Nói rõ về kiến nghị không thu 4.807 tỉ đồng thuế thu nhập hoãn lại của PVEP

11:35 | 24/05/2018

1,558 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Thuế thu nhập hoãn lại về bản chất là khoản thu hồi chi phí đầu tư (khấu hao) của Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP), đây chính là một phần vốn Điều lệ, các Quỹ và tiền vay Ngân hàng của PVEP. Nếu phải nộp thuế thu nhập hoãn lại có nghĩa là PVEP nộp vốn Điều lệ, Quỹ và tiền vay Ngân hàng của PVEP. Như vậy, PVEP sẽ không bảo toàn được vốn.
noi ro ve kien nghi khong thu 4800 ti dong thue thu nhap hoan lai cua pvep
Cán bộ, kỹ sư PVEP làm việc tại sa mạc Sahara

PVEP là đơn vị có bề dày truyền thống, giữ vai trò chủ lực, cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. PVEP được thành lập ngày 04/5/2007 trên cơ sở hợp nhất hai đơn vị quan trọng của ngành Dầu khí là Công ty Đầu tư Phát triển Dầu khí (PIDC) và Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP cũ). Sau hơn 10 năm thành lập, PVEP đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chiều sâu, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của PVEP đã/đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu sản xuất kinh doanh trước mắt cũng như trong giai đoạn tiếp sau. Đó là vấn đề đặc thù rủi ro trong thăm dò khai thác và điều kiện kỹ thuật các mỏ đã khai thác; là việc xử lý chi phí dầu khí rủi ro không thành công; là vướng mắc trong cơ chế nguồn vốn cho hoạt động tìm kiếm thăm dò. Đặc biệt là vướng mắc khó khăn trong cơ chế xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Quyết định thu 4.807 tỉ đồng thuế thu nhập hoãn lại đối với PVEP của Tổng cục Thuế. Và điều này đang gây hiểu lầm và ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, uy tín của PVEP – đơn vị tiên phong của ngành Dầu khí trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí.

Theo tìm hiểu, tại PVEP, thuế TNDN được tính và thu riêng rẽ theo từng Hợp đồng dầu khí và theo quy định về thuế của các Hợp đồng dầu khí. Các chi phí đầu tư quá khứ được phép thu hồi khi xác định thu nhập chịu thuế bị giới hạn mức trần tối đa được quy định tại Hợp đồng dầu khí, Luật Dầu khí/Luật thuế TNDN và thông thường tối đa không quá 35% doanh thu xuất bán. Như vậy, bất cứ khi có doanh thu xuất bán, PVEP chỉ được trừ tối đa thông thường là 35% doanh thu chi phí đầu tư quá khứ sau đó là các chi phí thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, chi phí bán hàng và sau đó nộp thuế TNDN. Do vậy, bất kể dự án đó có hiệu quả hay không, dự án đó có lợi nhuận hay không thì ngay từ khi xuất bán dầu khí, PVEP đã phải nộp ngay thuế TNDN với thuế suất thông thường là 50% phần dầu lãi sau khi trừ các chi phí nêu trên.

Do các chi phí được trừ khi tính thuế TNDN theo quy định của các Hợp đồng Dầu khí có sự khác biệt với các chi phí được trừ theo kế toán thông thường như trên dẫn tới:

Một số chi phí hợp lý, hợp lệ, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của PVEP nhưng không được trừ khi tính thuế TNDN như chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp của bộ máy văn phòng Tổng Công ty, chi phí của các dự án rủi ro không thành công… Đây là một thiệt thòi, bất lợi rất lớn cho PVEP vì các chi phí này mặc dù là hợp lý, hợp lệ, tương ứng doanh thu nhưng không được giảm trừ khi tính thuế ở các hợp đồng dầu khí cũng như hoạt động khác.

Ngoài ra còn có sự khác biệt rất lớn giữa lợi nhuận tính thuế theo kế toán và lợi nhuận tính thuế theo Hợp đồng dầu khí dẫn đến sự khác biệt giữa thuế TNDN phải nộp như các đơn vị thông thường và thuế TNDN thực hiện theo các Hợp đồng dầu khí. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc mặc dù lợi nhuận trước thuế năm 2016 của PVEP là âm 6.154 tỉ đồng nhưng thuế TNDN phải nộp lên đến 5.284 tỉ đồng.

Thiệt đơn thiệt kép là vậy nhưng ngày 22 – 12 – 2017, Tổng cục Thuế lại có Quyết định về việc thu 4.807 tỷ đồng trên tài khoản thuế thu nhập hoãn lại vào ngân sách Nhà nước đối với PVEP. Đây là Quyết định rất khó hiểu bởi toàn bộ doanh thu PVEP nhận được từ việc bán dầu khí, PVEP đã thực hiện quyết toán và nộp thuế TNDN theo từng Hợp đồng Dầu khí đầy đủ theo đúng quy định và không nợ thuế đối với NSNN. Các Cục thuế địa phương và Tổng cục thuế đã tiến hành kiểm tra và quyết toán.

Trong khi đó, số liệu phản ánh trên tài khoản thuế thu nhập hoãn lại về bản chất là khoản thu hồi chi phí đầu tư (Khấu hao) của PVEP, đây chính là một phần vốn Điều lệ, các Quỹ và tiền vay Ngân hàng của PVEP. Như vậy, nếu phải nộp theo yêu cầu của Tổng Cục thuế có nghĩa là PVEP nộp vốn Điều lệ, Quỹ và tiền vay ngân hàng của PVEP cho Nhà nước và PVEP sẽ không bảo toàn được vốn.

Như vậy đã rõ, Quyết định yêu cầu PVEP nộp vào ngân sách Nhà nước khoản tiền 4.807 tỷ đồng trên tài khoản thuế thu nhập hoãn lại của Tổng cục Thuế là thiếu căn cứ pháp lý.

Không chỉ thiếu căn cứ pháp lý, Quyết định này nếu được thực hiện cũng sẽ đẩy PVEP đứng trước những nguy cơ, rủi ro rất lớn, thậm chí là lâm vào tình trạng phá sản. Mà như vậy, PVEP sẽ buộc phải ngưng, dừng và có thể mất toàn bộ các dự án Dầu khí trọng điểm. Và xa hơn nữa sẽ ảnh hưởng lớn đến đóng góp của ngành Dầu khí vào ngân sách Nhà nước cũng như vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bởi theo số liệu của PVEP, trong giai đoạn 2007-2017, tổng sản lượng khai thác toàn mỏ của PVEP là 146,3 triệu tấn quy dầu, trong đó, tổng sản lượng khai thác riêng phần PVEP là 56,3 triệu tấn quy dầu (39,62 triệu tấn dầu và 16,63 tỷ m3 khí); doanh thu là hơn 468 ngàn tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước là hơn 146 ngàn tỉ đồng.

Từ thực tế trên và căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành, để đảm bảo sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp, PVEP đã kiến nghị Bộ Tài chính không thu 4.807 tỉ đồng thuế thu nhập hoãn lại của PVEP.

Kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2018 của PVEP:

- Tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 1,10 triệu tấn quy dầu (105% kế hoạch quý), trong đó khai thác dầu đạt 0,82 triệu tấn, khai thác khí đạt 277 triệu m3;

- Tổng doanh thu đạt 8.623 tỉ đồng, bằng 125% kế hoạch;

- Lợi nhuận trước thuế 2.578 tỉ đồng;

- Nộp ngân sách Nhà nước 2.218 tỉ đồng, đạt 129% kế hoạch quý.

Thanh Ngọc

DMCA.com Protection Status