Những lời nói thật lòng (Kỳ cuối)

14:31 | 30/09/2014

883 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Báo Năng lượng Mới xin trích đăng nốt những ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm đó của các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn, các Tổng Công ty

Năng lượng Mới số 361

>> Những lời nói thật lòng (Kỳ 1)

Ông Trần Minh Ngọc, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC)

Trước hết tôi xin báo cáo khái quát tình hình chung của PVC. Bắt đầu chương trình tái cơ cấu PVC lần 2 từ tháng 1/2013 cho đến nay, tức là được 9 tháng, việc đầu tiên chúng tôi phải đổi mới tư duy quản trị của Tổng Công ty PVC. Và đúng ngày 5/1/2013 thì chúng tôi đã thực hiện theo Quyết định số 46 của Chính phủ về việc tái cơ cấu PVC.

Những lời nói thật lòng

Mục tiêu là cơ cấu lại mô hình tổ chức của PVC theo hướng gọn nhẹ. Để phát triển, công việc đầu tiên là phải ổn định, sau đó mới tiến tới thực hiện các dự án. Anh Phan Thanh Tùng (Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) - PV) có nói, chủ yếu là tập trung các công trình dầu khí trên bờ, qua đấy sẽ thoái một phần vốn hoặc đầu tư ở ngoài theo chỉ đạo. Cho đến nay, công ty mẹ chúng tôi đã tái cơ cấu xong. Từ 11 ban, văn phòng còn lại 5 ban và đã biên chế, điều chuyển tất cả các cán bộ không phù hợp. Về các đơn vị thành viên, để xác định thực trạng và tiến hành thoái vốn theo lộ trình thì chúng tôi đã làm được 3 đơn vị. Còn các đơn vị khác đang trong giai đoạn thực hiện.

Lộ trình là chỉ giữ lại 5 đơn vị chủ chốt để chia các công việc, thứ nhất là PVC MS, PVC IC, PVC PT là 3 đơn vị tập trung ở Vũng Tàu - cái nôi của PVC. 3 đơn vị này có truyền thống với khoảng 31 năm thành lập. Cách đây 5 ngày chúng tôi cũng đã tổ chức mít tinh kỷ niệm 31 năm Ngày thành lập tổng công ty và các đơn vị này. Sẽ có thêm hai đơn vị là PVC miền Bắc và miền Trung, cũng tính toán dựa trên vùng miền về xu hướng phát triển các công trình xây lắp, xây dựng của các đơn vị thành viên Tập đoàn, cũng như chiến lược phát triển của Tập đoàn. Mục tiêu thành lập 2 công ty này dựa trên nền tảng thiết bị, con người của cả hệ thống bộ máy công ty, dự kiến trước tháng 6/2015 sẽ hoàn chỉnh các công ty này.

Những lời nói thật lòng (Kỳ cuối)

Giàn Biển Đông 01

Về kết quả sản xuất kinh doanh của PVC, năm 2012 chúng tôi hoàn thành kế hoạch khoảng 5.200 tỉ. Năm 2013 được giao 5.400 tỉ thì chúng tôi hoàn thành vượt mức khoảng 10%. Năm 2014, kế hoạch Tập đoàn giao chúng tôi cũng có thể sẽ hoàn thành vượt mức. Cho đến 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của chúng tôi vượt được khoảng 116%, lãi ròng cho sản xuất kinh doanh chính trực tiếp của công ty mẹ được khoảng 94 tỉ.

Tuy nhiên, số lỗ tiềm ẩn, lỗ lũy kế cho đến thời điểm hiện tại cũng còn không nhỏ (?).

Đó là bức tranh rất cụ thể về tài chính và sản xuất kinh doanh.

Phần thứ 2 tôi muốn trình bày là mục tiêu tái cơ cấu của PVC. Chúng tôi sẽ xây dựng PVC trở thành một đơn vị dịch vụ kỹ thuật cao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tổng công ty sẽ vươn tới trở thành tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng) trong các chiến lược mà Tập đoàn đã phê duyệt. Trước đây PVC có một trung tâm thiết kế. Trước đấy nữa là có PVE. Sau đấy chúng tôi bị mất đi bộ phận thiết kế. Mà không có bộ phận thiết kế này thì chúng tôi phải sáp nhập, phải duy trì bộ máy là phòng kỹ thuật, ban kỹ thuật của tổng công ty. Nếu không có khâu thiết kế này thì một đơn vị xây lắp thường có rất nhiều yếu điểm trong quá trình đấu thầu. Tức là mình không tính toán được một cách cụ thể và mình không lường trước được tất cả các khối lượng, cũng như các giải pháp. Chính vì thế phải nói rằng, chúng tôi cũng đã nhìn ra được bài học: Nếu như mình không có đội ngũ am hiểu tường tận về thiết kế, kỹ thuật thì chắc chắn khi triển khai các dự án cũng như chuẩn bị làm hồ sơ đấu thầu một số dự án, rồi sau này còn phải báo cáo với Tập đoàn để xin hỗ trợ các chi phí có thể phát sinh, thì đấy là các rủi ro.

Để PVC có thể trở thành tổng thầu vào năm 2018 thì phải chuẩn bị một đội ngũ kỹ thuật cao về công tác thiết kế, là một công việc rất cần phải chú trọng của PVC.

Thông qua hội nghị, lãnh đạo PVC mong muốn các đồng chí nguyên lãnh đạo các đơn vị có sự quan tâm, hỗ trợ PVC trong giai đoạn này, có những điều chỉnh hợp lý và vẫn phải tin tưởng, giao phiên công việc. Đồng thời thúc đẩy các đồng chí lãnh đạo khác tạo điều kiện, giao việc cho PVC, cũng như hỗ trợ các chính sách về tài chính để PVC vượt qua khó khăn. Chúng tôi cũng đã thấy được... đường đi của mình, sẽ dần dần ổn định và phát triển.

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam

 Vừa rồi qua phát biểu của anh Phan Thanh Tùng thì có một số ý tôi cho rằng hơi táo bạo. Có lẽ vì thế hệ trẻ có những suy nghĩ táo bạo, mạnh mẽ hơn và nếu được giao quyền quyết định thì chắc là nền kinh tế của đất nước với sự lãnh đạo của lớp thế hệ trẻ mạnh mẽ như vậy chắc chắn sẽ phát triển rất tốt.

Những lời nói thật lòng

Hiện nay tồn tại hai vấn đề mâu thuẫn nhau, như anh Tùng vừa nói: Một là, Nhà nước muốn giữ vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước. Vai trò đấy là phải luôn luôn trên 30%. Ngược lại, các quy chế, chính sách đối với các doanh nghiệp Nhà nước lại không phù hợp, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt được. Vừa rồi tôi đọc chiến lược do Tập đoàn soạn thảo, tôi nói thật, chúng ta cứ nói nhiều về chiến lược, nói nhiều về quyết định của Nhà nước giao cho chúng ta, nhưng mà thật ra Thủ tướng phê duyệt cũng là căn cứ vào những cái Tập đoàn đưa lên, do chúng ta tự xây dựng. Thế mà có những cái chúng ta đề xuất cách đây 10 năm bây giờ bị phá sản. Thậm chí, các chiến lược tăng tốc cách đây 3, 4, 5 năm thì giờ nhìn lại thấy có rất nhiều cái chúng ta không làm được.

Tại sao không làm được, bởi vì có những trách nhiệm và ràng buộc mà chúng ta đã hiểu là nằm trong một bối cảnh rất phức tạp và khó khăn.

Cho nên, chúng ta đang ở trong một tình thế mà cơ chế Nhà nước có chỗ rất không phù hợp với doanh nghiệp Nhà nước.

Ngày xưa khi chúng tôi đang làm, thì rất muốn khuyến khích các đơn vị của chúng ta tạo điều kiện cho anh em làm, để anh em phát triển. Chủ yếu là giao việc cho làm thôi chứ không phải đấu thầu gì cả. Cho đến khi mạnh lên một chút thì bắt đầu có chuyện đấu thầu. Sau đó một thời gian mà cứ làm như vậy thì anh em chúng ta lại chẳng còn việc gì làm cả. Vậy nên lại sinh ra cái Nghị quyết 233. Bây giờ, tôi nghĩ rằng, đối với doanh nghiệp, thực ra cái logic của nó là, người ta đẻ ra được cái gì trong ruột nó, trong lòng nó, để thực hiện những việc của nó, chứ không phải là cái chỗ thầu.

Không phải là anh đẻ ra cái đơn vị để làm việc đấy, có việc đấy xong rồi anh lại phải đi đấu thầu. Rất là vô lý. Cho nên, nếu bắt chúng ta phải chấp hành đấu thầu, theo tôi là vô lý.

Vậy bây giờ, trong bối cảnh như vậy, chúng ta phải giải quyết như thế nào, để anh em vẫn có việc, nhưng vẫn phải đấu thầu. Thì tôi nghĩ rằng chúng ta phải có những đề xuất nhất định đối với Nhà nước, khi đề ra những chính sách, cơ chế, quyết định phù hợp, có thể khuyến khích các doanh nghiệp Nhà nước phát triển.

Như vậy, ý anh Tùng nói lúc nãy, cá nhân tôi rất ủng hộ. Nhưng tôi phải nói rằng, chúng ta không làm được đâu. Bởi vì đây là bối cảnh chung…

Tôi ví dụ: Nếu chúng ta không có chính sách phù hợp trong vấn đề tiền lương thì Dung Quất sẽ rất khó khăn. Người Dung Quất bắt đầu chuẩn bị đi. Và sau này giả sử Vũng Rô, Nhơn Hội phát triển thì Dung Quất sẽ không biết làm thế nào để giữ người lại? Không phải chỉ có Dung Quất mà các chỗ khác cũng thế. Vì thế, trong chính sách nếu không có những thay đổi nhất định, không trao cho Tập đoàn, cho các doanh nghiệp quyền tự chủ nhất định thì không bao giờ có thể phát triển được. Tôi thẳng thắn nói như vậy. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật: Các doanh nghiệp nếu không có những quyền chủ động nhất định, dứt khoát sẽ không phát triển được, dù có hô hào doanh nghiệp Nhà nước là chủ đạo hay như thế nào đi nữa.

Đấy là bên phía Nhà nước. Bên phía chúng ta, thực ra chúng ta cũng bày ra nhiều thứ, tôi xin thẳng thắn nhận xét như vậy. Chúng ta chỉ nên đẻ ra các đơn vị cần thiết, có nhiều việc để làm, có hiệu quả kinh tế. Tôi ví dụ như PTSC. Ngày xưa trong PTSC chúng ta chỉ có 10%, Thủ tướng yêu cầu là phải nâng lên 15-20-25%. Bây giờ ta đã làm được việc đó rồi. PTSC có thể nói là một đơn vị dịch vụ gắn với ngành chúng ta và đủ sức cạnh tranh, mặc dù anh Tùng cũng biết là có rất nhiều khó khăn. Còn những đơn vị khác, đáng lẽ chúng ta chỉ nên “đẻ” ra ở mức bảo đảm cho hoạt động của Tập đoàn nhưng chúng ta lại “đẻ” ra hơi lớn quá. Đối với các đơn vị đó, tôi nghĩ chúng ta đã để cho phát triển tương đối thoải mái, để đến bây giờ lại gặp khó khăn. Thì với vấn đề này Tập đoàn phải có chiến lược, làm thế nào để thu hồi lại...

Thế thì rõ ràng, đã là doanh nghiệp thì chúng ta phải có những bộ phận con của nó, để phục vụ cho nó. Không thể bắt các doanh nghiệp lớn đẻ ra những doanh nghiệp con, rồi bắt các doanh nghiệp con đó cạnh tranh với các doanh nghiệp bên ngoài. Mặt khác, những doanh nghiệp con đó phải đủ sức vừa có thể làm cho nội bộ, vừa mở rộng làm ăn ra bên ngoài. Nghĩa là phải có hiệu quả thì mới làm. 

Ông Nguyễn Xuân Nhậm, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam

Tôi xin phát biểu một chút về phương hướng dịch vụ. Tôi nghĩ rằng, mình đang ở trong một quá trình hội nhập tương đối lớn. Có những thứ mình cứ làm như cũ, nghĩ như cũ là vứt đi. Trong ngành mình hay trong nước mình dù có bảo hộ hay không thì tôi nghĩ là vẫn có cách, chỉ có khác là mình phải làm cho nó văn minh hơn.

Về lĩnh vực dịch vụ, tôi cho rằng, có một lĩnh vực cần đẩy nhanh hơn một chút, cả về mặt tổ chức lẫn thực tiễn, đấy là dịch vụ cho các công trình lớn trên bờ của mình, bao gồm lọc dầu, hóa dầu và điện. Theo tôi đây là lĩnh vực hiện nay chúng ta đang kém. PTSC từ xưa đến nay theo như tôi quan sát thì luôn luôn phải gánh vác nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn khá nhiều. Bản thân tôi cho rằng, phải dùng PTSC như một anh tiên phong, bây giờ có thêm một “chú” nữa là PVD (Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí - PV), cũng là một anh rất khỏe, thì nó mới đẩy dịch vụ của mình lên. Chứ nếu khoác thêm gánh nặng cho nó thì nó cũng chìm.

Những lời nói thật lòng

Đó là lĩnh vực dịch vụ, còn ở các lĩnh vực truyền thống khác tôi nghĩ cố gắng tập trung mà chiến đấu lên. Còn về mặt địa lý, tôi nghĩ là đã đến lúc ta phải đẩy rất nhanh ra nước ngoài. Đã đẩy ra nước ngoài thì phải dùng những anh chủ lực, những anh có kinh nghiệm như tìm kiếm thăm dò thôi. Từ đó các anh cũng dần trưởng thành lên, chứ không có gì mà hôm nay đầu tư sẽ có trong ngay ngày mai được.

Điểm tôi muốn nói nữa là về cơ chế chính sách.

Mình không thể “một tay che cả bầu trời” được. Không thể cấm những người khác tham gia được, cả trong nước lẫn ngoài nước, lại còn cộng đồng ASEAN nữa thì các đồng chí không thể quan tâm hết được. Thế như vậy cái cách thức là như thế nào thì tôi cho rằng, cũng giống như một số nước, thỉnh thoảng dùng một vài hạn chế kỹ thuật để áp chế những nước khác không làm được. Vậy tại sao Tập đoàn mình không làm được chuyện đó? Tôi cho rằng, mình phải làm theo cách như vậy một cách văn minh hơn, đúng luật pháp hơn. Có thể đối với dịch vụ, Nghị quyết 233 cứng quá thì ta kiến nghị sửa lại cho ra 234 chẳng hạn. Tức là mình vẫn phải dùng luật để quân anh phát triển, chứ không thể không có luật lệ được. Cách đấy tôi nghĩ các anh thừa sức có thể làm được. Nhất là thế hệ trẻ các anh vừa vào Tập đoàn, có được sự đầu tư tốt hơn, học hỏi nhanh hơn, tiếp cận khoa học công nghệ cũng tốt hơn thì tôi nghĩ chắc chắn là các anh phải hơn chúng tôi rồi.

Tôi cho rằng, các anh có nói như thế nào thì cơ chế chính sách của nước mình nó cũng vậy rồi, không thể thay đổi ngay được. Nó chỉ có thể thay đổi từ từ và chính cuộc sống vận động sẽ khiến nó thay đổi. Thế thì trong quá trình đó mình phải tìm cách tháo gỡ những khó khăn, chứ không thể ngồi chờ Nhà nước ra chính sách này, chính sách kia được. Chẳng nhẽ không thay đổi chính sách thì chúng ta ngồi không à? Thế thì phải tháo gỡ nó ra để mà làm. Quả thật hoạt động kinh doanh trong Nhà nước thì vẫn lúng túng về an toàn, rủi ro cá nhân, rủi ro chính trị đủ thứ. Có nói thì chẳng thể nói hết được mà phải tìm cách tháo nó ra.

 Cuối cùng tôi cũng xin bày tỏ một niềm tin, xuất phát từ mong mỏi của một người từng nhảy vào lĩnh vực dịch vụ sớm nhất trong ngành, rằng lĩnh vực dịch vụ của mình chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Sẽ không có gì phải nghi ngờ, chỉ có điều hiện nay mình còn đang phải vùng vẫy trong quá trình hội nhập, cạnh tranh rất cao. Nhưng sẽ không có gì ngăn cản được chúng ta. Và PTSC trong vài năm nữa cũng sẽ phát triển mạnh hơn như PTSC bây giờ so với thời của tôi.

Tiến sĩ Ngô Thường San, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

Có một thời kỳ làm Đạm Phú Mỹ bị phản đối rất mạnh. Tôi và các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn ngày ấy phải chạy thẳng lên Tổng bí thư và Thủ tướng nói cho bằng được. Cái thứ hai là Đạm Cà Mau, cũng lại bị phản đối… Nhưng cuối cùng, Chính phủ cũng giao cho mình làm.

Những lời nói thật lòng

Câu chuyện đó có ý nghĩa gì? Tôi nghĩ trách nhiệm của Hội Dầu khí nó là ở chỗ đó. Nghĩa là phải tổ chức một hội nghị nào đó để cho các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ thấy hết được những vấn đề của cơ chế, chính sách đang trói buộc chúng ta.

Tôi có hai ý kiến như thế này. Thứ nhất, hiện nay khối xây lắp thiết kế của chúng ta phân tán quá rộng, sự hợp tác chưa được. Làm thế nào để tạo được một cơ chế mà các bên hợp tác với nhau để làm. Thời kỳ tôi làm thì khối thiết kế xây lắp được xem như là khối lớn nhất: xây lắp - thiết kế - sản xuất. Bây giờ nó đẻ ra xây lắp công trình trên biển, xây lắp công trình trên bờ, rồi điện làm bên điện, cơ khí làm bên cơ khí... có nghĩa bây giờ chúng ta không còn được lực lượng... nữa, mà xé lẻ ra. Do đó, tôi kiến nghị với anh Nguyễn Hùng Dũng (Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PV) làm thế nào kết hợp cái đó lại. Ngay cả Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) bây giờ cũng phân tán, mà phân tán là không thể cạnh tranh được.

Cái thứ hai, về xây lắp, chúng ta muốn nâng được hiệu quả là phải có cơ khí phát triển. Cái ngành cơ khí của chúng ta, cơ khí lắp máy vốn dĩ đã phát triển. Công tác cơ khí lắp máy không kém gì các khâu thiết kế, xây lắp, kể cả sau này là khâu bảo dưỡng, bảo trì thiết bị. Có nghĩa là bây giờ ta phải phát triển cơ khí lắp máy, đồng thời công nghiệp hỗ trợ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chứ không thể nào nói như từ trước đến nay làm mấy cái bu lông, ốc vít, làm mấy cái máy nén này nọ phục vụ trong nhà máy... tôi nghĩ rằng phải làm sao bán được nữa kia, nghĩa là phải đạt chuẩn quốc tế. Như vậy mới có thể cạnh tranh được.

Tiến sĩ Trần Ngọc Cảnh, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Trong các phát biểu, các đồng chí nói tương đối nhiều về việc cần phải giao việc, hỗ trợ. Việt Nam đã tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… do đó, việc mở cửa là xu thế tất yếu không thể quay ngược lại.

Lĩnh vực thăm dò khai thác, đầu tư trong nước ngày càng khó khăn. Khối lượng chắc chắn sẽ giảm xuống. Do đó, việc khối dịch vụ của chúng ta gặp khó khăn là điều đương nhiên. Đó là quy luật tất yếu của việc phát triển hiện nay. Cách làm của chúng ta là phải chuyển mình để tham gia một cách chủ động vào quá trình cạnh tranh.

Những lời nói thật lòng

Các đồng chí cũng đã nói đến việc chúng ta khó cạnh tranh hơn khối tư nhân. Hiện nay, trừ Công ty Mẹ - PVN và PVEP, Nhà nước đề nghị giữ lại 100%, còn lại thì cho phép chúng ta cổ phần hóa tối đa. Vậy tại sao chúng ta không cổ phần hóa tối đa để chúng ta cũng là tư nhân để chủ động triển khai? Đề nghị các đơn vị nghiên cứu lại. Ngoài PTSC và các đơn vị kinh doanh khác không nằm trong danh mục 100% của Nhà nước thì các đồng chí nên tính phương án tối đa. Các đồng chí tính toán sao cho phần vốn PVN giữ chỉ dưới 29% thôi. Như vậy sẽ rất chủ động.

Đối với tàu Khảo sát địa chấn 2D và 3D, theo tôi, đây là sự đầu tư để chúng ta chủ động làm công tác điều tra cơ bản về dầu khí, đặc biệt là ở vùng nước sâu xa bờ và nhạy cảm về chính trị. Ngày đó, tôi đã giao cho PVEP phụ trách dự án này và thuê PTSC làm vận hành. Tôi nghĩ rằng, chủ trương đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, đặc biệt ở vùng nước sâu xa bờ đến nay vẫn là một vấn đề hết sức thời sự, là một vấn đề rất lớn. Do đó, nếu lỗ thì Tập đoàn phải đứng ra chịu để chúng ta làm công tác chính trị và điều tra cơ bản. Đó là đầu tư của Tập đoàn thôi.

Một vấn đề nữa là tồn kho vật tư, thiết bị trong sản xuất kinh doanh. Chúng ta biết rất rõ rằng, ngay Liên doanh Vietsovpetro, mỗi năm tồn kho đến 5-7 triệu, có khi là cả chục triệu đôla những thiết bị dư thừa. Tôi đồng ý việc duy tu bảo dưỡng, nếu người ngoài làm thì niềm tin rất kém. Tôi cho rằng, việc mua các vật tư, thiết bị để thay thế, sửa chữa là điều cần thiết, nhưng mỗi nhà máy hỏng một thứ, chứ không phải cùng lúc hỏng tất cả, nên chúng ta cần bàn để xử lý thống nhất vấn đề này trong từng khối: khối nhà máy lọc dầu, khối nhà máy phân đạm, khối nhà máy điện, khối các công trình điện. Có thể là mỗi khối lập một công ty bảo dưỡng và có sự tham gia của các đơn vị trong khối dưới dạng cổ phần. Các công trình, nhà máy sẽ phải đầu tư cùng lúc ít hơn. Mỗi công trình, nhà máy sẽ tham gia cổ phần, thống nhất góp vốn, cử người tham gia bộ phận duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo công việc cũng như tiết kiệm đầu tư. Chắc chắn các đơn vị sẽ ủng hộ. Với những giải pháp như thế thì các nhà máy có thể yên tâm.

Nguyễn Như Phong (ghi)

 

DMCA.com Protection Status