PV Engineering mang năng lượng xanh đến Côn Đảo

07:00 | 05/01/2014

1,765 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Với bề dày kinh nghiệm và những thành công thực tế qua các dự án dầu khí, Tổng Công ty Tư vấn và Thiết kế Dầu khí (PV Engineering) tự tin khi làm Tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Điện gió Côn Đảo - một dự án mang ý nghĩa về kinh tế, chính trị xã hội cho huyện đảo Côn Đảo.

Năng lượng Mới số 288

Vào gần cuối tháng 12/2013 vừa qua, tại TP HCM đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công) xây dựng Nhà máy Điện gió huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) giữa PV Engineering và Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Tài Nguyên Xanh (Greenmade).

Dự án điện gió Côn Đảo có quy mô công suất 4MW, tổng mức đầu tư khoảng 345 tỉ đồng do Công ty Greenmade là chủ đầu tư, PV Engineering là tổng thầu EPC, dự kiến xây dựng tại khu vực vịnh Côn Sơn, huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), cách TP Vũng Tàu 185km và TP HCM khoảng 230km.

Với chính quyền và gần 8.000 người dân sinh sống trên huyện đảo Côn Đảo thì đây là tin đáng mừng, vì khi nhà máy điện gió đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cung cấp điện năng ổn định và tin cậy cho huyện đảo, thay thế các nguồn điện từ diesel với chi phí sản xuất đắt đỏ. Hơn thế nữa, các máy phát diesel ở huyện đảo sẽ giảm thời gian phát điện, qua đó giảm chi phí sản xuất điện cũng như giảm giá bán điện cho các hộ tiêu thụ (giá điện hiện nay trên đảo vào khoảng 8.500-9.200 đồng/kWh). Ngoài ra, do Nhà máy Điện trung tâm của huyện Côn Đảo hiện nay đã quá cũ, suất tiêu hao nhiên liệu cao, vận hành gây ô nhiễm tại khu vực dân cư nên kế hoạch di dời hoặc thay thế bằng nguồn năng lượng sạch là điều cần phải làm.

Lễ ký kết hợp đồng EPC xây dựng Nhà máy Điện gió huyện đảo Côn Đảo giữa PV Engineering và Công ty Greenmade

Chính vì vậy, theo Tổng giám đốc Greenmade Nguyễn Hồng Quang, Dự án Nhà máy Điện gió huyện Côn Đảo được đầu tư với mong muốn đem nguồn năng lượng xanh, sạch đến cho huyện Côn Đảo, góp phần giảm áp lực thiếu điện, kích thích sự phát triển kinh tế, xã hội.

Dự án được triển khai thực hiện theo hình thức EPC, trong đó PV Engineering đảm nhận vai trò Tổng thầu EPC cho dự án, thực hiện toàn bộ các công việc: khảo sát địa hình & địa chất, đánh giá tiềm năng gió, đánh giá lại hồ sơ dự án đầu tư, thiết kế công nghệ tổng thể nhà máy, thiết kế chi tiết, mua sắm, vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng trên biển, thi công, nghiệm thu, chạy thử, bàn giao và bảo hành cho toàn bộ Dự án Nhà máy Điện gió huyện Côn Đảo.

Đây là dự án phát điện gió độc lập đầu tiên tại Việt Nam được thi công, xây dựng và lắp đặt trên vùng biển xa bờ. Dự án gồm các hạng mục: 2 turbine lắp đặt trên biển, công suất 2x2MW; tuyến cáp ngầm biển 22kV từ turbine gió vào bờ (dài 2,5km); hệ thống điều khiển, thông tin liên lạc của nhà máy; trung tâm điều hành công nghệ cao; các cơ sở hạ tầng và hệ thống phụ trợ cho nhà máy.

Với bề dày kinh nghiệm và những thành công thực tế qua các dự án dầu khí từ các khâu thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ đến chế biến các sản phẩm dầu khí, hóa dầu & kinh doanh, phân phối các thành phẩm của ngành dầu khí… PV Engineering đã tự tin sẽ thực hiện thành công dự án này nhằm đem lại lợi ích trực tiếp đến cho người dân huyện Côn Đảo, cũng như đem lại hiệu quả cho chủ đầu tư thông qua dự án.

Bằng những kinh nghiệm thiết kế trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là từ các dự án ngoài khơi (offshore), PV Engineering đã đề xuất với chủ đầu tư áp dụng giải pháp thiết kế nền móng đặc thù của các công trình biển cho phần móng turbine gió của Dự án Nhà máy Điện gió huyện Côn Đảo nhằm rút ngắn thời gian thi công, thời gian huy động thiết bị, phương tiện thi công, giảm thiểu rủi ro và qua đó tiết kiệm chi phí xây dựng cho dự án. Ngoài ra, bằng việc lập phương án thi công phù hợp cho phép huy động và sử dụng các phương tiện sẵn có trong nước để phục vụ thi công thay vì phải thuê thiết bị của nước ngoài cũng đã tiết kiệm lượng lớn chi phí cho dự án.

Vịnh Côn Sơn - địa điểm lắp đặt 2 turbine gió của Dự án Nhà máy Điện gió Côn Đảo

Mặc dù năng lượng gió là một nguồn năng lượng sạch, kinh tế, không gây ô nhiễm không khí và có khả năng tự tái tạo bởi tự nhiên nhưng có nhược điểm là không đều và không liên tục. Vì vậy, để có thể tận dụng nguồn năng lượng từ gió để sản xuất điện ổn định và liên tục cho nhu cầu của huyện đảo, Nhà máy Điện gió huyện Côn Đảo cần có giải pháp phù hợp để bù và hấp thụ công suất trong các trường hợp gió yếu hoặc mạnh bằng cách sử dụng kết hợp các nguồn năng lượng khác để điều hòa công suất đầu ra của hệ thống.

Vì thế, Tổng thầu EPC - PV Engineering đã cùng chủ đầu tư - Greenmade tiến hành tìm hiểu và nghiên cứu để áp dụng công nghệ phát điện hỗn hợp wind-diesel tiên tiến cho nhà máy. Gói giải pháp này bao gồm các máy phát diesel đáp ứng nhanh, hệ thống tải tiêu thụ (Dumpload) và hệ thống điều khiển trung tâm. Máy phát diesel sẽ bù vào năng lượng gió thiếu hụt khi năng lượng gió thấp, trong khi các tải Dumpload có nhiệm vụ hấp thụ năng lượng gió thừa khi phụ tải tiêu thụ thấp. Điểm kỹ thuật cốt lõi của gói giải pháp này yêu cầu phải điều khiển đáp ứng đủ nhanh đảm bảo ổn định hệ thống, chất lượng điện năng để phát lên lưới điện cung cấp cho các hệ thống phân phối, tiêu thụ trực tiếp tới dân cư.

Để thực hiện được những công việc này, PV Engineering đã nghiên cứu tài liệu của chủ đầu tư để đánh giá tiềm năng gió, lựa chọn các giải pháp công nghệ - điện, tính toán đấu nối, ổn định lưới điện… từ đó thực hiện hoàn chỉnh thiết kế cơ sở tổng thể cho toàn dự án.

Thông qua Dự án Nhà máy Điện gió huyện Côn Đảo, các kỹ sư công nghệ của PV Engineering cũng đã đồng thời viết thành công chương trình đánh giá và ước lượng năng lượng gió qua đó giúp việc giải nhanh và chính các các bài toán về năng lượng gió.

Tổng giám đốc PV Engineering Đỗ Văn Thanh khẳng định, PV Engineering sẽ thực hiện thành công dự án theo đúng tiến độ đặt ra, đảm bảo triển khai thực hiện dự án an toàn, hiệu quả nhất, hoàn thành công trình với chất lượng hoạt động tốt nhất.

Theo kế hoạch, sau khi hợp đồng EPCđược ký kết, chủ đầu tư và tổng thầu sẽ tiếp tục bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị, lên kế hoạch và triển khai thực hiện dự án nhằm đưa nhà máy vào vận hành thương mại trong quý III/2015, với giá bán điện đã được thỏa thuận là 25cent/kWh (khoảng 5.300 đồng/kWh). Khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ tăng cường năng lực cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực huyện Côn Đảo, qua đó góp phần giảm sự phụ thuộc của nguồn điện diesel, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện.

Thế Vinh

DMCA.com Protection Status