Ca sĩ Nguyễn Trung Nhật:

Tôi luôn tự hào vì được phục vụ cho ngành Dầu khí

14:49 | 25/07/2013

1,660 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Từng đoạt giải Nhì Sao Mai (dòng nhạc thính phòng) - giải thưởng danh giá nhất toàn quốc tại thời điểm năm 2009, nhưng ca sĩ Nguyễn Trung Nhật không đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp mà rẽ ngang trở thành cán bộ Đoàn tại Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling). Mới đây, tại giải Sao Mai 2013 khu vực miền Nam, anh trở lại ấn tượng với vai trò ca sĩ mở màn và đặc biệt có hai học trò cùng lọt vào chung kết. Là ca sĩ trẻ, từng đạt những thành công trong sự nghiệp âm nhạc ngay khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng không có chút chạnh lòng vì mình không thành “sao”, anh tự chọn cho mình một lối đi riêng và chia sẻ với chúng tôi nhiều điều đáng suy ngẫm về âm nhạc đương đại.
Ca sĩ Nguyễn Trung Nhật biểu diễn tại Giải Sao Mai 2009

PV: Được biết gia đình anh không có ai làm nghệ thuật, nhưng trước khi đoạt giải Nhì Sao Mai 2009, anh đã từng đạt nhiều giải thưởng như giải Nhất “Tuyên truyền ca khúc Cách mạng toàn quốc”, giải “Nhất Tiếng hát Truyền hình Huế”, Huy chương Bạc “Tiếng hát học sinh toàn quốc”... Điều gì đã khiến anh đến với âm nhạc?

Ca sĩ Nguyễn Trung Nhật: Đúng thế. Bố mẹ tôi làm trong ngành lâm nghiệp, nhưng rất yêu âm nhạc, bố tôi thích thổi sáo, còn mẹ tôi từng đoạt Huy chương Vàng ngâm thơ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vì thế, từ nhỏ tôi đã thích nghe nhạc và tự tập hát theo các nghệ sĩ nổi tiếng Trung Đức, Thu Hiền… tôi muốn mình hát hay đơn giản để cho mẹ tôi vui. Hồi học lớp 6, tôi từng nói: “Nếu mẹ thích con hát hay thì con sẽ đoạt giải thưởng uy tín nhất cho mẹ xem!”. Sau đó thì tôi quyết tâm và vượt qua một chặng đường dài vất vả để thực hiện mục tiêu tự đề ra.
 

PV: Giải Nhì Sao Mai danh giá ở thời điểm đó là bước đệm rất thuận lợi cho việc theo đuổi nghệ thuật, tại sao anh đột ngột quyết định rẽ ngang trở thành cán bộ Đoàn của PV Drilling?

Ca sĩ Nguyễn Trung Nhật: Thật ra khi đoạt giải Sao Mai, ngay trong đêm đó, tôi đã quyết định ngừng các hoạt động âm nhạc! Vì tôi đã thực hiện xong lời hứa với mẹ và gia đình, giờ là lúc tôi theo đuổi đam mê riêng của mình. Tôi nhớ khi tôi đang thi Sao Mai, GS Trung Kiên có nhận xét khen tôi là người rất chăm chỉ, hiếu học, khán giả tưởng giáo sư là thầy tôi, nhưng không phải. Hồi đó tôi theo học hai trường Học viện Âm nhạc Quốc gia và Đại học Luật. Sáng tôi học nhạc, chiều tôi phải đi làm thêm giám sát vật tư ở một công ty xây dựng (vì gia đình không đồng ý chu cấp tiền cho tôi học thêm trường luật), tối thì đi học luật, đêm có khi phải trực bảo vệ công trường, nên tôi chỉ có thời gian duy nhất buổi trưa để luyện thanh. Nhiều hôm thầy Trung Kiên ở lại buổi trưa thấy tôi tập một mình nên mới nhận xét thế.

Sau khi ngừng hoạt động âm nhạc, tôi có đi làm ở một số công ty rồi nộp hồ sơ tuyển dụng và trở thành cán bộ Đoàn Thanh niên PV Drilling. Hiện giờ việc tham gia và tổ chức các hoạt động thanh niên là đam mê của tôi. Tôi bắt đầu từ con số 0 trong khi những bạn cùng trang lứa đã đi làm được 5-7 năm nên tôi phải cố gắng rất nhiều. Các bạn trẻ ở PV Drilling phải làm việc với đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, làm sao để tổ chức đoàn thanh niên có nhiều phong trào tốt, tập hợp được anh em, khơi dậy đam mê, nhiệt tình, cống hiến của họ đóng góp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty và hoạt động xã hội, từ thiện… luôn là trăn trở của tôi. Nhưng trên hết, môi trường làm việc thân thiện, nồng hậu như trong một gia đình của PV Drilling là lý do khiến tôi muốn gắn bó lâu dài với công việc này.

PV: Có một thực tế đáng nói là, không ít ca sĩ như anh từng có 10 năm dài theo học thanh nhạc chính quy tại Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và Học viện Âm nhạc Quốc gia với nhiều giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ, nhưng mãi vẫn chưa “nổi”, chưa thành “sao” hoặc không theo nghề nữa. Có khi nào anh cảm thấy tiếc nuối hay chạnh lòng vì điều này?

Ca sĩ Nguyễn Trung Nhật: Tôi nghĩ ngược lại, trước khi chạnh lòng thì người ca sĩ phải tự hỏi lại mình: vì sao mình có học hành bài bản mà chưa nổi tiếng như người không có căn bản bằng mình? Mình đã đủ hăng say, nhiệt tình, sáng tạo trong âm nhạc chưa? Mình đã làm hỏng đi hay sáng hơn giải thưởng mình đã có? Với cá nhân tôi thì không chạnh lòng mà đôi khi cảm thấy có lỗi với nghề. Tôi không đi hát đều đặn, không có cống hiến cho âm nhạc thì tôi không nổi tiếng là điều bình thường. Hơn nữa, tôi nghĩ mỗi người chọn một lối đi cho riêng mình. Tôi là người không thích mình nổi tiếng. Hiện giờ, được hát phục vụ tổng công ty, được đứng trước khán giả là anh em cán bộ ngành Dầu khí, thật sự tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào rồi. Ngoài giờ làm việc ở tổng công ty, buổi tối thay vì chơi thể thao, tôi có niềm vui dạy nhạc. Học sinh của tôi có đủ các lứa tuổi, tuổi nhỏ như bé Vũ Đình Tri Giao (từng thi “Vietnam Idol 2013”), tuổi trẻ như Hoàng Hải Thoại, Phạm Đoàn Diễm My (chung kết Sao Mai khu vực miền Nam 2011), có cả những người đã tốt nghiệp đại học, có bác tới 53 tuổi…

Năm nay, tôi có hai học sinh vào chung kết Sao Mai khu vực miền Nam là Hứa Trung Duy và Phạm Thị Quỳnh Trang (từng đoạt Huy chương Vàng “Hội diễn Tiếng hát những người đi tìm lửa 2012” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Tôi cũng nhận dạy nhạc miễn phí cho những người khuyết tật. Dạy nhạc với tôi giờ như sở thích uống cà phê sáng của nhiều người, nó giúp tôi tái tạo sức lao động, lấy lại hưng phấn để làm việc ở cơ quan, đồng thời nhắc nhở tôi làm việc không chỉ vì kiếm sống mà phải luôn có đam mê, nhiệt huyết. Tôi cảm thấy như cuộc đời đã giao cho mình chiếc chìa khóa âm nhạc, tôi có nghĩa vụ phải “truyền lửa” lại cho học sinh. Nhưng điều tôi không ngờ tới là chính đam mê âm nhạc của các học sinh hiện giờ lại truyền cảm hứng cho tôi muốn làm nghề trở lại. Cộng với cú sốc mẹ tôi mất đột ngột, tôi càng muốn trở lại, tôi mong rằng ở đâu đó mẹ sẽ nghe thấy tôi hát!

PV: Anh có suy nghĩ gì về nghịch lý nhiều “sao” sáng giá, “hot” nhất trên thị trường âm nhạc hiện nay lại là những người không có học hành bài bản, không thật sự có nội lực giọng hát?

Ca sĩ Nguyễn Trung Nhật: Dù dư luận có nhiều ý kiến khen chê, nhưng cá nhân tôi cảm thấy trân trọng những người đang nổi tiếng. Người không được đào tạo bài bản về âm nhạc nhưng có đam mê, nỗ lực để được xã hội công nhận thì càng đáng trân trọng! Dĩ nhiên, trên thị trường cũng có nhiều người bày trò nhố nhăng, tạo scandal để gây chú ý… nhưng đó có phần lỗi tiếp tay của một bộ phận truyền thông và khán giả. Âm nhạc là bộ môn rất khó, nó đòi hỏi sự khổ luyện và tính kiên trì. Tôi luôn nghĩ rằng, lao động là vinh quang. Khi mình chưa cố gắng cống hiến, sáng tạo hết mình thì phải xem lại mình trước khi phê phán mọi điều khác!

Thanh Loan (thực hiện)

DMCA.com Protection Status