Bài học từ khủng hoảng giá năng lượng tại châu Âu

09:37 | 01/10/2021

|
(PetroTimes) - Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS, Mỹ) mới đây đã có bài viết phân tích về sự gia tăng chưa từng có giá nhiên liệu năng lượng tại thị trường EU trong vài tháng qua.
Bài học từ khủng hoảng giá năng lượng tại châu Âu

Nhiều ý kiến cho rằng, việc giá năng lượng tăng cao kỷ lục xảy ra do EU ban hành chương trình Fit for 55 vào mùa hè vừa qua. Chương trình bao gồm nhiều biện pháp nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050. Việc giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao một mặt là lý do đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Âu và mặt khác là lời cảnh báo cho sự chuyển đổi năng lượng quá nhanh. Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS, Mỹ) mới đây đã có bài viết phân tích về sự gia tăng chưa từng có giá nhiên liệu năng lượng tại thị trường EU trong vài tháng qua.

Tại sao giá tăng?

Thị trường EU ghi nhận giá tăng trên cả ba thị trường là điện, khí đốt và phát thải CO2. Những thị trường này được thúc đẩy bởi các động lực mang tính địa phương và toàn cầu, đồng thời tương tác lẫn nhau theo những cách mới. Ví dụ, giá phát thải CO2 trong thập kỷ trước ở mức dưới 10 euro/tấn và hiện tại đang được giao dịch ở mức 60 euro/tấn. Tương tự như vậy, các thị trường khí đốt khu vực đã liên kết với nhau hơn. Các cú sốc về giá trước đây thường xảy ra cục bộ thì nay đã lan tỏa ra phạm vi toàn cầu.

Bài học từ khủng hoảng giá năng lượng tại châu Âu

Biểu đồ trên cho thấy, đợt tăng giá điện gần đây bám sát đà tăng vọt của giá khí đốt. Trong những năm 2018 - 2019, giá khí đốt ít ảnh hưởng đến giá bán buôn điện. Thậm chí đến đầu năm 2021, chính giá CO2 lại thúc đẩy giá điện tăng trong khi giá khí đốt tại thời điểm đó giảm. Tuy nhiên, từ tháng 5/2021 trở lại đây, giá điện tiếp tục tăng trong khi giá CO2 tăng chậm.

Bản thân thị trường khí đốt cũng đang trải qua một số biến động. Thị trường nhiên liệu LNG ghi nhận sự tăng trưởng nguồn cung ở mức 5% (dựa trên dữ liệu của Kpler). Đây là mức tăng đáng khích lệ, nhưng vẫn thấp hơn một nửa so với mức tăng trưởng hàng năm ở mức 10% trong giai đoạn 2016 - 2019. Nguyên nhân một phần xuất phát từ sụt giảm sản lượng khí đốt của một số nhà cung cấp chính như Na Uy, sụt giảm tới 93% sản lượng trong năm nay, Trinidad giảm 37%, Nigeria giảm 19%. Các nhà sản xuất này chiếm khoảng 10% nguồn cung khí đốt toàn cầu trong năm 2020. Một nguyên nhân khác khiến nguồn cung LNG không tăng nhanh là do giá dầu sụt giảm trong giai đoạn 2014 - 2016, Thực tế cho thấy, các dự án sản xuất LNG mới phải mất từ 4-5 năm xây dựng, gây ra những khoảng trống nguồn cung và tồn tại cho đến ngày nay. Mặc khác, thế giới đã ghi nhận sụt giảm lớn đầu tư mới, vốn được cam kết trong năm 2016 và 2017 do xu hướng chuyển dịch đầu tư các dự án sản xuất dầu khí sang chuyển đổi năng lượng.

Bên cạnh các nguyên nhân về nguồn cung, thế giới cũng ghi nhận nhu cầu khí đốt tăng mạnh trong năm 2021. Nhập khẩu LNG vào Trung Quốc đã tăng 22% trong suốt tháng 8 vừa qua. Về mặt sản lượng, nhu cầu LNG của nước này đã hấp thụ tới 80% mức tăng trưởng nguồn cung LNG toàn cầu. Nói cách khác, 80% sản lượng LNG bổ sung trong năm 2021 đã được chuyển đến thị trường Trung Quốc. Trong khi nguồn cung LNG cho thị trường châu Á tăng 11% và cho thị trường châu Mỹ tăng 59% thì thị trường EU lại ghi nhận sản lượng nhập khẩu LNG giảm 20%. Thị trường châu Âu đang là lựa chọn cuối cùng của các nhà cung cấp LNG. Một năm trước đó, thị trường EU đã “thờ ơ” với nhiên liệu này, đẩy giá LNG giảm sâu. Đến nay, tình hình đã đổi chiều, châu Âu được/bị cung cấp quá ít LNG.

Thị trường khí đốt đường ống ở EU cũng gặp vấn đề tương tự. Nguồn cung khí đốt từ Nga đến châu Âu thấp hơn so với dự kiến, lượng khí đốt dự trữ trong các kho khí ngầm tại EU thấp hơn so với cùng kỳ mọi năm. Điều này làm dấy lên lo ngại về thiếu hụt khí đốt sưởi ấm trong mùa đông sắp tới. Giá khí đốt giao ngay tăng mạnh tại EU, nhưng chưa đủ để “thu hút” các chuyến hàng LNG ra khỏi thị trường châu Á hoặc Nam Mỹ. Điều này kết hợp với các yếu tố nội khối khiến giá điện tại một số thị trường riêng lẻ trong EU tăng mạnh, góp phần làm giá điện trên toàn EU tăng theo. Kết quả là sự ảnh hưởng tiêu cực đến một loạt các quốc gia EU vốn tích cực trong tiến trình chuyển đổi sang NLTT trong lĩnh vực điện. Cuộc khủng hoảng giá khí đốt đã kéo theo một cuộc khủng hoảng giá điện.

Một số bài học cho châu Âu

Tình cảnh “éo le” của thị trường nhiên liệu châu Âu hiện nay một phần là do tác động của hai quá trình chuyển dịch cơ cấu mà EU đã khuyến khích trong những năm qua. Đầu tiên là quá trình chuyển đối sang giá khí đốt neo theo giá dầu tại các trung tâm nhiên liệu. Thứ hai là quá trình tăng cường liên kết giữa các thị trường khí đốt trên thế giới do thương mại LNG ngày càng phát triển. Theo các chuyên gia của CSIS, cả hai quá trình đều tốt cho đảm bảo an ninh năng lượng. Giá khí đốt nên phản ứng theo các yếu tố cơ bản của thị trường khí đốt, không phải thị trường dầu mỏ. Hơn nữa, khả năng vận chuyển khí đốt trên phạm vi toàn cầu cho phép các quốc gia quản lý các cú sốc thị trường dễ dàng hơn.

Nhưng trong một thị trường mà giá khí đốt phản ứng với các yếu tố cơ bản trong ngắn hạn và có nhiều mối liên hệ chặt chẽ với nhau, EU phải đối mặt với những cú sốc mang tính toàn cầu nhiều hơn như: nhu cầu khí đốt tăng vọt từ Trung Quốc, hạn hán ở Brazil, sụt giảm sản xuất khí đốt ở Na Uy và Trinidad. Thị trường EU cũng gắn kết nhiều hơn với biến động sản lượng khí đốt tại Nga. Chính điều này mang lại lợi thế sức mạnh thị trường đối với Nga, bất chấp tương lai nào đối với đường ống khí đốt North Stream 2. Đây là một lý do chỉ ra rằng, tại sao những lập luận chống lại dự án này đều vô nghĩa. Tầm quan trọng của North Stream 2 đối với thị trường châu Âu là không thể bàn cãi.

Trên thị trường EU cũng đã xuất hiện những ý tưởng sai lầm trong những năm gần đây, cho rằng nguồn cung LNG của Mỹ có thể bảo vệ châu Âu chống lại ảnh hưởng của Nga. Ý tưởng này đã luôn bị nghi ngờ. Trong tình hình hiện nay, khoảng trống nguồn cung khí đốt cho EU đã rõ ràng. LNG của Mỹ cũng như các nguồn LNG khác phản ứng theo các nguyên tắc thị trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho những khách hàng sẵn sàng trả nhiều hơn so với châu Âu. Các nhà nhập khẩu EU không có biện pháp khắc phục ngay lập tức. Giới chức EU hiện đang kỳ vọng những nguồn LNG mới, có thể giữ giá khí đốt tại đây ở mức kiểm soát trong trung và dài hạn, còn trong ngắn hạn thì không.

Đây là một khó khăn lớn đối với an ninh năng lượng của châu Âu. Giới chức châu Âu đang tập trung duy nhất cho vấn đề hẹp là đối phó với sự gián đoạn đột ngột nguồn cung khí đốt. Động thái này là phù hợp sau những cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào những năm 2000. Theo logic này, giải pháp tiếp cận các nguồn khí đốt đường ống xuyên quốc gia và các nguồn LNG mới là hợp lý. Tuy nhiên, nếu giá LNG vẫn duy trì ở mức cao, chiến lược như vậy không mang lại sự an toàn. EU thực sự cần một chiến lược an ninh năng lượng mang tầm vóc toàn cầu, chứ không chỉ nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Thực tế cho thế, chỉ một chiếc lược chuyển đổi năng lượng là không đủ.

Liệu chuyển đổi năng lượng có làm giảm biến động giá năng lượng?

Không có lý do gì để kỳ vọng giá năng lượng sẽ ít biến động hơn trong một thế giới giảm phát thải carbon. Thứ nhất, nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo lộ trình Net Zero by 2050 của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), dầu thô và khí đốt vẫn cung cấp khoảng 20% năng lượng toàn cầu vào năm 2050 (chủ yếu là nguyên liệu thô, kết hợp với quá trình thu gom và lưu trữ carbon). Giá nhiên liệu hóa thạch chắc chắn sẽ còn biến động, thậm chí biến động mạnh hơn hiện nay vì nguy cơ mất cân bằng nguồn cung đang ở mức cao trong một thị trường bị siết chặt bởi tăng trưởng đầu tư yếu.

Thứ hai, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ cần nhiều mặt hàng mà giá cả có thể biến động. Một số là nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất. Do đó, sự biến động giá có thể không ảnh hưởng ngay đến người dùng cuối cùng (ví dụ như lithium, coban, niken, đồng). Nhưng một số sản phẩm khác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá năng lượng bán cho người tiêu dùng. Giá nhiên liệu sinh học có thể biến động phụ thuộc vào thị trường nông sản. Giá than cũng có thể lên hoặc xuống. Và quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ phụ thuộc vào hydro khi nhiên liệu này được lưu hành rộng rãi.

Thứ ba, giá điện thường biến động trong ngắn hạn hơn so với giá nhiên liệu do các chi phí mất cân bằng ngày càng gia tăng. Việc duy trì hệ thống truyền tải điện ổn định tốn kém nhiều chi phí. Thách thức này sẽ ngày càng gay gắt hơn khi các nguồn năng lượng gió và mặt trời tăng thị phần. Thế giới hiện có dung lượng lưu trữ khổng lồ cho nhiên liệu hóa thạch ở thể rắn, lỏng, khí, nhưng loài người sẽ mất nhiều thập kỷ để hình thành công suất lưu trữ thay thế dung lượng trên thông qua hệ thống pin điện, hydro và các công nghệ thay thế khác. Sự biến động sẽ là một thực tế của cuộc sống và sẽ là điều kiện tiên quyết cần thiết để những lựa chọn này có thể khả thi về mặt thương mại.

Thứ tư, biến đổi khí hậu sẽ gây căng thẳng cho hệ thống năng lượng và cung cấp điện năng. Trong vài năm qua, thế giới đã trải qua một số sự kiện “ác mộng” khiến các chính phủ phải rất vất vả ngăn chặn như: những cuộc tấn công khủng bố vào cơ sở hạ tầng năng lượng tại KSA và tại Mỹ thời gian qua. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt đã có những tác động tàn khốc hơn nhiều. Đây là lời nhắc nhở về sự cần thiết phải lập kế hoạch cho những sự kiện thực sự làm “rung chuyển” một hệ thống năng lượng. Sự kết hợp của một hệ thống điện năng dựa trên các nguồn năng lượng không liên tục và một môi trường nhu cầu được đặc trưng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất định sẽ tạo ra những biến động lớn trong ngắn hạn.

Cuối cùng, châu Âu phải thực tế hơn về những tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng có thể gây ra cho mình. Đây không phải là sự giải phóng khỏi “sự lộn xộn” về địa chính trị năng lượng, cũng không phải là sự cô lập với phần còn lại trên thế giới. Luôn có hy vọng rằng, một hệ thống năng lượng carbon thấp có thể tự vận hành và tránh được các cú sốc. Nhưng các hệ thống năng lượng tự cung tự cấp không có khả năng phục hồi, và chúng cần nhiều năng lực dự phòng hơn để tự mình đối phó với các cú sốc. An ninh năng lượng dễ thực hiện hơn thông qua thương mại và kết nối với nhau bằng cách cộng gộp các rủi ro. Thực tế này sẽ kết nối châu Âu với phần còn lại của thế giới. Cho dù châu Âu có tiến bộ đến mức độ trung lập với khí hậu đi chăng nữa, thì nhu cầu cân bằng hệ thống năng lượng sẽ vẫn còn với tất cả những thách thức và biến động giá cả ở phía trước.

Tiến Thắng