Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý:

Vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió

07:00 | 23/01/2013

709 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Nhà máy Phong điện Phú Quý do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư trên huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đã trải qua gần 5 tháng phát điện thương mại và cán mốc sản lượng điện 1 triệu kWh vào cuối tháng 12/2012 vừa qua. Đây là công trình có tầm quan trọng đặc biệt đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nơi huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc và có ý nghĩa to lớn trong chiến lược an ninh quốc phòng về phát triển biển đảo của Đảng và Nhà nước.

Dấu ấn 1 triệu kWh

1 triệu kWh điện gió đầu tiên của Nhà máy Phong điện Phú Quý, đó là số sản lượng điện năng lượng tái tạo mà nhà máy này đã đạt được trong những ngày cuối tháng 12/2012 vừa qua. Tuy chỉ là con số khiêm tốn nhưng là thành quả từ sự miệt mài cố gắng của một tập thể những người thợ điện lực dầu khí với quyết tâm đem lại nguồn điện gió dồi dào cho bà con huyện đảo Phú Quý thân yêu.

Sau 5 tháng phát điện thương mại (từ ngày 25/8/2012), đội ngũ vận hành nhà máy của Công ty TNHH MTV Năng lượng Tái tạo Điện lực Dầu khí (PV Power RE, đơn vị thành viên của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí - PV Power) đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị trên hòn đảo vốn thường xuyên phải chịu đựng những cơn bão giữa vùng Biển Đông. Đến nay công tác vận hành giữa hai nguồn điện của Nhà máy Phong điện và Nhà máy Điện diesel Phú Quý đã phối hợp rất nhịp nhàng, đảm bảo an toàn và ổn định cho lưới điện. Đây là mô hình đầu tiên trên thế giới vận hành hỗn hợp giữa hai hệ thống gió - diesel với tỷ lệ công suất gió/diesel là 6MW/3MW.

Khi nhà máy Phong điện hoạt động ổn định thì chắc chắn nhân dân huyện đảo Phú Quý sẽ được hưởng lợi rất nhiều

Có thể đánh giá rằng, Nhà máy Phong điện trên huyện đảo Phú Quý là sản phẩm đầu tiên về năng lượng sạch được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, nhằm khai thác tài nguyên gió vốn rất phong phú từ xưa đến nay ở huyện đảo Phú Quý, mà đến bây giờ chúng ta mới thực sự biến tiềm năng của thiên nhiên thành hiện thực để phục vụ đời sống tại địa phương huyện đảo Phú Quý.

“Dự án Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý được xây dựng trên cơ sở chủ trương của Đảng và Nhà nước (Ban Bí thư Trung ương Đảng và Bộ Công Thương). PVN và PV Power đóng vai trò rất quan trọng đối với dự án này. Trong quá trình thực hiện chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt từ PVN, PV Power để thường xuyên tháo gỡ các vướng mắc kịp thời. Đây là công trình đặc biệt, cụ thể hóa được chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân vùng sâu, vùng xa về vấn đề năng lượng. Nhà máy đã hoàn thành và đi vào phát điện thương mại an toàn, hiệu quả trong suốt thời gian qua và được lãnh đạo địa phương đánh giá cao về tâm huyết, quyết tâm của chúng tôi”, ông Phạm Cương, Giám đốc PV Power RE đã bộc bạch như vậy.

Vượt khó vì nguồn điện xanh

Nhìn lại quá trình thực hiện dự án Nhà máy Phong điện Phú Quý mới thấy công trình này đã từng gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Tuy tổng mức đầu tư của dự án không lớn, quy mô khiêm tốn nhưng đây là dự án mà chủ đầu tư là PV Power RE gặp phải rất nhiều trở ngại, trong đó có những khó khăn mang tính đặc thù dẫn đến vướng mắc mà phải được chia sẻ, thấu hiểu, thậm chí phải biết chấp nhận thì mới có thể tháo gỡ được.

Theo Giám đốc Phạm Cương, trong giai đoạn mua sắm, vì áp lực của tiến độ, đã buộc PV Power RE phải quyết liệt đôn đốc, giám sát và phải thay đổi nhà thầu phụ cung cấp thiết bị chính (turbine, cánh, cột tháp). Khi đưa ra vấn đề này, có nhiều ý kiến trái ngược nhau so với hồ sơ chỉ định thầu. Ai dám chịu trách nhiệm về công tác vận chuyển, tiến độ lắp ráp sẽ nhanh hơn, chất lượng của công trình sẽ như thế nào? Và sau khi xem xét, đánh giá chính xác thông tin, phân tích thấu đáo tính khả thi của phương án, PV Power RE quyết định thay nhà thầu cung cấp thiết bị chính IMPSA (Argentina) bằng Hãng VESTAS (Đan Mạch).

Trong giai đoạn vận chuyển thiết bị, dự án cũng gặp những thách thức không kém. Cơ sở hạ tầng của đảo Phú Quý vốn còn thô sơ, cảng Phú Quý chỉ cập được tàu lớn nhất tải trọng 1.000 tấn. Trong khi đó, hàng hóa của dự án là hàng siêu trường, siêu trọng. Trên đảo, thường xuyên phải đối mặt những đợt sóng gió cấp 6, cấp 7 thì với những con tàu lớn hơn 1.000 tấn để chở những thiết bị siêu trường, siêu trọng này khi cập cảng sẽ gặp rủi ro cao, không đảm bảo an toàn. Trước tình hình đó, PV Power RE buộc phải tiến hành khảo sát thực tế, xem xét độ sâu mớn nước, luồng lạch ra vào, tải trọng của nền cảng và các yếu tố liên quan khác. Sau đó, công ty đã cố gắng thuyết phục với lãnh đạo địa phương để xin phép cập tàu có tải trọng lớn hơn. Và cuối cùng, bằng sự quyết đoán của ban lãnh đạo PV Power RE và sự chấp thuận của địa phương, các thiết bị siêu trường, siêu trọng đã được vận chuyển đến đảo Phú Quý khá công phu và cập cảng an toàn, đưa được hàng hóa đến công trường đúng thời gian quy định.

Đối với giai đoạn lắp đặt, đánh giá, thấy năng lực liên doanh nhà thầu yếu về nhân lực, thiếu về kinh nghiệm dẫn đến chọn nhà thầu phụ cũng thiếu tự tin nên chủ đầu tư PV Power RE đã phải trực tiếp giám sát, đánh giá năng lực của nhà thầu phụ mà liên doanh nhà thầu đã chọn và đi đến quyết định thay nhà thầu lắp đặt VINAINCON bằng nhà thầu phụ PTSC-MC (đơn vị thành viên của Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí - PTSC). Quyết định này được sự đồng thuận của chi bộ, của Ban Giám đốc và sau 40 ngày, nhà thầu phụ PTSC-MC đã lắp dựng xong cả 3 tổ máy.

“Đến bây giờ ngồi đánh giá lại để rút kinh nghiệm, chúng tôi vẫn nhận thấy đây là quyết định đúng đắn, kịp thời trong gian đoạn thời tiết chuẩn bị vào mùa gió chướng trên đảo Phú Quý. Bởi vì, nếu không như vậy dự án có thể chậm lại ít nhất là 1 năm. Các dấu mốc này được coi là những kinh nghiệm quý báu kết tinh từ sự trải nghiệm sâu sát với thực tế, mạnh mẽ trong tư duy và đặc biệt thể hiện tính quyết đoán, quyết liệt kịp thời trong quá trình thực hiện dự án”, vị lãnh đạo của PV Power RE tâm sự.

Về giải pháp kỹ thuật thì đây là mô hình nhà máy phong điện chưa từng có trên thế giới nên “việc thiết kế lắp đặt vận hành một hệ thống hỗn hợp gió/diesel có tổng công suất gió gấp hai lần tổng công suất diesel” là vấn đề ngay cả các nước trên thế giới như Đan Mạch, Đức, Hà Lan... có kinh nghiệm về vấn đề này cũng thừa nhận là cực kỳ khó khăn, phức tạp. Và có thể nó sẽ không cho được kết quả tối ưu trong quá trình khai thác, vận hành, nếu không đầu tư thêm một số hệ thống đồng hành khác.

Vấn đề thời tiết phức tạp cũng là một trong những yếu tố khiến cho công trình hoàn toàn bị động trong hơn một năm kể từ khi khởi công (26/11/2010) đến thời điểm vận chuyển và lắp đặt công trình và đến khi phát điện thử tổ máy đầu tiên 14/12/2011. Thời điểm ấy, thời tiết đảo Phú Quý chịu ảnh hưởng trực tiếp của 9 cơn bão đi qua, sóng gió thường xuyên ở cấp 6, 7, thỉnh thoảng mới có một vài ngày xuống cấp 4, 5. Vì vậy, đường găng của dự án thường xuyên bị trượt, điều này tất cả các thành viên thực hiện dự án đã cố gắng cập nhật kịp thời thông tin để điều hành dự án nhưng vẫn không thể tránh khỏi.

Để vượt qua những khó khăn, thách thức ấy, với vai trò thực hiện dự án, PV Power RE đã dốc toàn tâm toàn lực. Cho đến bây giờ, khi nhà máy đã hoàn thành, PV Power RE đã luôn ghi nhận sự quan tâm chỉ đạo rất kịp thời của PVN, PV Power, sự hỗ trợ của lãnh đạo và các ban, nghành địa phương và coi đó là yếu tố quyết định của thành công dự án.

Phát huy hiệu suất

Trong công tác vận hành Nhà máy Phong điện Phú Quý hiện nay thì điều mà chủ đầu tư PV Power RE đang còn nhiều băn khoăn, trăn trở là làm sao ngoài tính an toàn còn phải đảm bảo tính ổn định và hiệu quả. Có như vậy dự án mới có khả năng thu hồi vốn và công ty mới tiếp tục xây dựng và phát triển đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo một cách bền vững, phù hợp với chiến lược PV Power RE từ nay đến giai đoạn 2015-2020.

Hiện nay cả 3 tổ máy của Nhà máy Phong điện đều hoạt động tốt ở chế độ tải khiêm tốn 40-50% công suất. Điều mà PV Power RE mong muốn là phải tăng tỷ lệ gió/diesel đến 70/30 và dần dần sẽ đạt 90/10, khi đó mới có thể phát huy hết tiềm năng của gió và hiệu quả của Nhà máy Phong điện Phú Quý.

Công trình Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý mang ý nghĩa rất lớn trong vấn đề “an sinh xã hội, an ninh quốc phòng” cho huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc

Theo nhận định của các chuyên gia năng lượng, thông thường trên thế giới cũng có một số dự án hỗn hợp gió - diesel tương tự nhưng tỷ lệ tổng công suất diesel thường cao hơn tổng công suất turbine gió, nhưng ở Nhà máy Phong điện Phú Quý, tổng công suất turbine gió gấp hai lần diesel, vì vậy, vận hành hệ thống hỗn hợp này rất phức tạp, đòi hỏi các vận hành viên phải rất tập trung, thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phối hợp đã phê duyệt.

Thực tế đã xuất hiện rất nhiều khó khăn do đặc thù của turbine phát điện có đầu vào là gió khiến nhà máy không chủ động được hoàn toàn mà phụ thuộc vào thiên nhiên, tỷ lệ công suất gió/diesel là 50/50 đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng của nhà máy và có những thời điểm gió cao không tận dụng tối đa công suất của các tổ máy.

Hiện nay, hệ thống điều khiển hỗn hợp gió - diesel đang được các bên theo dõi trong quá trình vận hành để có số liệu thực hiện từng bước điều chỉnh tỷ lệ gió/diesel cho phù hợp với phụ tải nhằm phát huy tối đa hiệu suất turbine gió.

“Trong chiến lược phát triển của mình, PV Power RE sẽ tiếp tục tính toán, nghiên cứu chọn giải pháp vận hành an toàn nhất, hiệu quả nhất để tiếp tục lựa chọn đầu tư những thiết bị phù hợp nhằm nâng cao sản lượng điện và rút ra bài học cho các dự án tiếp theo. Bởi vì đây là mô hình vận hành hỗn hợp gió/diesel đầu tiên trên thế giới theo tỷ lệ tổng công suất turbine gió gấp hai lần tổng công suất diesel mà chúng tôi phải mất nhiều thời gian xem xét phê duyệt tính toán, thiết kế để tiếp tục kiểm nghiệm trong quá trình vận hành”, Giám đốc Phạm Cương chia sẻ.

Tất cả vì Phú Quý

Người dân huyện đảo Phú Quý hưởng lợi như thế nào đối với công trình điện gió? Đây là câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra đối với chủ đầu tư PV Power RE khi công trình đã đi vào phát điện thương mại.

Nói về vấn đề này, Giám đốc PV Power RE Phạm Cương cho rằng: “Thật khó nói khi chúng tôi chưa phải là nhà sản xuất kinh doanh tham gia thị trường điện cạnh tranh. Việc tạo điều kiện cho nhân dân huyện đảo Phú Quý hưởng lợi khi Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý đi vào vận hành là quyết tâm, là tâm tư, nguyện vọng của lãnh đạo cấp cao cho đến nhà đầu tư như chúng tôi. Đây được xem là dự án mang tính an sinh xã hội - an ninh quốc phòng nơi huyện đảo tiền tiêu của tổ quốc và bây giờ phải hạch toán kinh doanh, cho dù rất khó khăn nhưng với vai trò đứng đầu công ty tôi vẫn luôn giữ quan điểm “kinh doanh nhằm mục đích phụng sự xã hội”.

Theo ông Phạm Cương, nói như vậy để hiểu rằng, khi nhà máy hoạt động ổn định thì chắc chắn nhân dân huyện đảo Phú Quý sẽ được hưởng lợi. Đó là thời gian có điện sẽ tăng lên từ 16 giờ/ngày như hiện nay lên đến 24/24 giờ trong thời gian tới, giá điện sẽ giảm thấp hơn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục hoạt động góp phần tăng trưởng cho huyện đảo, cải thiện được đời sống cho cộng đồng bà con trên đảo.

Trong năm 2013, ngoài sự quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao, PV Power RE còn phải cố gắng phối hợp với Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, Công ty Điện lực Bình Thuận và Điện lực Phú Quý để tăng thời lượng phát điện lên 24/24 giờ. Đây là mục tiêu quan trọng mà PVN và PV Power giao cho PV Power RE.

Trong thời gian tới, Nhà máy Phong điện Phú Quý sẽ tiếp tục nghiên cứu tăng tỷ lệ phát điện gió/diesel từ 50/50 lên 70/50 nhằm phát huy tối đa hiệu quả của năng lượng gió để giảm giá điện, góp phần hỗ trợ cho một số doanh nghiệp chế biến hải sản, làm nước đá (vốn đã từng ngưng sản xuất bấy lâu nay do giá điện cao) sẽ sớm trở lại hoạt động sản xuất. Và một điều chắc chắn rằng, với vị trí chiến lược là huyện đảo tiền tiêu của tổ quốc như huyện đảo Phú Quý thì chính sách phát triển năng lượng tái tạo sẽ góp phần vào việc cải thiện cuộc sống cho nhân dân huyện đảo và giữ vững chủ quyền lãnh thổ của đất nước lại càng cấp bách hơn bao giờ hết!

Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý có tổng vốn đầu tư là 335 tỉ đồng do PV Power RE làm chủ đầu tư, nhà thầu cung cấp thiết bị là Hãng Vestas (Đan Mạch), nhà thầu thi công chính là Công ty Cổ phần Công nghệ Amec. Công ty CP Dịch vụ Cơ khí Hàng hải (PTSC M&C) là nhà thầu lắp đặt chính. Nhà máy được xây dựng tại 2 xã Long Hải và Ngũ Phụng trên huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), với lượng điện sản xuất bình quân hàng năm khoảng 25,4 triệu kWh.

Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý có công suất 6MW, bao gồm 3 trụ turbine, chiều cao của mỗi trụ tháp turbine là 60m, gồm 3 cánh quạt, mỗi cánh dài 37m để hứng gió, đường kính khi quạt quay là 75m.         


Thế Vinh

DMCA.com Protection Status