Kỷ niệm 52 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí (27/11/1961 - 27/11/2013):

Trang sử vẻ vang

07:38 | 27/11/2013

1,182 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
52 năm qua, lớp lớp thế hệ người dầu khí đã cống hiến quên mình vì sự nghiệp “đi tìm lửa” cho đất nước, luôn vững vàng trước mọi thử thách phong ba, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để xây dựng nên một diện mạo Petrovietnam Anh hùng hôm nay.

Khởi nghiệp gian nan

Bề dày truyền thống của ngành Dầu khí vì vậy không chỉ được tạo dựng bằng những dấu ấn, những cột mốc quan trọng, những tư liệu lịch sử quý báu, những tích lũy kiến thức thông tin, giá trị văn hóa, tinh thần hay những tấm huân chương cao quý... mà còn bằng máu, mồ hôi, tâm sức, trí tuệ của hàng vạn con người.

Giá trị của truyền thống ở chỗ tinh hoa phải được bồi đắp, giữ gìn; thành tựu và sức mạnh phải được tiếp nối, phát huy. Thế hệ sau học hỏi kiến thức và kinh nghiệm của thế hệ trước; kế thừa tài sản trí tuệ, bản sắc văn hóa để rồi tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới, xây dựng những thành tựu mới.

Có thể nói, chuyến thăm các mỏ dầu của Albania, nhà máy lọc dầu của Bulgaria (năm 1957) và đặc biệt là chuyến thăm Khu Công nghiệp Dầu khí Bacu (Nheftianye Kamnhi) trên bờ biển Caspian của Chủ tịch Hồ Chí Minh (7/1959) đã mở đầu trang sử cho ngành Dầu khí Việt Nam khi đề nghị giúp đỡ của Người đã được các bạn Liên Xô đáp ứng. Sau đó, nhiều học sinh và cán bộ đã được Đảng và Nhà nước cử sang Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác để học và thực tập về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và lọc hóa dầu...

Ngay từ năm1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, báo cáo chính trị đã nêu rõ: “Khoa học địa chất phải lấy việc thăm dò và nghiên cứu tài nguyên dưới đất làm công tác trọng tâm của mình, tìm ra những khoáng sản cần thiết cho việc phát triển công nghiệp”.

Để giúp đỡ Việt Nam, Liên Xô đã cử chuyên gia địa chất dầu khí S.K. Kitovani và các chuyên gia có kinh nghiệm sang Việt Nam vừa nghiên cứu khảo sát, đánh giá triển vọng dầu khí, vừa đào tạo cán bộ Việt Nam. Một kế hoạch tổng thể về công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam đã được đề xuất và từng bước triển khai. Sau hai năm 1959-1961, họ đã hoàn thành công trình tổng hợp đầu tiên mang tên “Địa chất và triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Trên cơ sở công trình này, ngày 27/11/1961, Tổng cục Địa chất ra Quyết định số 271-ĐC thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa 36, đánh dấu chặng đường đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam. Từ đó đến nay, mỗi bước phát triển của ngành đều đóng góp quan trọng trong hành trình đổi thay của nền kinh tế, của đất nước.

Ngày 20/7/2009, Thủ tướng Chính phủ  đã ra Quyết định số 1034/QĐ-TTg lấy ngày 27/11 hằng năm là “Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam”.

Hành trình tìm lửa

Hơn nửa thế kỷ dày công xây đắp và phát triển, ngành Dầu khí đã trở thành ngành quan trọng, đầu tàu của nền kinh tế, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân mong đợi.

Thông thường, dấu ấn được lưu giữ trong tâm khảm mỗi người để tạo nên động lực, nhiệt huyết thực sự chính là những hình ảnh, những tấm gương, những câu chuyện đáng nhớ của thế hệ đi trước về sự phấn đấu, lao động sáng tạo hay những kỷ niệm đẹp đẽ xúc động, thấm đẫm tình người. Đối với ngành Dầu khí, những dấu ấn đó được khắc họa vào thời gian bằng biểu tượng ngọn lửa hồng rực sáng.

Suốt 14 năm sau đó, Đoàn Thăm dò dầu lửa 36, sau này là Liên đoàn Địa chất 36, đã khảo sát địa chất - địa vật lý dầu khí trên toàn miền Bắc và tập trung thăm dò ở Đồng bằng sông Hồng, vùng trũng An Châu, đã phát hiện dầu khí trong nhiều giếng khoan. Đến tháng 3/1975, chúng ta mới phát hiện dòng khí thiên nhiên và condensat có giá trị thương mại tại giếng khoan 61 Tiền Hải - Thái Bình.

Tại miền Nam, vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, một số công ty dầu khí phương Tây cũng bắt đầu thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam. Chỉ 3 tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước và ngày 3/9/1975, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Dầu khí, tổ chức thống nhất về dầu khí cho cả nước với mục tiêu nhanh chóng tìm ra và khai thác nhiều dầu khí, hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành Dầu khí...

Ngày 19/4/1981, mét khối khí đầu tiên từ mỏ Tiền Hải - Thái Bình bắt đầu được khai thác, dẫn đến trạm turbine khí phát điện. Năm 1981 cũng là năm ký Hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô (nay là Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro) tại Vũng Tàu theo Hiệp định hợp tác tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô (cũ).

Ngày 26/6/1986, bước đột phá hợp tác toàn diện với Liên Xô về dầu khí đã cho kết quả mong đợi, tấn dầu thô thương mại đầu tiên được Vietsovpetro khai thác từ giàn MSP-1 mỏ Bạch Hổ trên thềm lục địa Việt Nam. Dầu khí Việt Nam bắt đầu góp phần quan trọng vào khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội trong hoàn cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận. Nghị quyết số 15-NQ/TW (ngày 7/7/1988) của Bộ Chính trị đã thổi luồng gió đổi mới vào hoạt động dầu khí Việt Nam. Nhiều công ty dầu khí phương Tây bắt đầu trở lại Việt Nam. Đồng thời với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, những cơ sở dịch vụ dầu khí đầu tiên được xây dựng... Nền móng của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam được hình thành.

Sơ đồ những mốc son lịch sử 50 năm của ngành Dầu khí

Cần biết rằng, nếu sự hợp tác với Liên Xô đã có ảnh hưởng to lớn và gần như quyết định sự khai sinh và phát triển trong giai đoạn đầu của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam thì sau khi Liên Xô đổ vỡ, một mặt, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã mở rộng sự hợp tác với các công ty dầu khí của rất nhiều quốc gia, mặt khác, quan hệ hợp tác Việt - Xô đã được chuyển một cách uyển chuyển sang quan hệ hợp tác Việt - Nga, đồng thời được tiếp tục mở rộng hơn nữa mà không ảnh hưởng đến quan hệ giữa nước ta với các nước khác trong Liên bang Xôviết cũ.

Tính từ thời điểm quan trọng đó, kỷ niệm ngày 27/11 năm nay cũng đúng 27 năm Việt Nam được ghi tên danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới.

Đột phá đi lên

Chặng đường hơn một thập niên sau đó, từ 1990-2006, ngành Dầu khí Việt Nam đã có những bứt phá về mô hình tổ chức và hoạt động, trở thành một tổ chức sản xuất kinh doanh - Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nhiều công ty dầu khí hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam, góp phần phá thế bao vây, cấm vận của Mỹ.

Với nhiều mỏ mới được phát hiện, sản lượng dầu khí tăng nhanh, ngành công nghiệp khí Việt Nam phát triển mạnh với ba hệ thống đường ống dẫn khí ở các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn và Malay - Thổ Chu, Nhà máy Đạm Phú Mỹ ra đời, các công trình lọc hóa dầu được xúc tiến, các loại hình cũng như các cơ sở dịch vụ dầu khí, kể cả nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực được phát triển. Về căn bản, ngành Dầu khí Việt Nam đã khá hoàn chỉnh trong nhiều lĩnh vực và bắt đầu triển khai hoạt động dầu khí ra thế giới (Mông Cổ, Malaysia, Algeria…). Dầu khí Việt Nam đã đóng góp từ một phần tư đến một phần ba nguồn thu ngân sách Nhà nước hằng năm.

Một sự trùng hợp lý thú: Cuối năm 2006, lúc ngành Dầu khí Việt Nam thay cái “áo” Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam bằng cái “áo” mới Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thì cũng là thời điểm Việt Nam được kết nạp làm thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kết thúc chặng đường đầy chông gai và thử thách của 20 năm hội nhập với thế giới từ khi Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1986) đưa ra chủ trương “Đổi mới”, đưa đất nước từng bước phá thế bao vây chính trị và kinh tế, chuyển nền kinh tế sang vận hành theo cơ chế thị trường và trở thành thành viên bình đẳng về mọi phương diện trong cộng đồng quốc tế. Ngành Dầu khí Việt Nam càng hết sức vinh dự và tự hào là trong thời kỳ lịch sử ấy, ngành đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển nền kinh tế của đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngành Dầu khí Việt Nam bước sang một thời kỳ lịch sử mới từ đầu năm 2006 sau khi có Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chủ trương này đã mở đường cho ngành Dầu khí Việt Nam bước lên tầm cao mới. Theo Quyết định số 198/2006/QĐ-TTg ngày 29/8/2006, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được thành lập. Đến nay ngành Dầu khí Việt Nam hoàn chỉnh đồng bộ mọi lĩnh vực hoạt động thông qua việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Polypropylen… đi vào sản xuất, các sự kiện tăng cường đầu tư thăm dò và mua mỏ ở nước ngoài (châu Phi, Nam Mỹ và Mỹ Latinh), bắt đầu có nguồn thu từ dầu khai thác ở nước ngoài (Malaysia, Liên bang Nga…). Bên cạnh đó là việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam còn đầu tư vào nhiều lĩnh vực như sản xuất điện (các nhà máy: Điện Cà Mau I và II, Nhơn Trạch I và II), xơ sợi... Các công ty và đơn vị thành viên của Tập đoàn đã cơ cấu lại mô hình quản lý, điều hành, quyền sở hữu, đa dạng hóa ngành, nghề nhằm nâng cao năng lực phối hợp, sản xuất, dịch vụ cũng như hiệu quả đầu tư. Công cuộc cổ phần hóa đã cơ bản hoàn thành và đang phát huy sức mạnh.

Tập đoàn tiếp tục đứng hàng đầu trong các tổ chức kinh tế Việt Nam và trong đóng góp nguồn thu vào ngân sách Nhà nước. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, mạnh mẽ và đồng bộ, tạo nên một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh như ngày hôm nay. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, kỹ thuật và tài chính.

Tổng tài sản giai đoạn 2006-2012 tăng bình quân 32%/năm (đến 31/12/2012 tổng tài sản đạt hơn 664 ngàn tỉ đồng, so với năm 2006 (chỉ có 146,8 ngàn tỉ đồng) tăng 4,49 lần). Tốc độ doanh thu đạt trên 27%/năm. Nộp ngân sách Nhà nước trong 6 năm qua tăng trung bình 19%/năm. Vốn chủ sở hữu giai đoạn 2006-2012 tăng 23%, đến 31/12/2012 đạt 316,3 ngàn tỉ đồng, tăng 3,2 lần so với thời điểm cuối năm 2006 chỉ là 98,6 ngàn tỉ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu giai đoạn 2006-2012 đạt 18-21%/năm.

Thành công mong đợi

Năm 2012, tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn đạt 773 nghìn tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước đạt 187 nghìn tỉ đồng; gia tăng trữ lượng 48 triệu tấn dầu quy đổi, khai thác dầu khí đạt hơn 26 triệu tấn dầu quy đổi; sản xuất các sản phẩm khác như: đạm đạt 1.426.000 tấn, điện đạt trên 15 tỉ kWh, các sản phẩm xăng dầu đạt trên 5,5 triệu tấn. Năm 2012, tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí và các dự án trọng điểm của Tập đoàn được kiểm soát chặt chẽ, hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành 53 công trình, giá trị thực hiện đầu tư năm 2012 đạt 91 nghìn tỉ đồng. Công tác thu hút đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm thăm dò dầu khí ở trong nước và mở rộng đầu tư ra nước ngoài được triển khai tích cực, uy tín và thương hiệu của Tập đoàn tiếp tục được khẳng định cả trong nước và nước ngoài, việc triển khai các dự án của Tập đoàn gắn với công tác đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và bảo vệ chủ quyền quốc gia được triển khai tích cực theo Chiến lược đã đề ra; công tác an toàn lao động - môi trường trên các công trình dầu khí được đảm bảo; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai nghiêm túc trong toàn Tập đoàn; công tác an sinh xã hội được các cấp lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện thường xuyên, kịp thời và được toàn thể cán bộ, công nhân viên trong toàn Tập đoàn nhiệt tình hưởng ứng...

9 tháng đầu năm 2013, Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra, các chỉ tiêu sản xuất chủ yếu đều có mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2012. Gia tăng trữ lượng dầu khí 9 tháng đầu năm đạt 21,81 triệu tấn dầu quy đổi; tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 19,80 triệu tấn; sản xuất và cung cấp cho lưới điện quốc gia 12,40 tỉ kWh; sản xuất đạm đạt 1,17 triệu tấn; sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn đạt 4,93 triệu tấn. Tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn 9 tháng đầu năm đạt 548,3 nghìn tỉ đồng, bằng 118,3% kế hoạch 9 tháng và 84,8% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 128 nghìn tỉ đồng (vượt 20,7 nghìn tỉ đồng so với kế hoạch).

Có thể khẳng định rằng, hành trình lịch sử của ngành Dầu khí đã có bước trưởng thành rất dài và rất căn bản. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho dù chưa phải là một công ty dầu khí lớn trên thế giới, nhưng với tư cách là một công ty dầu khí quốc gia đã thực sự đạt được tầm vóc đáng khâm phục. Những thành tựu hôm nay là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và hiệu quả của Đảng và Chính phủ; sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương đối với Tập đoàn ngày càng chặt chẽ hơn.

Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch được giao của tập thể cán bộ, công nhân viên trong toàn Tập đoàn, tập thể lãnh đạo Tập đoàn hiện nay là một tập thể đoàn kết, mọi chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước được triển khai kịp thời và nhận được sự ủng hộ cao; công tác theo dõi đánh giá thực hiện kế hoạch và đề ra các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đầu tư và sản xuất phát triển được thực hiện thường xuyên và kịp thời. Đội ngũ lãnh đạo các cấp trong Tập đoàn là một đội ngũ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, bám sát công việc, kịp thời nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với biến động của thị trường; thực hiện nghiêm túc phương châm “việc hôm nay không để ngày mai”.

Những trang sử truyền thống vẻ vang của ngành Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thấm đẫm khó khăn, gian khổ, đấu tranh, vật lộn, trăn trở, cùng những hoài bão, mong ước và cả những thăng trầm, đổi thay qua các thế hệ những người làm công tác dầu khí từ những ngày đặt nền móng đầu tiên cho tới hôm nay. Những trang sử ấy đã được Đảng và Nhà nước tôn vinh xứng đáng bằng các phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1995), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2000), danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2008) và Huân chương Sao Vàng (năm 2010).

Điểm lại vài mốc son lịch sử trong số rất nhiều hình ảnh còn ghi dấu nơi trái tim nhiều người con dầu khí để thế hệ trẻ hôm nay thêm nhiệt huyết, hợp lưu cùng dòng chảy của những tài sản vô giá về vật chất và tinh thần nhằm phát huy, tạo dựng một ngành công nghiệp dầu khí bền vững, đủ nội lực và bản lĩnh vươn ra thị trường thế giới.

Nguyễn Tiến Dũng

DMCA.com Protection Status