Tuổi trẻ ở những giếng dầu

14:05 | 24/03/2016

2,218 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chia sẻ niềm vui về những danh hiệu được ngành Dầu khí trao tặng, kỹ sư trẻ Nguyễn Phạm Huy Cường chỉ khiêm tốn cho rằng, bản thân anh luôn biết phải tự giác phấn đấu, tích cực tư duy, vì đó cũng là trách nhiệm của một người kỹ sư khi muốn xử lý tốt công việc của mình.

Trong một lần tìm hiểu về công tác khoan thăm dò, khai thác dầu khí tại Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) để thực hiện những bài viết của mình, tôi đã có dịp trò chuyện cùng kỹ sư Nguyễn Phạm Huy Cường. Với gương mặt khá trẻ và nụ cười rất sáng, Cường khiến tôi có chút khó tin khi biết anh lại là kỹ sư khoan chính của Phòng Khoan và Hoàn thiện giếng.

Cường chia sẻ: Nghề khoan có tính chất đặc thù, riêng biệt. Công việc của kỹ sư khoan thường xuyên phải di chuyển, không ở cố định một nơi và phải tham gia trực tiếp vào quá trình thi công kỹ thuật. Với mỗi giếng, người kỹ sư khoan chỉ gắn bó 1-2 năm, nhiều hơn thì 5 năm, rồi lại tiếp tục theo giàn đến một vị trí khác ngoài biển khơi.

Cường nói với tôi, không chỉ đòi hỏi sự quyết đoán, lòng yêu nghề, mà nghề khoan còn yêu cầu ở mỗi kỹ sư sự dũng cảm, quên mình nếu muốn gắn bó với công việc lâu dài. Bởi nghề khoan nặng nhọc và nguy hiểm lắm, lại gặp rất nhiều rủi ro khi làm việc. Nhiều khi khoan thăm dò gặp phải vỉa khí độc hay bị kích, giếng phun trào thì rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của công nhân, kỹ sư thi công. Không chỉ vậy, việc thi công và vận hành giàn khoan ở Việt Nam thường diễn ra ở ngoài biển và bị hạn chế rất nhiều thời thời tiết như bão hay gió chướng, có thể buộc phải sơ tán kỹ sư và công nhân nếu như gặp thời tiết cực đoan. 

tuoi tre o nhung gieng dau
Kỹ sư Nguyễn Phạm Huy Cường 

Là kỹ sư chính thiết kế, giám sát giếng khoan, nhưng giọng Cường kể về nghề khoan một cách say mê đến lạ. Sau tôi mới biết, trước khi đến được vị trí ngày hôm nay, anh cũng đã từng phải trải qua những năm tháng nhọc nhằn của những người thợ khoan thực thụ! Gương mặt rất trẻ của Cường khiến tôi không thể tin được rằng anh đã từng có những năm tháng cực kỳ vất vả khó khăn ở những mỏ dầu xa xôi nhất trên thế giới này!

Sinh năm 1983, tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Dầu Khí, khoa Kỹ thuật Địa chất & Dầu khí với tấm bằng loại ưu, Cường nhanh chóng được nhận vào làm việc tại Schlumberger – một công ty dịch vụ dầu khí đa quốc gia. Bị thôi thúc bởi ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ, Cường hào hứng xách vali đến Sudan học tập và làm việc theo sự điều động của công ty.

22 tuổi, năng động, đam mê chinh phục thử thách, nhưng sự khắc nghiệt của rừng già, sa mạc và ánh nắng thiêu đốt của Châu Phi nhiều lúc khiến cậu kỹ sư trẻ muốn từ bỏ. Cơ sở vật chất thiếu thốn, công việc vô cùng khó khăn, vất vả... thậm chí là nguy hiểm bởi các kỹ sư làm việc trên giàn khoan thường xuyên phải tiếp xúc các thiết bị sử dụng nguyên lý phóng xạ cho công việc. Chưa kể đó là sự buồn chán, thậm chí mất đi ý thức về một cuộc sống xã hội bình thường mỗi khi phải làm việc ở những giàn khoan trên sa mạc hay trong rừng già hàng mấy tháng trời.

Ấy vậy mà Cường cũng đã làm việc ở Châu Phi suốt 3 năm, trước khi luân chuyển đến Trung Đông, tiếp tục làm việc tại Oman gần 3 năm sau đó.

Cường chia sẻ: “Nói ý chí kiên cường gì gì đó thì hoa mỹ quá. Thực sự lúc đó hai vợ chồng chỉ nghĩ đơn giản là phải cố gắng, được đến đâu hay đến đó. Kế hoạch của mình cũng là tích lũy kinh nghiệm ở nước ngoài, rồi sau lại xin về Việt Nam làm việc. Không nơi nào bằng nhà mình cả.”

Sau khi về Việt Nam làm việc tiếp tại Schlumberger được 6 tháng, Cường lại cảm giác có cái gì đó không giống như anh mong đợi. Lướt qua vài trang web tuyển dụng, ngẫu nhiên anh lại đăng ký ứng tuyển vào vị trí Kỹ sư khoan chính của Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC).

Trước đây, Cường chỉ đảm nhận một phần trong các dự án khoan thăm dò và khai thác, bởi Schlumberger là công ty chuyên cung cấp dịch vụ. Còn ở BIENDONG POC, anh lại là người chịu trách nhiệm chính trong việc thiết kế các giếng khoan ở mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh.

Không chỉ thiết kế, Cường còn là người lập kế hoạch chi tiết các giếng khoan, cả bao gồm khâuchuẩn bị và kiểm tra thiết bị, vật tư thi công cùng một số hoạt động khác để quá trình khoan thuận lợi và an toàn. Không những vậy, anh cũng đảm nhiệm cả vai trò giám sát quá trình thi công, đảm bảo theo đúng thiết kế và đánh giá kết quả sau khi giếng khoan hoàn thành; đồng thời quản lý và thực hiện các hợp đồng/dịch vụ khoan của công ty.

Cường kể, lúc đó BIENDONG POC không có chương trình đào tạo cụ thể cho vị trí này, nên anh bắt buộc phải nhanh chóng hòa nhập với từng phòng ban, từng người trong công ty để học hỏi, tổng hợp lại tất cả những kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Tôi hỏi, ở Schlumberger mức lương cao “ngất ngưởng”, tại sao anh lại về BIENDONG POC? Cường chỉ trả lời đơn giản: “Vì mình muốn ở lại và làm việc tại Việt Nam. Việc vào làm tại BIENDONG POC là hết sức tình cờ, và có lẽ cũng là do có chút “duyên”, chứ ở đâu thì công việc của mình vẫn vậy”. Nhưng, ở BIENDONG POC một thời gian, anh bắt đầu cảm nhận được trong mình một tinh thần rất khác!

Không gọi tên được chính xác đó là cảm giác gì, nhưng nó khiến anh rất thoải mái mỗi khi đến văn phòng làm việc.Với anh, các đồng nghiệp đều rất thân thiện và gần gũi, và hầu như không có sự phân biệt cao thấp giữa các lãnh đạo và CBNV. Tất cả đều có một điểm chung là “biết lắng nghe và được lắng nghe”. Môi trường như vậy khiến anh cảm thấy được sự cống hiến của mình có giá trị hơn bao giờ hết.

Chính vì vậy mà ngay sau khi vào công ty không được bao lâu, Cường đã nhanh chóng hòa nhập vào bộ máy, đồng thời tích cực nghiên cứu tìm ra những phương pháp mới để cải tiến kỹ thuật, nhằm tiết kiệm chi phí cho công ty trong phần việc của mình.

Khi nảy ra ý tưởng gì đó, đôi lúc, Cường không ngần ngại thảo luận trực tiếp với lãnh đạo công ty, đề xuất những hoạt động có thể làm trước và làm trong quá trình khoan có thể tiết kiệm thời gian khoan và tăng tốc độ khoan. “Cũng rất may mắn là các lãnh đạo công ty đều rất quan tâm đến những sáng kiến cải tiến, đồng thời tôn trọng ý kiến của các anh em. Tổng giám đốc Nguyễn Quỳnh Lâm khi đó, và nay là anh Trần Hồng Nam dù rất bận rộn nhưng vẫn dành thời gian nghe các anh em trình bày ý kiến, bất kể là CBNV ở phòng ban, bộ phận nào.”

Chính vì vậy mà kể từ năm 2012 đến nay, Cường liên tiếp đưa ra rất nhiều sáng kiến mang về giá trị làm lợi cho công ty ít nhất gần 5 triệu USD.

Ví dụ như tính toán các điều kiện kỹ thuật và đề xuất gửi những thiết bị không còn cần thiết về bờ sớm hơn kế hoạch nhằm tiết kiệm ngày thuê.Việc này cho đến nay vẫn được công ty tiếp tục duy trì.Hay như việc quản lý tốt và tiết kiệm chi phí đối với các hợp đồng khoan; giám sát khoan đêm thay thế cho chuyên gia nước ngoài; đề xuất những sáng kiến giúp tăng tốc độ khoan lên gấp đôi, tiết kiệm 1,05 triệu USD chi phí của 3 ngày giàn; đàm phán kỹ thuật với các công ty dịch vụ về chi phí dịch vụ & bồi thường phát sinh trong quá trình khoan 2 giếng MT-6P và MT-2X, tiết kiệm cho công ty khoảng 1,5 triệuUSD,… và rất nhiều sáng kiến khác.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi, Cường đã vinh dự nhận được Danh hiệu gương điển hình xuất sắc cấp cơ sở 4 năm liên tiếp;đạt Thành tích xuất sắc góp phần vào sự thành công của dự án Biển Đông-1; là “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2014”; Danh hiệu “ Sáng tạo trẻ năm thanh niên tình nguyện 2014”; được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương vì những thành tích xuất sắc trong công tác An toàn – Vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ năm 2014.

Chia sẻ niềm vui được ngành Dầu khí vinh danh qua những Bằng khen, Danh hiệu được trao, Cường chỉ khiêm tốn cho rằng, bản thân anh luôn biết phải tự giác phấn đấu, tích cực tư duy, vì đó cũng là trách nhiệm của một người kỹ sư khi muốn xử lý tốt công việc của mình. “Xác định như vậy nhưng khi được Công ty, Tập đoàn, Bộ Công thương trao tặng những phần thưởng tinh thần quý giá ấy, mình cũng cảm thấy phấn chấn hơn rất nhiều vì những cố gắng của mình đã được ngành quan tâm, ghi nhận.” – Cường cười, ánh mắt sáng lên niềm tự hào, hạnh phúc.

Không hoa mỹ, lớn lao, bằng lời hứa sẽ cố gắng đóng góp hơn nữa vào sự phát triển chung của cả Tập đoàn, Cường cho rằng, anh chỉ là một trong hàng ngàn những kỹ sư Dầu khí trên mọi miền đất nước. Đóng góp của anh chỉ là một phần cực nhỏ và sẽ không là gì nếu thiếu đi những người đồng nghiệp luôn sát cánh bên anh mỗi ngày. Anh chỉ có thể cố gắng hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đem lại những lợi ích thiết thực cho công ty bằng cách thực hiện nhiều hơn nữa những giếng khoan an toàn, chất lượng…

Dù không nói ra nhưng tôi có thể cảm nhận được tình cảm lớn của Nguyễn Phạm Huy Cường dành cho BIENDONG POC nơi anh đang công tác, là nơi đã truyền cho anh nguồn năng lượng mạnh mẽ, phát huy “nhiệt huyết” của tuổi trẻ Dầu khí mà chính anh cũng không biết tự khi nào đã hừng hực chảy trong tim mình.

tuoi tre o nhung gieng dau

Vũng Áng 1 là trường học lớn

Cả dự án không ai bất ngờ khi nghe tin Nguyễn Tuấn Anh được người lao động bình bầu là tấm gương điển hình xuất sắc tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Vũng Áng 1. Bởi có nhiều dịp làm việc cùng Tuấn Anh, chúng tôi đã cảm nhận và khâm phục khát khao cống hiến, tình yêu mộc mạc của anh dành cho NMNĐ Vũng Áng 1.    

tuoi tre o nhung gieng dau

Dấu ấn kỹ sư Chu Thế Phong

Gần 20 năm gắn bó với ngành dầu khí, kỹ sư địa chất Chu Thế Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển, Công ty TNHH MTV Địa vật lý Giếng khoan Dầu khí PVD Logging (thuộc Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí - PV Drilling) trở thành một trong 40 gương điển hình sẽ được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần IV.  

Nguyên Phương

DMCA.com Protection Status