Tái cơ cấu PVFCCo - những kết quả khả quan

10:56 | 07/01/2016

1,247 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trải qua gần 12 năm hoạt động và 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, PVFCCo tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành mục tiêu phát triển thương hiệu, từng bước nâng cao vị thế cạnh tranh trong ngành sản xuất, kinh doanh phân bón và hóa chất trong và ngoài nước.  

Các bước chiến lược trong tái cơ cấu

Thực hiện phương án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1-2013, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã triển khai xây dựng phương án tái cơ cấu và được PVN phê duyệt tại Quyết định số 2076/QĐ-DKVN ngày 25-9-2013.

Theo đó, PVFCCo thực hiện phương án tái cơ cấu bao gồm các nội dung chính như: Tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, hóa chất chuyên dụng; mô hình tổ chức quản lý giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ phần vốn của PVN (61,37%) tại PVFCCo đến năm 2015 và giảm xuống còn 51% trong những năm tiếp theo; phân loại, sắp xếp lại các đơn vị thành viên; tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp.

Tính đến nay, sau gần 5 năm thực hiện, PVFCCo đã hoàn thành được nhiều nội dung quan trọng trong tiến trình đề ra: Thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực then chốt tại các doanh nghiệp như Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC), Công ty CP Thể thao, Văn hóa Dầu khí (PSCC), Công ty CP Bao bì Dầu khí Việt Nam (PSP), Công ty CP Bao bì Đạm Phú Mỹ… với tổng vốn gốc đầu tư thu hồi được là 66,33 tỉ đồng; thu lãi được 79,72 tỉ đồng.

Việc thoái vốn tại các công ty này giúp PVFCCo tập trung hơn vào ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh phân bón, hóa chất chuyên dụng, đồng thời huy động được một số nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Đối với các đơn vị thành viên, trong năm 2015, cổ phiếu của các công ty thành viên của PVFCCo đã lần lượt niêm yết các công ty trên sàn chứng khoán HSX, gồm: Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí miền Bắc (PVFCCo-North, mã chứng khoán PMB), Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí miền Trung (PVFCCo-Central, mã chứng khoán: PCE), Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (PVFCCo-SE, mã chứng khoán PSE), Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ (PVFCCo-SW, mã chứng khoán PSW), Công ty CP Bao bì Đạm Phú Mỹ (PVFCCo-Packaging, mã chứng khoán PMP). 

Về quản trị doanh nghiệp, trong thời gian qua, PVFCCo đã triển khai hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đảm bảo sử dụng các nguồn lực  khoa học, hợp lý và hiệu quả nhất, từ đó phát huy tính chủ động trong công tác tham mưu của các ban chức năng và tăng cường phân cấp, phân quyền để phát huy tính năng động, tự chủ trong hoạt động của các đơn vị thành viên. Cụ thể, PVFCCo đã tiến hành rà soát, điều chỉnh lại chức năng nhiệm vụ của các ban, văn phòng, đơn vị trực thuộc PVFCCo trên cơ sở tinh gọn, giảm bớt cấp quản lý trung gian... (không còn cấp phòng trực thuộc ban, văn phòng) để nâng cao hiệu quả bộ máy điều hành phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của PVFCCo và các đơn vị thành viên. Việc nâng cao quản trị doanh nghiệp này đã góp phần giúp PVFCCo tiết kiệm được gần 150 tỉ đồng chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 2 năm 2014-2015 của PVFCCo.

tai co cau pvfcco nhung ket qua kha quan
Đồng chí Lê Cự Tân - Chủ tịch HĐQT PVFCCo tại lễ niêm yết cổ phiếu CTCP Bao bì Đạm Phú Mỹ

PVFCCo cũng đã xây dựng từ điển năng lực, khung năng lực, KPI, cải tiến chính sách tiền lương theo phương pháp lương 3P, đưa vào áp dụng từ 1-1-2015 nhằm nâng cao hiệu quả quản trị. Từ điển năng lực, khung năng lực đã được ban hành và chính thức đưa vào áp dụng thực hiện cho 461 chức danh công việc cùng quy chế lương, hệ thống thang bảng lương và triển khai đánh giá năng lực để chuyển xếp lương mới.

Phương pháp trả lương 3P được căn cứ theo năng lực cá nhân, vị trí, chức danh, đánh giá hiệu quả công việc, quan tâm đến các ngành và đội ngũ nhân sự có chuyên môn giỏi, tay nghề cao, có sức hút trên thị trường lao động. So với trước đây, chính sách lương mới này đã khắc phục được các hạn chế về tính bình quân, cào bằng, chưa phân hóa rõ nét giữa các vị trí, chức danh công việc, cảm tính trong đánh giá năng lực và kết quả công việc; qua đó khích lệ, tạo động lực cho người lao động nâng cao tinh thần trách nhiệm, học hỏi, nâng cao năng lực, phát huy ý tưởng sáng kiến, tăng năng suất lao động.

Song song đó, việc tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt là cán bộ quản lý, chuyên gia... cũng được PVFCCo quan tâm trong quá trình tái cấu trúc. Tổng công ty đã triển khai hệ thống ERP nhằm tăng cường cho công tác quản lý trong công tác tài chính kế toán và phân hệ logistic (giai đoạn 1) và giai đoạn 2 cho phân hệ kế hoạch.

Bước phát triển mới

Phải thừa nhận, chương trình tái cơ cấu đã mang lại diện mạo mới đối với PVFCCo, đưa tổng công ty tới giai đoạn phát triển mới. Trong sản xuất kinh doanh, PVFCCo đảm bảo vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ an toàn, sản lượng sản xuất luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Tổng lợi nhuận trước thuế trong những năm gần đây đều vượt kế hoạch được giao (năm 2014 đạt 122% so với KH, năm 2013 đạt 116% so với KH). 

Về mặt nhân sự và quyền lợi, đãi ngộ cho người lao động, trong quá trình tái cơ cấu, Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng giám đốc tổng công ty luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát, bảo đảm chính sách, việc làm cho người lao động, chủ động sắp xếp, bố trí các nhân sự ở các vị trí chức danh, đơn vị chưa thật sự phát huy hiệu quả đến vị trí công việc, đơn vị mới phù hợp và có hiệu quả hơn. Chính vì vậy đã  không xảy ra tình trạng lao động dôi dư mất việc làm, trái lại còn làm người lao động phấn chấn, năng suất lao động tăng, người lao động tại PVFCCo không chỉ hiểu và ủng hộ quá trình tái cơ cấu mà còn thêm gắn bó với tổng công ty.

Quan trọng hơn, quá trình tái cơ cấu đã giúp thúc đẩy hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm mới liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của tổng công ty, đặc biệt là hóa chất, lĩnh vực có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển cho PVFCCo. Năm 2014, PVFCCo đưa vào hoạt động xưởng sản xuất hóa phẩm dầu khí tại Bà Rịa - Vũng Tàu, xưởng này cung cấp các hóa chất sử dụng công nghệ và đạt tiêu chuẩn chất lượng của Baker Hughes toàn cầu. Công trình này được xem là một bước ngoặt quan trọng, bởi lẽ PVFCCo đã có đủ năng lực gia công, sản xuất, cung cấp các loại hóa chất chuyên dụng phục vụ cho giai đoạn thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí mà trước đây Việt Nam phải nhập khẩu 100%.

Tiếp đó, năm 2015, PVFCCo đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xưởng sản xuất UFC85/Formaldehyde, hiện xưởng đã chạy thử thành công và dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường từ đầu năm 2016. Song song với đó, Tổ hợp Dự án Xưởng NH3 (mở rộng) và Nhà máy NPK Phú Mỹ công nghệ hóa học cũng đã được khởi công vào năm 2015, dự kiến năm 2017 sẽ cho ra sản phẩm thương mại.

Nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Nhìn lại chặng đường đã thực hiện cũng như hướng đi, nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Lê Cự Tân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVFCCo cho biết: “Những kết quả của quá trình tái cơ cấu PVFCCo bắt nguồn từ sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng, đặc biệt là PVN; sự đồng lòng, nhiệt huyết của tập thể CBCNV tổng công ty. Trong giai đoạn sắp tới, tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mô hình tổ chức (tổ chức sắp xếp bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả, chuyên môn hóa hoạt động của các đơn vị thành viên, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, tăng cường bộ phận trực tiếp sản xuất, kinh doanh, đồng thời giảm thiểu các bộ phận gián tiếp…) và tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp”.

 

Trúc Vân

Năng lượng Mới số 488

DMCA.com Protection Status