PVN có độc quyền gì?

08:16 | 30/07/2014

4,258 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Gần đây, không hiểu vì động cơ gì, một vài cơ quan báo chí lại tiếp tục chụp cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cái mũ “lãi khủng do độc quyền”. Vậy phải hiểu PVN đang được “độc quyền" cái gì?

Một kiểu gieo rắc ngờ vực

Trước hết cần nói 2 điều, thứ nhất, dư luận vốn dễ bị kích thích bởi chuyện lạ, chuyện giật gân, như thể không náo nhiệt thì không có “kịch hay” để mà xem, bởi vậy những “sóng gió” thị phi luôn là mồi “câu view” hữu hiệu. Thứ hai, dân ta bấy nay khá “dị ứng” với hai chữ “độc quyền”, cơ chế thị trường mà có anh dám bắt bí người ta theo kiểu “độc quyền” là không chấp nhận được. Vì vậy, mang hai chữ này ra giật tít trên báo rất dễ khiến bạn đọc chú ý, dễ khiến người ta phẫn nộ.

Thông thường, những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý hay chuyên gia kinh tế rất thận trọng khi nói đến vấn đề độc quyền, đặc biệt là khi quy kết một doanh nghiệp độc quyền thì phải kèm theo rất nhiều cơ sở để chứng minh. Một số phóng viên ở ta, do còn non kém về nghiệp vụ, lại thường tự cho mình quyền quy chụp tội lỗi người ta trước cả tòa án, kết luận trước cả thanh tra, nhận định sớm hơn chuyên gia… Cung cách này từng khiến không ít người dân và doanh nghiệp điêu đứng.

PVN có độc quyền gì?

Giàn khoan tự nâng PV DRILLING I

PVN hiện là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, đứng đầu Việt Nam về quy mô, doanh thu và nộp ngân sách. Vượt qua những mục tiêu lợi nhuận thông thường của một doanh nghiệp, PVN là một doanh nghiệp Nhà nước đặc thù với những nhiệm vụ đặc biệt như: trở thành đầu tàu dẫn dắt đối với nền kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, góp phần bình ổn thị trường, tích cực hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tham gia giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển.

Nói đến PVN, một doanh nghiệp được Chính phủ và các Bộ, Ngành kiểm soát rất chặt chẽ, tăng trưởng nhiều năm ổn định, dẫn đầu khối các doanh nghiệp với tỷ trọng nộp từ 25% – 30% tổng thu ngân sách hàng năm,… lẽ thường là cần cân nhắc nghiêm cẩn, không thể phóng bút tùy tiện, võ đoán bừa bãi, suy diễn cẩu thả.

Trong khi thu ngân sách đang gặp khó khăn, nền tài chính quốc gia chưa thực sự an toàn, bền vững thì những đóng góp của Petrovietnam là rất cần thiết và có ý nghĩa lớn. Thực tế những năm gần đây, đánh giá của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ngành, các cơ quan chuyên môn của trung ương khi tiến hành kiểm tra, làm việc với PVN đều có chung một nhìn nhận rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN luôn đạt được hiệu quả cao, các nguồn vốn cơ bản được sử dụng đúng, đóng góp quan trọng cho đất nước.

 

PVN là doanh nghiệp của Nhà nước

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta khẳng định, kinh tế Nhà nước có vai trò nòng cốt trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô. Nhà nước luôn phải duy trì sức mạnh tài chính để điều tiết nền kinh tế theo định hướng và các chính sách của mình, không bị phụ thuộc và mất quyền kiểm soát, dẫn đến những nguy cơ mất ổn định chính trị và xã hội, đặc biệt trong những tình huống khủng hoảng hay thiên tai địch họa.

Ở Việt Nam, các tập đoàn và công ty Nhà nước lớn đã và đang giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, là công cụ để Nhà nước điều hành và phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng XHCN. Theo các chuyên gia kinh tế, như vậy, về bản chất kinh tế, các tập đoàn và công ty Nhà nước không phải và càng không thể là định chế hoạt động thiên về đầu tư bề rộng thuần túy với kỳ vọng thu lợi nhuận thị trường, mà chỉ nên tham gia hoặc đảm trách các hoạt động kinh doanh công ích và những hoạt động nào mà các doanh nghiệp tư nhân không muốn làm hoặc không được phép làm, để bảo đảm cân đối và duy trì cạnh tranh lành mạnh, hoặc hỗ trợ và tạo động lực thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội.

PVN có độc quyền gì?

Quốc gia nào cũng vậy, có những chính sách và "quân bài chiến lược" của riêng mình để đối phó với những tình huống rủi ro, khẩn cấp. Những kế hoạch đó không phải lúc nào cũng công khai và thông tin rộng rãi. Một số DN 100% vốn Nhà nước ở ta được duy trì trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần giữ vị trí then chốt của nền kinh tế, vì vậy, không phải khi nào cũng có thể nhìn nhận, phân tích hoạt động của doanh nghiệp theo nghĩa thông thường và soi rọi theo các quy luật thị trường thuần túy.

Đối với PVN, điều quan trọng là chính sách của Nhà nước điều tiết như thế nào đối với các lĩnh vực PVN đang đầu tư, nhiệm vụ chính trị giao cho PVN vào từng thời điểm khác nhau, khi nào và cái gì theo thị trường được Nhà nước tôn trọng, khi nào nào phải trở thành công cụ gánh vác trách nhiệm xã hội.

Cần hiểu rõ, PVN là doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều DNNN còn đang ra sức chống đỡ thì việc PVN vẫn hoàn thành vượt mức và toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch liên tục trong nhiều năm qua là rất đáng mừng. Lãi của PVN là lãi của Nhà nước. Không vào túi của riêng ai.

Cần nhìn nhận đúng bản chất

Dầu khí là lĩnh vực hoạt động đầy thử thách cam go và nhiều rủi ro, là lĩnh vực mang lại hiệu quả cao nhưng đồng thời cũng phải đầu tư rất lớn. Vấn đề toàn cầu hóa nền tảng khai thác và kinh doanh dầu khí đã trở thành xu thế chung, nếu không có hợp tác quốc tế thì không thể phát triển ngành đặc biệt này. Không quốc gia nào có thể tự tổ chức triển khai từ khâu thượng nguồn (khoan thăm dò khai thác) đến hạ nguồn (chế biến dầu khí). Thực trạng đó đòi hỏi ngành dầu khí thế giới nói chung và PVN nói riêng phải tuân thủ luật pháp quốc tế với các nguyên tắc của tự do hóa đầy đủ thị trường và minh bạch hóa. Với hơn 30 đơn vị thành viên niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán đủ chứng tỏ sự minh bạch trong hoạt động tài chính của các doanh nghiệp thuộc PVN.

PVN là một doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực đặc thù với trách nhiệm đặc biệt mà doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân không có khả năng tham gia, nhưng vẫn phải đương đầu với mọi khó khăn thử thách và quy luật của kinh tế thị trường. PVN cũng như hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước khác, tuy được hưởng một số ưu đãi của chính sách song lại chịu trách nhiệm điều tiết, bình ổn thị trường và những nghĩa vụ với xã hội, với cộng đồng mà doanh nghiệp ở các khu vực tập thể, tư nhân không phải gánh vác.

Những hoạt động mà hiện nay PVN đang đầu tư phải cạnh tranh khốc liệt với các công ty dầu khí quốc tế, thậm chí có những dự án nhà đầu tư nước ngoài phải bỏ cuộc PVN vẫn làm và làm thành công. Thực tế là không doanh nghiệp tư nhân nào trong nước đủ lực thể tham gia bởi lẽ đây là ngành chứa đựng rất nhiều rủi ro, chỉ một giếng khoan không tìm thấy dầu là mất đi hàng chục, thậm chí cả hàng trăm triệu đô la. Việc các tổ chức kinh tế có thể tham gia thăm dò, khai thác hoặc chế biến dầu khí luôn được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện. Vấn đề là có ai dám làm không?!

Như vậy cách hiểu về sự "độc quyền" của PVN là hoàn toàn không đầy đủ, thiếu cơ sở và không đúng bản chất kinh tế.

PVN có độc quyền gì?

Đơn cử một ví dụ khác về công nghiệp chế biến dầu khí, có người đặt vấn đề những “ưu đãi vượt trội” này khiến cho Công ty TNHH Nhà nước MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn “lãi lớn”. Đây cũng là một doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước. Người ta có vẻ như đưa thắc mắc này ra công luận mà không cần có câu trả lời, chỉ là theo kiểu sợ “thiên hạ không loạn thì không vui” mà thôi .

Ngày 26-7-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 952/QĐ-TTg quy định về một số cơ chế tài chính của Công ty Bình Sơn, đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, gồm: thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hóa dầu tiêu thụ trong nước, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, trích khấu hao tài sản cố định và vốn điều lệ của Công ty. Quyết định của Thủ tướng là đặc biệt quan trọng, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi để giúp ngành công nghiệp lọc hóa dầu non trẻ vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.

Vấn đề lỗ hay lãi của Bình Sơn hiện nay được xác định chủ yếu là do cơ chế điều tiết thị trường xăng dầu và cơ chế tài chính được của Chính phủ áp dụng đối với Công ty Bình Sơn. Trong tổng chi phí hàng năm của NMLD thì tỷ trọng chi phí mua dầu thô là 92%. Toàn bộ chí phí cho vật tư và các hoạt động còn lại chỉ chiếm 8%. Công ty phải mua dầu từ mỏ Bạch Hổ với giá cao hơn các loại dầu khác trên thị trường quốc tế khoảng 10-20%, mua các loại hóa phẩm, xúc tác, vật tư..., trả các khoản lãi vay đầu tư ban đầu, thuê chuyên gia v.v... hoàn toàn bằng ngoại tệ. Sản phẩm của Nhà máy bán ra thu về bằng Đồng VN, việc chuyển đổi sang ngoại tệ luôn phải chịu mức giá cao hơn. Sự điều tiết của chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu, biến động của giá dầu thô đưa vào chế biến và giá sản phẩm đầu ra sẽ quyết định hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty.

Chính phủ và Bộ Tài chính áp dụng cơ chế tài chính đó đối với NMLD Dung Quất là nhằm mục tiêu giảm bớt nhu cầu sử dụng ngoại tệ trong nước, sử dụng sản phẩm của Dung Quất để điều tiết, bình ổn thị trường xăng dầu.

Được biết, thời gian qua PVN luôn có quan điểm tôn trọng, cầu thị và sẵn sàng hợp tác cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí với hy vọng các nhà báo có cái nhìn toàn diện, khách quan và cân nhắc thấu đáo mỗi khi viết bài, đưa tin về PVN để giúp người dân hiểu thấu đáo cơ chế tài chính của PVN, có cái nhìn đúng, chính xác, nhân văn trước mọi hoạt động của PVN.

Nguyễn Tiến Dũng

DMCA.com Protection Status