Quyết tâm "giải cứu" Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

11:26 | 19/09/2017

1,998 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Rút ra những bài học xương máu, quyết tâm vực dậy Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ… là những gì đã diễn ra tại cuộc tọa đàm đầu tiên giữa lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).  

Những bài học quý báu

Được chứng kiến Nhà máy Xơ sợi (NMXS) Đình Vũ từ những ngày đầu xây dựng, chúng tôi dõi theo từng bước đi đầy gian nan trắc trở của nhà máy. Có những thời điểm tưởng chừng nhà máy đã “hồi sinh” khi chạm một tay vào mốc hòa biến phí nhưng lại “gục ngã” vào đúng thời điểm mà PVN, Vinatex và các doanh nghiệp kéo sợi khác có đầy đủ sự tin tưởng vào một điều thần kỳ. Đó chính là thời điểm tháng 9-2015, khi toàn bộ sản phẩm xơ sợi polyester của NMXS Đình Vũ đã được các doanh nghiệp trong nước tiếp nhận, được Viện Dệt may Việt Nam và các bạn hàng đánh giá ổn định về chất lượng và tin tưởng mua với giá ngang với sản phẩm của Thái Lan hay Indonesia. Lúc đó, hầu hết những người tham gia xây dựng và vận hành NMXS Đình Vũ và các đơn vị sử dụng sản phẩm xơ sợi trong ngành dệt may Việt Nam đều cảm thấy tiếc nuối và xót xa.

quyet tam giai cuu nha may xo soi dinh vu
Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

Chính vì vậy, khi Thường trực Chính phủ chỉ đạo PVN thực hiện phương án xử lý đối với Dự án NMXS Đình Vũ là hợp tác với đối tác nước ngoài, vận hành nhà máy ổn định trở lại mới bắt đầu thoái vốn. Đây không chỉ là tin vui đối với rất nhiều doanh nghiệp kéo sợi Việt Nam, mà còn là niềm hy vọng đối với hàng nghìn cán bộ, nhân viên PVN đã từng tham gia xây dựng, vận hành NMXS Đình Vũ.

Trước tiên phải khẳng định, để vận hành ổn định một nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp có công nghệ phức tạp như NMXS Đình Vũ thì không thể tính bằng ngày, bằng tháng mà phải tính bằng năm. Chẳng cần phải tìm hiểu đâu xa, cứ nhìn vào NMXS Formosa của Đài Loan sản xuất hơn chục năm nay tại Đồng Nai thì biết ngay. Với hậu thuẫn là một tập đoàn chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm hóa dầu là nguyên liệu đầu vào chính (PTA - MEG) của các NMXS mà NMXS Formosa cũng phải mất gần 3 năm mời các doanh nghiệp kéo sợi Việt Nam dùng thử sản phẩm, phải bán chịu, bán lỗ mới cho ra được sản phẩm chuẩn, chiếm lĩnh thị trường. Hơn thế nữa, khi đó NMXS Formosa là nhà máy duy nhất sản xuất xơ sợi tại Việt Nam, “một mình một chợ” với kinh nghiệm vận hành đầy mình mà vẫn “trầy da tróc vảy” mới trụ được trong ngành sản xuất xơ sợi tổng hợp.

Mặt khác, sản phẩm xơ sợi tổng hợp là sản phẩm có tính đặc thù cao, bởi chất lượng xơ phải được đảm bảo không chỉ ở khâu kéo sợi mà phải đến tận khi cho ra vải thành phẩm. Cụ thể, xơ polyester là một trong những loại nguyên liệu chủ yếu phối trộn với bông tự nhiên để kéo sợi (tỷ lệ thông thường là 60% bông và 40% xơ polyester). Sau đó, các cuộn sợi này có hơn 90% được các nhà máy sợi Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài để dệt thành vải. Ở khâu này, xơ phải đáp ứng chuẩn cơ lý của châu Âu thường gọi là 4 điểm/100m vải, có nghĩa là trên 100m vải dệt ra chỉ cho phép dưới 4 điểm gợn, nối, cộm. Chưa hết, vải dệt xong đến khâu nhuộm thì thông thường xơ polyester khó “ăn màu” hơn bông nên chỉ cần vải bị loang màu là lập tức toàn bộ lô hàng và các doanh nghiệp liên quan từ nhà máy sản xuất xơ đến kéo sợi, dệt đều “xôi hỏng bỏng không”, tệ hơn có khi còn dẫn đến phá sản. Đặc biệt, toàn bộ các khâu từ khi xơ đưa vào nhà máy kéo sợi đến khi có vải thành phẩm cũng phải mất 4-6 tháng, nên việc theo và đón nhận những phản hồi về chất lượng sản phẩm trong thực tế đòi hỏi nhân sự phải có chuyên môn cao và kinh nghiệm dày dặn.

Phó tổng giám đốc Vinatex Hoàng Vệ Dũng: “Chất lượng tốt, ổn định, giá xơ sợi theo thị trường là vấn đề chữ tín, nếu phá bỏ nó thì hậu quả sẽ không thể tưởng tượng nổi”, đặc biệt trong ngành dệt may, khi lợi ích đã hình thành một chuỗi những mắt xích gắn chặt với nhau”.

Tại cuộc họp đầu tiên giữa lãnh đạo PVN và Vinatex về tìm cách vận hành lại NMXS Đình Vũ, một quy tắc bất di bất dịch được lãnh đạo Vinatex nhắc đi nhắc lại là “chất lượng sản phẩm - giá cả thị trường”. Thoạt nghe ai cũng nghĩ rằng, đây là điều đơn giản theo đúng quy luật cung - cầu, nhưng trong thực tế rất khó để giữ vững nguyên tắc này. Ngay trong quý III/2015, NMXS Đình Vũ đã phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt của hàng nhập khẩu nên sản phẩm xơ sợi “bị” hạ giá xuống từng giờ. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào phải chốt theo từng tháng, chi phí vận hành cao nên hàng càng xuất bán, NMXS Đình Vũ càng phải chịu lỗ. Mặc dù các bạn hàng là doanh nghiệp kéo sợi Việt Nam đã hết sức hỗ trợ mua xơ của Đình Vũ với giá cao hơn xơ Trung Quốc, ngang bằng với xơ Indonesia và Thái Lan nhưng vẫn chưa thể đưa NMXS Đình Vũ trở về điểm hòa vốn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của quy tắc “bán hàng theo giá thị trường”, Phó tổng giám đốc Vinatex Hoàng Vệ Dũng khẳng định: “Đây là vấn đề chữ tín, nếu anh phá bỏ nó thì hậu quả sẽ không thể tưởng tượng nổi. Đặc biệt là trong ngành công nghiệp dệt may, khi lợi ích đã hình thành một chuỗi những mắt xích gắn chặt với nhau”.

Có lợi cho dệt may

Người trong nghề dệt may ai cũng thấm thía một điều rằng, dù ngành dệt may có giá trị xuất khẩu hàng chục tỉ USD, nhưng để kiếm được đồng ngoại tệ là điều cực kỳ nhọc nhằn, cho nên mỗi khi bàn chuyện hợp tác với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may luôn nhắc đi nhắc lại, Vinatex là “con nhà nghèo”.

quyet tam giai cuu nha may xo soi dinh vu
Máy kéo sợi của Đức

Nói có sách, mách có chứng, Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường đã dẫn ra hàng loạt câu chuyện từ chính bản thân ông và các đơn vị trong Tập đoàn đang hằng ngày phải xử lý. Từ việc khoán sản phẩm trong các nhà máy dệt như thế nào để vừa tận dụng được thời gian, vừa đảm bảo chất lượng hàng hóa, đến việc không ít lần các đốc công lên “ăn vạ”, bắt giám đốc phải “bù” tiền do đổi nguyên liệu xơ, vì mỗi lần thay xơ phải căn chỉnh lại máy. Chất lượng xơ tốt thì không sao, nếu xơ chỉ hơi kém một chút thì ngay lập tức các đốc công thống kê ra nào là trong một lần đổ 1.000 cọc sợi, bị đứt hơn xơ cũ 9-10 cọc, công nhân phải mất thời gian nối sợi, ảnh hưởng đến tiến độ của ca, kíp…

Kể ra những chuyện trên để thấy rằng, vào những đợt NMXS Đình Vũ đang vận hành chạy thử và trong suốt thời gian gần 1 năm vận hành thương mại, một số đơn vị trực thuộc Vinatex, Viện Dệt may Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều trong việc thử nghiệm sản phẩm cho NMXS Đình Vũ. Đáng quý hơn nữa là những hỗ trợ này hoàn toàn vô tư, không hề tính toán một đồng phí nào. Mặt khác cũng thể hiện một điều là, các doanh nghiệp xơ sợi Việt Nam đã và đang rất mong muốn có một nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng để tăng tính cạnh tranh của sợi Việt Nam trên thị trường.

Trong cuộc tọa đàm giữa lãnh đạo PVN và Vinatex vừa qua, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đã vài lần “truy” lãnh đạo Vinatex về việc xơ sợi của NMXS Đình Vũ có thực sự đem lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp xơ sợi Việt Nam hay không? Ở đây, xin nói thêm rằng, đây không phải là việc tính toán lợi ích giữa hai tập đoàn, mà đây là vấn đề rất nghiêm trọng, có tính sống còn đối với NMXS Đình Vũ, đó là tính hiệu quả.

Giá xơ polyester hiện nay dao động khoảng 1,1-1,12 USD/kg, cao hơn giá xơ thời điểm năm 2015 tới hơn 200USD/tấn.

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Vinatex Lê Thanh Nghị đã thẳng thắn khẳng định: “Có lợi nhiều chứ. Các đơn vị kéo sợi không phải đặt tiền rồi lại ngồi chờ mới mua sợi, không mất tiền lưu kho, vận chuyển. Sướng nhất là lượng xơ đặt hàng không cần phải chờ đủ 1 lô (khoảng 200 tấn) mà cứ nửa lô là có hàng đến tận xưởng. Quan trọng nhất là việc doanh nghiệp Việt Nam với nhau thì dễ “nói chuyện”, không phải chịu cảnh o ép, bức bối. Chính vì vậy, hỗ trợ PVN và NMXS Đình Vũ không chỉ là vấn đề lợi ích mà còn là trách nhiệm giữa các doanh nghiệp Việt Nam, trách nhiệm cùng tạo ra lợi ích lớn nhất cho ngành xơ sợi, cho công nhân Việt Nam”.

Một trong những thông tin đáng quý nhất mà Vinatex chia sẻ với PVN trong việc quyết định vận hành nhà máy sản xuất xơ sợi, đó là việc lựa chọn thời điểm. Theo thông tin của Vinatex, nhu cầu xơ polyester của các doanh nghiệp Việt Nam luôn tăng khoảng 10-15%/năm. Đây là tỷ lệ tăng trưởng ổn định liên tục trong những năm vừa qua. Tùy thuộc tình hình thị trường thế giới về giá bông mà nhu cầu polyester để kéo sợi có thể tăng hoặc giảm, nhưng tỷ lệ nhu cầu bông và polyester vào khoảng 60/40. Trong đó, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 700 nghìn tấn bông nên nhu cầu xơ polyester cũng vào khoảng 400 nghìn tấn. Mặt khác, trong hai năm 2015-2016, với sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài (Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan) vào ngành sợi, đến nay cả nước có khoảng 7 triệu cọc sợi, tăng gấp đôi so với năm 2015.

Mặt khác, giá xơ polyester hiện nay dao động khoảng 1,1-1,12USD/kg, cao hơn giá xơ thời điểm năm 2015 tới hơn 200USD/tấn. Trong khi đó, giá nguyên liệu sản xuất xơ sợi polyester cũng thấp hơn giá nguyên liệu năm 2015. Kể cả giá bông mua xa (đặt hàng, trả tiền trước đến giữa năm 2018 mới nhận hàng về) cũng có giá đến 1,8USD/kg. Đây là những thông tin cơ sở đặc biệt quan trọng đối với việc xác định thời điểm vận hành trở lại NMXS Đình Vũ.

Vẫn biết, để vực lại một nhà máy sản xuất công nghiệp đang trong tầm ngắm của dư luận sẽ vô cùng gian nan. Trước mắt NMXS Đình Vũ là hàng trăm hạng mục công việc phải cùng lúc triển khai như đánh giá tổng thể, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị máy móc, huy động, rồi đào tạo lại đội ngũ công nhân vận hành, tìm nguồn nguyên liệu đầu vào, hợp tác với chuyên gia…

Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự hỗ trợ hết sức vô tư và tận tâm của Vinatex cùng các doanh nghiệp kéo sợi Việt Nam, PVN sẽ thêm một lần nữa vận hành thành công NMXS Đình Vũ.

Tiến độ khởi động lại PVTEX

Ngày 25-7-2017, PVN đã báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương về phương án hợp tác với đối tác nước ngoài để cùng sản xuất kinh doanh NMSX Đình Vũ. PVTEX đang quyết liệt triển khai các công việc chuẩn bị khởi động lại nhà máy.

PVN/PVTEX đã làm việc với Vinatex về công tác hợp tác trong giai đoạn tới. Để triển khai chi tiết, bắt đầu từ ngày 6-9-2017, đại diện PVN/PVTEX khảo sát và tiếp xúc với các đối tác tiêu thụ sản phẩm tiềm năng để triển khai công tác thị trường, theo kế hoạch, công tác khảo sát, tiếp xúc kết thúc trước ngày 15-9-2017...

PVN/PVTEX đang tích cực triển khai việc tìm kiếm các đối tác khác để hợp tác trong quá trình sản xuất kinh doanh. PVTEX đã làm việc với Tập đoàn Fortrec (Singapore) về phương án hợp tác cùng sản xuất kinh doanh, đối tác Fortrec hiện đang xem xét để trình lại HĐQT của Fortrec về điều kiện hợp tác trước khi quyết định.

Ngày 23 và 24-8-2017, PVN/PVTEX đã làm việc với một tập đoàn của Ấn Độ và đã thống nhất các nội dung sẽ hỗ trợ PVTEX trong quá trình chuẩn bị khởi động lại và vận hành nhà máy.

Ngoài ra, PVN/PVTEX đang làm việc với đối tác trong nước về phương án hợp tác hỗ trợ tài chính để huy động vốn lưu động phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm xơ, sợi.

Theo kế hoạch, trong tháng 9-2017, các đối tác trong nước sẽ có bản chào chính thức về phương án triển khai. Trong tháng 9-2017, PVN/PVTEX xem xét và làm việc với đối tác và sau đó sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền.

Để chuẩn bị cho việc khởi động lại nhà máy, trong tháng 9-2017, PVN sẽ hoàn thành công tác kiểm tra thiết bị, lập kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa; hoàn thành công tác khảo sát, tiếp xúc với các đối tác tiêu thụ sản phẩm tiềm năng trước 15-9-2017; hoàn thiện phương án hợp tác kinh doanh với đối tác (Fortrec, đối tác trong nước...), báo cáo cấp có thẩm quyền; hoàn thiện phương án hợp tác với đối tác sản xuất, bao tiêu sợi DTY...

Thành Công

DMCA.com Protection Status