Ba Lan - “gã cơ hội” nhất trên thị trường khí đốt châu Âu

11:05 | 21/09/2020

|
(PetroTimes) - Ba Lan đang lợi dụng ý tưởng về sự đoàn kết của châu Âu để chống Nga, cho rằng Nga đang đe dọa sự độc lập năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) và gây thiệt hại kinh tế cho Đức. Trong suốt một thập kỷ qua, với sự hỗ trợ của Mỹ, quốc gia này đang tìm cách trở thành một cường quốc năng lượng mới tại Trung Âu bằng chi phí của EU.
Nord Stream 2 đã hoàn thành 97%, theo quan chức ĐứcNord Stream 2 đã hoàn thành 97%, theo quan chức Đức
Eni và BP tuyên bố phát hiện mỏ khí đốt mới ngoài khơi Ai CậpEni và BP tuyên bố phát hiện mỏ khí đốt mới ngoài khơi Ai Cập

Tài nguyên đá phiến tại Ba Lan không giống đá phiến tại Mỹ

Năm 2011, Bộ Năng lượng Mỹ đã xuất bản báo cáo đánh Ba Lan sở hữu nguồn tài nguyên dự trữ đá phiến lớn nhất châu Âu. Các chuyên gia Mỹ ước tính rằng, sản lượng đá phiến có thể thu hồi là khoảng 5.300 tỷ m3. Sau khi báo cáo trên được công bố, phía Ba Lan đã “đi theo” Mỹ để xây dựng “cuộc cách mạng đá phiến” của mình nhằm chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng từ Nga và tiến tới xuất khẩu nhiên liệu sạch sang các nước thành viên EU.

2059-dk
Nguồn dầu khí đá phiến ở Ba Lan (màu đỏ cam)

Ban đầu, nhiều chuyên gia dầu khí bày tỏ thái độ nghi ngờ việc Ba Lan sở hữu trữ lượng khí thiên nhiên khổng lồ như vậy. Năm 2012, Viện Địa chất Ba Lan đã tiến hành nghiên cứu, thăm dò khí đốt và đi đến kết luận rằng, tiềm năng khí đốt của nước này chỉ vào khoảng 400-700 tỷ m3. Bất chấp việc điều chỉnh giảm trữ lượng, một số tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới, bao gồm ExxonMobil, Chevron, ConocoPhillips, Total, Marathon Oil đã bắt đầu phát triển các mỏ khí đá phiến tại đây. Dù vậy, các dự án đá phiến tại Ba Lan cuối cùng lâm vào cảnh thất bại. Sau khi khoan hàng chục giếng và tiêu tốn hàng tỷ USD, các tập đoàn dầu khí phương Tây đã phải bán dần tài sản khí đốt tại Ba Lan và rút khỏi thị trường này.

Theo thống kê tình hình năng lượng thế giới của BP năm 2019, trữ lượng khí thiên nhiên đã được chứng minh tại Ba lan chỉ khoảng 100 tỷ m3. Năm 2019 ghi nhận sản lượng khai thác khí đốt của nước này đạt 4 tỷ m3, thấp hơn 500 triệu m3 so với năm 2011 (thời điểm bùng nổ sản xuất đá phiến). Trong thời gian gần đây, tập đoàn dầu khí nhà nước Ba Lan PGNiG hy vọng về sự hồi sinh của các dự án đá phiến. Tuy nhiên vào tháng 8/2020, lãnh đạo PGNiG Jerzy Kwiecinski thừa nhận rằng, sản xuất khí đá phiến của nước này không thể tái khởi động nếu thiếu các công nghệ cần thiết. Các công nghệ vốn giúp Mỹ dẫn đầu thế giới về sản xuất khí đốt lại chứng tỏ không hiệu quả tại Ba Lan. Ông Kwiecinski cho biết thêm, khí đá phiến tại Ba Lan không giống khí đá phiến tại Mỹ. Công nghệ khai thác khí đá phiến tại Mỹ sử dụng tại châu Âu tỏ ra không thực sự hiệu quả.

Việc khai thác khí đá phiến ở Ba Lan có thể sẽ bị trì hoãn mãi mãi ngay cả khi áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất. Vào năm 2015, trước khi các công ty dầu khí phương Tây rút khỏi Ba Lan, giới chuyên gia dầu khí đã biết đến kết quả thẩm định khoan trên các cấu trúc đá phiến ở Ba Lan. Năng suất của các giếng thẩm định là rất thấp. Sản xuất khí đá phiến không thể trang trải đủ 1/3 chi phí khoan. Mặc dù có thể nói dự án đá phiến đã thất bại nhưng chính quyền Ba Lan vẫn không từ bỏ kế hoạch trở thành cường quốc năng lượng tại EU bằng việc sử dụng tài nguyên của Mỹ.

Độc lập năng lượng bằng chi phí của EU

Chính quyền Ba Lan ban đầu không tin tưởng vào số liệu báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ nên vào năm 2011 đã bắt đầu xây dựng một cảng tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) trên bờ biển Baltic tại thành phố Swinoujscie. Chính quyền Ba Lan đã thuyết phục EU hỗ trợ tài chính cho dự án này vì cảng tiếp nhận tại Swinoujscie sẽ giúp Ba Lan chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Nhằm đảm bảo nguồn cung cho cảng PGNiG đã ký hợp đồng 20 năm với công ty Qatargas của Qatar để cung cấp 1,5 triệu tấn LNG/năm (tương đương 2 tỷ m3), bắt đầu từ năm 2014.

Quá trình xây dựng cảng LNG này đã bị hoãn lại vài lần cho đến khi chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2016. Công suất thiết kế của cảng tiếp nhận đạt 5 tỷ m3/năm, song chưa bao giờ cảng này hoạt động đủ công suất. PGNiG ban đầu đặt trước 65% công suất của cảng nhưng sau đó buộc phải đặt 100% vào năm 2018 do các công ty khác từ chối mua khí đốt ở Swinoujscie do chi phí cao so với khí đường ống của Nga.

Năm 2019 ghi nhận nguồn cung LNG cho Ba Lan đạt kỷ lục 3,42 tỷ m3, đồng thời công suất hoạt động của cảng Swinoujscie giảm xuống 69%. Ban quản lý của PGNiG giải thích việc sử dụng không hết công suất của cảng do phải thực hiện nghĩa vụ mua khí đốt của Gazprom theo hợp dài hạn, trong đó có điều khoản take-or-pay. Cũng trong năm 2019, tổng khối lượng khí đốt nhập khẩu của Ba Lan đạt 14,85 tỷ m3, cao hơn 1,32 tỷ m3 so với năm 2018. Trong số đó có 11,45 tỷ m3 đến từ nguồn cung khí đường ống (8,5 tỷ m3 từ Nga và 2,5 tỷ m3 đến từ Đức và Séc). Đáng chú ý là tất cả khối lượng khí đốt nhập khẩu từ Đức và Séc đều có nguồn gốc từ Nga. Các công ty thương mại châu Âu mua khí của Gazprom theo hợp đồng dài hạn và sau đó bán lại cho PGNiG.

Theo các nguồn tin Ba Lan, việc xây dựng cảng tiếp nhận LNG tiêu tốn 720 triệu euro. Nếu tính cả các cơ sở hạ tầng liên quan như các công trình nạo vét trong khu vực cảng, kết nối hệ thống phân phối khí hiện có, chính quyền nước này đã phải chi khoảng 1 tỷ euro. Sự độc lập về năng lượng của Ba Lan gây tốn kém cho EU. Các ngân hàng châu Âu đã cung cấp tài chính cho dự án xây dựng cảng tiếp nhận LNG ở Ba Lan và cung cấp 279 triệu euro dưới hình thức viện trợ không hoàn lại. Tổng cộng từ năm 2007 đến 2019, EU đã đầu tư hơn 2 tỷ euro vào lĩnh vực năng lượng của Ba Lan.

Trong bối cảnh giá khí đốt tại châu Âu ở mức thấp lịch sử, nhằm đẩy nhanh quá trình thay thế nguồn cung khí đốt đường ống bằng LNG, chính quyền Ba Lan đã công bố kế hoạch tăng công suất cảng LNG này lên 7,5 tỷ m3/năm và sau đó lên 8,3 tỷ m3/năm. Việc mở rộng cảng LNG Swinoujscie ước tính tiêu tốn khoảng 428 triệu euro. Ba Lan sẽ nhận được 104 triệu euro từ các tổ chức châu Âu dưới hình thức viện trợ không hoàn lại. Vào tháng 6 năm nay, PGNiG đã ký thỏa thuận với các nhà thầu để mở rộng cảng tiếp nhận LNG này. Song song với nguồn cung LNG từ Qatar, PGNiG đã ký hợp đồng dài hạn với một số công ty Mỹ từ năm 2024-2042. Sản lượng nhập khẩu LNG từ Mỹ sẽ đạt 9,3 tỷ m3/năm. Để tiếp nhận khí đốt của Mỹ, chính quyền Ba Lan cũng xem xét xây dựng một trạm tiếp nhận LNG nổi tại cảng Gdansk, công suất ban đầu là 4,5 tỷ m3/năm, song có thể tăng lên 12 tỷ m3/năm.

Khí đốt của Na Uy cho Ba Lan

2047-img-7143
Xây dựng đường ống Baltic Pipe

Tháng 5/2020, Tổng thống Ba lan Andrzej Duda tuyên bố khởi công xây dựng đường ống khí đốt Baltic Pipe từ Biển Bắc đến bờ biển Ba Lan, có công suất 10 tỷ m3/năm. Đây là dự án chung của công ty phân phối khí đốt Ba Lan Gaz System và công ty Energynet của Đan Mạch. Tổng kinh phí của dự án ước tính khoảng 1,6 tỷ euro. Để thực hiện, chính quyền Ba Lan hy vọng được EU tài trợ 267 triệu euro với quan điểm rằng, đường ống Baltic Pipe sẽ cho phép Ba Lan độc lập hoàn toàn khỏi các nguồn năng lượng từ Nga. Dự kiến Baltic Pipe sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2022 khi hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn giữa Gazprom và PGNiG kết thúc.

Nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng, khả năng cao dự án này sẽ không được hoàn thành đúng hạn và tính khả thi về kinh tế của dự án luôn bị nghi ngờ. PGNiG hiện sở hữu một vài mỏ khí đốt ngoài khơi ở Biển Bắc. Năm ngoái, sản lượng khí đốt của hãng chỉ đạt 0,5 tỷ m3 và dự kiến sẽ tăng lên 0,7 tỷ m3 vào năm 2021. Các công ty dầu khí hàng đầu đang rút dần hoạt động khỏi Biển Bắc và bán các mỏ đã cạn kiệt sản lượng cho các hãng dầu khí vừa và nhỏ như PGNiG. Phía PGNiG hy vọng có thể tăng sản xuất lên tới 2,5 tỷ m3 khí đốt tại Biển Bắc do việc mua lại các mỏ khí sau năm 2022. Do PGNiG thiếu hụt cơ sở tài nguyên nên khí đốt sẽ được mua thêm từ các công ty khai thác khí đốt khác ngoài khơi Na Uy ở Biển Bắc để đảm bảo đạt đủ công suất đường ống Baltic Pipe.

Việc vận hành hết công suất đường ống này sẽ dẫn đến suy giảm nhanh cơ sở tài nguyên và tăng giá khí đốt ở thị trường Tây Âu, song tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn cung LNG của Mỹ vào thị trường khu vực. Do đó, phía Mỹ tích cực hỗ trợ cho dự án này. Ngoài ra, phía Ba Lan hy vọng sẽ xuất khẩu khí đốt của mình cho các nước láng giềng bằng chi phí của EU. Các đường ống dẫn khí đốt đang được xây dựng tới Litva và Slovakia. Việc cung cấp khí đốt từ Ba Lan sang các nước khác sẽ chỉ khả thi nếu dự án Nord Stream 2 sẽ không bao giờ được đưa vào hoạt động.

Trả giá “đắt” để bán khí đốt

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ủng hộ việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, nhưng sau tình huống cáo buộc Nga liên quan đến việc lãnh đạo phe đối lập tại Nga Aleksei Navalny bị đầu độc, thái độ của bà đối với dự án đã thay đổi. Thủ tướng Merkel tuyên bố, tương lai của dự án sẽ do EU quyết định. Các nghị sĩ Đức trong Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Merkel ngày càng gây áp lực với Hạ viện Đức về việc đóng băng Nord Stream 2. Theo ý kiến của họ, đây là một hình phạt cho Nga về việc sử dụng chất độc đối với lãnh đạo phe đối lập.

Phía Ba Lan ngay lập tức nắm bắt cơ hội và đề nghị thay thế nguồn cung khí đốt của Nga bằng nguồn cung khí đốt thông qua Baltic Pipe, hiện vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ tài chính từ EU. Ý đồ của phía Ba Lan là muốn bán lại khí đốt của Na Uy cho các đối tác Đức và các nước thành viên EU khác. Trong một bài báo đăng trên báo Frankfurter Allgemeine Zeitung, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki kêu gọi Đức và các nước EU khác thể hiện sự đoàn kết của châu Âu và từ bỏ dự án Nord Stream 2.

Nếu Nord Stream 2 không được hoàn thành thì PGNiG sẽ có được một đòn bẩy mạnh mẽ gây áp lực lên Gazprom. Đường ống dẫn khí Yamal-Europa có công suất 33 tỷ m3/năm chạy qua Ba Lan, cung cấp khí đốt cho nước này và xa hơn là Đức. Hợp đồng quá cảnh khí đốt trên đường ống này qua lãnh thổ Ba Lan đã kết thúc vào ngày 17/5 và hiện tại Gazprom buộc phải mua hết công suất của Yamal-Europe tại các cuộc đấu giá theo quy định của châu Âu. Điều này cho phép phía Ba Lan áp đặt bất kỳ điều kiện vận chuyển nào đối với Gazprom. Hơn nữa, việc vận chuyển khí đốt của Nga có thể bị chặn hoàn toàn với bất kỳ lý do chính trị nào.

Hợp đồng cung cấp khí đốt hiện tại giữa Gazprom và PGNiG sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2020 nhưng điều này không có nghĩa là Ba Lan sẽ từ bỏ khí đốt của Nga để giành độc lập về năng lượng. Bằng cách đe dọa ngừng vận chuyển, phía Ba Lan có thể buộc Gazprom phải giảm đáng kể giá khí đốt cung cấp cho Ba Lan. PGNiG bán khí đốt giá rẻ của Nga tại thị trường nội địa và bán lại bằng đường bộ nguồn khí đốt từ Mỹ, Qatar hoặc Na Uy cho các nước láng giềng, bao gồm cả Đức.

Đức và các nước EU khác phải đối mặt với sự phụ thuộc năng lượng không chỉ vào Mỹ mà còn vào Ba Lan - quốc gia không có trữ lượng khí đốt sẽ trở thành trung tâm khí đốt lớn nhất ở Trung Âu. Tất cả đều biết rằng phía Đức và các thành viên khác của châu Âu nhận thức được hậu quả tiêu cực của việc từ bỏ Nord Stream 2. Tham vọng kinh tế và chính trị của Ba Lan đang đẩy EU đến một cuộc đối đầu gay gắt với Nga, trong đó Đức và các nước thành viên phát triển khác của EU không mặn mà. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Ba Lan theo đuổi chính sách săn mồi đến nỗi cố Thủ tướng Anh Winston Churchill gọi quốc gia này là “linh cẩu của châu Âu”. Chính sách này sẽ dẫn đến điều gì đã được nhiều người biết đến. Và bây giờ Ba Lan hiện đang hoạt động như một “gã cơ hội” nhất trên thị trường khí đốt châu Âu.

Nhận định

Theo những phân tích nêu trên có thể thấy, tham vọng về một “kỷ nguyên đá phiến” tại châu Âu của Ba Lan đã phá sản. Để “cứu vớt” ngành năng lượng của mình, kết hợp với con đường “đi theo Mỹ”, quốc gia này đang tìm cách chống Nga trên nhiều phương diện và diễn đàn để xóa bỏ vai trò nguồn cung năng lượng chính của Nga tại châu Âu và khẳng định mình như một đầu mối năng lượng mới của châu Âu dựa vào nguồn cung khí đốt từ Mỹ, Na Uy. Ý tưởng về BalticPipe có dấu vết tác giả từ Mỹ với âm mưu dùng chính sách đường ống cắt tách hẳn khu vực Đông Âu với Nga, tiếp nối đường ống này xuống phía nam và tạo ra một thị trường khí mới không có sự tham gia của Nga. Việc này sẽ hối thúc Nga hướng hẳn tới thị trường châu Á - Thái Bình Dương, mở rộng thị trường LNG và phát triển năng lượng hydro trong tương lai không xa. Về phần mình, các nước có nguồn tài nguyên đang bị co hẹp hoặc thiếu hẳn tài nguyên khí cần chú ý đến yếu tố khả năng tiếp nhận và sử dụng các nguồn năng lượng mới này phù hợp với xu thế phát triển nhu cầu năng lượng quốc gia, song song cần phát triển và khai thác triệt để nguồn năng lượng tái tạo như yếu tố cạnh tranh quốc gia.

Phạm TT