PTSC - Những tháng ngày gian khó

07:00 | 29/04/2013

2,172 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Năm 1993, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) ra đời trên cơ sở sáp nhập Công ty Địa vật lý và Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (GPTS) với Công ty Dịch vụ Dầu khí (PSC). Nhưng câu chuyện về một GPTS từ con số không, vượt khó đi lên thành một công ty có vị thế lớn trong khu vực là một câu chuyện dài rất thú vị mà ông Nguyễn Xuân Nhậm, người lãnh đạo đầu tiên của GPTS đã kể cho chúng tôi nghe.

1. Tiền thân của PTSC ngày nay là sự sáp nhập của GPTS và PSC. Nếu GPTS mạnh về dịch vụ kỹ thuật, có thương hiệu với một tập thể đầy kinh nghiệm, năng động, sáng tạo thì PSC mạnh về cơ sở vật chất với hệ thống dịch vụ kho, cảng… Tuy nhiên, khởi đầu của GPTS là một đơn vị đứng bên bờ vực phá sản, vì ít tiền, ít vốn, thiết bị cũ nát. Thời điểm khi ông Nguyễn Xuân Nhậm nhận bàn giao từ Công ty Địa vật lý thành Công ty Địa vật lý và Dịch vụ Dầu khí sau quyết định của Tổng cục Dầu khí (22/3/1989) thì ngân khố công ty chỉ có 3,1 triệu đồng cộng với 10 chiếc xe UAZ cũ, 1 tàu pha sông biển T50 và 1 xà lan B66 rách nát, chờ thanh lý. Còn con tàu địa chấn Bình Minh vang bóng một thời thì không còn nhiệm vụ sản xuất nữa mà phải chuyển sang làm tàu bảo vệ.

Nhân sự thì còn bi đát hơn vì đa số trong tâm trạng không hưng phấn để làm việc do cơ quan nợ họ đến 4 tháng lương của gần 200 cán bộ, công nhân viên khối văn phòng và tổng số thì hơn 1.000 người lao động nghỉ không lương rải rác khắp nơi. Cái cảm giác về lãnh đạo một đơn vị trong tình trạng như vậy chắc hẳn không dễ dàng gì nhưng như ông Nhậm nói: “Trên đã giao nhiệm vụ thì phải làm và làm cho ra ngô ra khoai chứ đâu để nó phá sản”.

Ông Nguyễn Xuân Nhậm

Ông Nguyễn Xuân Nhậm cùng ban lãnh đạo GPTS gồm có ông Vũ Tiến Hải - Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Nguyễn Văn Kha và Phó giám đốc Vũ Bách quyết tâm chèo lái đưa công ty vượt qua thử thách. Nói thì dễ nhưng làm thì không dễ chút nào. Vấn đề đầu tiên là lấy đâu ra tiền để trả nợ lương cho cán bộ, công nhân viên (CBCNV). Thế là ông Vũ Bách được cử về Thái Bình vay tiền của Công ty Dầu khí I ở Thái Bình. Mừng quá, vay được 75 triệu đồng, thời đó số tiền này rất lớn. Đúng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Số tiền đi vay giúp trả lương cho CBCNV đến tháng 5-1989 hết khoảng 55 triệu, còn dư 20 triệu làm vốn. Giờ nhớ lại những ngày ấy, ông Nhậm bảo rằng: “GPTS mãi mãi trân trọng tình nghĩa, sự chia sẻ quý giá của Công ty Dầu khí I. Nhờ đó mà đơn vị nhanh chóng giải quyết được bài toán yên lòng CBCNV. Từ đó ai cũng hiểu rằng, cùng nhau chèo chống vì vận mệnh của GPTS cũng là vì cuộc sống của mỗi người”.

Dư 20 triệu đồng làm vốn rồi ban lãnh đạo GPTS tiếp tục có một quyết định chiến lược là mở văn phòng đại diện ở Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Thế là ông Ngô Sách Trọng được cử làm đại diện ở Đà Nẵng và ông Bùi Thọ Mạnh làm đại diện ở TP Hồ Chí Minh. Có người, có tiền, có văn phòng đại diện thì việc còn lại là tìm việc cho anh em làm. Tìm việc - đó là những câu hỏi hóc búa mà ban lãnh đạo phải không ngừng suy nghĩ, làm sao mang càng nhiều việc về thì đơn vị mới ăn nên làm ra. Ban lãnh đạo xác định chiến lược ban đầu là “lấy ngắn nuôi dài” và bất cứ việc gì cũng làm, miễn là có tiền để đưa GPTS đi lên.

Thành công đầu tiên là việc mở căn cứ dịch vụ Phà Rừng phục vụ cho 2 giếng khoan của Công ty Dầu khí Total đang hoạt động ở vịnh Bắc Bộ trong 1 năm. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên ông Nhậm tìm đối tác liên doanh là Công ty Dịch vụ Hậu cần Quốc tế. Căn cứ Phà Rừng hoạt động ngày đêm, đem lại nguồn thu đáng kể cho công ty với vài chục ngàn USD/tháng. Quả là con số không nhỏ chút nào trong hoàn cảnh một GPTS đang giật gấu vá vai. Đây được xem là cứu cánh cho GPTS từ con số không sang giai đoạn làm dịch vụ và có nguồn thu.

Cùng lúc này, GPTS phát triển đội tàu dịch vụ bảo vệ với con tàu Bình Minh cũ để lại và chính đội tàu này là tiền thân của đội tàu dịch vụ sau này của PTSC. Đồng thời xác định, định vị cũng là thế mạnh của công ty vì có nhiều CBCNV đã làm quen những công việc tương tự khi thực hiện công tác địa vật lý bằng tàu Bình Minh trước đây. Nên chỉ sau vài tháng làm việc, đã có trường hợp nhân lực của GPTS được Công ty Định vị Racal Survey cho làm trợ lý trạm định vị. Sau đó nhân lực định vị do GPTS cung cấp có mặt khắp bờ biển Việt Nam, ở bất cứ nơi đâu có hoạt động dầu khí. 

Thật bất ngờ, chỉ sau 7 tháng hoạt động, GPTS không còn phải lo lắng về công ăn việc làm, trả lương tháng cho CBCNV. Cuối năm 1990, cái tết đầu tiên làm dịch vụ, người lao động đã có thưởng. Đúng là một kết quả kỳ diệu ngoài mong đợi ở thời điểm lúc bấy giờ.

Như vậy thời kỳ khó khăn, bi đát nhất của GPTS đã qua và đến lúc nghĩ đến những chiến lược dài hơn. Trước sau như một, ban lãnh đạo GPTS vẫn xác định phát triển dịch vụ kỹ thuật dầu khí là nhiệm vụ quan trọng nhất, trong đó mở rộng ra toàn lãnh thổ Việt Nam mà phía nam là vùng làm dịch vụ trọng điểm. Đây quả là một quyết định chiến lược có ảnh hưởng đến tận ngày nay.

2. Từ năm 1988 trở đi, hàng loạt dự án dầu khí được các công ty dầu khí nước ngoài triển khai ngoài khơi Việt Nam từ Bắc vào Nam, mở ra một thị trường tiềm năng dịch vụ tàu chuyên dụng. Từ những loại hình đơn giản nhất như tàu bảo vệ, yểm trợ các phương tiện hiện đại, phức tạp như tàu dịch vụ đa chức năng, tàu dịch vụ lặn, tàu chuyên dụng chống cháy… Nắm bắt xu thế phát triển như vậy nên ông Nhậm cùng ban lãnh đạo đã có một quyết định rất táo bạo là làm “Luận chứng kinh tế - kỹ thuật đầu tư tàu 8.000 HP” trình lên trên để mua 1 tàu dịch vụ đa ngành đầu tiên của Na Uy nhưng mọi chuyện không hề suôn sẻ. Vì ngay từ khi trình bày luận chứng kinh tế này, ban lãnh đạo đã vấp nhiều sự phản đối.

Có ý kiến cho rằng, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã hoạt động hơn 10 năm còn chưa có thuyền trưởng, máy trưởng, huống chi GPTS còn quá non trẻ thì làm sao có được. Câu hỏi tiếp theo là có tàu rồi thì GPTS vận hành như thế nào, khai thác con tàu ra sao? Ông Nhậm cho rằng, những ý kiến hoài nghi về luận án kinh tế này cũng xuất phát từ thực tế mà thôi. Tuy nhiên, ban lãnh đạo GPTS vẫn quyết tâm mua và đã tìm mọi cách để thuyết phục ban lãnh đạo Tổng cục Dầu khí Việt Nam. May mà Tổng cục trưởng Trương Thiên đã thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng đơn vị. Tổng cục rất tin tưởng vào tầm nhìn và khả năng lãnh đạo của GPTS nên đồng ý hỗ trợ 50% số vốn, còn lại tự đi vay và tự trả. Dưới dự bảo trợ của Tổng cục Dầu khí, Bộ Tài chính cho GPTS vay 2,5 triệu USD.

Tàu Bình Minh 02

Có thể nói, lầu đầu tiên Việt Nam đi mua tàu lớn như thế. Ông Nhậm kể: “Quá trình đàm phán mua tàu rất cam go, hợp đồng nguyên tắc được ký trên nóc xe ôtô tại sân bay trước khi đoàn lên máy bay về nước. Nhưng cả đoàn chưa hẳn yên tâm vì ký mà chưa có sự chấp thuận của Tổng cục Dầu khí mà không ký là mất cơ hội”. Thời ấy tất cả thành viên đoàn công tác đều trẻ và tuổi trẻ bao giờ cũng đi cùng sự hăng hái, ý chí quyết liệt, luôn luôn khát vọng, luôn luôn thích hành động… thì mới dám làm như vậy. Sau này nghĩ lại, họ vẫn thấy “gai gai” bởi quyết định táo bạo lúc bấy giờ.

Con tàu có tên Mimosa trị giá trên 5 triệu USD là một khối tài sản quá lớn nên phải có việc cho nó làm để có tiền trả nợ vay và phải sinh lợi nhuận. Do đó, sau khi ký hợp đồng xong thì phân công mỗi người mỗi việc, tập trung cao độ cho việc thực hiện dự án. Phó giám đốc Bùi Thọ Mạnh nhận nhiệm vụ dẫn đầu đoàn đi nhận tàu ở Stavanger - Na Uy, sau đó tổ chức đưa về Singapore để kiểm tra và sửa chữa theo quy định của hợp đồng mua bán tàu, trước khi nhập về Việt Nam. Giám đốc Nguyễn Xuân Nhậm lo hoàn tất khoản tiền mua tàu, lo các thủ tục pháp lý hàng hải và nhập khẩu, lo nhân sự thuyền bộ. Và chính ông Nhậm tiếp tục chỉ đạo việc lập chào hàng, trực tiếp đàm phán với các khách hàng… Công sức bỏ ra cuối cùng được đền đáp xứng đáng bằng một hợp đồng với Công ty Dầu khí BP thời hạn 2 năm. Sau đó, con tàu làm việc hiệu quả và tạo ra lợi nhuận gấp mấy lần số tiền bỏ ra mua nó.

Chính thành công đầu tiên này cũng để lại nhiều bài học quý về bước đi trong đầu tư đội tàu dịch vụ dầu khí ở nước ta. Do đó, từ thành công của tàu Mimosa, những con tàu tiếp theo như tàu Sapa, Phong Lan, Phong Nha, Bình Minh (mới)… lần lượt được đầu tư vào những năm tiếp theo trong thời kỳ PTSC.

3. Cứ mỗi chuyện ông kể tôi lại mỗi lần hồi hộp chờ đợi kết quả. Vì khởi đầu của GPTS rất khó khăn, trắc trở, thế mà, kết quả thường mỹ mãn. Như trên đã nói, căn cứ Phà Rừng sau khi hoạt động dịch vụ được 1 năm thì kết thúc nhưng GPTS đã để lại uy tín rất tốt đối với các công ty dầu khí nước ngoài. Trên đà phát triển, GPTS tiếp tục phát triển thương hiệu ở miền Trung và miền Nam.

Cuối năm 1990, các công ty dầu khí Shell, BP chuẩn bị khoan ngoài khơi miền Trung, mở ra cơ hội lớn cho dịch vụ căn cứ tại đây. Từ những kinh nghiệm đã làm ở căn cứ Phà Rừng, GPTS chủ động đề nghị Tổng cục Dầu khí cho phép tự thiết lập và khai thác căn cứ ở Đà Nẵng. “Lúc đó, Tổng cục còn nhiều băn khoăn vì cho rằng, chúng ta chưa đủ kinh nghiệm tự làm mà nên theo phương thức hợp tác như ở căn cứ Phà Rừng”, ông Nhậm cho biết thêm. Tuy nhiên, lãnh đạo GPTS đã rất tự tin và cam kết sẽ phát huy các điểm tích cực từ căn cứ Phà Rừng, đồng thời khắc phục những thiếu sót đã vấp phải. Sau nhiều lần thuyết phục cuối cùng Tổng cục Dầu khí đã chấp nhận cho GPTS mở căn cứ Đà Nẵng dựa trên một phần bến cảng và kho bãi thuê của Nhà máy Sửa chữa Tàu biển Hải quân X50.

Với tầm nhìn xa rộng, GPTS đã quyết định đầu tư và hiện đại hóa cơ sở vật chất hiện có theo đòi hỏi của các công ty dầu hàng đầu thế giới như Shell, BP. Nhờ thế, chỉ sau giếng khoan đầu tiên của Shell thì căn cứ Đà Nẵng đã gây được tiếng vang lớn. Dịch vụ căn cứ của GPTS bắt đầu có thương hiệu trong cộng đồng dầu khí Việt Nam và liên tiếp nhận được những hợp đồng mới với các công ty dầu khí khác như IPL, IDEMITSU, BHP Petroleum… Từ thành công ở căn cứ Đà Nẵng đã góp phần chấm dứt những tranh luận trước đó rằng, Việt Nam có thể tự mình làm dịch vụ căn cứ chuẩn quốc tế hay không!?

 Trên đà thắng lợi, GPTS tiếp tục mở căn cứ ở Vũng Tàu nhưng khởi điểm của đơn vị ở nơi này vẫn là con số không. Cuối năm 1991, sau nhiều ngày đích thân Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Nhậm cùng một số anh em tiến hành khảo sát, tìm kiếm và tiếp xúc với các đối tác tại địa bàn từ cảng thương mại Vũng Tàu, khu Đông Xuyên, đến căn cứ tổng hợp trên bờ Vietsovpetro. Cuối cùng giải pháp GPTS nhờ cậy Vietsovpetro được thực hiện. Vietsovpetro cho GPTS thuê miếng đất dài 300m2, chiều rộng có chỗ chỉ 50m2 nhưng cũng tạm đủ mở căn cứ dịch vụ. Có thể nói, tất cả là của Vietsovpetro, chỉ có sơn chữ GPTS để BP tin tưởng. Đúng là “tay không bắt giặc”. “Bản hợp đồng thuê bến bãi với các điều kiện tương đối thuận lợi đã được ban lãnh đạo Vietsovpetro phê duyệt, thể hiện sự chia sẻ, tương trợ, giúp đỡ vô cùng quý báu của Xí nghiệp Liên doanh đối với GPTS lúc bấy giờ”, ông Nguyễn Xuân Nhậm bồi hồi nhớ lại.

Lần lượt BP rồi Shell ký hợp đồng sử dụng căn cứ GPTS ở Vũng Tàu. Năm 1992 có thể nói là năm đánh dấu một bước tiến kỷ lục của GPTS trong lĩnh vực dịch vụ này khi căn cứ ở Vũng Tàu đã ký hợp đồng được 8 trên 10 giếng khoan trong năm. Thành công này một lần nữa chứng minh tinh thần dám nghĩ, dám làm của ban lãnh đạo GPTS đã tạo lòng tin và chữ tín rất cao ở các tập đoàn dầu khí nước ngoài tại Việt Nam.

4. Năm 1993, do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và để đáp ứng sự phát triển của thị trường dịch vụ dầu khí, GPTS sáp nhập với PSC thành PTSC, ông Nguyễn Xuân Nhậm được bổ nhiệm làm giám đốc và một năm sau, Công ty Dầu khí I cũng chính thức gia nhập PTSC. Ông Nhậm cho rằng, GPTS và PSC thực ra nhiệm vụ, tính chất hoạt động cơ bản là giống nhau nhưng địa bàn hoạt động thì chồng lấn nhau nên việc sáp nhập hai công ty này đã chấm dứt tình trạng cát cứ, cạnh tranh nhau, vì thế sức mạnh của PTSC tăng lên gấp bội.

Tàu PTSC Surveyor

Ngày nay, ngành Dầu khí Việt Nam càng ngày càng phát triển về quy mô, chất lượng, khả năng càng vươn xa khỏi phạm vi đất nước thì các nhu cầu dịch vụ ngày càng lớn. Các hoạt động này mở ra thị trường rộng lớn với nhiều loại hình dịch vụ khác nhau. Vì thế từ hạt nhân PTSC, sau này đã sinh ra nhiều tổng công ty như: Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans), Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil)… Công tác dịch vụ dầu khí nước nhà phát triển rộng, mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng nhiều loại hình dịch vụ của các nhà thầu Việt Nam và liên doanh quốc tế. Nhìn sự phát triển của ngành dịch vụ dầu khí nước nhà hôm nay, có lẽ ông Nguyễn Xuân Nhậm rất vui với những gì mà mình và đồng nghiệp cùng thời chèo chống cho công ty thoát hiểm; từ một doanh nghiệp vốn liếng chỉ còn 20 triệu đồng đến những doanh nghiệp giàu có và đã một thời đứng đầu khối kinh doanh trong ngành Dầu khí, tiềm lực chỉ đứng sau Vietsovpetro.

Từ một chàng thanh niên được Nhà nước chọn và cử đi học ở Rumani về ngành Dầu khí, cả cuộc đời về sau này của ông Nguyễn Xuân Nhậm chỉ làm trong ngành Dầu khí. Khi tôi hỏi, vì sao GPTS từ con số không mà chỉ sau mấy năm đã có những bước đột phá lớn như vậy? Ông Nhậm vui vẻ nói rằng: “Có lẽ tôi được đào tạo từ cơ sở lên, được cọ xát với thực tế, kinh qua nhiều khâu trong ngành, từ khâu đầu đến khâu cuối như tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí… thêm nữa là 5 năm làm việc ở Vietsovpetro đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm quý giá cho quá trình công tác về sau”. Có lẽ tất cả những yếu tố đó cộng với con người của ông. Một con người có tầm nhìn sâu và rộng, con người của hành động, thích dấn thân, luôn chấp nhận thử thách với khát vọng chiến thắng. Và ông cũng cho rằng, khi người ta quyết tâm, quyết liệt làm cái gì đó thì dù có khó khăn đến mấy nó cũng đẻ ra sáng kiến để thực hiện.

Nhớ lại những ngày tháng gian khó đó, ông vẫn còn nhiều cảm xúc khó tả. Là con người của ngành Dầu khí, ông mê việc, cứ đi hoài đi hoài. Ông cười bảo: “Từ khi cưới vợ đến giờ, tổng cộng thời gian tôi ở với bà nhà khoảng 50% thời gian, còn lại là thời gian giành cho công việc”. Nhớ về những năm tháng gian khó đó, ông chưa nguôi kỷ niệm bán 5 cái quạt “Tai voi”. Vì có những chuyến đi công tác ở miền Nam nhưng ngân khố công ty đang cạn kiệt, ông Nhậm phải bán tài sản gia đình để lấy tiền làm lộ phí đi đường và chiêu đãi đối tác. Cứ thế, từ tháng 5 đến tháng 12/1989, 5 cái quạt “Tai voi” ông ki cóp được trong thời gian học ở Liên Xô (cũ) lần lượt ra đi.

Đã về hưu và giờ hoài niệm lại thời đã qua, ông Nguyễn Xuân Nhậm vẫn cho rằng, những gì mình làm được còn quá ít so với nhiều người. Nhưng với người dầu khí thì ông là một trong những người khai sinh ra ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí ở Việt Nam; cũng là người đặt những viên đá đầu tiên cho sự ra đời và phát triển của PTSC như hôm nay.

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status