Văn hóa giàn khoan

15:46 | 29/08/2013

1,035 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Như một vệt nắng nhàn nhạt vắt qua chân đế giàn khoan, bóng người thợ khoác trên mình chiếc áo có biểu tượng ngọn lửa của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trông thật nhỏ bé. Dưới chân là sóng trắng xóa vỗ vào chân đế. Trên đầu là lá cờ tổ quốc tung bay giữa trời xanh. Phải đứng ở đỉnh giàn khoan mới cảm nhận hết niềm tự hào của nghề dầu khí và tầm vóc của những người tìm lửa trên biển cả.

Phải đi giàn, phải chao đảo trên sóng nước, phải rón rén từng bước chân trên chiếc cầu thang trên biển cả, phải tận mắt chứng kiến những đêm trắng không ngủ của những kỹ sư công nhân ở giàn mới hiểu hết cái gọi là sự vĩ đại và hiểm nguy của nghề dầu khí. Lao động trong một ngành công nghiệp đặc thù, công việc của những người làm dầu khí hết sức vất vả, gian lao và không thiếu những khó khăn, nguy hiểm rình rập. Cùng với sự phát triển của ngành, bóng dáng người dầu khí hiện hữu khắp nơi, từ những công trường mênh mông ở các thành phố lớn cho đến tít tận rừng sâu núi thẳm, biển đảo xa xôi, nơi chỉ có nước và trời, trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt… Ở đó, những người lao động dầu khí đã và đang ngày đêm miệt mài làm việc, miệt mài sáng tạo, âm thầm lặng lẽ cống hiến cho đất nước. Chính họ đã tìm ra và duy trì ngọn lửa thắp sáng thương hiệu Petrovietnam mang tầm quốc tế hôm nay.

Giàn khoan Đại Hùng (ảnh: Hoàng Quang Hà)

Thế nhưng, phần lớn những con người đã góp phần làm nên “những thay đổi vĩ đại” đó trong Petrovietnam mà chúng tôi đã gặp trong các cuộc hành trình tác nghiệp của mình đều có một đặc điểm chung: giản dị, khiêm tốn và rất kiệm lời. Hầu hết mọi người, từ những lãnh đạo cao nhất của các tổng công ty, đơn vị thành viên đến những người công nhân lao động bình thường đều rất ngại nói về mình. Dù là thăm dò khai thác, hay địa vật lý giếng khoan và cả dịch vụ, cái tôi cá nhân dường như đã không còn tồn tại, chỉ còn lại mục đích chung đó là sự nghiệp của cả một Tập đoàn, một ngành nghề đang gánh trên mình trọng trách đối với sự phát triển của đất nước. Với họ, làm thế nào để có thể có những sáng kiến làm lợi cho Tập đoàn, tổng công ty mới là suy nghĩ thường trực canh cánh trong lòng.

“Cây sáng kiến” của PVFCCo Nguyễn Minh Tâm, người vừa vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước là người hiền lành, giản dị đến không ngờ. Với “cây sáng kiến” của PV Gas Trần Nhật Huy - Tổng giám đốc Công ty Khí Cà Mau, 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2010 thì đáng sợ nhất là sự tự mãn, tự hài lòng về bản thân. “Cây sáng kiến” của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Trọng Hà lại khẳng định: Các đồng nghiệp của mình nhiều người rất giỏi, hầu hết họ là những người âm thầm cống hiến.

Trong vị thế của một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, giữ vai trò trụ cột của nước nhà, tích cực và chủ động tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảm bảo các chương trình an ninh năng lượng, an ninh lương thực để giữ ổn định kinh tế xã hội, đóng góp 30% ngân sách Nhà nước của ngành Dầu khí, không thể không kể đến những cống hiến vô cùng to lớn của những thế hệ người lao động dầu khí. Có những người làm nên thành tích được lãnh đạo và đồng nghiệp ghi nhận, nhưng cũng có những con người lặng lẽ âm thầm lao động và cống hiến. Lại có những bậc tiền bối vừa mày mò vừa làm vừa nghiên cứu học hỏi với những phương tiện hết sức thô sơ trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt đói rét mưa bom… thậm chí nhiều người đã phải hy sinh cả sinh mạng của mình… Tất cả, như phù sa lở bồi qua năm tháng mà tạo nên đất liền, tạo nên thương hiệu mang tầm thế giới của Petrovietnam bây giờ, sau hơn 50 năm xây dựng trưởng thành.

Tiếp nối truyền thống đáng tự hào đó, những người lao động dầu khí hôm nay vẫn đang đi trên con đường chông gai và đầy kiêu hãnh mà cha ông đã đặt nền móng, đã đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu. Mỗi ngày, có hàng trăm người vào ra, qua lại giữa các giàn khoan trên biển. Đối mặt với sóng, gió, nắng, hơi nóng, tiếng ồn. Để giữ ngọn lửa trên đỉnh giàn mãi sáng. Và cũng là để thử thách nhiệt huyết tuổi trẻ, lập thân lập nghiệp trong một ngành nghề mơ ước của bao người. Tôi đã từng chứng kiến hình ảnh một người công nhân nhỏ nhoi như một cánh chim vắt qua chân đế, để đọc thông số kỹ thuật cho đồng nghiệp ở tít trên cao ghi lại. Phía dưới là sóng vỗ trắng xóa. Trước biển cả, con người thật yếu ớt, mong manh. Để vượt lên nỗi choáng ngợp đó, hẳn phải có một trái tim đắm say yêu nghề, tâm huyết với nghề.

Nụ cười rạng ngời của người lao động PVN (ảnh: Lê Văn Dựng)

Rất nhiều người bên ngoài có mong muốn vào làm trong ngành Dầu khí, bởi cho rằng đây là một nghề… lương cao, nhiều tiền. Nhưng thực tế thì, nói như Trưởng phòng Điều hành Sản xuất Công ty Cửu Long JOC Nguyễn Tất Hoàn: “Nếu ai nói làm ngành Dầu khí là nhàn, là sung sướng thì họ nhầm to! Không có cái gì mà không phải trả giá. Lương cao phải trả bằng sức lao động cả trí óc lẫn thể xác rất lớn”.

Dầu khí là một nghề có tính đặc thù, đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư lớn, nhiều rủi ro, mà muốn thành công không thể thiếu yếu tố cá nhân và tập thể. Cá nhân thì đầu tiên là tri thức để sáng tạo không ngừng nghỉ, là bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn đưa các sáng kiến của bản thân vào thực tiễn sản xuất. Và để làm được điều đó, thì cần có sự đồng cảm, ủng hộ của cả một tập thể.

Có một thực tế là người lao động dầu khí phải làm song song cả hai việc tay chân lẫn trí óc. Để trở thành một kỹ sư giỏi, trước hết phải là một người thợ lành nghề. Nên, nghề đòi hỏi bản thân họ phải nỗ lực hơn, nhiệt huyết hơn và cẩn trọng hơn. Tuy nhiên, khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong cuộc sống, công việc, tất cả những tấm gương lao động xuất sắc của Petrovietnam mà chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ, phỏng vấn đều khẳng định được công tác trong một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước là một điều rất đáng tự hào.

Nói như Daniel Yergin - Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Năng lượng Cambridge (cơ quan tư vấn hàng đầu về năng lượng quốc tế): “Không ngành kinh doanh nào có thể định nghĩa rõ ràng và chính xác ý nghĩa của rủi ro và phần thưởng cũng như tầm quan trọng của cơ hội và số phận như ngành dầu mỏ”…

Văn hóa Dầu khí Việt Nam phải được viết nên bởi những con người dám chấp nhận rủi ro, vượt qua số phận, để đón nhận và giành lấy cơ hội cũng như những phần thưởng quý giá mà ngành nghề đã đem lại cho bản thân, cho đất nước…

Daniel Yergin, tác giả cuốn "Dầu mỏ - tiền bạc và quyền lực" đã nhận định: Dầu mỏ và khí thiên nhiên đã tạo nên những "thay đổi vĩ đại" trong hơn một thế kỷ nay của lịch sử nhân loại.

Thành Lê

DMCA.com Protection Status