"Thành phố dầu" giữa biển

12:00 | 15/08/2018

1,611 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - “Làm việc an toàn, suy nghĩ an toàn, người thân của bạn đang chờ ở nhà”. Khẩu hiệu màu đỏ chữ vàng ấy đập vào mắt khi chúng tôi từ máy bay trực thăng bước xuống Giàn công nghệ Trung tâm số 2 thuộc mỏ Bạch Hổ giữa biển khơi mênh mông.

Khách lạ lên tàu

Trong tiếng động cơ máy bay đinh tai, tiếng gió rít buốt óc từ các cánh quạt, chiếc máy bay cất cánh bay ra biển ở độ cao ngàn mét, nhìn xung quanh thấy mọi người đều nhắm mắt, ngồi im phăng phắc, lòng tôi lại rộn lên một nỗi bất an. Sau 45 phút, chiếc trực thăng bắt đầu giảm độ cao, bãi đỗ dần dần hiện ra, nhất là khi tận mắt nhìn thấy các giàn khoan khổng lồ lô nhô trước mặt thì sự háo hức, cảm giác lâng lâng bắt đầu chiếm chỗ cho những lo sợ vu vơ. Gần 30 năm đồng hành với ngành Dầu khí, niềm mơ ước ra giàn khoan của tôi nay đã trở thành hiện thực.

thanh pho dau giua bien

Một buổi họp giao ban trên giàn khoan

Thấy tôi trầm ngâm trước khẩu hiệu: “Làm việc an toàn, suy nghĩ an toàn, người thân của bạn đang chờ ở nhà”; “Phòng ngừa hơn xử lý hậu quả” được treo ở các hành lang, lối lên xuống cầu thang, anh Trần Ngọc Quang, Chủ nhiệm đời sống của Giàn công nghệ Trung tâm số 2 cho biết: Đó là phương châm sống, phương châm hành động và làm việc hay còn gọi là slogan của mọi người làm việc trên giàn. Là ngành kỹ thuật cao, sống và làm việc giữa biển khơi cùng hàng vạn tấn dầu, hàng triệu tấn khí dễ cháy nổ, xa đất liền nên kỷ luật và an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu đối với mọi người lao động tại đây. Ngoài lương ra, mỗi người làm việc trên giàn còn được hưởng chế độ đi biển tương đương với 20 đôla một ngày, song do môi trường khắc nghiệt, cô lập giữa biển khơi, nên con người dễ rơi vào trầm cảm, stress. Vì vậy, song song với sản xuất, người thợ trên giàn còn được chăm sóc tối đa về tinh thần. Dù chật chội, nhưng trên giàn vẫn có sân bóng bàn, bóng rổ, thiết bị thông tin liên lạc, tivi, vẫn có câu lạc bộ thơ, những đêm văn nghệ, những tiệc sinh nhật mini… Hơn 30 năm qua, hàng ngàn người lao động Việt Nam và Nga đã sống và làm việc trong điều kiện an toàn nghiêm ngặt như vậy và chưa có sự cố nào đáng kể xảy ra.

Tôi may mắn được chứng kiến một buổi diễn tập phòng cháy nổ trên giàn. Khi tiếng còi báo động phát ra, tất cả mọi người nhanh chóng vào vị trí “chiến đấu”, những chiếc tàu trực chiến xung quanh giàn phụt những vòi rồng nước lên các tầng của giàn khoan. Chỉ vài phút sau, đám cháy đã được dập tắt. Kỹ sư trẻ Nguyễn Khắc Quốc, một trong các an toàn viên của giàn cho biết: Mỗi kỹ sư, công nhân trên giàn là một chiến sĩ trên mặt trận an toàn lao động. Họ đều được đào tạo bài bản để đối phó với các tình huống, phải biết tháo mở, lái xuồng cứu sinh, phao cứu hộ…

Không chỉ khu vực sản xuất, khu ăn ở, sinh hoạt của 114 con người trên giàn cũng phải tuân thủ tuyệt đối các quy định an toàn. Với 20 đôla cho một người trên giàn, trong đó 9 đôla là tiền ăn 3 bữa, trên giàn không thiếu thứ gì. Tôi xin phép bếp trưởng Phạm Hồng Điến chui vào nhà ăn, mở tủ lạnh và kho bếp ra xem. Quả thật không thiếu thứ gì từ hoa quả, nước ngọt, bơ sữa, thịt hộp đến bánh mì, bánh ngọt chỉ trừ rượu, bia, thuốc lá và đàn bà. Anh Điến nói vui: “Bốn cái “sướng” của đàn ông dứt điểm phải nhịn 15 ngày, thi thoảng được hút điếu thuốc nhưng phải ra đúng nơi quy định”. Vài năm gần đây, việc câu cá cũng bị nghiêm cấm bởi đã có người mải mê câu hoặc bị cá to kéo mà rơi xuống biển chết mất xác. Dự sinh nhật lần thứ 39 của đầu bếp trẻ Phạm Hồng Vân ngay tại khu nhà bếp trong cái thanh tịnh không bia rượu, thuốc lá càng cho chúng tôi thấm thía điều đó. Chị Lê Thị Hương Giang, một trong hai phụ nữ trên giàn và đã gắn bó với nghề tạp vụ gần 30 năm tủm tỉm: “Nhà báo biết không, mấy ông “đực rựa” này như chim nhốt trong lồng, khi lên bờ các ông ấy được sổ lồng, bay tứ tung”.

Một lần cận cảnh mỏ dầu

Cụm giàn khoan Bạch Hổ gồm 20 giàn lớn nhỏ quây quần xung quanh giàn Trung tâm số 2. Trong số này, Giàn công nghệ Trung tâm số 2 ra đời sớm nhất (năm 1987) và có công suất khai thác dầu lớn nhất của Liên doanh Việt Nga. Giàn này quản lý 72 giếng khoan, mỗi giếng có độ sâu khoảng 500m. Dầu và khí đồng hành khai thác được từ các giếng dầu thuộc mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng sẽ được thu gom về đây, xử lý qua hệ thống đường ống dưới đáy biển (hơn 50m so với mặt nước). Sau khi xử lý xong (tách dầu, khí, nước, tạp chất), sản phẩm khí sẽ được dẫn vào bờ cung cấp cho các nhà máy điện, đạm. Sản phẩm dầu đưa vào các bồn chứa, rót xuống các tàu dầu lớn trọng tải tới hơn 30 vạn tấn, gọi là tàu không bến đậu gần nó để đưa về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoặc xuất đi. Mỗi giếng dầu có quy trình khai thác khoảng 20 năm, nhưng để việc khai thác đảm bảo tính bền vững thì không thể hút dầu đến cạn kiệt mà phải điều tiết lại việc hút dầu và tái tạo nguồn tài nguyên quý giá này, đồng thời mở rộng việc thăm dò, tìm kiếm thêm các mỏ dầu mới.

thanh pho dau giua bien

Tác giả (áo trắng) trên giàn khoan

Trong bộ quần áo bảo hộ lao động, tôi theo chân Trịnh Văn Đông, Kỹ sư trưởng Tự động hóa đến Phòng Điều khiển trung tâm hay còn gọi là “trái tim”, “bộ não” của giàn. Tại đây, thông qua các màn hình, bản đồ điện tử nhấp nháy xanh, đỏ, tím vàng, giàn trưởng và các kỹ sư sẽ nắm được toàn bộ hoạt động khai thác của giàn và cả các cảnh báo về sự cố. Những người làm việc tại đây đều được tuyển chọn kỹ càng, có trình độ chuyên môn cao và nhân cách, phẩm chất tốt. Bởi thế, nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng ra đời tại đây mà việc cải tiến hệ thống điều khiển báo cháy, báo khí là một ví dụ. Họ làm việc cần mẫn gần như suốt đêm 12 tiếng, chỉ nghỉ 30 phút ăn ca. Ca tiếp theo lại làm việc suốt ngày. Cứ như thế 30 năm qua, các giàn khoan làm việc liên tục ngày đêm, không ngơi nghỉ. Ai đó cho rằng: “Làm việc ở ngành Dầu khí vừa giàu, vừa sướng vì chỉ múc dầu lên mà bán” là hoàn toàn sai lầm. Trong số 200 triệu tấn dầu mà Vietsovpetro đạt được mới đây, Giàn công nghệ Trung tâm số 2 đã đóng góp 43% sản lượng, điều mà không một giàn khoan nào làm được.

Tôi không khỏi bất ngờ khi tham dự cuộc họp giao ban cuối ngày dưới sự điều hành của kỹ sư K’ Lộc, giàn phó. Anh là người dân tộc K’Ho quê Lâm Đồng và cũng là người dân tộc thiểu số duy nhất trên giàn. 14 trưởng ngành bao gồm cơ khí, tự động hóa, công nghệ, cơ điện, giàn biển, đời sống, y tế và các nhà thầu phải báo cáo cụ thể công việc trong ngày và công việc của ngày tiếp theo. Màu áo đỏ (kỹ sư khai thác), áo trắng (phục vụ), áo xanh (các nhà thầu) ngồi quây quần, đoàn kết, gắn bó bên nhau. Bao năm nay, họ luôn coi bạn bè, đồng nghiệp là người thân, lấy công việc là niềm vui. Họ đã trộn mồ hôi, công sức, trí tuệ thành thứ bê tông ý chí để đứng vững và vượt qua giông bão giữa biển khơi làm ra dòng dầu cho tổ quốc.

Đêm ở giàn khoan thật dài và yên tĩnh, chỉ có tiếng sóng biển rì rào, mênh mang. Đứng trên tầng 4 nhìn ra xung quanh, hàng ngàn ngọn đèn lung linh cùng ngọn lửa không bao giờ tắt trên các giàn khoan làm tôi liên tưởng đến một góc phố của Hà Nội. Đó là “thành phố dầu” giữa biển với những con người lao động lớn lao, quả cảm cùng ý chí phi thường. Chưa bao giờ tôi lại tin và yêu họ như thế.

Trần Thị Sánh

DMCA.com Protection Status