Cách mạng Công nghiệp 4.0

Thách thức ngắn hạn - Cơ hội dài hạn

14:27 | 28/06/2017

785 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Hiện nay, chúng ta ngày càng tiến sâu vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Đây là cuộc cách mạng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ và có tác động lớn đến kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, trong đó có lĩnh vực năng lượng và ngành Dầu khí. Xin chia sẻ một số suy nghĩ về cuộc cách mạng này để cùng tham khảo.

Cho đến nay chúng ta đã trải qua 4 cuộc cách mạng về công nghiệp. CMCN lần thứ nhất xảy ra từ năm 1794. Đây là cuộc cách mạng về cơ khí hóa mà nội dung cơ bản là phát minh và sử dụng các máy móc chạy bằng thủy lực và hơi nước. CMCN lần thứ 2 xảy ra trong giai đoạn 1871-1914, là cuộc cách mạng về điện khí hóa với việc sử dụng rộng rãi các động cơ điện và các dây chuyền sản xuất hàng loạt. CMCN lần thứ 3 bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ XX, đây là cuộc cách mạng về tự động hóa, là kỷ nguyên của máy tính và tự động hóa. CMCN lần thứ 4 là cuộc cách mạng đã và đang xảy ra tới cuối những năm 2000, đây là cuộc cách mạng của số hóa, của các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo.

CMCN 4.0 có 2 khác biệt lớn so với các cuộc CMCN trước đó là hạ tầng Internet thúc đẩy việc chia sẻ ý tưởng phát triển, nguồn lực thực hiện ý tưởng, thương mại hóa ở cấp toàn cầu và các hiệp định tự do hóa, mở cửa thị trường. Vì vậy, đây được đánh giá là cuộc CMCN có quy mô và tốc độ phát triển chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Về quy mô, những đột phá công nghệ sẽ đồng thời diễn ra trên nhiều lĩnh vực và nó sẽ tương tác thúc đẩy lẫn nhau; còn tốc độ được đánh giá là diễn biến theo cấp số nhân.

Do đó, CMCN 4.0 có tác động mạnh mẽ và toàn diện đến thế giới đương đại về kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp độ (toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia). Các tác động này được đánh giá là mang tính chất rất tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra nhiều thách thức trong ngắn hạn và trung hạn.

thach thuc ngan han co hoi dai han

Từ góc độ sản xuất trong dài hạn, cuộc CMCN 4.0 sẽ có tác động rất tích cực ở chỗ đưa nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào động lực không có trần giới hạn là công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào luôn có trần giới hạn. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 cũng tạo ra những thách thức liên quan đến những chi phí điều chỉnh trong ngắn và trung hạn, tác động không đồng đều đến các ngành khác nhau, có những ngành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong khi có những ngành sẽ thu hẹp đáng kể. Những doanh nghiệp tạo ra những công nghệ mới sẽ tăng trưởng nhanh còn những doanh nghiệp lạc hậu về công nghệ sẽ bị thu hẹp, thậm chí có thể bị đào thải.

Riêng với Việt Nam, cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng của nước ta trong dài hạn, làm giảm sức ép chi phí, tạo nên tiềm năng tăng trưởng, tác động tích cực đến môi trường. Tuy nhiên, trong trung hạn có thể sẽ tác động tiêu cực tới một số ngành, dẫn đến yêu cầu phải có kế hoạch tái cơ cấu cho phù hợp, đặc biệt tại một số nhóm ngành như: năng lượng, công nghiệp chế tạo, dệt may - da giày…

Đối với ngành năng lượng nói chung và dầu khí nói riêng, thách thức sẽ mang tính dài hạn, không phải là dao động của chu kỳ kinh doanh ngắn hạn, bởi vì các đột phá trong lĩnh vực năng lượng như: khai thác dầu đá phiến, sản xuất năng lượng tái tạo, ắc quy trữ điện… và vận tải như: ôtô điện, kinh tế chia sẻ như Uber hay Grab sẽ phát triển, cùng nhiều cơ hội sử dụng năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường sẽ được phát triển và sử dụng ở mức tối đa. Những điều này tác động đến cung cầu năng lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành.

Bên cạnh đó, dầu khí là một trong những ngành kinh tế kỹ thuật hàng đầu, muốn phát triển hiệu quả phải gắn với khoa học công nghệ nên cuộc CMCN 4.0 cũng tạo ra thách thức lớn, đòi hỏi doanh nghiệp trong ngành phải chủ động sáng tạo và chuẩn bị nguồn lực để có thể tiếp nhận được những thành tựu từ cuộc cách mạng này mang lại và ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm dần việc hoạt động theo phương thức truyền thống để đạt trình độ sản xuất tiên tiến, không bị tụt hậu, đảm bảo tính cạnh tranh. Để làm được điều này có nhiều yêu cầu đặt ra, trong đó thách thức lớn nhất là doanh nghiệp phải đầu tư cho việc thực hiện nghiên cứu, sáng tạo, phát triển công nghệ của riêng mình và đổi mới trong phương thức hoạt động.

Hoàng Xuân Hùng (Hội Dầu khí Việt Nam)

DMCA.com Protection Status