Trương Đình Hiển và hành trình tìm cảng biển nước sâu Dung Quất (Kỳ 2)

15:47 | 12/09/2017

1,736 lượt xem
|
Sau khi nghe những dư luận đồng thuận cũng như không đồng thuận xung quanh Dự án cảng biển nước sâu và Khu Công nghiệp Dung Quất của TS Trương Đình Hiển, năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định vào thị sát Dung Quất, mở ra một giai đoạn mới cho sự “thay da đổi thịt” của vùng đất nghèo khó nhất miền Trung thời đó.
truong dinh hien va hanh trinh tim cang bien nuoc sau dung quat ky 2Trương Đình Hiển và hành trình tìm cảng biển nước sâu Dung Quất (Kỳ 1)

Kỳ II: Khi "sỏi đá" trỗi "sắc hương"

Quyết định chiến lược

TS Hiển còn nhớ, ngày 19-9-1994, tại hội trường xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, ông đã trực tiếp báo cáo Thủ tướng về dự án và trả lời các chất vấn chi tiết của Thủ tướng về các vấn đề liên quan như: độ sâu của vịnh, dòng chảy, khí tượng, lượng mưa, thủy triều cực đại 100 năm, hóa học biển, yếu tố ăn mòn, nguồn nước, sự bồi đắp luồng lạch… Sau đó, Thủ tướng gật đầu, nở nụ cười đôn hậu và đầy khích lệ, rồi xem kỹ tấm bản đồ phân tích về vai trò và vị trí chiến lược của cảng biển nước sâu, Khu Công nghiệp Dung Quất đối với miền Trung, Tây Nguyên cũng như sự gắn kết với các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Sau đó, Thủ tướng ra bến tàu để thị sát xem hiện trường và phấn khởi bảo: “Đúng, Dung Quất như một nàng công chúa ngủ quên”.

truong dinh hien va hanh trinh tim cang bien nuoc sau dung quat ky 2
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang nghe TS Trương Đình Hiển (chỉ tay vào bản đồ) trình bày về quy hoạch Cảng biển nước sâu và Khu Công nghiệp Dung Quất năm 1995

Thị sát thực tế xong đã gần 13 giờ nhưng Thủ tướng không về Quảng Ngãi mà đi thẳng ra Hà Nội, không quên dặn dò Quảng Ngãi những việc phải làm.

Mấy ngày sau chuyến thăm, Thủ tướng cử ông Ngô Xuân Lộc - Bộ trưởng Bộ Xây dựng - vào Quảng Ngãi để xem xét làm quy hoạch dự án. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các bộ, ngành và các đoàn của Trung ương đã khẩn trương về Quảng Ngãi để khảo sát, làm việc và lập các phương án quy hoạch khu công nghiệp và cảng biển nước sâu Dung Quất.

Quyết định số 207/QĐ-TTg nêu rõ: Khu Công nghiệp Dung Quất là khu công nghiệp lọc và hóa dầu đầu tiên của cả nước, tập trung nhiều ngành công nghiệp có quy mô lớn gắn liền với cảng biển nước sâu Dung Quất và Sân bay Quốc tế Chu Lai, là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Vào ngày 9-11-1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 658/QĐ-TTg về chọn địa điểm nhà máy lọc dầu tại Dung Quất và quy hoạch khu kinh tế trọng điểm miền Trung. Chính phủ giao Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) phối hợp cùng các đối tác nước ngoài báo cáo khả thi chi tiết Nhà máy Lọc dầu số 1 tại Dung Quất, giao cho Bộ Xây dựng lập quy hoạch bố trí mặt bằng, giao cho các ngành liên quan phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam - Đà Nẵng lập đề án phát triển ngành trong khu kinh tế trọng điểm miền Trung…

Ngày 11-4-1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 207/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch chung Khu Công nghiệp Dung Quất. Quyết định nêu rõ: Khu Công nghiệp Dung Quất là khu công nghiệp lọc và hóa dầu đầu tiên của cả nước, tập trung nhiều ngành công nghiệp có quy mô lớn gắn liền với cảng biển nước sâu Dung Quất và Sân bay Quốc tế Chu Lai, là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng.

truong dinh hien va hanh trinh tim cang bien nuoc sau dung quat ky 2
Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với TS Trương Đình Hiển (thứ 3 từ phải sang) về Dự án Cảng biển nước sâu và Khu Công nghiệp Dung Quất - Quảng Ngãi

Đó là những quyết định chiến lược cho việc xây dựng cảng biển nước sâu và Khu Công nghiệp Lọc hóa dầu Dung Quất ngày nay. Đánh dấu một cuộc đổi đời cho mảnh đất anh hùng và nghèo khó nhất miền Trung thời đó, như những câu thơ của TS Hiển về Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Đất nước mai này nhớ ơn anh/Quyết định anh ra - Nghĩa sinh thành/ Đổi đời Dung Quất thành công chúa/ Sỏi đá Bình Sơn trỗi sắc hương”.

Đấu tranh với Total

Không chỉ có công trong việc tìm ra cảng Dung Quất, mà trong quá trình triển khai dự án, TS Hiển cũng là một trong những người đã góp công sức lớn trong việc đấu tranh chống lại những lập luận vô lý, đòi hỏi đặc quyền, đặc lợi của Tập đoàn Total (Pháp) trong đầu tư vào lọc hóa dầu ở Dung Quất.

truong dinh hien va hanh trinh tim cang bien nuoc sau dung quat ky 2
TS Trương Đình Hiển

TS Hiển kể, khi Total đề xuất đắp đê chắn cát 380 triệu USD để ngăn phù sa vào cảng Dung Quất. TS Hiển đã chất vấn rằng: Phù sa ở đâu? Total trả lời là ở sông Trà Bồng. TS Hiển hỏi lượng phù sa bao nhiêu thì Total không trả lời được. Bức xúc vì Total đưa ra một dự án lớn mà không có căn cứ, TS Hiển lật lại: “Đất sông miền Trung chỉ đục mấy tháng, sau đó trong veo. Phù sa sông Trà Bồng tôi đã nghiên cứu, có 30.000m3/năm thôi, nhưng cứ cho lượng phù sa lên đến 1 triệu m3/năm, tất cả đi vào hết cảng Dung Quất, thì mỗi năm chúng tôi chỉ bỏ 1 triệu USD ra vét (giá lúc đó là 1USD/m3). Như vậy chúng tôi có 380 năm để tiêu hết 380 triệu USD. Vậy tại sao chúng tôi phải bỏ ra một lúc 380 triệu USD, trong khi đất nước đang khó khăn, thiếu thốn”.

Thấy TS Hiển nói cứng, một số cán bộ ngăn: “Anh nói để người ta còn có đường lùi nữa”. TS Hiển đáp lại: “Lùi tiến gì khi mà vấn đề quyền lợi đất nước đang đặt lên bàn, không có gì hơn quyền lợi đất nước cả”.

Theo TS Trương Đình Hiển, trong bối cảnh đầy gian nan, ngổn ngang đổ nát sau chiến tranh, với định kiến trăm năm về một miền Trung đói nghèo, bão lụt, không có khả năng đổi đời để theo kịp hai đầu của đất nước, trong sự lúng túng của các nhà khoa học…, Thủ tướng Võ Văn Kiệt bằng tầm nhìn sâu rộng, bằng trí tuệ sáng suốt và tấm lòng cao cả, bằng khí phách dũng cảm và kiên định đã nhìn thấy ở Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội chính là cơ hội để miền Trung cất cánh. Có thể nói, Thủ tướng như ngọn hải đăng dẫn đường cho những con tàu nhìn rõ bến bờ và hướng về đích.

Lần khác, Total định nâng tiền làm nhà máy lọc dầu lên, nên khi khoan địa chất, Total đã lấy cột địa tầng ở cửa sông đưa vào và nói là cột địa tầng của nhà máy lọc dầu, lấy đó làm căn cứ gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi nói rằng, nền của nhà máy lọc dầu bị lún. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã gửi cho TS Hiển xem và cho ý kiến. Sau khi xem xong, ông Hiển trả lời: “Nền nhà máy lọc dầu tôi chỉ sợ khoan xuống đụng đá thôi, đây là cách làm để tăng tiền đầu tư, tăng giá lên, phải chiến đấu!”.

Và sau đó, Total mở một cuộc họp để công bố vấn đề trên, mời một số nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực đến và tuyên bố: “Hôm nay chúng ta đến đây là để công bố thôi chứ không thảo luận gì”. Ngay lúc đó TS Hiển nói: “Có đấy, giờ thảo luận này, các ông chỉ cho tôi trên trái đất này có chỗ nào mà một lỗ khoan có hai cột địa tầng không?”. TS Hiển giơ kết quả cột địa tầng Total đã gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi ra, đồng thời yêu cầu Total giải thích về kết quả này. Sau đó, Total nhận sai. Đó là một trong những “cú đánh” góp phần khiến Total xin rút đầu tư.

Chia củ khoai làm đại nghiệp

TS Hiển kể, hôm đó, đoàn của ông đi khảo sát Dung Quất, đi suốt từ sáng đến trưa mà không đem theo gì để ăn, trên đường lại không có quán xá gì. Đoàn gặp một cụ già treo võng nằm ở dưới rặng phi lao bên cạnh một cái chòi tranh, được cụ mời một nồi khoai nóng. Đến tận bây giờ, TS Hiển vẫn nhớ như in khoảnh khắc cụ già cầm một củ khoai bẻ đôi đưa cho ông một nửa rồi vỗ vai ông nói: “Hôm nay chúng ta chia nhau củ khoai để làm đại nghiệp. Nhưng đã là đại nghiệp thì không thể ngày một ngày hai, phải kiên trì làm mới thành công được”.

truong dinh hien va hanh trinh tim cang bien nuoc sau dung quat ky 2
TS Trương Đình Hiển báo cáo về công trình Cảng biển nước sâu và Khu Công nghiệp Dung Quất tại Hội thảo quốc tế ở Đà Nẵng

Một kỷ niệm khác, khi TS Hiển gặp một bác thợ già sửa giày ở thị xã Quảng Ngãi, sửa giày xong, ông móc tiền trả thì cụ không nhận mà nói rằng: “Thấm thía chi! Tôi xem tivi biết con làm Dung Quất, cảm ơn các con”.

Một lần khác, khi xuống Dung Quất để đo thủy triều ở cảng Sa Cần, TS Hiển cần cắm mấy cột đo thủy triều và nhờ ngư dân giúp đỡ, làm xong ông trả tiền nhưng họ cũng không lấy, bảo rằng: “Các anh đến làm cho chúng tôi sao chúng tôi lại lấy tiền của các anh được”, dù họ là những ngư dân rất nghèo…

Những câu chuyện kể ngắn ngủi ấy khiến TS Hiển mấy lần không kìm được nước mắt khi hồi tưởng về một thời xa vắng có sự đùm bọc, yêu quý, ủng hộ và có được những bài học quý giá từ người dân.

truong dinh hien va hanh trinh tim cang bien nuoc sau dung quat ky 2
TS Trương Đình Hiển cùng các chuyên gia dầu khí Việt Nam làm việc với đoàn chuyên gia nước ngoài về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

TS Hiển xúc động: “Những tình cảm đó, những sự cổ vũ đó cho tôi thấy rằng, người dân vĩ đại lắm. Trong nhân dân, sự vĩ đại của cuộc kháng chiến, của sự nghiệp giải phóng dân tộc vẫn còn nguyên vẹn để chúng tôi làm công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Thật vậy, Dung Quất ngày nay đã bắt đầu một cuộc đổi đời, “sỏi đá” thật sự đang “trỗi sắc hương”. Và trên hành trình đầy chông gai, gian khó, để đạt được thành quả ấy, có dấu ấn sâu sắc của người mở đường Trương Đình Hiển, mà cho đến nay, vẫn rất ít người biết đến những đóng góp to lớn đó của ông và các cộng sự.

Khi Total xin rút đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, TS Hiển “phá đầu tư”. Tuy nhiên, may mắn là ông được Chính phủ và Thủ tướng Võ Văn Kiệt ủng hộ. Vì Total là công ty của Pháp, được Chính phủ nước ta mời vào hợp tác trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu vốn, cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ cho việc xây dựng và vận hành nhà máy lọc dầu. Nhưng từ năm 1986-1992, Total vẫn không tìm được địa điểm làm nhà máy lọc dầu, tiêu mất 10 triệu USD.

Khi chúng ta tìm ra được Dung Quất, Total đã đưa ra những đòi hỏi vô lý trong đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu, đòi quyền phân phối sản phẩm xăng dầu sau khi nhà máy lọc dầu đi vào vận hành. Nhưng chúng ta vẫn không thể “mời” Total ra được, vì như vậy sẽ phải đền 10 triệu USD.

Do vậy, việc Total tự rút lui là một thắng lợi lớn.

Để có được thành quả ngày nay, đó là xương máu, thăng trầm, dâu bể của những tiền nhân để lại, thế hệ trẻ phải biết quý trọng, giữ gìn và đem hết sức mình để phát huy hơn nữa những thành quả đó. Ngành Dầu khí đã đào tạo ra một thế hệ trẻ đầy nhiệt tình, trí tuệ, có ý chí, sức khỏe tốt, có tinh thần trách nhiệm. Mong rằng thế hệ trẻ của Dung Quất sẽ luôn giữ nhà máy an toàn, bảo đảm môi trường thật tốt, làm việc năng suất cao, hiệu quả, luôn sáng tạo, đưa nhà máy ngày càng phát triển, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Mai Phương

DMCA.com Protection Status