Tôi ở vùng Nam Mỹ

16:58 | 25/05/2017

987 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Có thể nói, hơn 15 năm công tác trong ngành Dầu khí, trong đó gần 6 năm làm việc cho Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) là thời gian rất quan trọng của đời tôi. Tại đây, tôi được sống hết mình, làm việc hết mình trong một tập thể lấy mục tiêu tối thượng là phát triển Tổng Công ty trở thành Công ty dẫn đầu khu vực về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
toi o vung nam my
Anh Lê Đắc Hóa (bên trái).

Nhìn lại hành trình gần 6 năm gắn bó với PVEP, có quá nhiều trải nghiệm công việc và những kỷ niệm đẹp mà tôi muốn giãi bày: “Ngày tôi gia nhập PVEP, bản thân vốn là người đã từng làm ở nước ngoài nên được lãnh đạo cử sang làm dự án trọng điểm của Tập đoàn và Tổng Công ty tại Venezuela, đó là dự án Junin 2”. Trong tình cảm của mỗi người dân Việt Nam, Venezuela bao giờ cũng được nhắc đến với sự trân trọng, yêu quý. Bởi lẽ, trong những năm tháng chống Mỹ, người dân Venezuela luôn dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ quý báu. Mà một điển hình là những người du kích Venezuela đã không quản hiểm nguy để bắt cóc tên trung tá không quân Mỹ, đổi lấy anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Còn vị Tổng thống đương nhiệm Hugo Chavez cũng là người quý trọng Việt Nam hiếm có. Chính vì thế mà chúng tôi không có chút e ngại gì khi sang đây, mặc dù cũng biết nạn trộm cướp, bắt cóc, tống tiền ở Venezuela là rất khủng khiếp.

Thủ đô Caracas mặc dù không ngăn nắp và sạch sẽ như một số thủ đô khác nhưng vẫn ẩn chứa trong mình sự xa hoa còn vương lại của một thời phồn hoa đô hội bậc nhất châu Mỹ Latinh. Thực sự thời gian đầu tôi cũng hơi “sốc” với cách thức làm việc của các bạn Venezuela, từ lời hứa đến hành động luôn là một “quãng đường dài lê thê”. Mấy anh em Việt Nam hay đùa nhau rằng, họ nói “tomorrow - ngày mai” nhưng “tomorrow never comes - ngày mai chẳng bao giờ đến”. Có khi họ hẹn buổi sáng, nhưng chúng tôi phải chực chờ cả buổi, đến xế chiều, cô thư ký ra nói sếp đã rời cơ quan không gặp được, để ngày mai. Thế là lại “ngày mai…”. Ở Venezuela, quan chức hay làm việc tùy hứng, bốc đồng… Hãi nhất là khi có quan chức cao cấp của Tập đoàn PDVSA hoặc Chính phủ xuống thăm các dự án.

Chúng tôi được thông báo từ mấy hôm trước để chuẩn bị, không khí làm việc mấy ngày hôm đó tự nhiên trở nên sôi động, khác hẳn những ngày thường, băng rôn, khẩu hiệu với màu đỏ cách mạng là chủ đạo được treo khắp nơi. Tuy nhiên, nhiều lần sự chuẩn bị này trở nên vô nghĩa vì lãnh đạo cấp cao thường hủy chuyến thăm vào phút chót. Thế là coi như mất một tuần chỉ tập trung chuẩn bị để đón lãnh đạo cấp cao mà chẳng ai tập trung công việc chuyên môn mình phải hoàn thành và điệp khúc “ngày mai…” lại tiếp diễn.

Có những chuyện có lẽ chỉ xảy ra ở Venezuela, đó là việc chúng tôi được bồi dưỡng tiền để đi nghe Tổng thống Hugo Chávez diễn thuyết. Thông thường, những buổi diễn thuyết thế này ít khi có kế hoạch từ trước, cứ được triệu tập là đi và được bồi dưỡng "tiền tươi thóc thật", không phân biệt là người Việt Nam hay Venezuela mặc dù không phải ai trong số chúng tôi đủ giỏi tiếng Tây Ban Nha để hiểu đồng chí Tổng thống nói gì. Tổng thống Hugo Chávez không chỉ có tài là diễn thuyết bậc nhất thế giới mà còn là một trong số ít lãnh tụ có thể diễn thuyết cả ngày 7-8 tiếng không ngừng nghỉ. Ông nói về mọi thứ của đời sống, đôi lúc lại đọc thơ và cả hát nữa. Chúng tôi trót nhận tiền bồi dưỡng nên cố gắng chịu đựng ngồi nghe đồng chí diễn thuyết, nhưng đa số người dân Venezuela thì lắng nghe Tổng thống diễn thuyết với thái độ trân trọng đến lạ kỳ. Có lẽ, đó cũng là biệt tài của Tổng thống Hugo Chávez, giúp ông được dân bầu làm Tổng thống đến 3 nhiệm kỳ. Mặc dù cách Việt Nam gần nửa vòng trái đất, nhưng người dân Venezuela nói chung có những tình cảm khá đặc biệt đối với người Việt chúng ta, đặc biệt là những người lớn tuổi, hiểu về chiến tranh Việt Nam.

Đầu năm 2012, khi Đại sứ Việt Nam tại Caracas tổ chức Tuần lễ Văn hóa Việt Nam. Ở đó, tình cảm đặc biệt của người dân Venezuela đối với anh hùng Nguyễn Văn Trỗi được thể hiện thật đậm nét. Mọi người đều say sưa nói về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi như một biểu tượng cổ vũ tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của những người du kích Venezuela. Thời khắc đó tôi thực sự thấy tự hào quá đỗi khi mang trong mình dòng máu Việt Nam. Tháng 9/2012 rời Venezuela, tôi nhận nhiệm vụ mới, sang làm việc tại dự án ở Peru, bên cạnh những điều chưa thật chuẩn chỉnh ở đất nước Venezuela, tôi vẫn cảm nhận rằng giữa Việt Nam và Venezuela có gì đó rất đặc biệt, gắn kết hai đất nước cách nửa vòng trái đất với nhau.

Cũng phải nói thêm rằng, việc Chính phủ của ông Hugo Chávez dành cho Việt Nam Lô Junin 2 là thể hiện tình cảm đặc biệt của người Venezuela đối với Việt Nam. Với mong muốn là không để Việt Nam thiếu dầu nên Tổng thống Hugo Chávez đã quyết định dành cho chúng ta lô này. Tất nhiên, để có được kết quả đó là còn cả những nỗ lực ngoại giao của cấp cao. Chỉ tiếc rằng, việc thực hiện dự án đã không được như dự tính, bởi sau khi ông Hugo Chávez mất, thì Venezuela rơi vào tình trạng hỗn loạn, cộng với đó là giá dầu rớt thê thảm khiến Dự án Junin 2 phải ngừng và gây thiệt hại cho PVEP không ít tiền.

Tháng 10/2013, tôi lại bắt đầu một cuộc hành trình mới tại đất nước Nam Mỹ - Peru. Mặc dù Peru và Venezuela không khác nhau nhiều về mặt văn hóa và con người, tôi cũng mất một thời gian nhất định để bắt nhịp với cuộc sống ở đây.

Đất nước Peru không có được địa lợi như ở Venezuela, công nghiệp dầu khí không phát triển như ở Venezuela và tất nhiên phụ nữ Peru không thể so sánh với phụ nữ Venezuela trong các cuộc thi sắc đẹp toàn cầu. Ngành Dầu khí Peru đã có một thời phát triển khá rực rỡ (những năm 70 - 80 của thế kỷ trước), tuy nhiên điều kiện khai thác khó khăn, trữ lượng dầu khí của Peru tập trung chủ yếu tại rừng Amazon. Dự án Lô 67 được Chính phủ Peru coi là dự án trọng điểm, mang lại lợi ích quốc gia và trông đợi dự án sớm đi vào khai thác với hy vọng là cú hích tạo ra động lực thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp dầu khí Peru.

Các dự án của PVEP tại Peru là Lô 39 và Lô 67 đều nằm trong rừng rậm Amazon hùng vĩ, cách xa căn cứ hậu cần hàng trăm kilomet đường sông. Quy trình, thủ tục về khai thác ở rừng rậm Amazon là vô cùng nghiêm ngặt. Thách thức lớn nhất khi khai thác dầu ở Amazon không phải là công nghệ khai thác mà là công tác hậu cần. Làm thế nào để vận chuyển hàng vạn tấn thiết bị, máy móc, vật tư để thi công các giếng khoan, xây dựng cụm giếng khai thác và trung tâm xử lý một cách hiệu quả, ít tốn kém là bài toán vô cùng thách thức. Thông thường để đến được mỏ, đường sông là con đường thuận lợi nhất, máy bay ít được sử dụng do chi phí cao và phụ thuộc vào thời tiết mưa nhiều ở Amazon. Từ thành phố hậu cần Iquitos (thành phố nằm ở rìa Amazon nên không thể đi bằng đường bộ) đến cảng hậu cần của mỏ phải đi qua quãng đường 830km đường sông. Tàu chở hàng phải đi mất 1 tuần, tàu tốc độ cao chở người đổi ca mất ít nhất 2 ngày mới tới được mỏ. Hàng hóa, vật tư, thiết bị được tập kết tại cảng hậu cần của mỏ sau đó phải tiếp tục được đưa đến khoan trường và trung tâm xử lý bằng đường sông 370 km nữa hoặc bằng đường bộ xuyên rừng 50km (nếu thời tiết cho phép, không mưa). Tính trung bình, thời gian vận chuyển vật tư, thiết bị từ thành phố hậu cần Iquitos tới được đến khoan trường thì mất ít nhất từ 10 ngày đến 2 tuần vượt qua cuộc trường chinh hàng nghìn km.

toi o vung nam my
Tổng thống Peru đi thăm công trường dự án lô 67.

Đó là việc vận chuyển hàng hóa, còn việc đổi ca người lao động thì sao? Thông thường, việc đổi ca được tổ chức bằng tàu tốc độ cao, mất khoảng 2 ngày để đổi ca bằng tàu từ Iquitos tới mỏ. Một số lao động trình độ cao thì đổi ca bằng máy bay. Từ thành phố hậu cầu Iquitos bay trực thăng tới mỏ Pirana mất khoảng 2 giờ đồng hồ, tuy nhiên việc đổi ca bằng máy bay tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bởi vì phụ thuộc vào thời tiết. Thời tiết ở Amazon mưa nhiều và thay đổi liên tục, khó dự báo nên các chuyến bay rất hay bị hủy. Tôi còn nhớ, một lần đưa đoàn lãnh đạo Tổng Công ty và nhà báo Nguyễn Như Phong đi thực tế mỏ. Dự kiến chương trình là đi ra thăm mỏ và về lại thành phố Iquitos ngay trong ngày nên không ai mang quần áo, tư trang, mang trên người duy nhất một bộ bảo hộ.

Thật không may mắn khi ra đến mỏ và dự định trở về lại Iquitos thì thời tiết chuyển gió và mưa rất to không thể thực hiện chuyến bay. Thế là đoàn chúng tôi đành phải ở lại một đêm tại mỏ Pirana rừng Amazon với một bộ bảo hộ duy nhất, không kem đánh răng, bàn chải, không có đồ dùng cá nhân. Đến ngày thứ 2, tôi phải xin cho mỗi người 1 bộ quần áo bảo hộ mới để thay đồ hôm trước, cả đoàn cứ đi ra đi vào lán ở và nhìn lên trời trông ngóng thời tiết tốt hơn để bay về Iquitos. Ngày thứ 2 trôi qua, trời vẫn xám xịt, những cơn mưa vẫn tầm tã rơi xuống như không chiều lòng người. Tôi thì đã khá quen với tình huống này nên tâm lý cũng bình thường, nhưng các anh trong đoàn thì rất sốc với kiểu sống không tư trang như phim Tarzan. Rất may hôm đó anh Trưởng đoàn Trương Hồng Sơn quyết định để chị Hồng Nga ở lại Iquitos không ra thăm mỏ, do máy bay không đủ chỗ, không thì còn nhiều chuyện vui để viết nữa. “Sản phẩm” còn đọng lại sau 3 ngày trải nghiệm ở rừng Amazon theo kiểu Tarzan là hầu hết chân tay, cổ của mọi người trong đoàn bị phủ kín bởi những nốt muỗi rừng.

Một phần vì các anh trong đoàn đều là người da trắng, thịt thơm, vốn là món ăn ưu chuộng của lũ muỗi Amazon. Muỗi Amazon đặc biệt phát triển khi trời mưa nhiều, ẩm ướt, bị đốt không chỉ rất ngứa mà còn để lại các vết thâm đến 3 tháng mới lành hẳn. Đây có lẽ là một kỷ niệm khó quên của tất cả mọi người trong đoàn.

Trong cuộc trường chinh “đi tìm lửa” hơn 40 năm qua của lớp lớp những người làm dầu khí, theo suốt chiều dài lịch sử vẻ vang đó tôi cho rằng, có rất nhiều trải nghiệm vui buồn có thể viết thành truyện, thậm chí là “Dầu khí liệt truyện”. Với tôi, hơn 15 năm làm trong ngành Dầu khí, trong đó hơn 9 năm làm việc ở nước ngoài và được may mắn trải nghiệm, rèn rũa ở hầu hết các dự án trọng điểm của Petrovietnam từ Trung Quốc, Algeria, Singapore, Venezuela đến Peru. Tôi ý thức rằng, có được sự trưởng thành như ngày hôm nay chính là nhờ sự vun trồng, bồi dưỡng, bỏ qua những lỗi nhỏ, mạnh dạn giao những việc lớn của các cấp lãnh đạo, sự giúp đỡ, chia sẻ của những người bạn, những người đồng nghiệp trong quá trình công tác. Tôi thực sự biết ơn vì điều đó.

Cổ nhân có nói: “Xưa nay có người phi thường mới có việc phi thường, có việc phi thường mới có những chiến công phi thường”. Trong hành trình 10 năm của Tổng Công ty, chắc chắn đã có nhiều chiến công phi thường được tạo lập bởi những con người phi thường với tình yêu nghề cháy bỏng và khối óc chỉ nhất nhất dành cho sự phát triển của dầu khí Việt Nam. Chính họ đã kết tinh nên một PVEP anh hùng như ngày hôm nay, nơi mỗi người đều có một công việc để đam mê, một môi trường chuyên nghiệp để cống hiến và sáng tạo không ngừng.

Lê Đắc Hóa - Trưởng phòng Điều hành Sản xuất, Cửu Long JOC

DMCA.com Protection Status