Trăn trở với khoan xiên

08:31 | 13/08/2012

2,755 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Công nghệ khoan xiên giúp tiết kiệm chi phí rất lớn cho việc khai thác các mỏ dầu khí ngoài biển, nhưng cũng là công việc đòi hỏi kỹ thuật cao và nhiều vất vả. Chính những điều này đã gây hấp dẫn cho TS Bùi Văn Tính - Trưởng phòng Khoan xiên - Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng (Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro) ngay từ những ngày đầu mới ra trường. Cả cuộc đời gắn bó buồn vui, trăn trở với công nghệ khoan xiên, ông đã có những sáng kiến sáng chế rất thiết thực, mang lại giá trị cao trong công việc hiện tại và đang tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ của Vietsovpetro.

Sáng kiến trên khoan trường

Để cắt, chỉnh xiên trong giếng khoan, các kỹ sư Vietsovpetro phải sử dụng hệ thống máy đo MWD (Measurement While Drilling) do Canada sản xuất, được nhập về từ năm 2000 đến nay. Trên lý thuyết, hệ thống này có thể làm việc liên tục trong giếng khoan 200 giờ, nhưng qua quá trình làm việc thực tế từ năm 2000 đến năm 2008, TS Bùi Văn Tính và các cộng sự nhận thấy, máy chỉ làm việc được từ 70 đến 90 giờ. Khi chỉnh xiên ban đầu, trong dung dịch có hàm lượng cát cao với độ mài mòn lớn, thời gian làm việc của hệ thống máy đo MWD lại càng giảm đi, có giếng khoan chỉ làm việc được 60 giờ.

Đặc biệt, có đến 80% sự cố, phức tạp phát sinh của hệ thống máy đo MWD xuất hiện ở bộ tạo xung áp xuất phản hồi (Muleshoe). Trong đó, phát sinh để lại hậu quả nghiêm trọng, nhất là vòng chặn (orifice) bị mài mòn và ống định vị (wear sleeve) bị gãy hoặc bung ra khỏi vị trí, rơi khỏi phần dưới của bộ tạo xung xuống đầu của động cơ đáy trong quá trình khoan; khiến hệ thống MWD không thể tiếp tục làm việc được và làm hỏng Stator của động cơ đáy khoan, bắt buộc phải kéo cần lên để thay bộ tạo xung và động cơ đáy mới. Mỗi lần kéo lên, thả xuống cần khoan này khiến anh em kỹ sư, công nhân phải lãng phí thêm rất nhiều thời gian và công sức lao động. 

TS Bùi Văn Tính

Sáng kiến “Gia công và cải tiến bộ tạo xung áp suất phản hồi của hệ thống máy đo MWD” của TS Bùi Văn Tính và các cộng sự đã ra đời bắt nguồn từ chính phát sinh từ thực tế làm việc trên khoan trường. Muleshoe được gia công cải tiến lại giúp hệ thống máy đo MWD định vị tốt hơn, loại trừ được hoàn toàn những hỏng hóc thường xuyên xảy ra đối với bộ tạo. Sáng kiến này đã giúp làm tăng thời gian làm việc của hệ thống MWD trong giếng khoan lên gấp 2 đến 2,5 lần, đạt tối đa công suất làm việc; tiết kiệm bộ tạo xung áp suất phản hồi Muleshoe; nâng cao độ tin cậy các thông số đo của hệ thống máy đo MWD; bảo vệ được động cơ đáy và quan trọng nhất là tiết kiệm được nhiều thời gian, nhân lực.

Sáng kiến Gia công cần nặng không nhiễm từ (NMDC), đầu nối chứa bộ tạo sung (Restrictor Sub) và van ngược (Float Sub) có đường kính nhỏ (95mm) cho hệ thống máy đo MWD từ vật liệu có sẵn “vừa tiết kiệm vừa đảm bảo công việc tốt hơn của TS Bùi Văn Tính và các cộng sự bắt nguồn từ phát sinh trên khoan trường. Để khoan chỉnh xiên thì việc sử dụng cần nặng không nhiễm từ và các đầu nối chuyên dụng là điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, do các thiết bị cũ thiếu đồng bộ, việc khoan giếng khoan sửa chữa đặc biệt có đường kính nhỏ (với choòng khoan Ô 139,7mm), các kỹ sư cần có 2 bộ cần nặng không nhiễm từ UBHO và Float Sub đường kính nhỏ Ô 89mm với giá thành mỗi bộ là 173.646USD.

Khi khoan giếng khoan nói trên, trong bộ khoan cụ có sử dụng búa khoan Ô 89mm có đường kính trong nhỏ, máy đo MWD không qua được. Vì vậy, khi bị sự cố kẹt cần khoan, một phần của bộ khoan cụ, trong đó có cần nặng không nhiễm từ, đầu nối chuyên dụng UBHO (Ô 89mm) và bộ máy đo MWD phải bỏ lại trong giếng, dẫn tới không có cần nặng không nhiễm từ và các đầu nối chuyên dụng nói trên để đề phòng và sử dụng. Để khắc phục khó khăn này, đồng thời xem xét vật tư còn tồn đọng ở xí nghiệp và khả năng gia công cơ khí tại chỗ, TS Bùi Văn Tính và cộng sự đã mạnh dạn đề xuất giải pháp nói trên. Toàn bộ các thiết bị do các kỹ sư tự tay gia công đã được thử nghiệm cho kết quả tốt: Máy đo MWD hoạt động bình thường với tín hiệu xung ổn định số đo đảm bảo độ chính xác.

Vươn thẳng với khoan xiên

Tốt nghiệp khoa Khoan dầu khí, Đại học Dầu - Hóa Bacu, Azerbaijan (Liên Xô cũ) năm 1977, anh kỹ sư Bùi Văn về làm việc cho ngành Dầu khí tại Thái Bình. Từ đó, nghề Khoan đã theo anh suốt từ Bắc vào Nam, từ công việc tại Phòng Khoan khai thác, Tổng cục Dầu Khí (cũ), khi đi làm nghiên cứu sinh ở Nga, đến Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (cũ) và Vietsovpetro như hiện nay. Ngày mới thành lập, Phòng Khoan xiên - Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng có 6 người cả “tây” lẫn “ta”,  hiện số nhân sự là 16 người, nhưng Trưởng phòng Bùi Văn Tính luôn phải “ở nhà một mình”. Lực lượng mỏng, khối lượng công việc nhiều, 16 anh em kỹ sư Phòng Khoan xiên luôn phải chia nhau đi làm việc trên các giàn.

Cứ có một sáng kiến cải tiến công việc ra đời, số tiền tiết kiệm được có thể tính được tới hàng triệu USD, nhưng với lượng công việc nhiều và lặp đi lặp lại hằng ngày, giá trị tiết kiệm sẽ còn lớn hơn nữa. Đặc biệt, anh em kỹ sư, công nhân khoan xiên sẽ bớt đi thời gian làm việc trong điều kiện nắng gió vất vả trên khoan trường. Đây là những điều khiến TS Bùi Văn Tính luôn trăn trở suy nghĩ trong nhiều năm qua. Vì thế, anh luôn khuyến khích anh em kỹ sư, công nhân trong phòng phát huy cao nhất ý tưởng sáng tạo từ thực tế công việc.

Với 7 sáng kiến sáng chế được công nhận và vinh danh tại Vietsovpetro và Tập đoàn, TS Bùi Văn Tính đã tiếp tục cùng anh Lê Quang Nhạc và anh Nguyễn Thành Trường nghiên cứu sáng kiến áp dụng công nghệ khoan bằng hệ thống khoan xoay định hướng vào quá trình khoan các giếng ở Vietsovpetro. Ngoài công việc chính phụ trách Phòng Khoan xiên, anh còn kiêm nhiệm công việc giáo viên đào tạo kíp trưởng, kỹ sư, thi nâng bậc công nhân, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp... với mong muốn sẽ xây dựng được đội ngũ kế cận chuyên ngành khoan xiên trưởng thành, vững mạnh.

Thanh Loan

(Năng lượng Mới số 145, ra thứ Sáu ngày 10/8/2012)

DMCA.com Protection Status