Nông dân cũng “du học”

07:00 | 09/11/2013

683 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
TP Hồ Chí Minh vừa thông qua đề án đưa nông dân đi học ở nước ngoài nhằm bồi dưỡng nhân lực ngành nông nghiệp có trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp đô thị. Là doanh nghiệp gắn bó mật thiết với nông dân, thời gian qua Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cũng tổ chức các chuyến tham quan học tập nước ngoài dành cho các nông dân trồng lúa giỏi.

Tiếp cận nông nghiệp đô thị

Một nông dân điển hình chuyên trồng Lan ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (TP HCM) có dịp may được Trung tâm Hỗ trợ Nông dân TP HCM đưa đi tham quan học tập ở nước ngoài vài lần, đã chia sẻ rằng: “Có đi ra nước ngoài mới thấy người ta hơn mình chỗ nào để học hỏi thì mới tiến bộ được, mới có động lực thúc đẩy mình cố gắng nâng cao năng lực sản xuất để có nhiều sản phẩm chất lượng cao”.

Còn anh Nguyễn Văn Chiến, 45 tuổi, một nông dân nuôi tôm giỏi ở xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ (TP HCM) thì sau chuyến đi qua Thái Lan học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm đã phải thốt lên: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Có nhiều bí quyết rất đáng để học”.

Hoặc như câu chuyện một nữ nông dân ở phường Linh Xuân (quận Thủ Đức) ba lần cất công sang Thái Lan học nghề nuôi ba ba nay đã có nhiều bước chuyển mạnh trong công việc làm ăn của mình như ứng dụng phương pháp ấp trứng ba ba trong lò viba, xử lý độ pH và độ ẩm của tủ ấp trứng thành công.

PVFCCo tổ chức tham quan thực tế mô hình tại Viện Lúa IRRI

Có thể thấy rằng, những hoạt động đưa nông dân tham quan học tập ngắn ngày ở nước ngoài của TP HCM vừa là nhu cầu vừa có tác dụng tích cực vào sản xuất trong nông nghiệp. Trong 7 năm trở lại đây, Trung tâm Hỗ trợ Nông dân TP HCM cũng đã tổ chức đưa hàng trăm nông dân sản xuất giỏi, ham thích học tập khoa học kỹ thuật, công nghệ mới… đi tham quan học tập học ngắn ngày ở Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan về các dạng hình sản xuất khác nhau, có tính hiệu quả cao, phù hợp với đặc điểm của thành phố.

 TP HCM hiện có 12 quận, huyện sản xuất nông nghiệp với trên 90.000 hộ đang sản xuất nông nghiệp. Để người nông dân đi theo hướng công nghiệp hóa thì việc tổ chức đưa những nông dân sản xuất giỏi đi học tập ở nước ngoài về khoa học kỷ thuật tiên tiến, mô hình hay, giải pháp nông nghiệp tốt phù hợp với nông nghiệp thành phố, nhất là những dạng hình nông nghiệp đô thị hiệu quả là rất cần thiết.

Chính vì vậy, mới đây (cuối tháng 10/2013), UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài giai đoạn 2013-2018 nhằm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành nông nghiệp có trình độ đáp ứng được yêu cầu phát triển nền nông nghiệp đô thị. Theo đó, từ năm 2014 đến năm 2018 sẽ có 100-125 nông dân, cán bộ quản lý, xã viên hợp tác xã, tổ hợp tác, các trang trại trên địa bàn thành phố được tham quan học tập kinh nghiệm tại các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Trung Quốc.

Tổng kinh phí thực hiện “Đề án đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài giai đoạn 2013-2018” là hơn 4,7 tỉ đồng (trong đó ngân sách thành phố đài thọ hơn 3,6 tỉ đồng, còn lại nông dân tự chi). Theo đề án, các chuyến đi chủ yếu tập trung những nội dung trọng tâm như:  Xây dựng nông thôn mới hiệu quả; mô hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, quản lý trang trại với quy mô lớn, hiệu quả. Hoạt động xúc tiến thương mại, gắn kết sản xuất nông nghiệp với tiêu thụ sản phẩm từ công tác sản xuất, sơ chế, bảo quản đến thiết kế bao bì, logo, nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất các loại cây - con hiệu quả: hoa - cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, bò sữa, cá sấu...

Cùng nông dân xuất ngoại

Là nhà sản xuất phân bón hàng đầu của Việt Nam và gắn bó mật thiết với bà con nông dân cả nước, thời gian qua PVFCCo cũng nhiều lần tổ chức cho nông dân sản xuất giỏi và cán bộ quản lý nông nghiệp đi tham quan và học tập kinh nghiệm ở các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến như Thái Lan, Philippines.

Gần đây nhất, vào tháng 8/2013, PVFCCo đã tổ chức chuyến tham quan, học tập tại Viện lúa IRRI - Philippines cho 28 đại biểu là nông dân giỏi đến từ 21 tỉnh, thành trên cả nước, là cán bộ của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), các cơ quan quản lý về nông nghiệp, trung tâm khuyến nông.

Đoàn công tác tham quan, học tập tại Viện Lúa quốc tế IRRI

Việc tổ chức chuyến tham quan và học tập tại Viện Lúa quốc tế IRRI - Philipines là cơ hội để các nông dân trồng lúa và cán bộ nông nghiệp được đến với nơi đã tạo ra nguồn giống cho khoảng 70% diện tích cây lúa ở Việt Nam hiện nay, nơi có cánh đồng mẫu lớn nhất thế giới. Với những người nông dân và những người quản lý nông nghiệp thì đây thực sự là chuyến đi được đáng nhớ, như lời chia sẻ của ông Trần Ngọc Thể  - Giám đốc Chi cục Bảo vệ thực vật Hậu Giang: 30 năm trong nghề nông nghiệp, ngày từ ngày đầu bước chân vào ngành đã được nghe về IRRI, mong ước từ lâu được đến IRRI nhưng chưa có cơ hội!

Các nông dân của Việt Nam đã được Viện Lúa IRRI chia sẻ những kinh nghiệm về sản xuất lúa tại các nước trên thế giới, tại các vùng thổ nhưỡng khác nhau như vùng ngập mặn, hạn hán... Các nông dân còn được các cán bộ của Viện thông tin chi tiết về các giống lúa phổ biến trên thế giới, các công cụ canh tác nông nghiệp từ trước đến nay, hướng dẫn các kiến thức tiên tiến về bảo quản và xử lý sau thu hoạch, các máy móc thiết bị hiện đại do IRRI nghiên cứu và phát triển…

Trước đó, trong tháng 5/2013, PVFCCo cũng tổ chức chuyến thăm quan, học tập tại Tổng cục Lúa gạo Thái Lan cho 28 nông dân trồng lúa giỏi, cán bộ quản lý về nông nghiệp. Đoàn được đến tham quan, giao lưu tại mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP. Tiến sĩ Laddawan Kunwoot, Tổng cục phó Tổng cục Lúa gạo Thái Lan và các cộng sự đã nhiệt tình thông tin về tình hình sản xuất lúa, mùa vụ lúa, nghiên cứu, sản xuất giống lúa, chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với sản xuất lúa….

Các nông dân giỏi của Việt Nam còn đến tham quan học tập tại Viện Nghiên cứu lúa gạo tỉnh Pathumthan và Trung tâm Sản xuất lúa giống ra tỉnh Ratchaburi. Tại đây, các nông dân được chia sẻ kinh nghiệm về quy trình lựa chọn, lai tạo và xử lý giống, quản lý, phân phối sản phẩm lúa giống cho nông dân; trao đổi các thông tin về kỹ thuật canh tác, giống lúa, kiểm soát sâu bệnh, kỹ thuật bón phân cũng như tham quan cánh đồng khảo nghiệm, thí nghiệm giống…

Qua chuyến đi này, ông Lâm Văn Út - nông dân giỏi tại Trà Vinh đánh giá: Chúng tôi rất hài lòng, ấn tượng với chuyến đi, thu được nhiều kinh nghiệm bổ ích trong quản lý sản xuất, trồng lúa của Thái Lan như cách quản lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng lúa giống, phân phối giống; quy trình chăm bón, quản lý dịch hại, nhật ký chăm sóc lúa, xử lý sau thu hoạch; đầu tư trồng lúa theo hướng chất lượng cao, sản phẩm sạch, giá trị kinh tế cao …

Ông Trần Quang Giàu - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang thì chia sẻ: Chúng tôi mong PVFCCo thường xuyên tổ chức các chuyến đi tương tự để các cán bộ khoa học, quản lý về ngành nông nghiệp cập nhật những điều hay của các nước có nền nông nghiệp phát triển để có tư duy mới trong quản lý nông nghiệp cũng như hướng dẫn bà con nông dân…

Theo tiến sĩ Phạm Văn Dư - Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), các chuyến đi xuất ngoại cho nông dân rất bổ ích, cho cả nhà khoa học, nhà quản lý nông nghiệp và người nông dân.

Với những kinh nghiệm, kiến thức bổ ích từ các chuyến xuất ngoại đã ghi dấu ấn đặc biệt trong việc tăng cường sự hợp tác, gắn kết có hiệu quả giữa PVFCCo và nông dân cũng như các cán bộ nông nghiệp trên cả nước.

Vinh Nguyễn

DMCA.com Protection Status