Sớm tháo gỡ khó khăn, đưa Nhiệt điện Thái Bình 2 "về đích"

11:47 | 25/07/2018

1,912 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW, hiện đã hoàn thành khoảng 83% tiến độ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dự án gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, năng lực thi công của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và nhà thầu phụ yếu,… các mốc tiến độ bị đẩy lùi nhiều lần. Ðây là dự án điện trọng điểm, tổng mức đầu tư lớn, rất cần được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có biện pháp đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án vào hoạt động, tránh lãng phí.
som thao go kho khan dua nhiet dien thai binh 2 ve dich
Công trường thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Khó khăn, thách thức lớn

Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNÐ) Thái Bình 2 gồm hai tổ máy, tổng công suất thiết kế 1.200 MW, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, PVC làm Tổng thầu EPC. Dự án có tổng giá trị hợp đồng EPC 1,47 tỷ USD, mức đầu tư được xác định là thấp hơn so với các dự án cùng quy mô công suất và cùng thời điểm. Tổng Giám đốc PVC Nguyễn Ðình Thế cho biết, NMNÐ Thái Bình 2 sử dụng công nghệ lò hơi than phun trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên, sử dụng than cám 5, sản lượng tiêu thụ hằng năm khoảng 3 đến 3,5 triệu tấn. Khi vận hành, nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia mỗi năm khoảng 6,7 tỷ kW giờ điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hiện nay, tiến độ tổng thể dự án đạt hơn 83%, trong đó thiết kế đạt 99,54%, thi công đạt 76,64%. Trên công trường, hằng ngày huy động khoảng 650 đến 780 người, Liên danh nhà thầu PVV/Phú Xuân đã thi công bốn trong số bảy phân đoạn cầu chính cảng than, hai trong số mười phân đoạn cầu dẫn, hiện đang tạm dừng thi công do thiếu vật tư thép. Quá trình thi công xây dựng và vật tư phục vụ gia công, lắp đặt bị chậm trễ, tiến độ thi công các hạng mục liên quan mốc đốt lửa lần đầu bằng dầu và than bị ảnh hưởng.

Do thời gian thi công kéo dài từ năm 2012 đến nay, dự án gặp phải một số vấn đề khó khăn về pháp lý, bản thân PVC và các nhà thầu gặp nhiều biến cố, dẫn đến thay đổi về nhân sự từ lãnh đạo, cán bộ quản lý và người lao động. Thời gian thi công kéo dài, làm ảnh hưởng tới tất cả các mặt hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị tham gia dự án, nhất là vấn đề tài chính, rất nhiều đơn vị bị nợ quá hạn ngân hàng. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HÐQT) PVC Bùi Ngọc Thắng cho biết: Kể từ thời điểm ký phụ lục bổ sung số 26 và 27 của Hợp đồng EPC, chủ đầu tư đã giải ngân, thanh toán cho Tổng thầu PVC hơn 1.056 tỷ đồng; trên cơ sở đó, PVC đã huy động bổ sung từ nguồn khác để giải ngân hơn 1.223 tỷ đồng cho các nhà thầu phụ. Tuy nhiên, nguồn thanh toán này, các nhà thầu phụ phải trả nợ ngân hàng cho các khoản vay thực hiện khối lượng công việc trước đó cho nên kinh phí đưa vào thực hiện các công việc tiếp theo còn rất ít. Khối lượng công việc dở dang hiện nay đã lên tới 2.584 tỷ đồng (so thời điểm cuối tháng 9-2017, gần 2.312 tỷ đồng) mà không được tạo cơ chế nghiệm thu, thanh toán nhanh đã phản ánh sự vướng mắc trong cơ chế giải quyết hồ sơ cũng như việc tính toán, lập mốc thanh toán giữa chủ đầu tư và Tổng thầu, ảnh hưởng trực tiếp tiến độ dự án. Tổng thầu PVC đã thanh toán chênh lệch giữa đầu thu, đầu chi cho các khoản chi phí như chênh lệch tiền USD của các hợp đồng ngoại, chi phí quản lý Ban điều hành dự án, vận chuyển thiết bị, mua sắm vật tư… hơn 813,6 tỷ đồng, gây thiếu dòng tiền nghiêm trọng để trả nợ các nhà thầu phụ và thúc đẩy phần xây dựng, mua sắm. Theo Phụ lục bổ sung số 26, tỷ lệ thu hồi tạm ứng của Hợp đồng EPC giữa Tổng thầu PVC và chủ đầu tư là 30%, trong khi tỷ lệ thu hồi tạm ứng của các hợp đồng thầu phụ giữa Tổng thầu PVC và các nhà thầu phụ khoảng 12,5%, khi thanh toán cho thầu phụ, Tổng thầu luôn nợ các nhà thầu khoảng 17,5% giá trị thanh toán. Hiện nay, tình hình tài chính của Tổng thầu gặp khó khăn cho nên không có nguồn bù đắp khoản chênh lệch này. Công nợ đến hạn mà Tổng thầu còn phải thanh toán cho nhà thầu lũy kế nay lên tới hơn 28,4 triệu USD và hơn 436,7 tỷ đồng, một số nhà thầu yêu cầu Tổng thầu phải thanh toán công nợ mới tiếp tục triển khai công việc.

Gỡ khó, đưa dự án "về đích"

Theo Tổng giám đốc PVC Nguyễn Ðình Thế, dự án NMNÐ Thái Bình 2 là công trình thuộc danh mục các dự án nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414/QÐ-TTg ngày 11-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ, giá trị hợp đồng EPC 1,47 tỷ USD (tương đương tổng mức đầu tư của cả 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương). Càng để chậm tiến độ, dự án sẽ gây thiệt hại, lãng phí càng lớn đối với nhà thầu, chủ đầu tư và nền kinh tế đất nước. Ðiều cần thiết hiện tại là Bộ Công thương và các bộ, ngành hữu quan, cùng PVN cần nghiên cứu, xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ có cơ chế đặc thù, linh hoạt để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ, đưa dự án "về đích". Hiện nay, khối lượng dở dang của dự án rất lớn, gây mất cân đối dòng tiền và phải nợ các nhà thầu phụ. Thực trạng tài chính của PVC và các nhà thầu phụ hiện tại không thể duy trì việc mua sắm, xây lắp trên công trường. Nguồn tài chính để thực hiện phần lớn phụ thuộc vào nguồn thanh toán từ chủ đầu tư và chủ yếu để trả nợ, hoàn ứng. Tổng thầu PVC lại chưa có kinh nghiệm và năng lực về vận hành, chạy thử; đồng thời, PVC cũng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, phải thực hiện trách nhiệm trả nợ vốn vay ủy thác Ngân hàng Ðại dương (OceanBank) cho nên rất khó đáp ứng các yêu cầu tiến độ.

Ðể hạn chế chậm tiến độ dự án, giảm gánh nặng tài chính, PVC kiến nghị PVN xem xét, cho cắt giảm một số công việc ra khỏi phạm vi công việc của Hợp đồng EPC, để PVN và Ban Quản lý dự án tự chủ động thực hiện công việc. Các gói thầu và hạng mục PVC đề nghị cắt giảm phạm vi công việc là những phần việc PVC chưa thực hiện hoặc thực hiện dở dang, nhưng đã có giao diện rõ ràng. PVC sẽ đảm nhận đầy đủ trách nhiệm hợp đồng, điều phối và quản lý giao diện trên công trường. Ðồng thời, tạo cơ chế rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, phê duyệt và ký Phụ lục bổ sung số 29 trong Hợp đồng EPC để thanh toán được ngay cho Tổng thầu giá trị khối lượng dở dang (số tiền hơn 750 tỷ đồng). Giá trị khối lượng dở dang (đã thực hiện) chưa được nghiệm thu, thanh toán của Tổng thầu là 2.584 tỷ đồng; ngoài ra, đơn giá trong hợp đồng đang tạm xác định tại thời điểm tháng 6-2014, đơn giá chính thức sẽ được nhân thêm hệ số điều chỉnh giá. Do yêu cầu cấp thiết bổ sung vốn lưu động cho thi công, PVC kiến nghị PVN và Ban Quản lý dự án chưa thu bù trừ và tạm thời hoàn trả số tiền PVC đã xuất hóa đơn. PVC cũng kiến nghị PVN làm việc với các cấp có thẩm quyền, sớm chấp thuận để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép giải tỏa số dư tiền của PVC đang bị phong tỏa tại Oceanbank khoảng 125 tỷ đồng nhằm hỗ trợ Tổng thầu tăng cường nguồn lực tài chính triển khai dự án. Ngoài ra, sớm phê duyệt phương án tái cơ cấu tổng thể của PVC, có cơ chế cho phép PVC thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá và dùng nguồn tài chính từ việc này ưu tiên cho dự án. Ðồng thời, PVN cần sớm thành lập hoặc thuê đơn vị vận hành NMNÐ Thái Bình 2 để tiếp nhận và hỗ trợ PVC trong việc chạy thử, quán lý và vận hành (trước mắt là sân trạm 220 kV, trạm bơm nước làm mát,…).

Những sai phạm của dự án này đã diễn ra từ giai đoạn trước, do một số cá nhân chịu trách nhiệm, nhưng ảnh hưởng lớn đến tâm lý chung của cán bộ, công nhân viên và người lao động làm việc tại dự án, nhiều cán bộ đã và đang tiếp tục xin chuyển công tác. Cần có giải pháp ổn định tâm lý cán bộ, yên tâm công tác, duy trì tổ chức, bộ máy hoạt động, đưa dự án hoàn thành trong thời gian sớm nhất, tránh lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và kinh tế - xã hội đất nước.

Theo nhandan.com.vn

PVC nỗ lực đứng vững trong gian khó
Thấu hiểu, chia sẻ với người lao động
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2: Phấn đấu về đích theo kế hoạch

DMCA.com Protection Status