PVFCCo và bài toán xuất khẩu phân đạm

09:51 | 10/09/2012

1,737 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Dự kiến trong những năm tới, PVFCCo sẽ xuất khẩu 200.000-300.000 tấn urê mỗi năm, đóng góp khoảng 25% doanh thu, lợi nhuận chung của PVFCCo.

Với tổng công suất đạm lên đến 2,6 triệu tấn trong năm nay và dự kiến sẽ vượt qua mức 3 triệu tấn vào năm 2015 trong khi nhu cầu phân đạm cả nước chỉ khoảng 2 triệu tấn/năm thì thực trạng “cung vượt cầu” đặt ra cho các doanh nghiệp sản xuất phân đạm trong nước là phải tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu, nhằm tạo đầu ra sản phẩm và hạn chế các tác động bất lợi từ sự cạnh tranh gay gắt ở thị trường trong nước.

Trước bối cảnh đó, là nhà sản xuất và cung cấp phân đạm lớn nhất Việt Nam hiện nay, PVFCCo tiếp tục củng cố và xây dựng hệ thống phân phối trong nước để duy trì và phát triển thị phần, song song với việc mở rộng thị trường ra quốc tế để xuất khẩu.

Đến nay PVFCCo đã thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện tại Campuchia, Myanmar cùng với nhiều hoạt động chuẩn bị và phát triển thị trường tại đây. Ngoài ra, PVFCCo cũng tăng cường hợp tác với các công ty kinh doanh xuất nhập khẩu phân bón quốc tế để mở rộng thêm thị trường xuất khẩu thông qua kênh phân phối này.

Theo dự kiến trong những năm tới PVFCCo sẽ xuất khẩu 200.000-300.000 tấn urê mỗi năm.

Theo nhận định của ông Nguyễn Hồng Vinh, Phó tổng giám đốc PVFCCo, ngoài việc chất lượng sản phẩm phân urê Đạm Phú Mỹ của PVFCCo không thua kém gì sản phẩm các nước khác thì Việt Nam có vị trí hết sức thuận lợi, giao thông thuận tiện, gần gũi với các nước có nhu cầu sử dụng phân bón lớn trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Phillippines, Myanmar nên Việt Nam có lợi thế lớn cạnh tranh hơn những nguồn hàng đến từ Trung Đông và các nước vùng Baltic vốn là những nơi xuất khẩu urê trên thế giới trong nhiều năm qua.

Thời gian vận chuyển từ 40-60 ngày/chuyến. Trong khi đó, thời gian vận chuyển hàng từ Việt Nam sang các nước trong khu vực ASEAN chỉ mất khoảng 3-5 ngày/chuyến. Cước phí vận chuyển từ Việt Nam so với việc vận chuyển từ các khu vực khác cũng thấp hơn rất nhiều. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn trong quá trình mở rộng thương hiệu và thị trường sang các nước khu vực Đông Nam Á”.

Hiện tại PVFCCo đã ký một số thỏa thuận nguyên tắc với các khách hàng lớn để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, PVFCCo đã mở chi nhánh ở Campuchia và Văn phòng đại diện ở Myanmar nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở hai thị trường tiềm năng này. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2012 vừa qua, PVFCCo đã xuất khẩu được 50.820 tấn urê qua một số thị trường trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines (30.100 tấn). Với thị trường Campuchia, PVFCCo đã xuất được 5.770 tấn. Còn thị trường Myanmar mới chỉ xuất được 200 tấn với mục đích thăm dò thị trường.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, Campuchia đang là thị trường rất lớn cho PVFCCo và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón Việt Nam nói chung. Với hơn 4 triệu ha đất sản xuất, địa hình bằng phẳng, rất thuận tiện cho sản xuất lúa và hàng hóa, nếu như trước đây người dân Campuchia chủ yếu chỉ làm một vụ lúa mùa thì nay đã có hơn 400.000ha sản xuất thâm canh 2-3 vụ/năm.

Đối với thị trường Myanmar, PVFCCo đặt ra mục tiêu sẽ xuất khẩu với số lượng lớn qua thị trường này, bắt đầu từ năm 2014, sau khi các nhà máy sản xuất phân bón ở Việt Nam đi vào hoạt động ổn định và đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước. Cũng giống như Việt Nam, Myanmar có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nông nghiệp, mà ngành chủ đạo vẫn là trồng lúa với khoảng 60% diện tích đất canh tác, tương đương 8 triệu ha, nên đây là một thị trường hết sức tiềm năng. Tổng lượng cầu đối với urê của Myanmar vào khoảng 1,5 triệu tấn/năm và sẽ còn tăng trong những năm tới do nước này đang muốn gia tăng năng suất vốn đang ở dưới khả năng trong nhiều năm qua.

Tuy vậy, hiện nay việc xuất khẩu urê vào thị trường Myanmar cũng gặp một số khó khăn như: Chính sách trợ giá của Chính phủ Myanmar đối với mặt hàng phân bón; sự cạnh tranh của phân bón có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc; hệ thống logistics còn chưa phát triển, chi phí cao; nguồn ngoại tệ dành cho nhập khẩu hạn hẹp; chính phủ vẫn thực hiện cấp phép nhập khẩu theo chuyến nên thủ tục chậm; kỹ thuật canh tác nông nghiệp của Myanmar còn lạc hậu, chưa quen sử dụng phân hóa học…

Theo ông Nguyễn Hồng Vinh, đối với thị trường Thái Lan nơi sử dụng 100% urê hạt đục nên khả năng xuất khẩu urê hạt trong của Đạm Phú Mỹ sang thị trường này là không khả thi hoặc phải bán giá thấp để cạnh tranh và tạo thói quen mới sử dụng cho nông dân. Trong khi nhu cầu nhập khẩu urê hạt trong từ các nước khác trong khu vực còn rất lớn nên PVFCCo vẫn chưa lựa chọn phương án xuất khẩu sang Thái Lan là hướng đi chính. Tuy nhiên, khi Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào hoạt động ổn định và đáp ứng tốt nhu cầu khu vực miền Tây Nam Bộ thì PVFCCo sẽ đẩy mạnh xuất khẩu urê hạt đục Đạm Cà Mau sang các thị trường lân cận, đặc biệt là Thái Lan.

Được biết, theo dự kiến trong những năm tới, PVFCCo sẽ xuất khẩu 200.000-300.000 tấn urê mỗi năm, đóng góp khoảng 25% doanh thu, lợi nhuận chung của PVFCCo.

“Dù bán hàng trong nước hay xuất khẩu, chúng tôi luôn đảm bảo nguyên tắc tiêu thụ hiệu quả và mang lại lợi nhuận hợp lý. Đến nay, chúng tôi chưa gặp phải rào cản hoặc khó khăn gì khi cạnh tranh với các nguồn hàng khác”, Phó tổng giám đốc PVFCCo Nguyễn Hồng Vinh khẳng định.

Thế Vinh

(Năng lượng Mới số 153, ra ngày 7/9/2012)

DMCA.com Protection Status