NPK công nghệ hóa học - Xu hướng của nông nghiệp hiện đại

11:16 | 22/08/2017

2,046 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Hiện tại, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đang gấp rút chuẩn bị các công đoạn cuối cùng để chạy thử Nhà máy NPK công nghệ hóa học vào quý III/2017. Các sản phẩm NPK Phú Mỹ ra đời từ nhà máy này có chất lượng vượt trội với nhiều công thức khác nhau phù hợp với từng vùng đất và từng loại cây trồng.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và sử dụng phân NPK nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việc sản xuất phân NPK đã và đang thực hiện qua việc trộn các loại phân đạm, lân, kali bằng cách thô sơ, thủ công (loại 3 hạt 3 màu) hoặc bằng các công nghệ nén ép, tạo hạt bằng tháp, vo viên đĩa quay hoặc thùng quay (loại 1 hạt 1 màu).

Tuy nhiên, các công nghệ này tồn tại những nhược điểm về kích thước; độ đồng đều của hạt phân và phân bố dinh dưỡng trong từng hạt phân; độ hút ẩm cao, chất lượng, hàm lượng chưa ổn định, dễ chảy nước, đóng bánh, bay hơi, thất thoát dinh dưỡng… gây hạn chế trong việc vận chuyển, bảo quản và nhất là khi sử dụng chăm bón cho cây trồng thì có nguy cơ làm cho cây trồng phát triển thiếu cân đối do dinh dưỡng chưa đầy đủ và đồng đều.

npk cong nghe hoa hoc xu huong cua nong nghiep hien dai
Phân bón mang thương hiệu Phú Mỹ

Để khắc phục hoàn toàn những nhược điểm nêu trên, “Công nghệ hóa học” - công nghệ sản xuất NPK hiện đại nhất thế giới đã ra đời và đang được áp dụng ở nhiều nước phát triển trên thế giới như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Công nghệ hóa học sử dụng các nguyên liệu lỏng là amoniac, axitphotphoric, axit sulphuaric như H3PO4, NH3, H2SO4 đưa vào ống phản ứng, thông qua các phản ứng hóa học tạo thành hỗn hợp dinh dưỡng có dạng dịch bùn sệt là ammonium sulphate, ammonia phosphate với sự phân bố đồng đều từng nguyên tố và kết nối hóa học bền chặt.

Theo đại diện PVFCCo, khi nhà máy NPK công nghệ hóa học đi vào hoạt động, sẽ có sản lượng khoảng 250.000 tấn NPK Phú Mỹ/năm và cơ bản đáp ứng được nhu cầu NPK chất lượng cao hiện nay.

Sau đó, hỗn hợp dịch dinh dưỡng này được đưa vào thùng tạo hạt thông qua đường ống khép kín. Trong thùng quay tạo hạt, các nguyên tố dinh dưỡng khác như kali, trung vi lượng đã nghiền mịn được đưa vào cùng với hỗn hợp dịch dinh dưỡng, tiếp tục xảy ra các phản ứng hóa học để tạo ra những hạt phân NPK hóa học với sự liên kết bền chặt và đầy đủ các dưỡng chất.

Sau khi được sấy khô và sàng lọc, chỉ có những hạt phân đảm bảo tiêu chuẩn mới được đưa ra để bọc hạt nhằm hạn chế đóng bánh và giảm thiểu thất thoát dinh dưỡng trong quá trình bảo quản. Cuối cùng, những hạt phân thành phẩm hoàn chỉnh được lấy mẫu ngẫu nhiên để phân tích kiểm tra chất lượng, đạt mọi chỉ tiêu theo quy định rồi mới được đóng bao đưa ra thị trường.

Tiến sĩ Trương Hồng - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) - đánh giá: “Tính ưu việt của công nghệ hóa học là sản xuất ra sản phẩm NPK có chất lượng cao, ổn định bởi có hàm lượng dinh dưỡng cao, phân bố đồng đều trong từng hạt phân, hạt phân có kích thước đồng đều, dinh dưỡng cũng không bị thất thoát trong quá trình vận chuyển, bảo quản. Do đó khi chăm bón thì cây trồng phát triển cân đối, mạnh khỏe, cho năng suất và chất lượng nông sản cao lại tiết kiệm công sức cho nhà nông và góp phần bảo vệ môi trường”.

Với các ưu điểm như trên của công nghệ hóa học trong sản xuất NPK, xuất phát từ xu hướng thị trường cho thấy, trong nước cần có nhà máy sản xuất NPK công nghệ hóa học để đáp ứng nhu cầu sử dụng phân bón chất lượng cao, thay thế sản phẩm có công nghệ thô sơ, lạc hậu, thay thế nguồn hàng nhập khẩu, tăng khả năng xuất khẩu. Và từ năm 2015, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã đầu tư xây dựng Nhà máy NPK Phú Mỹ sử dụng công nghệ hóa học của Hãng Incro SA (Tây Ban Nha).

Hiện nay, PVFCCo đang gấp rút chuẩn bị các công đoạn cuối cùng để chạy thử nhà máy vào quý III/2017. Khi đi vào hoạt động thương mại vào đầu năm 2018, nhà máy sẽ cho ra đời các sản phẩm NPK Phú Mỹ có chất lượng vượt trội với nhiều công thức khác nhau phù hợp với từng vùng đất và từng loại cây trồng. Đặc điểm của NPK Phú Mỹ - công nghệ hóa học là loại một hạt, một màu, chứa đủ 3 yếu tố đạm, lân, kali và các nguyên tố trung vi lượng cần thiết như lưu huỳnh, magie, canxi, silic, bo, kẽm… trong một hạt phân. Các chất trung vi lượng sẽ giúp chống khô cành, vàng lá, rụng hoa, rụng trái trên cây cà phê, điều, hồ tiêu, giúp tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, nâng cao năng suất và phẩm chất nông sản.

Các thành phần dinh dưỡng được phối trộn, phân chia theo tỷ lệ công thức hợp lý trên cơ sở PVFCCo và các nhà khoa học đã nghiên cứu, thử nghiệm thực tế để vừa đủ mang lại hiệu quả cao để cho từng loại cây trồng theo từng vùng đất, tránh lãng phí khi sử dụng, giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh các công cụ sử dụng phân bón truyền thống, sản phẩm NPK Phú Mỹ cũng đặc biệt phù hợp khi sử dụng bằng các thiết bị, dụng cụ chăm bón hiện đại như máy phun phân bón, hệ thống tưới hòa tan, nhỏ giọt, hệ thống bơm tưới…

Sản phẩm NPK chất lượng cao này được kỳ vọng hình thành xu hướng mới trong nông nghiệp - xu hướng nông nghiệp an toàn, công nghệ cao, hiện đại, sản xuất hàng hóa với năng suất và giá trị kinh tế cao, đồng thời góp phần đẩy lùi nạn phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường và bảo vệ môi trường.

Chủ tịch HĐQT PVFCCo Lê Cự Tân: Dự án nhiều ý nghĩa

Đối với PVFCCo, những lợi ích từ Dự án Nhà máy NPK công nghệ hóa học nói chung hay Tổ hợp Dự án NH3/NPK nói riêng là rất rõ. Về mặt tài chính, doanh thu của tổng công ty sẽ tăng vài nghìn tỉ đồng với sản lượng NH3 hằng năm tăng thêm là 90.000 tấn và sản lượng phân bón NPK tăng thêm 250.000 tấn/năm. Dự án này cũng là cơ sở quan trọng để PVFCCo hiện thực hóa mục tiêu là trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất phân bón và hóa chất chuyên dụng.

Bên cạnh đó, sản phẩm chất lượng cao (cả NH3 và NPK) từ dự án sẽ góp phần thay thế hàng nhập khẩu, tiết kiệm nguồn ngoại tệ cho quốc gia.

Đồng thời, Dự án Nhà máy NPK công nghệ hóa học cũng đã chứng minh được rằng, người Việt có thể sử dụng sức mạnh nội lực của chính mình để làm chủ công nghệ hiện đại, thực hiện những công trình, những dự án phức tạp. Đối tác ký tổng thầu với PVFCCo trong tổ hợp dự án NH3/NPK là liên danh giữa Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) và 2 đơn vị khác là Technip (Ý) và ThyssenKrupp (Đức).

Vân Trúc

DMCA.com Protection Status