Chất lượng nguồn nhân lực quyết định sự thành công

10:56 | 27/09/2013

428 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong “Chiến lược tăng tốc phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025”, Tập đoàn đã đề ra nhiều giải pháp đột phá. Bên cạnh những giải pháp đột phá về khoa học - công nghệ và công tác quản lý thì con người được xem là giải pháp “then chốt” cho sự phát triển của Tập đoàn. Vì thế, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí luôn được ưu tiên hàng đầu.

Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực và Phó tổng giám đốc Lê Minh Hồng trao Bằng khen của Tập đoàn cho 8 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2009-2012

Dầu khí là ngành công nghiệp hiện đại tập trung những con người ưu tú, được đào tạo bài bản, trí tuệ từ công nhân đến kỹ sư... Có thể nói, trong những năm qua, Trường cao đẳng Nghề Dầu khí (PVMTC) là đơn vị chủ lực trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho các đơn vị trong Tập đoàn. Tính từ khi thành lập (1975) đến nay, trường đã đào tạo hơn 120.000 lượt học viên với hơn 90 chuyên ngành đào tạo. Thời gian qua, trường rất thành công trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án (đào tạo trước tuyển dụng), đây là loại hình đào tạo đặc thù mà trường đã tiên phong thực hiện ở Việt Nam.

Kể từ năm 2010 khi hàng loạt dự án trọng điểm của ngành Dầu khí được triển khai trong lĩnh vực lọc dầu, hóa dầu, chế biến khí, vận chuyển khí, điện khí, điện than, đạm… thì lực lượng nhân sự cho các dự án đa số do PVMTC đào tạo. Theo ông Vũ Duy Hảo - Hiệu trưởng nhà trường, đây là nhiệm vụ rất khó khăn vì loại hình đào tạo này quá mới mẻ ở nước ta. Đối tượng học viên tham gia đào tạo là các kỹ sư, cử nhân, công nhân tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên cả nước. Tuy nhiên chương trình đào tạo, nội dung đào tạo thì không giống như đào tạo sau đại học hoặc đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học. Do đó việc thiết kế chương trình, nội dung và biên soạn giáo trình đào tạo tương đối phức tạp, đòi hỏi phải xây dựng mang tính đặc thù, để đạt được mục tiêu cuối cùng là vận hành và bảo dưỡng an toàn, hiệu quả các dự án. Không những thế, nhà trường phải thiết kế chương trình làm sao để tránh những kiến thức lặp lại của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp mà học viên từng học dễ gây nhàm chán và lãng phí thời gian, tốn kém chi phí của chủ đầu tư và không đảm bảo được yêu cầu đề ra.

Kết quả là từ năm 2000 đến nay, PVMTC đã thực hiện thành công công tác đào tạo cho 1.465 kỹ sư và 2.074 công nhân của 15 dự án lớn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, góp phần đưa các công trình dầu khí vào vận hành an toàn, hiệu quả đúng tiến độ yêu cầu. “Có thể khẳng định, đến nay trường có thể đảm nhận thực hiện thành công công tác đào tạo trước tuyển dụng cho các loại dự án thuộc nhóm như khoan dầu khí, lọc dầu, chế biến khí, hóa dầu, đạm, điện khí, điện than, năng lượng sinh học - tái tạo,…” - ông Vũ Duy Hảo nhấn mạnh.

Còn Đại học Dầu khí tuy mới thành lập từ cuối năm 2010, nhưng từ năm 2011 và 2012 đã hoàn thành công tác tuyển sinh 2 khóa sinh viên đại học với 270 sinh viên cho 4 chuyên ngành Địa chất dầu khí, Địa vật lý dầu khí, Khoan khai thác và Lọc hóa dầu. Toàn trường đã tổ chức đào tạo được 42 lớp với 2.923 lượt học viên.

Sinh viên Trường cao đẳng Nghề Dầu khí trong giờ thực hành trên mô hình khoan và khai thác

Trong công tác đào tạo chuyên sâu của ngành Dầu khí thì không thể không nhắc đến Viện Dầu khí Việt Nam (VPI). Với định hướng xây dựng trên 3 nền tảng gắn kết các khối chức năng nghiên cứu - đào tạo - ứng dụng. Do đó, Viện là nơi đào tạo chuyên sâu nhưng không hề xa rời thực tế. Điều này được ông Phan Ngọc Trung - Viện trưởng Viện VPI nhấn mạnh tại Hội nghị “Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực” vừa qua: “Viện ngày càng quan tâm để công tác đào tạo chuyên sâu gắn liền với nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh. Sự gắn kết này thể hiện ở chỗ, làm sao để đưa những thành tựu khoa học mới nhất vào nội dung đào tạo chuyên sâu. Đồng thời, chúng tôi phải thiết kế nội dung, chương trình dạy và học là xuất phát từ nhu cầu sản xuất kinh doanh, trong đó có mời các chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy. Vì vậy, bên cạnh việc cử cán bộ của Viện đến các cơ sở trong và ngoài nước để đào tạo, Viện còn huy động nguồn lực của Viện và trong toàn ngành để triển khai tự đào tạo bậc tiến sĩ ngành “Kỹ thuật dầu khí” cũng như trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu phục vụ nhu cầu phát triển nhân lực chung của Tập đoàn”.

Ngoài ra, Viện còn tăng cường hợp tác, liên kết, hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nước ngoài, như Cục Địa chất và Khoáng sản Đan Mạch và Grinlen (GEUS), Đại học Dầu khí Azerbaijan, Tổng Công ty Dầu mỏ và Kim loại Nhật Bản (JOGMEC), ĐH Kyoto, Trung tâm Hợp tác Dầu khí Nhật Bản (JCCP), Viện Công nghệ châu Á (AIT) và các công ty Idemitsu, Corelabs, UOP, IHRDC… cũng là giải pháp quan trọng để tranh thủ sự chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hội nhập quốc tế phục vụ cho công tác đào tạo ngày càng hiệu quả hơn.

TS Phan Ngọc Trung cũng cho rằng, đào tạo chuyên sâu là một trong những thế mạnh của Viện nhờ có đội ngũ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, biết kết hợp với nghiên cứu, khả năng tận dụng thiết bị, phầm mềm chuyên dụng, số liệu thực tế, tri thức tổng hợp được trong quá trình nghiên cứu, lại biết gắn với thực tiễn. Những điều này giúp Viện tạo nên sự khác biệt so với các đơn vị đào tạo khác trong nước.

Kết quả là từ năm 2010 đến tháng 6/2013, được sự quan tâm hỗ trợ của Tập đoàn, Viện VPI đã cử 110 lượt người tham gia đào tạo sau đại học, với tổng kinh phí khoảng 15 tỉ đồng, trong đó 26 lượt người tham gia đào tạo tiến sĩ, 84 lượt người tham gia đào tạo thạc sĩ, vượt kế hoạch mà Đề án đào tạo đưa ra là 25 lượt tiến sĩ và 20 lượt thạc sĩ đến năm 2015. Trong công tác đào tạo chuyên sâu ngắn hạn, từ năm 2010 đến nay, VPI đã cử 286 lượt người tham gia đào tạo các khóa chuyên sâu khác nhau và đã đạt kết quả tốt.

Qua thực tế triển khai công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực vận hành và bảo dưỡng cho 15 dự án trọng điểm của Tập đoàn trong thời gian qua, trường PVMTC cũng như nhiều đơn vị khác trong Tập đoàn đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh đến sự phối hợp chặt chẽ giữa ba nhà: “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp”.

6 nội dung chính trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Dầu khí giai đoạn 2013-2015:

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị nhân lực (HRM) của Tập đoàn theo chuẩn mực quốc tế, trong đó trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, hệ thống đánh giá kết quả thực hiện công việc, hệ thống trả lương theo năng lực; Tiếp tục xây dựng đội ngũ quản lý, thực hiện các chương trình đào tạo về quản lý cho cán bộ có chức danh lãnh đạo, cán bộ nguồn trước khi bổ nhiệm; Tiếp tục xây dựng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cho 5 lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn, đặc biệt là các chương trình đào tạo chuyên sâu; Xây dựng và phát triển hệ thống đào tạo - nghiên cứu khoa học nhằm đảm bảo Tập đoàn luôn chủ động trong công tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế trên cơ sở 3 đơn vị chủ chốt, nòng cốt là Viện Dầu khí Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí và Đại học Dầu khí; Chú trọng xây dựng đội ngũ làm công tác thiết kế các công trình dầu khí trên biển và bờ; Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nội bộ, đào tạo kèm cặp, tạo dựng mạng lưới đào tạo nội bộ trong Tập đoàn, với trọng tâm đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng thường xuyên, cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên ngành…

Thanh Thanh

DMCA.com Protection Status