Trương Đình Hiển và hành trình tìm cảng biển nước sâu Dung Quất (Kỳ 1)

14:44 | 08/09/2017

1,876 lượt xem
|
Khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chuẩn bị bước vào kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, chúng tôi có dịp gặp TS Trương Đình Hiển, chuyên gia về vật lý hải dương học, người đã tìm ra cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp làm tiền đề xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng như hình thành khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Nghe chuyện kể của ông, chúng tôi vô cùng thấm thía về chặng đường đầy thăng trầm, bể dâu của hành trình đi tìm cảng biển nước sâu ấy.

Kỳ I: Gian nan, châu chấu đấu xe

Nhà khoa học thực tiễn

truong dinh hien va hanh trinh tim cang bien nuoc sau dung quat ky 1
TS Trương Đình Hiển

Năm 1970, TS Trương Đình Hiển khi ấy mới 29 tuổi, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Viện Hải dương học Moscow (Nga). Lúc chia tay về nước, người thầy của ông, GS Stockman, một nhà bác học hàng đầu thế giới về động lực học biển, đã hỏi: “Ở đây, tôi là người thầy khoa học của anh, nhưng về Việt Nam, thầy khoa học của anh là ai?”. TS Hiển đang loay hoay suy nghĩ chưa biết trả lời thế nào, thì người thầy vỗ vai ông, bảo: “Người thầy của anh ở Việt Nam đó là thực tiễn Việt Nam. Anh phải luôn bám lấy thực tiễn Việt Nam để làm việc thì chắc chắc sẽ làm được”.

Từ khi về nước, TS Hiển đã trải qua hàng chục cơ quan, trong đó có thời gian ông làm việc ở Viện Thiết kế Dầu khí thuộc Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (nay là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro). Đến năm 1987, TS Hiển rời Liên doanh về công tác ở Viện Vật lý, thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Trước khi đi ông nhắn lại rằng: “Tôi rời khỏi Liên doanh là chỉ thay đổi tọa độ làm việc chứ tôi vẫn phục vụ dầu khí”.

Tại Viện Khoa học Việt Nam, qua nhiều tài liệu, TS Hiển nhận thấy rằng, ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore… đã phát triển kinh tế từ biển, phát huy hết khả năng hệ thống cảng biển và kinh tế vùng duyên hải. Ông trăn trở, miền Trung là mặt tiền biển nhưng cứ mãi làm hợp tác xã, nuôi heo, bò, thì làm sao giàu được? Từ đó, tháng 2-1992 ông đã triển khai chương trình nghiên cứu, tìm kiếm các cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp trong đó có cả Nhà máy Lọc dầu số 1, số 2 và nhà máy hóa dầu.

Châu chấu đấu xe

Tuy nhiên, chương trình nghiên cứu của TS Hiển đề ra không được nhiều người ủng hộ vì cho rằng, miền Trung là khu vực nghèo đói, hàng hóa không có, công nghiệp không có thì nghiên cứu làm gì. Không có tiền để thực hiện, TS Hiển cùng hai cộng sự là kỹ sư Bùi Quốc Nghĩa và kỹ sư Trần Văn Sâm quyết vay tiền để làm và vay được gần 20 cây vàng để mua máy móc, phương tiện đi lại và thuê văn phòng thực hiện dự án của mình. Họ nghiên cứu ở Quy Nhơn trước rồi ra nghiên cứu ở Dung Quất, Đà Nẵng, Chân Mây, đi đến đâu, tính toán, nghiên cứu đến đó, không có ngày nghỉ, vừa làm vừa lo lắng số nợ vay chưa biết phải trả như thế nào? Trong lúc đó, có đoàn cán bộ dầu khí đến đề nghị ông ký hợp đồng thực hiện tính toán các thông số thiết kế đường ống dẫn khí từ mỏ Rồng - Bạch Hổ qua Thủ Đức (bây giờ là qua Dinh Cố), TS Hiển được trả gần 50 cây vàng. Ông trả hết nợ và mua thêm tài liệu, thiết bị để thực hiện công trình nghiên cứu của mình.

truong dinh hien va hanh trinh tim cang bien nuoc sau dung quat ky 1
Phương án quy hoạch tổng thể cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp Dung Quất được đưa ra trong nghiên cứu của TS Hiển
Ông Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất:
“TS Trương Đình Hiển đã thành công vì góc nghiên cứu của ông là nhìn từ biển hướng vào đất liền nên ông nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các đặc tính của vùng biển và giá trị của nó tác động đến sự phát triển kinh tế ở đất liền, khác với các cách tiếp cận của những nhà khoa học đi trước là nhìn từ đất liền ra biển và lấy những hạn chế ở đất liền để đánh giá về sự phát triển kinh tế biển”.

Sau gần 1 năm, TS Hiển cùng hai cộng sự đã nghiên cứu 12 cửa biển miền Trung và phát hiện ra vịnh Dung Quất có đầy đủ các điều kiện để xây dựng một cảng biển nước sâu và khu công nghiệp cỡ lớn vì nơi đây là vịnh sâu, kín gió, có mặt bằng rộng lớn, có nguồn nước dồi dào, tiếp giáp với các trục đường giao thông quan trọng, án ngữ vị trí chiến lược của đất nước và khu vực tiểu vùng sông Mekong.

Sau khi nghiên cứu và viết xong báo cáo, nhóm của TS Hiển lên đường ra Quảng Ngãi để xin giấy phép của UBND tỉnh Quảng Ngãi ra thực địa thị sát Dung Quất. Khi khảo sát, họ nhận thấy thực tế đúng như những gì đã nghiên cứu, tính toán.

“Tôi thấy tuyệt vời quá, như trong mơ. Tôi reo lên và rút bút viết bài thơ: Dung Quất lung linh ánh hào quang/ Vạn Tường hiển hách buổi huy hoàng/ Rộn ràng bước tới thời hưng thịnh/ Nhà máy công trường phố dọc ngang” - TS Hiển kể.

Cùng lúc đó, kỹ sư Nghĩa rút máy ảnh ra chụp, bỗng trong đồn biên phòng một xuồng máy chạy vèo ra, một anh lái xuồng, một anh cầm AK kẹp nách, vẫy tay ra lệnh: “Đưa máy ảnh đây”. TS Hiển đưa máy ảnh và nói: “Các anh không được mở ra, hỏng cuộn phim này. Chúng tôi đi theo lệnh của ủy ban tỉnh”.

Sau khi đọc giấy giới thiệu của UBND tỉnh Quảng Ngãi, hai cán bộ biên phòng mời đoàn vào đồn làm việc và tại đây TS Hiển được nghe kể về trận bão năm 1989 đánh hư hỏng hết tất cả các tàu bè neo đỗ tại cửa Sa Cần, nhưng tàu bè cập về phía trạm biên phòng thì an toàn. Đó là một bằng chứng sống cho thấy, những nghiên cứu của nhóm về địa thế, khí tượng của khu vực này hoàn toàn đúng với thực tế.

Chiều hôm đó, đoàn của TS Hiển qua gặp ông Phạm Hữu Tôn - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi. Sau cuộc nói chuyện, ông hứa với ông Tôn sau 2 tuần về Sài Gòn sẽ gửi cho ông Tôn bảng tóm tắt Dự án cảng biển nước sâu vào loại lớn nhất ở Đông Nam Á. 1 tuần sau khi TS Hiển gửi bảng tóm tắt dự án cho ông Tôn thì nhận được điện thoại đường dài của ông Tôn từ Quảng Ngãi gọi vào.

truong dinh hien va hanh trinh tim cang bien nuoc sau dung quat ky 1
TS Trương Đình Hiển cùng các chuyên gia Nhật Bản đi nghiên cứu hiện trường Dung Quất

Ông Tôn nói: “Đầu tiên, tôi xin thay mặt tỉnh Quảng Ngãi cảm ơn anh vì anh giữ đúng lời hứa gửi bản tóm tắt Dự án cảng biển nước sâu và Khu Công nghiệp Dung Quất mà không đòi hỏi tiền nong gì. Tôi đã đọc và đưa cho những người có trách nhiệm, có chuyên môn của tỉnh Quảng Ngãi đọc thì các ông ấy bảo ông Hiển viết hay nhưng không có thật”.

TS Hiển hỏi lại: “Tại sao không có thật?”.

Vịnh Dung Quất có độ sâu tự nhiên từ 10-20m không kể thủy triều, có hàng chục km2 mặt nước được che chắn trong hai luồng gió chính là Đông Bắc và Tây Nam. Tàu bè có thể neo đậu quanh năm, không bị sa bồi. Các tàu có tải trọng từ 150.000-200.000 tấn có thể ra vào trực tiếp từ biển.

Ông Tôn lý giải: “Pháp ở đây 100 năm không nói ở đây làm cảng. Mỹ ở Chu Lai, cách Dung Quất 7 cây số cũng không nói Dung Quất làm cảng. Đoàn nghiên cứu của Viện Thiết kế - Bộ Giao thông Vận tải đã vào Quảng Ngãi nghiên cứu và chỉ cho Quảng Ngãi cảng Sa Kỳ với độ sâu có hơn 3m nước, phải tốn bao nhiêu tấn thuốc nổ để phá đá tạo luồng mà bà con ở đây gọi là cảng “Sa Lầy” và họ cũng không nói gì đến Dung Quất. Nhiều giáo sư, tiến sĩ được mời về nghiên cứu tiềm năng của tỉnh đều nói rằng, Quảng ngãi không có cảng nước sâu, điều kiện tự nhiên không ưu đãi…”.

Tuy nhiên, sau khi nghe TS Hiển trình bày về những cơ sở trong nghiên cứu của nhóm, ông Tôn sau đó đã cử một đoàn thường trực của UBND tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan liên quan của tỉnh vào Sài Gòn để nghe TS Hiển báo cáo chi tiết hơn về dự án. Và tháng 10-1992, dự án cảng biển nước sâu và Khu Công nghiệp Dung Quất đã được trình lên UBND tỉnh Quảng Ngãi và sau đó trình lên các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.

truong dinh hien va hanh trinh tim cang bien nuoc sau dung quat ky 1
TS Trương Đình Hiển khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hải dương học Moscow

Từ năm 1992 đến năm 1994 là thời kỳ dâu bể, trầm luân, “châu chấu đá xe” bởi những nghiên cứu của nhóm TS Trương Đình Hiển đưa ra đã đi ngược lại với những nghiên cứu trước đây về Quảng Ngãi của nhiều nhà khoa học lớn, kể cả các nhà khoa học, chuyên gia của nước ngoài và nhiều ý kiến phản đối cho rằng, đây là vùng đất bị nhiễm xạ, bom mìn, nghèo đói, lũ quét, xa nguồn dầu thô Bạch Hổ…

Về lượng nước để lọc dầu, TS Hiển chỉ rõ, sông Trà Khúc, Trà Bồng, các hồ nước trong khu vực với hơn 3,6 tỉ m3/năm, không những đủ để làm Nhà máy Lọc dầu số 1, mà thậm chí mở rộng làm nhà máy số 2 và dư nước cung cấp cho các khu công nghiệp, khu dân cư và đô thị. Hay với ý kiến cho rằng, địa điểm làm nhà máy lọc dầu xa mỏ Bạch Hổ, TS Hiển dẫn chứng: Các nước mua dầu từ Trung Đông về vẫn còn lời, hoặc Nhật Bản mua dầu Bạch Hổ về vẫn còn lời, tại sao chúng ta đưa dầu từ Bạch Hổ về Dung Quất lại bảo là xa? Với lại, không ai xây nhà máy lọc dầu cho một mỏ dầu. Nhà máy có thể lọc dầu của nhiều mỏ khác nhau, ở nhiều nước khác nhau. Bởi vậy dẫu mai sau dầu Bạch Hổ có hết thì cũng không ảnh hưởng gì đến hoạt động của nhà máy lọc dầu tại Dung Quất…

Các yêu cầu về địa điểm để xây dựng nhà máy lọc dầu

Yêu cầu của địa điểm để đặt nhà máy lọc dầu rất phức tạp, đòi hỏi nhiều yếu tố, chứ không đơn thuần là tìm ra một mảnh đất đặt nhà máy. Địa điểm làm nhà máy lọc dầu trước hết phải có cảng biển nước sâu, tàu 200.000-300.000 tấn có thể ra vào được.

Muốn biết được có cảng biển nước sâu hay không phải có sự hiểu biết về điều kiện hải dương học, phải giải bài toán về động lực học biển để tìm ra các quy luật về dòng chảy, thủy triều và về nước dâng và các điều kiện về hóa học biển, và phải nghiên cứu khí tượng trên không, bão, áp lực gió, mưa với tần suất cả trăm năm/lần; nghiên cứu địa hình đáy biển…

Ở phần trên bờ, muốn xây dựng nhà máy lọc dầu đòi hỏi phải có mặt bằng rộng, nền đất tốt, do đó phải nghiên cứu địa chất, địa hình vùng phía sau cảng; đồng thời phải khảo sát, tính toán lưu lượng, dòng chảy của các con sông từ thượng nguồn ra tới biển như: sông Trà Bồng, Trà Khúc… và các hồ chứa nước xung quanh để xem có đủ nước cho hoạt động của nhà máy hay không; nghiên cứu về nguồn điện, vật liệu xây dựng và việc hình thành các trục đường giao thông khi nhà máy hoạt động…

Đó là những bài toàn khó, đòi hỏi phải có trình độ khoa học, chuyên môn sâu để nghiên cứu, tính toán.

(Xem tiếp kỳ sau)

Mai Phương

DMCA.com Protection Status