâng cấp lên… Như vậy, chúng ta đã làm được hết những gì ban lãnh đạo kỳ vọng cũng như là đặt ra. Thế thì tái cấu trúc và sắp xếp lại ở đây là làm cái gì và như thế nào để phát huy năng lực vị thế của chúng ta? Với các dự án nước ngoài thì chúng tôi đang đẩy mạnh khu vực này, như là Myanmar và một số nước kể cả Malaysia, bây giờ các giàn lớn, bãi của họ có đến 25.000 tấn là ít. Myanmar rất cởi mở và chúng tôi tăng cường tham gia. Ngoài giàn MF của Brunei, cơ khí hàng hải của PTSC còn thắng tiếp 1 giàn công nghệ của ONDP. Chúng ta mang giàn công nghệ hiện nay là 10.000 tấn về, cái này thì không thiết kế, chủ yếu là chế tạo và sau đó đưa lên sà lan và họ tự chở sang Ấn Độ.

Về FPSO, ở khu vực này, có một rủi ro lớn mà chúng tôi đang tập trung nghiên cứu, các mỏ đưa vào như dự kiến nhưng mà không như dự kiến, nó kết thúc sớm và dẫn đến những rủi ro đối với các dịch vụ này. Ngoài ra, đóng mới, chế tạo và hoán cải thì từ xưa đến nay chúng ta làm ở nước ngoài, PTSC theo chỉ đạo của Tập đoàn cũng đã lên các phương án để làm sao đóng mới có thể làm trong nước được, tăng cường chế tạo ở trong nước.

Dịch vụ bảo dưỡng, vận hành, đấu nối các công trình dầu khí biển bấy lâu đã thực hiện rất tốt, trong 2014 đã thực hiện vượt mức các chỉ tiêu và các dự án rất an toàn và thành công. Tuy nhiên, ở đây, năng lực của chúng ta ở khu vực này rất yếu. Nếu tùy thuộc vào con người thì các đồng chí thực hiện rất tốt, nhưng về trang thiết bị, cơ sở vật chất, báo cáo các bác, các anh thì 10 năm trước đây, chúng ta đã có dự án đầu tư một cần cẩu cỡ lớn. Nhưng đến nay vẫn chỉ có cần cẩu khoảng 300 tấn.

Khó khăn sẽ ngày càng chồng chất

Mặc dù từ trước đến nay chúng ta đã phát triển tốt rồi, nhưng mà đi kèm với bảo hộ, đi kèm với nước ngoài là những giàn đầu tiên của các đối tác giao lại cho mình với những điều kiện rất tốt để chúng ta phát triển và chúng ta có tiền để bù lại những lởm khởm, bù lại những vớ vẩn trong quá trình phát triển của chúng ta. Bây giờ chúng ta đã đạt những bước nhất định nhưng mà chúng ta lại thay đổi. Và chúng ta cũng hiểu Nhà nước là như thế nào, cơ quan Nhà nước là như thế nào thì cái quyền quyết và áp dụng những chính sách là như thế nào? Việc mà đặt trách nhiệm so với việc rủi ro của cá nhân thì tôi xin phép các bác, các anh đã quá hiểu điều đó rồi. Động lực phát triển của nó có hay không và duy trì hay là các công ty muốn cho nó phát triển cắt giảm xuống 30%, dưới 30%, kể cả giải pháp phát triển kinh doanh, kể cả về gắn đãi ngộ với thành quả lao động. Dù có hàng ngàn giải pháp nhưng cũng chỉ tạm thời, mang tính nhất thời và phụ thuộc vào con người rất là nhiều. Dẫn đến điều là công ty Nhà nước phát triển được thì đó là trường hợp rất cá biệt, với những lãnh đạo thực sự tâm huyết, xây dựng văn hóa, bề dày nhưng mà chỉ cần vài thay đổi khác đi thì nó sẽ đi xuống rất nhanh.

Tàu Amadeus kéo cáp trên biển

Về khu vực khảo sát thì rất cần các lãnh đạo Tập đoàn hỗ trợ. Tàu khảo sát về địa chấn thì PTSC có con tàu 3D rất ít việc, thứ hai là tàu  2D Bình Minh, khu vực khảo sát địa chất công trình có 2 con tàu rất cũ là 104, 106 đã 40 tuổi và thêm một số thiết bị này kia thì cố gắng được chừng nào thì làm thôi chứ phát triển mạnh cái đó thì hơi bị khó. Địa chấn thì chủ yếu chúng ta có 2D. 2D thì phần lớn con người chúng ta điều hành trên tàu này. Tàu khảo sát địa chấn Amadues là 3D thì chúng ta liên doanh và chúng ta chỉ có ít người vận hành những cái đơn giản thôi nhưng quan trọng nhất là marketing cho con tàu này vẫn phụ thuộc vào đối tác nước ngoài. Đặc biệt nhất là phần minh giải, xử lý số liệu phần kỹ thuật, phần kỹ thuật cao. Lý do cực kỳ khó nữa là hầu hết các dự án mà nước ngoài thành lập đều dưới cái giá thành. Báo cáo với các bác, các anh là vừa rồi đi đấu thầu, phải chào giá chấp nhận là  -20% thế mà còn thua, cái ông thắng còn dưới mình 15% nữa. Tức là cạnh tranh ở khu vực này không ngờ nó ở mức độ khủng khiếp như vậy. Ra nước ngoài đấu thầu như vậy, phải chấp nhận dưới giá thành khoảng 30% trở lên thì mới có thể kiếm được việc. Ngoài ra 2D và 3D hiện nay, các khu vực khảo sát trong nước của mình là càng ngày càng thu hẹp. Dự kiến năm 2015 thì như các đồng chí thấy, PTSC vô cùng khó khăn ở khu vực này.

Các sáng kiến giải pháp thì chủ yếu PTSC áp dụng tất cả các loại giải pháp. Đề án năng lực cạnh tranh, Technip họ làm thế nào thì PTSC cố gắng làm như thế, phát triển ra nước ngoài, tăng quyền chủ động cho giám đốc dự án, rồi là gắn cái đãi ngộ, khoán là một phần nhỏ thôi, nhưng mà phải gắn cái đãi ngộ và làm sao trả tiền cho nhanh. Người ta làm theo kiểu lãi được 100 triệu thì phải thưởng 5 triệu, 10 triệu theo đúng luật thôi. Và hàng loạt các giải pháp nữa để thực hiện đề án tái cấu trúc của Tập đoàn, trong đó có 2 phần chính là nâng cao năng lực và phát huy vai trò của tổng công ty cũng như kết nối với các đơn vị để cùng với nhau. Lãnh đạo Tập đoàn có đề cập, là phải có cơ quan mạnh. Đi ra nước ngoài thì bản thân các đơn vị và PTSC phải là một. Hiện nay tất cả cái know-how (biết để thực hiện, để làm như thế nào) của cơ khí hàng hải hay của bất kỳ đơn vị nào mà thuộc các lĩnh vực thì đều được chia sẻ bởi các đơn vị rất là tốt, thể hiện ở chỗ như Nghi Sơn, Thanh Hóa là những đơn vị mới tinh, hiện nay cũng đang làm cơ khí dầu khí, thế rồi khu vực Dung Quất… cũng như các khu vực khác.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong (ghi)

 

DMCA.com Protection Status