PVN khẳng định vị thế trụ cột của nền kinh tế

07:06 | 18/01/2018

977 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhận diện rõ những khó khăn thách thức để vượt qua, khẳng định vị thế một Tập đoàn mạnh, trụ cột của nền kinh tế đất nước chính là tâm huyết của những người làm dầu khí chân chính. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi những phát biểu của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên tại Hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.  

Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN Trần Sỹ Thanh:

pvn khang dinh vi the tru cot cua nen kinh te

Để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục là một Tập đoàn mạnh, trụ cột của nền kinh tế đất nước, trước hết chúng ta phải đoàn kết trên nền tảng nguyên tắc, quy tắc, đặc biệt là quy chế được Chính phủ phê duyệt.

Thứ hai là bản lĩnh, dám quyết, dám chịu trách nhiệm trước những vấn đề khó khăn. Thứ ba là phải đổi mới, quyết liệt trong việc kiện toàn các công cụ quản trị hệ thống, dự án đầu tư, tài chính, kiểm toán nội bộ.

Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn:

pvn khang dinh vi the tru cot cua nen kinh te

Trước những dự báo đầy thách thức, khó khăn trong năm 2018, với quyết tâm cao nhất và trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân, bằng những giải pháp quyết liệt, cụ thể, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhất định sẽ hoàn thành toàn diện và về đích trước kế hoạch tất cả các chỉ tiêu được Đảng, Chính phủ giao.

Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quỳnh Lâm: Tìm kiếm, thăm dò là khởi nguồn của chuỗi giá trị dầu khí

pvn khang dinh vi the tru cot cua nen kinh te

Trong ngành Dầu khí thì chuỗi giá trị đều bắt đầu từ tìm kiếm, thăm dò. Thiếu tìm kiếm, thăm dò sẽ thiếu trữ lượng, thiếu phát triển mỏ thì chúng ta không đủ dầu cho các nhà máy lọc dầu, không đủ khí để dẫn về cho các nhà máy điện, nhà máy sản xuất phân đạm và đặc biệt chúng ta không có công ăn việc làm cho các công ty dịch vụ. Đây là một chuỗi giá trị khép kín mà khởi nguồn là từ tìm kiếm, thăm dò, phải được đầu tư thích đáng để kích thích các khâu khác đi theo.

Tìm kiếm, thăm dò sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề trong ngắn hạn và dài hạn cho ngành Dầu khí. Trong năm qua, Tập đoàn đã thực hiện quy hoạch về thăm dò, khai thác, để cung cấp dịch vụ cho khâu đầu, đặc biệt để các nhà thầu dầu khí nâng cao công tác tìm kiếm, thăm dò có đầy đủ tài liệu.

Trong năm 2018, để hoạt động tìm kiếm, thăm dò được sôi nổi, tôi cho rằng việc phát triển Dự án Lô B Ô Môn sẽ phải được đi vào thực hiện. Từ những năm 2014-2017 số lượng giàn khoan đang chờ việc ngày càng nhiều, nếu Dự án Lô B Ô Môn triển khai sẽ thúc đẩy nhiều giếng khoan hoạt động trở lại như phương án phát triển mỏ đã trình. Hiện nay, trong khu vực chỉ có Việt Nam chưa sôi nổi hoạt động thăm dò, khoan tìm kiếm. Tại Vịnh Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã lấy lại nhịp sản xuất bình thường.

Tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) Từ Thành Nghĩa: Đưa thêm mỏ mới vào sản xuất

pvn khang dinh vi the tru cot cua nen kinh te

Năm 2018 và các năm sắp tới, Vietsvpetro (VSP) sẽ tiếp tục duy trì mức khai thác khoảng trên 4 triệu tấn/năm. Dựa trên kinh nghiệm của VSP trong năm vừa qua, chúng tôi sẽ thực thi một số giải pháp.

Thứ nhất, về tìm kiếm, thăm dò, VSP dự kiến khoan 10 giếng (2017 khoan 4 giếng) với mục tiêu tăng cường tìm kiếm để tăng sản lượng.

Thứ hai, theo kế hoạch dài hạn đã trình Tập đoàn, 3 năm nữa, trên các mỏ, cấu tạo đã tìm được, VSP dự kiến sẽ phát triển thêm 16 miệng giếng và 8 giàn khai thác nhẹ. Đây là khối lượng công việc rất lớn, mỗi năm sẽ đưa vào 2-3 mỏ để khai thác.

Thứ ba, các lô VSP tìm kiếm chỉ là những mỏ nhỏ nên chi phí đầu tư và vận hành phải tiết kiệm triệt để. Chúng tôi đang nghiên cứu chi phí đầu tư làm các giàn khai thác siêu nhẹ, siêu nhỏ. Chi phí đầu tư rất thấp cộng với chi phí đầu tư giếng khoan cũng thấp sẽ bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Thứ tư, về ứng dụng khoa học công nghệ mới, trong năm 2018, chúng tôi sử dụng dung dịch mới về khoan, xi măng G, công nghệ chống lắng đọng muối… nhằm bảo đảm sản lượng ở mức trên 4 triệu tấn dầu.

Tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) Ngô Hữu Hải: Cần cơ chế, khung pháp lý mới cho PVEP

pvn khang dinh vi the tru cot cua nen kinh te

Năm 2018, PVEP sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn cho công tác thăm dò, tìm kiếm dầu khí. PVEP vẫn chưa cân đối được tài chính về các dự án, hiệu quả các dự án không thành công. Các cơ chế, thủ tục pháp lý vẫn chưa có sự thay đổi cần thiết để thích ứng, phù hợp với thực tiễn.

Sản lượng khai thác dầu trong năm 2018 của PVEP dự kiến sẽ sụt giảm khoảng 1 triệu tấn quy đổi so với năm 2017. Chúng tôi tha thiết mong Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn xem xét 3 kiến nghị cấp bách:

Hỗ trợ PVEP xử lý khoản thuế thu nhập 4.807 tỉ đồng, bản chất đây là thu hồi chi phí đã đầu tư của PVEP, là vốn của chủ sở hữu, khoản vay của ngân hàng và trả lại PVEP khoản phân bổ chi phí đầu tư không thành công đã nộp thừa năm 2014 là 5.633 tỉ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-6-2016.

Phê duyệt báo cáo đầu tư, tài chính để PVEP có đầy đủ căn cứ pháp lý triển khai dự án và các công ty con của PVEP có thể trả nợ cho các nhà thầu tại các dự án đã triển khai từ năm 2015 trở về trước cũng như trả lương cho người lao động

Phê duyệt đề án tái cơ cấu toàn diện PVEP giai đoạn 2017-2020.

Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) Phan Thanh Tùng: Rất khó cạnh tranh bình đẳng

pvn khang dinh vi the tru cot cua nen kinh te

Trong những năm qua, hàng loạt thay đổi quy định, cơ chế trong lĩnh vực dịch vụ, đồng thời sự hỗ trợ nội bộ các đơn vị trong Tập đoàn đang giảm sút, vô hình trung làm giảm sự phát huy năng lực nội tại của các đơn vị dịch vụ chuyên ngành Dầu khí. Cụ thể, nhiều sản phẩm, dự án mà các đơn vị trong nước có thể làm được như tàu địa chấn… nhưng vẫn đưa ra đấu thầu quốc tế.

Doanh nghiệp có vốn Nhà nước không còn được chính sách hỗ trợ, thậm chí bất lợi hơn rất nhiều như bị thanh tra, kiểm tra liên tục, uy tín của doanh nghiệp Nhà nước đang thấp hơn bao giờ hết. Trong khi đó, PTSC phải cạnh tranh trực tiếp với các công ty tư nhân và công ty nước ngoài. Sự khác biệt ở đây rất sâu sắc nên khó trong cạnh tranh bình đẳng, bởi khi tham gia đấu thầu, chủ đầu tư vừa nghe tới doanh nghiệp có vốn Nhà nước là rất “ngần ngại”, gây bất lợi đối với PTSC.

Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) Bùi Minh Tiến: Các giải pháp quản trị hiệu quả

pvn khang dinh vi the tru cot cua nen kinh te

PVCFC tiếp tục thực thi các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ năm 2018, trong đó chủ yếu là về quản trị:

Thứ nhất, tập trung vào những giải pháp vể quản trị chiến lược. Công ty đang trong quá trình hoàn thiện chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, đặc biệt là phát triển sau năm 2018 khi các cơ chế chính sách giá khí đối với Đạm Cà Mau kết thúc.

Thứ hai, tập trung vào các công tác quản trị kế hoạch. Trong đó, PVCFC đã xây dựng các kế hoạch ngân sách căn cứ vào hệ thống quản trị nguồn lực ERP mà công ty đã đưa vào vận hành từ 2 năm nay. Đặc biệt, chúng tôi đã xây dựng các trung tâm chi phí để giao cho các đơn vị không chỉ các chỉ tiêu mà còn giao các kế hoạch ngân sách để trưởng các bộ phận nhận thức rõ hơn về quản lý chi phí.

Một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh PVN năm 2018:

- Gia tăng trữ lượng dầu quy đổi đạt 10-15 triệu tấn.

- Khai thác dầu khí đạt 22,83 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó khai thác dầu thô đạt 13,23 triệu tấn, khai thác khí đạt 9,6 tỉ m3.

- Sản xuất điện đạt 21,57 tỉ kWh.

- Sản xuất đạm đạt 1.540 nghìn tấn. - Sản xuất xăng dầu các loại đạt 11.774 nghìn tấn.

Thứ ba, tập trung vào công tác quản trị sản xuất, trong đó có việc ứng dụng các kiến thức về quản trị mới nhất trong sản xuất để thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt của Nhà máy Đạm Cà Mau là vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả. Chúng tôi đang thực hiện tích hợp chương trình an toàn, chương trình 5S vào một phiếu để cán bộ, công nhân viên nhà máy phát hiện những nguy cơ về mất an toàn, đóng góp ý kiến, sáng kiến, những vấn đề cần cải tiến…

PVCFC cũng tập trung vào các giải pháp quản trị kinh doanh, trong đó đặc biệt là quản trị hệ thống phân phối. Chúng tôi đang áp dụng hệ thống phân phối dựa trên hệ thống DMS tận dụng những cơ hội về công nghệ 4.0 để quản trị hệ thống phân phối hiệu quả nhất và nhanh nhất, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng.

Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) Nguyễn Xuân Hòa: Giúp PV Power lớn hơn về quy mô chất lượng

pvn khang dinh vi the tru cot cua nen kinh te

Nhiệm vụ của PV Power trong năm 2018 là tái cấu trúc, cổ phần hóa và sản xuất kinh doanh hiệu quả. Để bảo đảm sự phát triển bền vững của Tổng công ty, PV Power có một số đề xuất:

Dự án đầu tư Nhơn Trạch 3, 4 được Thủ tướng phê duyệt cho PV Power làm chủ đầu tư theo phương án cổ phần hóa. Để triển khai các thủ tục chính danh, chúng tôi mong muốn Bộ Công Thương, Chính phủ chính thức cho phép chuyển chủ đầu tư từ PVN sang PV Power trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh.

Về lâu dài đề nghị Tập đoàn nghiên cứu cho PV Power được phụ trách các nhà máy điện phát điện bằng LNG. Chúng tôi đã xác định là việc phát triển bền vững PV Power sẽ theo hướng sản xuất điện bằng khí LNG, vừa giúp tăng trưởng vừa góp phần làm thay đổi cơ cấu sử dụng nhiên liệu của các ngành công nghiệp từ dạng nhiên liệu không sạch và lãng phí sang dạng nhiên liệu sạch, xanh, bảo vệ môi trường.

Liên quan đến việc chuẩn bị nguồn lực, sắp tới Tập đoàn sẽ hoàn thành các công trình Nhiệt điện Sông Hậu 1, Long Phú 1 và Thái Bình 2, PV Power mong muốn Tập đoàn sẽ sớm có quyết định về cơ chế để chúng tôi chính thức được giao vận hành và bảo dưỡng các nhà máy nhiệt điện. Mỗi nhà máy cần khoảng 300 cán bộ, công nhân viên, 3 nhà máy lên đến gần 1.000 người. Nếu sớm giao cho PV Power các nhà máy trên thì PV Power sẽ có thời gian chuẩn bị, tính toán điều phối nguồn lực tài chính, con người, kỹ thuật…

Gỡ khó cho Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2

Theo Trưởng ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 Nguyễn Thành Hưởng, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đến nay đã hoàn thành 81,3% tổng khối lượng, trong đó khối lượng thiết kế hơn 99%, công tác mua sắm khoảng 92%, toàn bộ công tác gia công, chế tạo của phần nước ngoài đã xong đạt 93,3%; thi công, lắp đặt, xây dựng đạt 75%.

Dự án đã thực hiện hoãn tỷ lệ thu hồi ứng của PVC cho dự án; phân chia nhỏ các mốc dự án để kịp thời nghiệm thu và thanh toán cho PVC... Nhưng các giải pháp đó chỉ là tạm thời, do đó dự án đang rất khó khăn.

Hiện tại Tập đoàn đã báo cáo các cấp lãnh đạo 13 nhóm giải pháp cho dự án, cơ bản là những giải pháp tháo gỡ về chi phí.

Tập đoàn và các chủ đầu tư sẽ tiếp tục hỗ trợ PVC hoàn thiện các mốc tiến độ phù hợp với thực tế và đẩy nhanh việc nghiệm thu thanh toán để giải quyết ngay dòng tiền tại công trường.

Cán bộ, công nhân viên của dự án mong muốn có được sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ, các bộ, ngành, Tập đoàn để tiếp tục đổi mới, nỗ lực phấn đầu hoàn thành nhiệm vụ, để Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 là câu chuyện về bản lĩnh vượt khó của người Dầu khí.

Thành Công - Hiền Anh

DMCA.com Protection Status