Cần tái cấu trúc ngành khai thác, chế biến khoáng sản

17:00 | 17/07/2018

882 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bộ Công Thương cho rằng cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản theo hướng tái cấu trúc để đạt hiệu quả cao hơn.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm, hầu hết các đơn vị trong ngành khai khoáng đều hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, tạo đà tốt cho việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng trưởng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp khai khoáng giảm 1,3% do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,7%.

can tai cau truc nganh khai thac che bien khoang san
TKV đang từng bước hiện đại hóa khai thác than, khoáng sản.

Nhưng, xét trên bối cảnh tổng thể, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản những năm vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả đầu tư thấp, sản xuất, kinh doanh giảm sút, sản lượng khai thác chỉ đạt 40 - 50%, thậm chí chỉ đạt 20% như quặng titan, đá trắng...

Giá dầu thô giảm kéo theo giá quặng và kim loại thấp, nhiều dự án chế biến sâu khoáng sản theo quy hoạch không được đầu tư, sản xuất cầm chừng, hoặc xin trả lại mỏ như: Tập đoàn Hòa Phát trả lại 2 mỏ quặng sắt Tùng Bá và Cao Vinh - Khuôn Làng; Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc tạm dừng sản xuất 1 năm...

Hầu hết các mỏ quặng titan đang tạm dừng sản xuất; các mỏ đá hoa trắng tại Nghệ An, Yên Bái chỉ khai thác được khoảng 20% công suất thiết kế. Đối với quặng sắt, trừ một số mỏ thuộc các doanh nghiệp nhà nước khai thác nhưng sản lượng thấp, phần lớn cũng đang tạm dừng. Gần đây, Thủ tướng đã cho phép Bộ Công Thương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách cho xuất khẩu khoáng sản tồn kho, nhưng lượng tồn cũ chưa hết thì tồn kho mới lại phát sinh.

Nguyên nhân hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản gặp khó khăn do điều kiện khai thác các mỏ ngày càng sâu và xa hơn, nhất là khai thác than làm tăng cung độ vận chuyển, tăng hệ số bóc đất đá đối với các mỏ lộ thiên hoặc gia tăng áp lực khí, nước… với các mỏ hầm lò làm tăng chi phí sản xuất. Năng lực các doanh nghiệp còn hạn chế, công nghệ lạc hậu, tổn thất, lãng phí tài nguyên cao, năng suất lao động thấp và gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, các loại thuế, phí liên tục tăng dẫn đến giá thành sản xuất lĩnh vực khai khoáng tăng, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Một số vấn đề quản lý tầm vĩ mô cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của ngành khai khoáng như việc cấp phép khai thác quá nhiều so với thực tế, lượng cung đã vượt xa cầu, quy hoạch khai thác khoáng sản chất lượng không cao, dự báo còn thiếu chính xác, vi phạm pháp luật trong khai thác, chế biến khoáng sản còn diễn ra phổ biến, khai thác và xuất khẩu khoáng sản trái phép đang diễn phức tạp...

Để khắc phục thực trạng trên, Bộ Công Thương cho rằng, cần rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng tái cấu trúc các dự án khai thác, chế biến khoáng sản có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu thành các dự án khai thác, chế biến có quy mô đủ lớn, gắn liền với nguồn nguyên liệu và công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên, đảm bảo môi trường.

Đặc biệt cần nâng cao chất lượng lập, phê duyệt quy hoạch các dự án khoáng sản; hạn chế cấp phép thăm dò, khai thác; việc cấp phép dự án khoáng sản phải gắn với chế biến sâu, phù hợp nhu cầu thị trường và công nghệ tiên tiến; hạn chế việc cấp phép mà không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản…

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát, báo cáo kịp thời các cấp có thẩm quyền về tình hình hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là các dự án có quy mô lớn. Từ thực tế ngành khai khoáng, Bộ Công Thương sẽ đề xuất Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật quản lý sản xuất, chế biến, xuất khẩu khoáng sản…

Tùng Dương