Big Oil có rời bỏ Iraq? Iraq cần phải làm gì để hấp dẫn đầu tư

19:32 | 21/10/2021

|
(PetroTimes) - Câu chuyện về hoạt động của ExxonMobil tại Iraq có lẽ được thị trường nhắc đến nhiều nhất.
Big Oil có rời bỏ Iraq? Iraq cần phải làm gì để hấp dẫn đầu tư

Trước đại dịch Covid-19, Exxon đã lên kế hoạch tham gia vào các dự án tăng sản lượng dầu của Iraq với tổng số vốn lên tới 53 tỷ USD. Tuy nhiên, ExxonMobil lại rao báo 37,2 % cổ phần của mình tại mỏ Tây Qurna-1 với sản lượng tiềm năng 500.000 thùng/ngày. Vào tháng 7/2021, trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Biden, Thủ tướng Iraq al-Quadimi cho biết, kế hoạch rút khỏi Iraq của ExxonMobil liên quan đến các vấn đề nội bộ của hãng, không liên quan đến tình hình chính trị và tài chính ở nước này. Song giới truyền thông lại lan truyền một lý do hoàn toàn khác. Đó là việc ExxonMobil muốn khai thác dầu ở Khu tự trị Kurdistan và điều này làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa Exxon với chính quyền Iraq.

Bản thân ExxonMobil tuyên bố rằng, việc rút khỏi Iraq là một phần trong chiến lược tập trung vào các tài sản dầu khí sinh lời nhiều hơn, đặc biệt là ở châu Mỹ, trong đó có thị trường Guyana. Đầu năm 2021, S&P Global Platts trích dẫn nguồn tư từ ExxonMobil rằng, hãng đã ký thỏa thuận với các bên thứ ba để bán cổ phần của mình trong các mỏ dầu ở Iraq. Nhưng sau đó Bộ dầu mỏ Iraq thông báo rằng, chính các nhà chức trách nước này muốn tổ chức thương vụ mua bán trên và đang đàm phán với một số công ty năng lượng Mỹ. Về vấn đề này, ExxonMobil đã phải chuẩn bị một vụ kiện trọng tài chống lại công ty nhà nước Basra Oil của Iraq.

Vấn đề khác cũng được giới truyền thông thảo luận gần đây là khả năng ngừng hoạt động tại Iraq của Tập đoàn dầu khí BP, công ty sở hữu 38% mỏ dầu lớn nhất Iraq là Rumaila, với sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày (2020). Bộ trường dầu mỏ Iraq Ihsan Abdel Jabbar cho biết, phía BP lo ngại môi trường kinh doanh ở nước này không phù hợp để giữ chân các nhà đầu tư lớn. Đúng như nhận định, BP sau đó thông báo sẽ tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của mình ở Iraq. Cùng với CNPC (Trung Quốc), BP sẽ thành lập công ty Basra Energy để quản lý mỏ Rumaila cùng với công ty nhà nước Basra Oil. Quyết định này cho phép các đối tác tiếp tục đầu tư vào mỏ Rumaila trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng đến năm 2034, đồng thời BP sẽ có thể thực hiện bước đi rút tiếp theo khỏi hoạt động sản xuất dầu như một phần của chiến lược khử carbon của mình.

Tuy nhiên, bất chấp hàng loạt các vấn đề với các majors, vẫn có nhiều công ty sẵn sàng hoạt động tại Iraq. TotalEnergies không phải là công ty quốc tế duy nhất công bố các dự án mới ở nước này thời gian gần đây. Gần đây nhất, công ty SEAB (Thụy Điển) và công ty Limak (Thổ Nhĩ Kỳ) đã ký thỏa thuận với công ty nhà nước North Refineries (Iraq) để xây dựng một nhà máy lọc dầu có công suất thiết kế 700.000 thùng/ngày ở miền bắc Iraq. Trước đó, North Refineries cũng đã ký thỏa thuận với tập đoàn CNCEC (Trung Quốc) để xây dựng khu liên hợp hóa dầu quy mô lớn ở miền nam đất nước.

Ngoài ra, cũng có những nhà đầu tư muốn cho chính quyền Iraq vay những khoản tín dụng lớn. Vào tháng 8 vừa qua, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên sau 15 năm tới Iraq, Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, Nhật Bản sẵn sàng cung cấp cho Iraq khoản tín dụng 300 triệu USD để nước này phát triển công nghiệp lọc dầu.

Các chuyên gia của Argus nhận định, Bộ dầu mỏ Iraq đang phải đối mặt với yêu cầu thường xuyên của các nhà lập pháp về việc sửa đổi hợp đồng với các công ty dầu mỏ nước ngoài để cải thiện điều kiện làm việc của các công ty nước ngoài. Cho đến nay, Bộ dầu mỏ nước này vẫn tỏ thái độ phớt lờ các yêu cầu này, nhưng áp lực từ quốc hội có thể trở thành yếu tố mang tính nguyên tắc hơn. Yêu cầu này cũng sẽ áp dụng cho các điều khoản của hợp đồng với TotalEnergies. Sự thành công của thỏa thuận phần lớn phụ thuộc vào những điều kiện này, cũng như khả năng tuân thủ các điều khoản của chính quyền Iraq.

Để đạt mục tiêu tự cung tự cấp năng lượng thông qua các siêu dự án mới, một số chuyên gia phân tích của Argus cho rằng, Iraq sẽ cần từ 3-4 năm để có một nhà điều hành hoạt động đầy đủ, một vị trí tài chính tốt và các điều kiện thị trường phù hợp, không bị gián đoạn. Nhưng trong khi các dự án này được tiến hành, nhu cầu về năng lượng không ngừng tăng lên. Do đó, Iraq cần phải cải cách biểu giá điện, loại bỏ các khoản trợ cấp về nhiên liệu, dầu thô và khí đốt (điều khiến nước này tiêu tốn ít nhất 12 tỷ USD mỗi năm). Để đạt mục tiêu này, đòi hỏi sự hậu thuẫn chính trị từ quốc hội để tránh xảy ra tình trạng bất ổn xã hội, vốn đã xuất hiện thường xuyên trong thời gian mất điện mùa hè.

Bất chấp tất cả các rủi ro, Iraq vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với công ty dầu khí, năng lượng lớn. Vào giữa năm nay. Iraq đã bù đắp gần như toàn bộ sản lượng đã mất của năm 2020. Sản lượng trong tháng 8 vừa qua đã đạt 4,8 triệu thùng/ngày. Bộ dầu mỏ Iraq có kế hoạch tăng sản lượng lên đến 8 triệu thùng/ngày đến năm 2027. Đối với quốc gia có vấn đề về tài chính, đây là mục tiêu đầy tham vọng và có phần lạc quan. Trong trường hợp không có sự hỗ trợ đầu tư từ nước ngoài, Iraq khó có thể thực hiện được tham vọng nêu trên. Theo Argus nhận định, Iraq khó có khả năng đối mặt với một kịch bản giống như Afghanistan.

Tuy nhiên, sự thành công của chính quyền Iraq trong việc thu hút vốn cần thiết cho ngành dầu mỏ sẽ phụ thuộc phần lớn vào tính bền vững của chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và cách giải quyết các vấn đề hiện tại của các nền kinh tế lớn. Các chuyên gia của Argus lưu ý, những khó khăn và sự chậm trễ của ExxonMobil phải đối mặt khi rời Iraq có thể tác động lâu dầu đối với lĩnh vực thượng nguồn của đất nước này, đồng thời không khuyến khích các công ty dầu khí nước ngoài khác đầu tư vào các dự án mới hoặc khiến họ phải vạch ra đầy đủ các chiến lược rút lui để dự phòng. Các công ty dầu khí nước ngoài từ lâu đã không hài lòng với việc chính quyền Iraq không tuân thủ các hợp đồng, khiến tỷ suất lợi nhuận vốn đã thấp lại không có lợi về mặt kinh tế.

Tiến Thắng