PVN tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Biển Việt Nam

20:56 | 15/10/2012

1,132 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) – Ban Pháp chế Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa phối hợp cùng các Tổng công ty Thăm dò và khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Biển Việt Nam.

Tới dự Hội nghị có các đồng chí Phó tổng giám đốc PVN: Lê Minh Hồng, Nguyễn Quốc Thập và Nguyễn Sinh Khang. Đông đảo cán bộ Pháp chế của hầu hết các đơn vị có hoạt động trên biển Đông trong ngành Dầu khí đều có mặt và cùng nghe TS Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban biên giới quốc gia thay mặt Bộ Ngoại giao phổ biến, cũng như trả lời mọi thắc mắc xung quanh Luật Biển Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm UB BGQG Trần Duy Hải khẳng định, Luật Biển Việt Nam hoàn toàn phù hợp với Luật pháp và thông lệ quốc tế 

“Trước hết, xin được khẳng định việc Quốc hội khoá XIII thông qua Luật Biển Việt Nam là sự kiện nổi bật trong đời sống chính trị - xã hội của nước ta trong năm 2012. Các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài hoan nghênh và đánh giá cao ý nghĩa của việc thông qua Luật Biển Việt Nam - Luật gốc về các vấn đề biển, đảo của nước ta,” đại diện lãnh đạo Ban pháp chế Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết.

Báo cáo trước Hội nghị, đại diện PVEP cho biết, hiện Tổng công ty đang điều hành 56 lô (37 tìm kiếm thăm dò và 19 khai thác), với sản lượng khai thác dầu thô khoảng 194 nghìn thùng/ngày và 828 triệu bộ khí/ngày. Hoạt động tìm kiếm thăm dò được tiến hành ở tất cả các bể trầm tích, với phân chia như sau: bể sông Hồng (9 dự án), bể Cửu Long (9) và Nam Côn Sơn (11), và đặc biệt ở các lô thuộc vùng nước sâu hoặc xa bờ như bể Phú Khánh, bể Tư Chính – Vũng Mây... Đại diện PVEP cũng cho biết, các Dự án trên đang được tiến hành bởi Tổng công ty và các nhà thầu quốc tế, là đối tác tin cậy, hiểu biết lẫn nhau từ nhiều năm với Việt Nam như ExxonMobil, Gazprom, Zarubezhneftegaz, Talisman, ONGC, Idemitsu, Mitra Engergy...

Trong phần giới thiệu về Luật Biển Việt Nam, TS Trần Duy Hải nêu rõ: “Luật Biển Việt Nam được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam, Nghị quyết của Quốc hội nước ta về phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982, các quy định liên quan về biển và thực tiễn quản lý biển cũng như các yêu cầu về phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng của nước ta. Căn cứ quan trọng để xây dựng Luật Biển Việt Nam là Công ước Luật Biển 1982 và các Hiệp định phân định biển mà Việt Nam đã ký với một số nước láng giềng (Thái Lan, Trung Quốc và In-đô-nê-xi-a...); đồng thời, tham khảo thực tiễn của các nước trong việc ban hành các văn bản pháp luật về biển.”

Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương và 55 điều, đề cập đến các nội dung chủ yếu: các nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo của Việt Nam; các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; chủ trương giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển.

Một giàn khoan của Petrovietnam đang hoạt động trên biển Đông.

Về quy chế pháp lý của các vùng biển Việt Nam, Luật Biển Việt Nam nêu rõ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải nước ta là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Đối với những khu vực chưa có đường cơ sở, Luật quy định Chính phủ xác định và công bố sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Nội thủy và lãnh hải là hai vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lãnh hải nước ta rộng 12 hải lý kể từ đường cơ sở và ranh giới ngoài của lãnh hải là đường biên giới quốc gia trên biển. Phù hợp với Công ước Luật Biển năm1982, Luật Biển Việt Nam khẳng định tàu thuyền nước ngoài được quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam; riêng tàu quân sự nước ngoài phải thông báo trước khi thực hiện quyền này. Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở. Thềm lục địa rộng tối thiểu 200 hải lý và được mở rộng đến 350 hải lý theo các điều kiện của Công ước Luật Biển năm 1982 quy định. Quy chế pháp lý các vùng biển nước ta quy định trong Luật Biển Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982. Đồng thời, Luật Biển Việt Nam khẳng định Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do hàng hải và tự do hàng không ở trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; tổ chức và cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học trong các vùng biển Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc khi được Chính phủ ta cho phép.

Nguyên tắc và định hướng phát triển kinh tế biển , được Luật Biển Việt Nam xác định là phát triển bền vững, phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, gắn với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh. Những ngành kinh tế biển được Nhà nước ưu tiên phát triển là tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí; vận tải biển, cảng biển, du lịch kinh tế biển và hàng hải; khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, v.v… Luật Biển Việt Nam cũng khẳng định chủ trương của Nhà nước khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế biển trên các đảo và hoạt động trên biển.

Về chủ trương giải quyết tranh chấp liên quan biển, đảo, Luật Biển Việt Nam nêu rõ: Nhà nước Việt Nam giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Quy định này đã khẳng định lại chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam lâu nay. Trên thực tế, nước ta đang kiên trì thực hiện chủ trương này và cho đến nay đã giải quyết được một số tranh chấp với các nước láng giềng. Mục đích của việc ban hành Luật Biển Việt Nam là để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Luật Biển Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 01 - 01 - 2013.

P.V

DMCA.com Protection Status