An toàn và sạch là trên hết

10:40 | 15/09/2016

610 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Là một trong các đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong 35 năm hình thành và phát triển, Vietsovpetro luôn tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về công tác an toàn - sức khỏe - môi trường (ATSKMT). Bất cứ ai từ công nhân, kỹ sư hay lãnh đạo cấp cao đặt chân lên giàn khoan, dù là lần đầu tiên hay bao lần đi nữa cũng phải dành 15 phút để nghe một bài thuyết trình về công tác an toàn, môi trường, được cán bộ an toàn hướng dẫn cặn kẽ để khi di chuyển trên giàn an toàn nhất. Đó là một trong những quy định bất di bất dịch đối với công tác an toàn trên các công trình biển trong ngành Dầu khí nói chung cũng như ở Vietsovpetro.

Những quy định nghiêm ngặt

Có dịp ra công tác tại các công trình biển của Vietsovpetro (giàn Công nghệ trung tâm số 2, giàn Công nghệ trung tâm số 3 và Trạm rót dầu không bến Vietsovpetro-01) tôi hiểu rõ hơn những quy định rất nghiêm ngặt về công tác AT-SK-MT tại Vietsovpetro.

Trước ngày bay ra giàn, chúng tôi đến Trung tâm An toàn và Bảo vệ môi trường (TTAT&BVMT) để được hướng dẫn ban đầu về công trình biển mình sẽ thăm. Khi tới nơi, lại được đại diện công trình giới thiệu cụ thể và chi tiết về hoạt động trên công trình cũng như nội quy sinh hoạt và các quy định an toàn cho khách tham quan. Một điều mà tôi và bạn đồng nghiệp không bao giờ quên là mỗi khi đi ra khỏi khu vực nhà ở, bắt buộc phải có đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, nếu không muốn gặp rắc rối với bộ phận an toàn trên công trình.

Dù là lần đầu ra các công trình biển hay sau này có nhiều chuyến công tác khác khi ra giàn khoan cũng phải học lại từ đầu các quy định về công tác an toàn kể từ khi bước lên máy bay cho đến khi hạ cánh trên giàn. Trước khi lên máy bay ra công trình biển thì xem phim hướng dẫn an toàn bay tại sân bay Vũng Tàu, trong đó đặc biệt lưu ý cách thoát hiểm khi có tai nạn, sự cố bất ngờ đối với máy bay. Khi bay từ công trình biển về bờ cũng phải xem lại phim hướng dẫn an toàn bay này. Vừa đặt chân lên công trình biển được cán bộ an toàn hướng dẫn để tuân thủ công tác an toàn trên công trình. Quy định an toàn trên công trình biển rất khắc khe, nhất là đối với những người đi công tác hoặc thăm quan. Chỉ cần bước ra khỏi khu vực nhà ở là phải đầy đủ trang thiết bị an toàn: nào là đồ bảo hộ, mũ bảo hộ, giày bảo hộ, găng tay, kính…

an toan va sach la tren het
TTAT và BVMT Vietsovpetro huấn luyện sử dụng bè cứu sinh

Sau này khi có dịp trò chuyện với những người làm công tác AT-SK-MT tại Vietsovpetro, tôi càng hiểu rõ hơn những quy định nghiêm ngặt của Vietsovpetro về công tác này. AT-SK-MT có mối quan hệ mật thiết, bởi thực hiện công tác an toàn hiệu quả thì không có sự cố, không gây nguy hại sức khỏe và dĩ nhiên cũng là bảo vệ môi trường. Trong đó, công tác an toàn là bước đầu tiên và quan trọng nhất để đảm bảo hai bước sau được thực hiện hiệu quả.

Năm 1988, Vietsovpetro thành lập TTAT&BVMT với các đội ứng cứu chuyên ngành như chống cháy, chống phun trào dầu khí và cứu tràn dầu để sẵn sàng ứng cứu các dạng sự cố có thể xảy ra trên các công trình biển. Theo ông Tạ Cao Biền, Phó giám đốc thứ nhất TTAT-BVMT Vietsovpetro, với đội ngũ cán bộ lành nghề, chuyên nghiệp, các trang thiết bị, phương tiện hiện đại cùng với việc sử dụng phần mềm chuyên dụng để dự đoán “Tính lan truyền dầu”, Vietsovpetro luôn sẵn sàng, kịp thời ứng phó hiệu quả các sự cố tràn dầu cũng như các dạng sự cố khác. Trong những năm qua, Vietsovpetro không chỉ thực hiện việc ứng cứu sự cố tràn dầu tại các công trình, mà còn có khả năng cung cấp dịch vụ cho các công ty dầu khí trong ngành và đã nhiều lần hỗ trợ về kinh phí, nhân lực, vật lực cho việc ứng cứu các vụ tràn dầu trên địa bàn tỉnh, góp phần hiệu quả vào công tác ứng cứu tràn dầu cho khu vực phía nam.

Theo thống kê từ năm 2001 đến nay, TTAT-BVMT Vietsovpetro đã tham gia ứng cứu 6 sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Vũng Tàu.

Xử lý chất thải nguy hại

Lê Đăng Tâm - Trưởng phòng AT-SK-MT bộ máy điều hành Vietsovpetro nhấn mạnh: Quản lý chất thải là lĩnh vực mà các văn bản pháp luật ngày càng có những quy định khắt khe. Từ năm 2004 đến nay, Vietsovpetro đã 3 lần đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống kho chứa chất thải như, bê tông hóa khu vực trung chuyển chất thải, xây dựng các kho chứa kín đạt tiêu chuẩn môi trường và trang bị máy ép rác cho kho trung chuyển chất thải và các công trình biển.

Theo đại diện Phòng AT-SK-MT bộ máy điều hành Vietsovpetro, việc ưu tiên thuê các nhà thầu chuyên biệt xử lý chất thải theo phương pháp tái chế, tái sử dụng không những góp phần làm lợi về mặt kinh tế cho Vietsovpetro, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bằng việc giảm thiểu lượng chất thải phải xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp. Hiện nay lượng chất thải thu hồi bằng phương pháp tái chế chiếm khoảng 14% lượng chất thải phát sinh trong sản xuất. Đại diện Phòng AT-SK-MT cho biết thêm, tới đây các phòng, ban tham mưu về bảo vệ môi trường sẽ đề xuất các phương án để có thể tăng tỷ lệ này hơn nữa...

an toan va sach la tren het
TTAT và BVMT Vietsovpetro diễn tập ứng cứu sự cố dầu khí phun

Còn toàn bộ dòng lưu thể khai thác tại các giàn nhẹ và giàn cố định được chuyển về các giàn trung tâm và các tàu chứa dầu để tách nước. Công suất xử lý trên tàu là 15.000m3/ngày và trên giàn trung tâm là 20.000m3/ngày. Nước khai thác sau khi tách dầu thương phẩm được bơm vào hệ thống xử lý nước khai thác (bao gồm các hệ thống hydrocyclon và thiết bị kiểm tra hàm lượng dầu trực tuyến (ODME), nếu hàm lượng dầu trong nước đạt <40mg/l thì sẽ được thải xuống biển, nếu không đạt thì sẽ tự động quay trở lại hệ thống xử lý, hoàn toàn đáp ứng dược quy định của QCVN 35:2010/BTNMT.

Với khí thải, theo đại diện Phòng AT-SK-MT bộ máy điều hành, hầu như toàn bộ khí đồng hành được thu gom, xử lý, nén để chuyển về bờ, phục vụ khai thác bằng gaslift và phục vụ các nhu cầu công nghệ khác trên công trình biển, chỉ còn một lượng rất nhỏ để duy trì ngọn lửa mồi của hệ thống đuốc trên các công trình này, do đó lượng khí thải phát sinh không đáng kể. Điều đó lý giải vì sao mỗi lần ra giàn khoan chỉ còn thấy các ngọn đuốc cháy liu riu.

Khi tôi hỏi về các dung dịch khoan sẽ được xử lý thế nào? Trưởng phòng AT-SK-MT bộ máy điều hành Vietsovpetro giải thích: Vì khu vực hoạt động của Vietsovpetro nằm rất xa bờ (hơn 74 hải lý) và tại Vietsovpetro chỉ sử dụng dung dịch khoan nền nước nên phù hợp với QCVN 36:2010/BTNMT thì “mùn khoan và dung dịch khoan sau khi sử dụng trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí được phép thải xuống vùng biển”. Tuy nhiên, thực tế tại Vietsovpetro trong quá trình khoan đã áp dụng các biện pháp để nâng cao hiệu suất sử dụng dung dịch khoan như sử dụng hệ thống kiểm soát chất rắn hiệu suất cao để thu hồi, tái sử dụng dung dịch khoan, giảm lượng dung dịch khoan thải vào môi trường, đồng thời loại bỏ dung dịch khoan bám dính trên mùn khoan thải khi thải vào môi trường. Hệ thống này bao gồm các sàng rung dùng để tách sơ bộ rắn lỏng và máy tách cát để loại bỏ triệt để dung dịch dính bám trên mùn khoan.

Ngoài ra Vietsovpetro đã áp dụng thành công việc tái sử dụng dung dịch khoan bằng cách vận chuyển bằng tàu dung dịch khoan đã sử dụng ở giếng khoan trước sang sử dụng ở các đoạn tương tự của giếng khoan sau. Việc này đã giảm đáng kể chi phí nước kỹ thuật, hóa chất và phụ gia cho dung dịch khoan. Song song đó là công tác bảo trì, bảo dưỡng và giám sát hệ thống xử lý mùn khoan và dung dịch khoan để giảm thiểu tràn đổ hóa chất và dung dịch xuống biển, tăng cường xoay vòng và sử dụng lại dung dịch khoan.

Để đạt được các kết quả như vậy, bên cạnh tuân thủ đúng - nghiêm ngặt các luật, quy định, thông tư về công tác AT-SK-MT thì công tác nhân sự có đóng góp không nhỏ. Vietsovpetro là nơi luôn chú trọng việc đào tạo, hướng dẫn cán bộ, công nhân viên các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy trình quản lý chất thải của Vietsovpetro định kỳ theo quý, thông qua các khóa đào tạo như nâng bậc thợ hoặc các hội thảo chuyên đề về môi trường. Hơn thế nữa, việc kiểm tra giám sát về quản lý chất thải của các công trình không chỉ được thực hiện thông qua các kỳ kiểm tra cấp 4, mà còn được thực hiện định kỳ hằng tuần tại trạm trung chuyển chất thải Xí nghiệp Dịch vụ. Đồng thời, các bộ phận chuyên môn định kỳ, hằng tháng tổ chức kiểm tra việc thực hiện hợp đồng xử lý chất thải của các nhà thầu tại nhà máy.

Vietsovpetro là đơn vị luôn chủ động trong công tác bảo vệ môi trường, điều đó được minh chứng, từ những năm đầu mới đi vào hoạt động, năm 1984 Vietsovpetro đã ban hành “Quy chế về ngăn ngừa ô nhiễm trong việc khai thác các mỏ dầu khí biển”.

Đến năm 1988, Vietsovpetro thành lập TTAT&BVMT với các đội ứng cứu chuyên ngành như chống cháy, chống phun trào dầu khí và cứu tràn dầu để sẵn sàng ứng cứu các dạng sự cố có thể xảy ra trên các công trình biển.

Thiên Thanh

Năng lượng Mới 556

DMCA.com Protection Status