Petrovietnam: Sớm khởi công hai nhà máy lọc dầu

14:30 | 15/07/2012

492 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 9/7/2012, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tổ chức họp báo quý II, thông báo kết quả công tác sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012.

Đồng chí Phùng Đình Thực, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn và đồng chí Lê Minh Hồng, Phó tổng giám đốc chủ trì cuộc họp báo.

Theo thông báo của PVN, tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 13 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác dầu thô đạt 8,13 triệu tấn; sản lượng khai thác khí đạt 4,87 tỉ m3. Giá dầu trung bình 6 tháng đầu năm ở mức 123USD/thùng duy trì cho PVN doanh thu bán dầu đạt 7,45 tỉ USD.

Doanh thu toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn đạt 380,6 nghìn tỉ đồng, nộp NSNN đạt 81,2 nghìn tỉ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 30,1 nghìn tỉ đồng. PVN đã ký 1 hợp đồng dầu khí mới lô 127 với nhà thầu Mitra Energy (Malaysia) vào ngày 17/5/2012, 1 hợp đồng mua tài sản lô 67- Peru, 1 hợp đồng nghiên cứu chung trình trầm tích Paleozoic - Uzebekistan.

Gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 26-30 triệu tấn thu hồi. Sản xuất đạm đạt 673,3 nghìn tấn, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đạt 427,5 nghìn tấn; Nhà máy Đạm Cà Mau đạt 245,8 nghìn tấn. Sắp tới, PVN sẽ đưa sản phẩm đạm Cà Mau vào hệ thống tiêu thụ của đạm Phú Mỹ để giảm chi phí hành chính và thu gọn về một mối trong công tác tiêu thụ sản phẩm đạm mang thương hiệu Dầu khí.

Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ dầu khí đạt 109 nghìn tỉ đồng, chiếm 28,6% tổng doanh thu toàn Tập đoàn. Sản phẩm sản xuất từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt 2,63 triệu tấn. Ngày 7/7, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau khi dừng hoạt động để khắc phục các điểm tồn đọng kỹ thuật trước khi nghiệm thụ cuối cùng (FA) đã hoạt động trở lại.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

6 tháng qua, PVN cũng đã thực hiện 40 nghìn tỉ đồng đầu tư các công trình trọng điểm. Tập đoàn đã hoàn thành đầu tư và tổ chức bàn giao để đưa vào vận hành giàn khoan 90m nước, hạ thủy chân đế giàn Gấu Trắng, hoàn thành lắp đặt giàn khai thác Hải Thạch, hạ thủy giàn khai thác Sư Tử Trắng, hạ thủy khối thượng tầng giàn H4 mỏ Tê Giác Trắng, khánh thành Nhà máy Thủy điện Nậm Cắt, đưa Nhà máy Đạm Cà Mau vào vận hành thương mại, khởi công chân đế Dự án Thăng Long – Đông Đô, hạ thủy chân đế giàn Công nghệ Trung tâm Dự án Biển Đông 1… Có thể thấy, việc hoàn thành một loạt các dự án phục vụ khai thác dầu khí đã góp phần giữ vững ổn định sản lượng khai thác dầu khí, đồng thời gia tăng trữ lượng 6 tháng cuối năm 2012.

Trong cuộc họp báo, lãnh đạo Tập đoàn đã giải đáp 3 vấn đề trọng tâm mà báo chí quan tâm là công tác tái cấu trúc Tập đoàn, công tác tài chính và cách ứng xử của Tập đoàn trước vấn đề Biển Đông. Tập đoàn đang triển khai mạnh mẽ phương án tái cấu trúc doanh nghiệp và lộ trình thoái vốn ở một số lĩnh vực đến năm 2015.

Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực cho biết, theo lộ trình, Tập đoàn sẽ thoái vốn hoàn toàn ở hai đơn vị của Tập đoàn là Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) và Công ty Cổ phần PVI (PVI Holdings). Tuy nhiên, đây là hai đơn vị đã hình thành và phát triển trong thời gian dài (PVFC: 12 năm, PVI: 16 năm) và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo tài chính và thu xếp chương trình bảo hiểm cho các dự án trọng điểm của Tập đoàn nên PVN sẽ kiến nghị với Chính phủ giữ lại khoảng 18-20% vốn của PVN tại hai đơn vị này.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, một số dự án của PVN đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Dự án Nhiệt điện Vũng Áng có những chi phí phát sinh do tăng khối lượng chủ đầu tư yêu cầu. PVN sẽ báo cáo việc này lên Bộ Công Thương để có biện pháp xử lý tiếp theo. Tại Tổ hợp hóa dầu miền Nam (Long Sơn), PVN chiếm 18% cổ phần nhưng cũng đang gặp khó do giá thuê đất cao. Lãnh đạo PVN đã có văn bản trình Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo và theo kế hoạch thì dự án này sẽ mời thầu EPC vào cuối năm nay.

Cũng liên quan đến lĩnh vực hóa dầu, Quý III/2012, Dự án Liên hợp Lọc Hóa dầu Nghi Sơn sẽ triển khai ký kết và khởi công hợp đồng EPC. Sau khi các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Long Sơn hoàn thành, cộng với công suất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 26 triệu tấn xăng dầu các loại nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước. Vì vậy, Việt Nam sẽ không xảy ra tình trạng sản xuất thừa xăng dầu. Vừa qua, PVN cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn – đây là bước đi phù hợp và có tính chiến lược của PVN.

Tập đoàn cũng đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm mới, đó là xơ sợi tổng hợp và ethanol. Xơ sợi tổng hợp Đình Vũ được đánh giá chất lượng cao nhưng nhà máy đang trong giai đoạn chạy thử nên sản phẩm chưa ổn định. Đối với sản phẩm ethanol, hai nhà máy tại Dung Quất và Bình Phước đã hoàn thành và cho ra sản phẩm, nhà máy tại Phú Thọ đang tiếp tục xây lắp. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ ethanol vẫn chưa tương xứng với năng lực sản xuất là do chưa có cơ chế bắt buộc sử dụng ethanol. Ngoài ra, dư luận đôi lúc bị nhầm lẫn giữa methanol (phụ gia có hại khi pha vào xăng) với ethanol (hỗn hợp pha vào xăng vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường). Bước đầu, ethanol Dung Quất đã xuất bán những lô sản phẩm đầu tiên cho Phillipines. 95% sản phẩm ethanol Dung Quất sẽ dành phục vụ xuất khẩu.

Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng: Bên cạnh tuyên truyền những hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, cần tích cực tuyên truyền và quảng bá sản phẩm ethanol của Tập đoàn ra công chúng sâu rộng hơn nữa.

Trước vụ việc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo công khai chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí ngày 23/6/2012. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã khẳng định: “Việc CNOOC đã thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế. Đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia dự thầu 9 lô dầu khí mà CNOOC gọi thầu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam”.

Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực cho biết thêm, PVN đã gửi thư cho CNOOC và các đối tác của PVN đang có các hoạt động dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để nêu rõ quan điểm của PVN về việc Công ty CNOOC của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Hiện nay, các hoạt động dầu khí trên Biển Đông của PVN nói chung và 9 lô dầu khí nói riêng vẫn diễn ra bình thường. Các lô mà PVN hợp tác với các công ty dầu khí của Ấn Độ, Liên bang Nga, Mỹ vẫn hoạt động an toàn, hiệu quả.

Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) có công suất 200.800 thùng dầu/ngày với số vốn đầu tư 7,5 tỉ USD. Nhà máy được thiết kế để lọc dầu thô từ Kuwait. Chủ đầu tư công trình bao gồm PVN, Tập đoàn dầu khí quốc tế Kuwait và hai đối tác Nhật Bản khác là Idemitsu Kosan, Mitsui Petrochemical.

Tổ hợp hóa dầu miền Nam đặt tại Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) có quy mô công suất 2,7 triệu tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 4,5 tỉ USD, sử dụng dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông. Năm nhà đầu tư tham gia dự án gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), hai công ty Thái Lan là Tập đoàn SCG và Thailand Plastic Company (TPC) và Công ty QPI Việt Nam (Qatar) đóng góp phần vốn còn lại.

Đức Chính

(Năng lượng Mới số 137, ra ngày 13/7/2012)

DMCA.com Protection Status