APPEC - Dự trữ dầu tăng lên khi nhu cầu chậm lại, OPEC cần cắt giảm sản lượng để tăng giá

08:52 | 30/09/2022

1,049 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Reuters ngày 27/9 đưa ý kiến của giám đốc điều hành các công ty dầu khí tại Hội nghị Dầu khí châu Á - Thái Bình Dương 2022 (APPEC 2022) tại Singapore từ 26-28/9, cho biết dự trữ dầu toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trong năm tới trong bối cảnh nhu cầu suy yếu và đồng đô la Mỹ mạnh lên, OPEC sẽ phải cắt giảm sản lượng để giảm nguồn cung nếu muốn giá dầu tiếp tục được hỗ trợ.
APPEC - Dự trữ dầu tăng lên khi nhu cầu chậm lại, OPEC cần cắt giảm sản lượng để tăng giá
Một nhà máy sản xuất dầu của Công ty Idemitsu Kosan ở Ichihara, Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/via Reuters

Giá dầu tăng vượt 100 USD/thùng sau cuộc khủng hoảng Ukraine vào tháng 2. Tuy nhiên, giá đã giảm đỉnh gần 40% trong bối cảnh lo ngại rằng suy thoái kinh tế sẽ làm suy yếu nhu cầu.

Hôm thứ Hai (26/9), giá dầu thô Brent và giá dầu WTI của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng, giao dịch cuối cùng ở mức 85 USD và 78 USD, tương ứng với đồng đô la Mỹ mạnh hơn và lo ngại rằng lãi suất tăng sẽ đẩy các nền kinh tế lớn vào suy thoái và cắt giảm nhu cầu dầu.

Gary Ross, Giám đốc điều hành của Black Gold Investors LLC, cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) sẽ cần cắt giảm 1 - 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày để giữ giá dầu Brent trên 90 USD.

Những người khác nhất trí rằng các kho dự trữ sẽ giới hạn giá dầu mặc dù lo ngại giá dầu sẽ tăng lên khi các lệnh cấm vận dầu Nga của châu Âu có hiệu lực vào ngày 5/12.

Lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm dầu thô của Nga cũng có thể thắt chặt nguồn cung và đẩy giá lên cao hơn, mặc dù các nước G7 đang hy vọng giảm thiểu gián đoạn nguồn cung bằng cách thực hiện cơ chế giới hạn giá.

Bên lề hội nghị, Fereidun Fesharaki, người sáng lập và Chủ tịch Công ty tư vấn năng lượng FGE nói với Reuters rằng hàng tồn kho sẽ tăng trong năm tới khi nhu cầu chậm lại và sản lượng nhiều hơn, nhưng tất cả phụ thuộc vào việc dầu của Nga có tiếp tục chảy hay không.

Theo ông, việc khôi phục thành công thỏa thuận hạt nhân Iran cũng sẽ dẫn đến việc tích trữ hàng tồn kho "theo một quy mô lớn", điều này sẽ dẫn đến việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu và các đối tác (OPEC+) cắt giảm sản lượng. Triển vọng giá ngắn hạn của dầu liên quan đến yếu tố tâm lý, đó là tín hiệu nhu cầu dầu từ Trung Quốc và nỗi sợ hãi về tương lai. Tuy nhiên, đến ngày 5/12/2022, nếu dầu của Nga ngừng chảy, “giá dầu sẽ từ 120 USD trở lên".

Dự kiến ​​Trung Quốc sẽ đưa ra hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm dầu trị giá 15 triệu tấn trong thời gian còn lại của năm để hỗ trợ xuất khẩu đang giảm. Động thái này sẽ làm tăng thêm nguồn cung toàn cầu và làm giảm giá nhiên liệu nhưng có thể hỗ trợ nhu cầu dầu thô của Trung Quốc.

Thanh Bình