35 năm lộ trình dầu khí vào Nam

15:46 | 25/04/2011

2,000 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Cùng với sự giúp đỡ của Liên Xô về vốn, trang thiết bị và đội ngũ kỹ thuật lành nghề, Dầu khí của ta đã tiến vào Nam bắt đầu từ năm 1975.

Lê Quang Trung – Nguyên Phó tổng giám đốc XNLD Vietsovpetro

Hoạt động dầu khí ở Việt Nam bắt đầu  từ những năm 60 của thế kỷ XX. Với sự giúp đỡ của Liên Xô về vốn, trang thiết bị và đội ngũ kỹ thuật lành nghề, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí. Chúng ta đã tiến hành khảo sát, đánh giá, phân vùng triển vọng dầu khí ở miền Bắc Việt Nam; đồng thời tập trung lực lượng, trang thiết bị để tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở hai vùng được coi là có triển vọng nhất: vùng trũng Hà Nội và vùng trũng An Châu. Tuy nhiên, cho đến khi giải phóng miền Nam (1975), mặc dù chúng ta đã thực hiện một khối lượng lớn công tác địa, vật lý (điện, trọng lực, địa chấn); khoan thăm dò, có giếng khoan sâu đến 5.000m, nhưng chưa phát hiện mỏ dầu khí nào có giá trị công nghiệp.

Trên cơ sở theo dõi thông tin về tình hình hoạt động dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam, ngay sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giao cho Tổng cục Địa chất tổ chức một đoàn cán bộ của Liên đoàn Địa chất 36 cũ do anh Nguyễn Ngọc Sớm – Đoàn trưởng 36B dẫn đầu cùng 11 anh em trong đó có các anh ở Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, Tổng cục Hóa chất… chia làm hai nhóm khẩn trương lên đường vào Sài Gòn tiếp quản và đánh giá tình hình hoạt động dầu khí ở phía Nam Việt Nam. Nhóm thứ nhất có 5 người, gồm các anh Trần Ngọc Toản, Nguyễn Đông Hải, Nguyễn Mạc, Lê Quang Trung, Vũ Trọng Đức đi bằng máy bay, nhóm thứ hai gồm anh Nguyễn Ngọc Sớm và các anh còn lại đi bằng xe ôtô từ Hà Nội vào Sài Gòn.

Ông Lê Quang Trung.

Khoảng 9 giờ ngày 5-5-1975 với bộ trang phục của anh bộ đội Cụ Hồ, mũ tai bèo, đôi giày vải, mang theo ruột tượng gạo, mì chính, muối… nhóm đi bằng máy bay  chúng tôi có mặt tại Sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Chuyến bay đầu tiên đưa chúng tôi vào sân bay Tân Sơn Nhất, được biết trong chuyến bay này có đồng chí Thiếu tướng Hoàng Phương Chính ủy Phòng không – Không quân chuyển pháo hoa vào để chuẩn bị đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào làm lễ ăn mừng chiến thắng. Ngày 15-5-1975. Khi máy bay hạ độ cao để xuống Sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn xuống dưới khu vực sân bay như một chiến trường, đường vào sân bay còn đầy rẫy các loại xe ngổn ngang. Khi hỏi ra mới biết xe này là của sĩ quan binh lính và những người làm việc trong bộ máy chính quyền Sài Gòn và các tổ chức của Mỹ bỏ lại để chen nhau lên máy bay di tản ra các tàu chiến của Mỹ ngoài biển khơi. Vì nhóm đi bằng ôtô xuất phát chậm hơn, nên mãi tới ngày 12-5-1975 mới tới Sài Gòn, nhóm chúng tôi phải chờ ở Sân bay Tân Sơn Nhất, vì còn phải chờ giấy phép của Ban Quân quản TP mới đến được địa điểm tiếp quản tài liệu dầu khí.

Hàng ngày chúng tôi đi lại, sinh hoạt, ăn uống cùng các anh bộ đội đã vào trước tiếp quản sân bay. Khi nhóm thứ hai vào tới Sài Gòn và có giấy phép của Ban quân quản do Tướng Trần Văn Trà ký, chúng tôi được chuyển đến khách sạn Continential và đến nhà số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm để tiếp thu tài liệu dầu khí của Tổng cục Dầu hỏa và Khoáng sản. Tại đây đã có nhóm quân quản địa chất do anh Nguyễn Chánh dẫn đầu vào tiếp quản và có một số cán bộ kỹ thuật, công chức của Tổng cục Dầu hỏa và Khoáng sản thuộc chính quyền Sài Gòn còn ở lại quản lý tài liệu, tài sản của Tổng cục này. Tất cả các tài liệu dầu khí được giao lại cho đoàn chúng tôi. Công việc phân loại, nghiên cứu tài liệu cũng được bắt đầu. Sau 3 tháng phân tích, tổng hợp đánh giá các tài liệu có được, cùng mẫu dầu thô Công ty Mobil đã lấy từ giếng khoan Bạch Hổ I-X lô-09 thềm lục địa Nam Việt Nam. Đoàn chúng tôi đã làm báo cáo trình Tổng cục Địa chất và Chính phủ, xác nhận thềm lục địa Nam Việt Nam đã được phát hiện dầu mỏ và khí đốt. Trên cơ sở báo cáo đó, ngày 9-8-1975, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 244NQ/TW về việc triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong cả nước và ngày 3-9-1975, Chính phủ ra Nghị định thành lập Tổng cục Dầu khí.

Ngày 6-11-1975, Công ty Dầu Khí Nam Việt Nam thuộc Tổng cục Dầu Khí ra đời để làm nhiệm vụ tổ chức công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở miền Nam Việt Nam. Một lực lượng cán bộ, công nhân viên, phần lớn từ miền Bắc (Liên đoàn 36 cũ, Tổng cục Hóa và các cơ quan khác) vào làm việc ở Công ty Dầu khí Nam Việt Nam, do các anh Lê Văn Cự, Nguyễn Ngọc Sớm, Trương Thiên lãnh đạo có trụ sở tại 27-28 bến Bạch Đằng (sau chuyển sang Sứ quán Mỹ cũ) thành phố Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh). Trực thuộc công ty có Đoàn Dầu khí 21 do anh Lê Quang Trung  làm Đoàn trưởng đóng tại Vũng Tàu và Đoàn Dầu khí 22 do anh Trương Minh làm Đoàn trưởng đóng tại Vĩnh Long; làm nhiệm vụ khảo sát địa chất, địa vật lý trên đất liền vùng miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Từ tháng 8-1978, Đoàn Dầu khí 22 tách khỏi Công ty Dầu khí Nam Việt Nam thành Đoàn Dầu khí đồng bằng sông Cửu Long để làm nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò dầu khí ở vùng đất liền Đồng bằng sông Cửu Long (thuộc bồn trũng Cửu Long).

Trên cơ sở tài liệu thu được của Đoàn 21 và Đoàn 22, Đoàn Dầu khí Đồng bằng sông Cửu Long đã khoan 2 giếng khoan tại Cà Cối và Phụng Hiệp nhưng không phát hiện dầu khí, nên sau đó Đoàn Dầu khí đồng bằng sông Cửu Long đã ngưng hoạt động, phần lớn cán bộ ở đoàn này chuyển về các đơn vị dầu khí ở Vũng Tàu. Phần còn lại của Công ty Dầu khí Nam Việt Nam bao gồm bộ phận ở TP HCM và Đoàn Dầu khí 21 Vũng Tàu đổi tên thành Công ty Dầu khí II, do anh Nguyễn Ngọc Sớm làm Giám đốc, các anh Trương Thiên, Hồ Tế, Nguyễn Đông Hải, Trần Thanh, Ngô Thường San, Lê Quang Trung làm Phó giám đốc, có trụ sở tại Vũng Tàu để làm nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam.

Từ năm 1978 đến 1980, Tổng cục Dầu khí Việt Nam đã ký hợp đồng với 3 Công ty dầu khí nước ngoài là BowValley Canada (lô 28,29); Agzip Italia (lô 04,12); Deminex Cộng hòa Liên bang Đức (lô 15); các công ty đã khoan 12 giếng khoan trên các lô, trong đó có một số giếng gặp dầu và khí, nhưng chưa đánh giá được đầy đủ tiềm năng dầu, khí thì đến cuối năm 1980 tất cả các công ty này kết thúc hoạt động ở thềm lục địa Nam Việt Nam.

Lễ khởi công giếng khoan Cửu Long I-X

Để chuẩn bị cho hoạt động của giai đoạn 1978-1980, Công ty Dầu khí II cũng đã xây dựng căn cứ dịch vụ gồm các kho bãi chứa hàng và cầu cảng để tiếp nhận hàng hóa theo đường biển phục vụ hoạt động dầu khí ngoài khơi tại khu Tiền Cảng, giai đoạn này (chỉ 3 năm) tuy chưa đưa được mỏ dầu khí nào vào khai thác, nhưng những tài liệu địa vật lý, địa chất thu được giúp rất nhiều cho công tác tìm kiếm, thăm dò các mỏ dầu khí sau này ở thềm lục địa phía Nam.

Đất nước cần có dầu, khí để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân, sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, phải phấn đấu tìm cho được những mỏ dầu khí có giá trị công nghiệp và sớm đưa vào khai thác, đó là  một trong những yêu cầu  cấp bách của đất nước.

Ngày 3-7-1980, Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam – Liên Xô về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam, được đại diện hai Chính phủ ký tại thủ đô Mátxcơva – Liên Xô cũ. Trên cơ sở Hiệp định này, ngày 9-6-1981, tại Mátxcơva đại diện hai Chính phủ Việt Nam – Liên Xô tiến hành ký Hiệp định về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt – Xô (Vietsovpetro). Đến ngày 19-11-1981, Xí nghiệp Liên doanh (XNLD) Dầu khí Việt – Xô (nay là XNLD “Vietsovpetro”) ra đời làm nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở 7 lô thuộc thềm lục địa Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 12 trở vào trên các bồn trũng Cửu Long và Nam Côn Sơn. Đây có thể coi là giai đoạn mang tính bước ngoặt lớn của lộ trình dầu khí vào Nam.

Giàn cố định số 1 (MSP-1) khai thác dòng dầu đầu tiên trên mỏ Bạch Hổ, 26-6-1986.

Chưa đầy 3 năm kể từ khi thành lập (1981-1984) giếng khoan đầu tiên BH-5, đã phát hiện dòng dầu có giá trị công nghiệp tại mỏ Bạch Hổ, và tròn 2 năm (1986) tấn dầu thô đầu tiên được khai thác lên từ mỏ này, đây cũng là tấn dầu đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên từ trước đến nay (kể cả trước giải phóng miền Nam) công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu chỉ giới hạn trong tầng Mioxen, một tầng dầu sản lượng không cao. Qua nghiên cứu tình hình địa chất đã thu được, tập thể cán bộ khoa học kỹ thuật Việt – Nga trong XNLD dưới sự chủ trì của Phó tổng giám đốc Địa chất Ngô Thường San  đã quyết định khoan sâu hơn với hy vọng tìm ra các tầng dầu mới và điều đó thực tế đã chứng minh – Ngày 11-5-1987, dòng dầu công nghiệp ở tầng móng mỏ Bạch Hổ tại giếng khoan BH6  đã được phát hiện với sản lượng 1.000 tấn/ngày.

Ngày 6-9-1988, tại giàn khoan số 1 (MSP1) đã khai thác tấn dầu đầu tiên từ tầng đá  móng granite nứt nẻ mỏ Bạch Hổ, đây có thể coi là bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với ngành Dầu khí Việt Nam, nó không những làm thay đổi hẳn nhận thức về tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam (trước hết ở bồn trũng Cửu Long); nâng cao nhanh chóng sản lượng khai thác, thu hút các công ty dầu khí nước ngoài trở lại thềm lục địa Nam Việt Nam, nhờ đó đến nay ngoài các mỏ dầu khí XNLD Vietsovpetro tìm được và đưa vào khai thác, đã có nhiều công ty phát hiện các mỏ mới và một số mỏ đã được đưa vào khai thác trong những năm gần đây, góp phần đưa sản lượng dầu khí Việt Nam đến nay trên 24 triệu tấn/năm và tính đến năm 2010 tại thềm lục địa Nam Việt Nam đã khai thác trên 250 triệu tấn dầu trong đó XNLD Vietsovpetro khai thác trên 190 triệu tấn, đưa trên 22 tỉ m3 khí vào bờ, đem lại nguồn thu ngân sách  cho nhà nước hàng chục tỉ USD, một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của cả nước trong những năm qua và trong tương lai.

Công nhân khoan, những người trực tiếp phát hiện vỉa dầu quan trọng tại mỏ Bạch Hổ, ngày 11-5-1987

Bước ngoặt lớn này của lộ trình dầu khí vào Nam đã đạt được cùng một lúc 4 mục tiêu mà Đảng và Chính phủ giao cho ngành dầu khí:

1- Phải nhanh chóng tìm ra dầu khí để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước: Hơn 20 năm trước, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu dầu thô,  sản lượng xuất khẩu ngày càng tăng đã trở thành nước sản xuất dầu khí đứng thứ 3 ở Đông Nam Á, góp phần rất quan trọng để ổn định và phát triển kinh tế đất nước trong nhiều năm qua.

2- Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động dầu khí ngoài khơi: căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ của Vietsovpetro, của Công ty Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí (PTSC)… có thể đảm nhận hầu hết các hoạt động dầu khí tại thềm lục địa Nam Việt Nam, một phần dịch vụ ra ngoài phạm vi Việt Nam, để có được cơ sở này, ngoài lực lượng dầu khí còn có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ binh đoàn 318 Quân đội Nhân dân Việt Nam, hàng ngàn cán bộ công nhân Liên hiệp Giao thông 6 và các lực lượng khác tham gia.

3- Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ và công nhân lành nghề: từ chỗ chỉ có từ 300 đến 400 người Việt Nam, ngày nay ở Vietsovpetro đã có trên 6.000 người, nếu tính cả ngành dầu khí từ trên 1.000 người khi mới thành lập đến nay đã có đội ngũ trên 2 vạn người. Đội ngũ này đã từng bước vươn lên làm chủ hầu hết các mặt hoạt động của ngành Dầu khí.

Đây là thành công lớn trong xây dựng lực lượng của Vietsovpetro và của ngành Dầu khí Việt Nam.

4- Phát triển dịch vụ dầu khí trong nước: Nếu những năm đầu dịch vụ dầu khí chủ yếu là từ nước ngoài như Liên Xô (Liên bang Nga), Singapore…thì nay hàng loạt các ngành dịch vụ trong nước ra đời và phát triển như dịch vụ sửa chữa tàu thuyền (Ba Son, Phà Rừng, Sông Cấm, Bạch Đằng, Huyndai Vinashin, Vũng Tàu Shipzia…), dịch vụ bay giàn khoan, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tàu thuyền, dịch vụ khoan, dịch vụ cơ khí… thu lại hàng trăm triệu USD cho doanh nghiệp và cho Nhà nước

“35 năm lộ trình dầu khí vào Nam”, ngành Dầu khí Việt Nam đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước với cơ sở vật chất kỹ thuật đồ sộ ở Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM, Hải Phòng và các nơi khác; không chỉ góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà ngày nay đã trở thành Tập đoàn Dầu khí mạnh, đa ngành, đa chức năng, đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

{lang: 'vi'}

L.Q.T

DMCA.com Protection Status