Thấy gì từ dự án đường ống dẫn dầu khí Trung Quốc - Myanmar?

06:50 | 22/05/2013

3,287 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Dự án xây đường ống dẫn dầu và dẫn khí thiên nhiên từ Myanmar tới Trung Quốc, được khởi công vào tháng 10/2009 với mức đầu tư là 2,3 tỉ USD và 2 tỉ USD và dự kiến được đưa vào hoạt động vào tháng 5 này sẽ giúp làm sâu sắc hơn hội nhập kinh tế khu vực của cả hai nước thông qua hợp tác song phương.

Đối với Trung Quốc, dự án này sẽ chuyển được 22 triệu tấn dầu thô mỗi năm, bằng khoảng 10% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2010. Arập Xêút cũng vừa ký kết một bản ghi nhớ với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) nhằm cung cấp dầu thô thông qua đường ống mới này.

Đối với Myanmar, dự án này sẽ làm dịu bớt tình trạng thiếu năng lượng. Theo hợp đồng, Myanmar được hưởng 2 triệu tấn dầu thô vận chuyển qua đường ống để tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Trung Quốc, một nhà máy lọc dầu với công suất 56.000 thùng/ngày sẽ được xây dựng ở Mandalay. Sau khi hoàn thành, sản lượng lọc dầu của Myanmar sẽ tăng gấp đôi, đáp ứng nhu cầu trong nước. Mỗi năm, Myanmar cũng sẽ cung cấp 10 tỉ m3 khí thiên nhiên cho Trung Quốc và dự kiến sản lượng khai thác khí đốt sẽ tăng từ 12,1 tỉ m3 hiện nay lên 24 tỉ m3 vào năm 2019 và khi đó, Trung Quốc sẽ là bạn hàng ổn định, lớn nhất mua khí thiên nhiên của Myanmar.

Một đoạn đường ống trên địa phận Myanmar đang được nhanh chóng hoàn tất

Bên cạnh đó, theo ông Zhao Hong, dự án cũng tạo ra cơ hội cho các lĩnh vực hợp tác kinh tế khác giữa Trung Quốc và Myanmar. Chính phủ 2 nước đã đàm phán để xây dựng một đường cao tốc và đường sắt dọc theo các đường ống dẫn dầu và khí, nối tỉnh Côn Minh (Trung Quốc) với cảng biển nước sâu mới và khu công nghiệp tại Kyaukpyu (Myanmar)… Dự án này được đánh giá là cùng có lợi cho Trung Quốc và Myanmar trong việc phát triển kinh tế khu vực. Đối với Trung Quốc, dự án sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các tỉnh kém phát triển về kinh tế ở khu vực tây nam như tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên… Trong khi đó, Myanmar sẽ thu được lợi ích chiến lược và kinh tế từ dự án đường ống dẫn dầu và khí.

Trước tiên, nó sẽ giúp Myanmar giảm sự phụ thuộc thái quá vào đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thái Lan vì từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, toàn bộ lượng khí xuất khẩu của Myanmar đều chuyển sang Thái Lan thông qua đường ống dẫn khí Yadana. Đường ống nối với Trung Quốc sẽ tạo cho Myanmar một thị trường xuất khẩu khí thiên nhiên mới. Thứ hai là dự án sẽ giúp tăng nguồn thu ngoại tệ cho Myanmar và dự kiến thu đủ ngoại tệ cho Myanmar để bù đắp vào khoản thâm hụt với Trung Quốc, khoản này lên tới 4,4 tỉ USD vào năm 2012.

Bên cạnh đó, học giả người Singapore cũng nêu ra những rủi ro và thách thức do dự án xây các đường ống dẫn dầu và khí đem lại. Đó là chi phí xây dựng đường ống quá cao và rủi ro tiềm tàng hiện nay. Ước tính chi phí của toàn bộ dự án (kể cả nhà máy lọc dầu và nhà máy ethylene ở Vân Nam) lên tới 5 tỉ USD. Bắc Kinh lo ngại về sự an toàn của các đường ống vì chúng chạy qua các khu vực có địa hình phức tạp và đa dạng, bao gồm cả đồi núi, sông, rừng nguyên sinh và qua các khu vực do quân du kích của các dân tộc ít người kiểm soát.

Mặt khác, các khoản vay và đầu tư của Trung Quốc cho Myanmar chủ yếu là dành cho các nhà máy thuộc khu vực nhà nước và cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Những khoản tiền này không mang lại lợi ích trước mắt cho công dân Myanmar và đó là một trong những lý do đã làm khuấy động mạnh mẽ làn sóng chống Trung Quốc tại Myanmar. Một lý do nữa khiến các công ty Trung Quốc thận trọng trong việc đầu tư vào Myanmar là sự không chắc chắn của nền chính trị Myanmar .

Ông Zhao Hong kết luận: “Dù Trung Quốc cần Myanmar vì một loạt các lý do, nhưng mức độ phụ thuộc lẫn nhau hầu như không tương xứng. Trung Quốc có nhiều thứ để mất nếu mối quan hệ song phương và hợp tác năng lượng trở thành vị đắng. Hiện nay, thương mại và đầu tư của tất cả các nước thành viên ASEAN và Ấn Độ vào Myanmar đều không lớn bằng của Trung Quốc. Các nhà đầu tư phương Tây cũng tỏ ra thận trọng khi tham gia hoạt động kinh tế với Myanmar, do lo ngại bất ổn chính trị tại đây. Tuy vậy, dù thế nào thì dự án này vẫn được xem là sẽ giúp tăng cường quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Myanmar”.

Th.Long (Theo asef.org)

DMCA.com Protection Status