Trọn nghĩa tình đồng đội

07:00 | 27/07/2013

450 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chiến tranh đã lùi xa nhưng đâu đó vẫn còn những cựu chiến binh một thời oanh liệt binh lửa đang sống trong cảnh nghèo khó. Chúng tôi đã theo đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh (CCB) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào những chiến trường ác liệt khi xưa, tìm lại những cựu chiến binh ấy để trao cho họ món quà thiết thực: Tiền do cán bộ, công nhân viên (CBCNV) ngành Dầu khí đóng góp. Chúng tôi đã thấy nụ cười và cả những giọt nước mắt…

Ghi chép của Vũ Minh Tiến

Người cựu chiến binh già bất hạnh

Quảng Trị cuối tháng 7, cái nắng nóng miền Trung vẫn rát rạt như thiêu như đốt. Quảng Trị vẫn cằn cỗi dù đã gắng hết sức vươn dậy rũ bỏ ký ức chiến tranh. Người ta vẫn nói về mảnh đất này là mảnh đất ra đường gặp nghĩa trang liệt sĩ. Tôi cũng đã được nhắn nhủ rằng, khi bước chân trên mỗi tấc đất nơi đây, hãy bước nhè nhẹ thôi bởi xương cốt cha anh mình có khi đang nằm ngay dưới đó.

Có lẽ, hậu thế sẽ không bao giờ quên Quảng Trị từng là chiến trường ác liệt nhất trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, Quảng Trị là “rốn bom”, khói lửa bao trùm, khét lẹt mùi thuốc súng.

Có lẽ vì thế, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, tri ân những gia đình, thân nhân liệt sĩ được Hội CCB PVN tiến hành luôn quan tâm đặc biệt đến địa phương này. Để ủng hộ phong trào ấy, CBCNV toàn ngành Dầu khí tình nguyện trích 1 ngày lương để quyên góp vào Quỹ Nghĩa tình đồng đội do Hội CCB PVN chủ trì. Rõ ràng, đây là một nghĩa cử cao đẹp nhằm chia sẻ, động viên các đồng chí thương bệnh binh, các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng nói như ông Phan Đình Đức, Thành viên HĐTV, Chủ tịch Hội CCB PVN thì việc làm ấy sẽ càng ý nghĩa và thiết thực hơn khi chúng ta tìm được đúng những gia đình liệt sĩ, những cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn nhất. Bởi hơn ai hết, họ rất cần sự chung tay giúp đỡ của cả xã hội. Khi ấy, ý nghĩa của phong trào này mới thật tròn vẹn.

Chuyến công tác trao quà nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, cũng không có gì lạ khi điểm đầu tiên chúng tôi đến là Quảng Trị. Anh Trần Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Công đoàn, Thường vụ Hội CCB PVN và anh Lê Quang Toán, Thường trực Văn phòng Hội CCB PVN đều là cựu chiến binh, đã từng một thời cầm súng. Chính vì thế, có một thứ tình cảm rất đặc biệt của các anh dành cho những cựu chiến binh.

CCB Hồ Văn Ai xúc động nhận quà từ Hội CCB PVN

Buổi sáng ngày 15/7, chúng tôi đến huyện Đắkrông, một huyện nghèo và xa xôi nhất tỉnh Quảng Trị.

Quả thực, chương trình tặng nhà Nghĩa tình đồng đội cho những cựu chiến binh ở huyện Đắkrông, tỉnh Quảng Trị không hề hời hợt như người đời vẫn nghĩ về những chương trình dạng này. Trái lại, những gia đình của các cựu chiến binh thuộc diện cấp tiền được tìm hiểu rất kỹ lưỡng. Trong đợt này, sẽ có 6 gia đình cựu chiến binh được hỗ trợ tiền để xây lại nhà là 300 triệu đồng, mỗi gia đình sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng. Anh Lê Quang Toán tâm sự: “Nếu không khảo sát kỹ mà hỗ trợ “nhầm” cho những hộ gia đình chưa thực sự cần hỗ trợ thì có lỗi lớn với gia đình thực sự khó khăn”.

Tôi cầm bản danh sách những gia đình ấy và đề nghị anh Chiến, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Trị đưa vào thăm 2 gia đình… đỡ khó khăn nhất. Anh Chiến không hiểu ý định của chúng tôi nhưng vẫn vui vẻ nhận lời. Theo danh sách ấy, chúng tôi tìm đến nhà cựu chiến binh Hồ Văn Ai ở làng Cát, xã Mò Ó.

Nhà ông Ai cách đường nhựa chừng 5km, căn nhà sàn bé tin hin nằm dựa lưng vào vách núi. Ông Ai đang mặc quần đùi ngồi đan sọt trước nhà bỗng bật dậy, ồ lên một tiếng lớn khi thoáng trông thấy màu xanh áo lính trước nhà. Ông chỉ nói được một câu tiếng Kinh lơ lớ, giọng nghèn nghẹt: “Đồng đội sao lại vào thăm tôi thế này”.

Căn nhà sàn tối thui, hanh hao mùi ẩm mốc nhưng giăng đầy khung huân chương nhiều tới mức được treo cả lên ban thờ tổ tiên. Ông Ai người nhỏ thó, tóc muối tiêu, một bên tai điếc đặc, chân tay run lẩy bẩy. Bố ông - cụ Hồ Kiểm là chiến sĩ cách mạng nổi tiếng tại khu căn cứ cách mạng Ba Lòng trong thời kỳ kháng Pháp. Đến thời ông Ai, ông chiến đấu kiên cường trong đội du kích xã Mò Ó để bảo vệ bộ đội, bảo vệ căn cứ cách mạng. Trong một lần tổ chức đội du kích đánh úp đồn giặc năm 1965, ông Ai bị bắt. Ông bị giặc dẫn giải ra thị xã Đông Hà và bị xử tù 2 năm. Được tha, ông về lại địa phương, tiếp tục móc nối với tổ chức để hoạt động cho đến ngày giải phóng.

Tôi rất bất ngờ khi anh Trần Ngọc Dũng hiểu tường tận hoàn về hoàn cảnh của gia đình ông Ai. Anh kể: “Có lẽ, hiếm có gia đình nào lại được Chủ tịch nước ký tặng 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất như gia đình ông ấy. Bố ông được Nhà nước tặng Huân chương, ông ấy cũng được tặng và cả vợ ông ấy nữa, cũng là Huân chương hạng Nhất nhé.

Nhưng, chuyện gia đình ông lại chẳng hề giống với những tấm huân chương treo trên vách kia. Bởi, nó buồn lắm. Vợ chồng ông sinh được những 6 người con nhưng đều vắn số mà mất cả. Người thì mất lúc nhỏ, người thì lớn lên bị bệnh mất, người thì đi làm ăn xa bị tai nạn mất. Chẳng ai có vợ có chồng gì, duy chỉ có người con thứ 5 là lấy vợ và để lại cho ông hai đứa cháu. Mẹ chúng đã bỏ đi biệt tích, hai ông bà già còm cõi nuôi cháu mồ côi.

Căn nhà sàn vốn đã chùng chình, rệu rã nay càng sập xệ hơn, bao năm rồi vẫn thế. Ông Ai chỉ mong có một căn nhà chắc chắn để mùa mưa bão đỡ lo, để gắng nuôi hai cháu đến lúc trưởng thành. Và ông Ai khóc, tiếng khóc mừng tủi của người chiến binh già tưởng chừng mình đã bị lãng quên.

Những cựu chiến binh đặc biệt

Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát động nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và tạo thành động lực cho phong trào thi đua yêu nước và lao động sáng tạo của CBCNV trong Tập đoàn để ghi nhớ công ơn, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái là nét đẹp của ngành Dầu khí Việt Nam. Hằng năm, cứ đến hẹn lại lên, trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, PVN đều có những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Những hoạt động ấy bao gồm tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh, các gia đình chính sách.

Trong chuyến trao quà do Hội CCB PVN tổ chức, chúng tôi đặc biệt ấn tượng khi đoàn công tác đến trao quà cho Đội quy tập mộ liệt sĩ huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ấn tượng không chỉ là với mỗi cá nhân, với công việc gian khó mà những thành viên trong đội đang theo đuổi mà còn ấn tượng bởi ý nghĩa thực sự của món quà tri ân mà PVN trao tặng cho họ.

Hôm từ thị xã Đông Hà đi về thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, trên xe, anh Trần Ngọc Dũng có nói với chúng tôi rằng, các anh đã phải hẹn Đội quy tập mộ liệt sĩ huyện Hướng Hóa trước mấy tuần liền. Chẳng phải họ chảnh đâu, là vì suốt năm, suốt tháng họ ở tuốt trên rừng, chẳng mấy khi thấy họ xuất hiện ở trụ sở Ủy ban. Hẹn trước thế để các anh bố trí ngày mà về, kẻo không gặp được.

Lần giở lại thời gian, nhớ chuyện trong lịch sử thì Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh còn được gọi là “Chiến dịch Đường 9” hay “Trận Khe Sanh”, là một chiến dịch chính yếu trong chiến cục năm 1968. Anh Hói, Chủ tịch Hội CCB huyện Hướng Hóa kể rằng, vị trí đặc biệt quan trọng của Khe Sanh giống như “cái mỏ neo” trong bản đồ quân sự của Mỹ, đặc biệt là uy hiếp đường Hồ Chí Minh và bảo vệ vùng I chiến thuật. Đây là trung tâm chỉ huy của Hàng rào điện tử McNamara mà Mỹ đang xây dựng nhằm cắt đứt đường Hồ Chí Minh. Phá hủy được cứ điểm này thì Quân đội Nhân dân Việt Nam mới nhổ được “cái gai” mà Mỹ định găm vào tuyến đường chi viện chiến lược này.

Chính vì thế, nơi đây từng diễn ra những trận chiến ác liệt nhất. Và cũng chính vì thế, đã có hàng nghìn chiến sĩ đã hy sinh tại đây và thân xác của họ vẫn còn bị vùi lấp đâu đó trong lòng đất.

Qua mấy mươi năm, cỏ cây Khe Sanh đã trồi lên trên bom đạn mà sinh sôi. Khe Sanh đã khác nhưng khuôn mặt anh Đặng Hiền Lương, Đội trưởng Đội quy tập mộ liệt sĩ huyện Hướng Hóa thì vẫn… cũ. Anh Lương từng chiến đấu ở chiến trường Khe Sanh và bị thương không biết bao nhiêu lần. Khuôn mặt anh cho đến giờ vẫn luôn đăm chiêu như thời binh lửa và dường như, dấu vết chiến tranh vẫn còn nguyên trên sắc mặt, màu da của người chiến binh năm nào. Anh đau xót kể: “Hòa bình rồi, nhưng bạn bè, đồng đội của tôi vẫn còn nằm ngoài kia, ký ức về họ, về những trận chiến sinh tử vẫn còn rõ mồn một trong tôi. Tôi sống đây mà chẳng phút nào yên”.

Cũng bởi những duyên cớ ấy, anh Lương cùng những đồng đội rủ nhau thành lập đội và bỏ tiền túi ra để lần rừng tìm hài cốt liệt sĩ. Đội tìm kiếm thành lập từ cuối năm 1990 và hoạt động đều đặn từ bấy đến nay. Chẳng có tổ chức, cơ quan nào hỗ trợ một đồng cho các anh và dường như, các anh cũng chẳng màng đến điều ấy. Thế mà, thành tích của họ thật đáng nể: Chỉ có 8 người mà từ năm 1990 đến nay, đội đã tìm kiếm được hơn 1.500 hài cốt liệt sĩ và đưa về quê hương của họ.

Công việc tìm kiếm liệt sĩ của họ cũng thật thô sơ, họ dựa vào những sơ đồ cũ, thông tin từ gia đình liệt sĩ và mang… thuổng đi đào. Đào không thấy lại lấp đi đào chỗ khác, cứ thế đến bao giờ tìm được thì thôi. Có những đợt, cả đội ròng rã đào bới trong 8 tháng trời mới tìm được một ngôi mộ liệt sĩ tập thể (gồm 15 hài cốt) quê ở Hưng Hà, Thái Bình.

Lần mà cả đội bàng hoàng nhất, chính là năm 2006, đội tìm thấy một ngôi mộ mà 11 bộ hài cốt bị dây thép gai giằng vào nhau, tay họ có khoanh sắt. Nhân chứng tìm được kể lại rằng, cả 11 liệt sĩ này bị giặc bắt và chôn sống.

Anh Lương kể: “Có nhiều mộ liệt sĩ chúng tôi đã tìm được đến nơi và biết chắc chúng nằm đâu đó trong khu vực. Thế nhưng, chúng tôi không đủ tiền để đền bù hoa màu cho dân nên không thể đào. Lại có những khu vực hài cốt liệt sĩ nằm trong rừng Ma (nghĩa địa của người dân tộc Vân Kiều) nên phong tục của họ rất rườm rà. Tôi cảm thấy mình vẫn còn đang mắc nợ những đồng đội của tôi nằm lại đó. Nhưng trước sau gì tôi cũng tìm mọi cách để đưa họ về quê hương”.

Năm trước, Hội CCB PVN đã ủng hộ cho Đội 30 triệu đồng và năm nay lại tặng 30 triệu đồng nữa. “Hội CCB PVN là cơ quan đầu tiên phát hiện, quyên góp tiền giúp đỡ chúng tôi kể từ khi đội thành lập thì bảo sao mà không vui. Chúng tôi cũng chẳng mong mình được vinh danh, được ngợi ca khi xác định làm việc này. Số tiền mà Hội CCB PVN ủng hộ chúng tôi sẽ dành làm kinh phí để tiếp tục lên đường”, anh Hải - một thành viên trong Đội nghẹn ngào nói.

Tâm tính chất phác, quả cảm của bộ đội cụ Hồ vẫn còn nguyên vẹn trong lời nói và hành động của các anh. Và số tiền mà Hội CCB PVN quyên góp để ủng họ thật thiết thực biết bao.

Như cựu chiến binh Phạm Bá Pháp cũng thế, số tiền 50 triệu mà gia đình anh được Quỹ Nghĩa tình đồng đội hỗ trợ đã giúp anh vượt qua đận khó khăn nhất của đời mình. Nhờ số tiền ấy, anh Pháp đã sang sửa được nhà cửa khang trang hơn. Nhà anh Pháp ở thôn 6, xã Nhuận Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi và hiện anh là công nhân của Công ty cổ phần Hóa phẩm Dầu khí DMC - miền Trung.

Nhà anh Pháp vốn nghèo, vợ chồng và 2 con anh hiện đang sống cùng bố mẹ anh trong căn nhà gỗ cũ nát, lúc nào cũng như trực sập xuống. Vợ anh mắc bệnh nan y đã nhiều năm, hằng tháng đều phải định kỳ vào TP Hồ Chí Minh để điều trị. Tiền lương hằng tháng của anh một phần thuốc thang cho vợ, một phần nuôi con, một phần phụng dưỡng mẹ già.

***

Còn rất nhiều cựu chiến binh, nhiều gia đình thương binh liệt sĩ ở đâu đó từ khắp các ngõ ngách, vùng miền trên dải đất này. Nơi mà chiến tranh đã từng qua, tiếng bom mìn từng vọng tới thì nơi đó có thương đau. Thương đau đến tận bây giờ. Như lời anh Trần Ngọc Dũng nói thì trách nhiệm tri ân những người có công, những gia đình thương binh - liệt sĩ mà toàn ngành đang gắng sức thực hiện này chẳng những là nét văn hóa của ngành Dầu khí mà còn là lương tâm và trách nhiệm của tất cả những người Việt Nam đang sống trong hòa bình.

V.M.T

 

DMCA.com Protection Status