Chế ngự Bạch Hổ và thành quả đưa dòng khí công nghiệp về bờ (Kỳ 4)

07:10 | 13/06/2016

757 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngay sáng hôm sau, 8h chúng tôi đã leo lên sàn tầng thượng CTP-2, mặc dù gió đang mạnh và biển động, chúng tôi bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị.

Đặng Hữu Quý - Trần Văn Thục - Đỗ Văn Phúc - Ngô Thường San

 Các gối đỡ modules đã hàn xong từ mấy hôm trước, công việc tiếp theo là hàn móc, đặt 4 puli loại 10 tấn chờ sẵn để neo ngay module khi nó tiếp sàn. Anh Phúc cho đặt thêm 4 con lăn 100mm để dẫn hướng chỉnh vị trí module nhằm kịp thời tháo móc cẩu, hạn chế va đập. Đội xây lắp còn mang theo 2 câu liêm để móc và kéo dây định hướng khi Block được cẩu khi có gió mạnh. Ông Rưbuskin tỏ ra là dạn dày kinh nghiệm xây lắp ngoài biển, cho hàn ngay 2 cột đứng để hãm module, rồi còn hàn thêm 2 lan can vuông góc với cột đứng làm tay vịn cũng như là chỗ móc đai an toàn cho các thợ xây lắp khi chỉnh module do ở độ cao 50m trên đỉnh CTP-2 gió luôn giật mạnh. Mọi thứ chuẩn bị xong và trời cũng đã xế chiều, gió đông bắc se lạnh, sóng biển vẫn ở mức 3m.

che ngu bach ho va thanh qua dua dong khi cong nghiep ve bo ky 4

Chúng tôi lên boong hôm sau để tổ chức thực tập các thao tác, xác định vị trí từng tốp thợ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người của đội. Rưbuskin cầm bộ đàm, điều khiển lái cẩu, anh Phúc phát lệnh cho từng nhóm. Tuy nhiên, sau khi diễn tập, nhận thấy Blocs 11 nặng 25 tấn, dài 12m, rộng 6,75m cao 4,23m nhưng phải quay đầu các bình tách đối diện ra mặt biển nên tôi yêu cầu dựng lại các cột đứng và lan can, nới khoảng cách rộng thêm 1m để các thợ xây lắp hoạt động thoải mái hơn, tránh khi gió mạnh, module va vào có thể gãy chân. Ông Rưbuskin khuyên tôi và anh Khánh không nên đứng quá gần, sẽ nguy hiểm nhưng anh Phúc nói: Anh Quý giám sát xây lắp nhiều năm ngoài biển cùng tôi, đồng chí nhanh nhẹn lắm. Các công trình do đồng chí là chủ nhiệm, kể cả xây dựng các DK ngoài Trường Sa, chúng tôi luôn bên nhau. Có anh bên cạnh, chúng tôi tự tin hơn.

Thông báo từ Điều độ Vietsovpetro trong bờ là dự báo thời tiết sẽ tốt vào ngày mai kéo dài khoảng 3 ngày, gió sẽ xuống chỉ còn khoảng 8-9m/s, Great! (tuyệt). Lập tức chúng tôi liên hệ với Ispolin chuẩn bị đưa tàu vào vị trí trong ngày mai. Ăn tối xong, tôi và anh Phúc mở tài liệu xem lại một lần nữa phương án lắp đặt, những tài liệu thiết kế này cũng đã gửi cho thuyền trưởng, lái cẩu và đội xây lắp trên Ispolin. Đêm ấy, chúng tôi thật sự lo lắng, cầu mong có thời tiết tốt cho ngày hôm sau.

Từ 8h, tàu Ispolin đã bắt đầu nhổ neo mà tận 12h mới xong, gió vẫn thổi về phía CTP-2, dòng chảy cũng vậy, theo bảng thủy triều thì 14h nước mới bắt đầu dừng để đổi dòng, nước sẽ đứng và đạt đỉnh vào lúc từ 15-17h, đây là thời khắc cần cho chúng tôi, nước dừng và đạt đỉnh cho phép tàu cẩu có tầm với và nâng móc cao nhất, khi đó, Ispolin mới với tới được đỉnh giàn CTP và đưa được Block-11 vào vị trí . Ai cũng sốt ruột, mong con nước còn hơn mong mẹ về chợ. Tàu Ispolin lừ lừ chậm chạp tiến gần CTP-2 từ hướng Đông bắc.

Tôi cầm bộ đàm và nói bằng tiếng Nga:

- Ban Dự án Fast Track trên CTP-2! Chào tất cả các bạn trên Ispolin và Sao Mai, chúc mọi người may mắn và thành công hôm nay!

Anh Phúc yêu cầu đội xây lắp trên sàn tàu Ispolin nối thêm dây dẫn hướng vào 4 góc của Block-11 sao cho khi nâng Block lên cao, có thể điều chỉnh được hướng ngay trên sàn tàu.

Đúng 15h20 tàu vào còn cánh giàn 8m thì dừng lại, 2 tàu Sao Mai thả neo, nổ máy thường trực để có thể kéo Ispolin ra khỏi khu vực CTP-2 bất cứ lúc nào.

- Konstantinov, Block Vira, Vira Bưstrơ *! (cho nâng Block, nâng lẹ lên) - Rưbuskin hét lên trong bộ đàm. Cả khối Block công nghệ treo trên một móc 600 tấn của Ispolin từ từ nâng lên, nâng lên! 10m rồi 20m, 30m… 50m các đầu dây định vị nhẹ quá nên gió thổi bay tứ tung, Block vẫn còn thấp hơn mặt sàn CTP khoảng 2m.

- Ispolin V-period k Platformu! (Cho tàu vào gần thêm giàn!), J-ốp, Blize (chết tiệt! gần hơn nữa)!

Tất cả đều nghẹt thở vì tàu đã vào chỉ còn cách 4,5m!

Vira, J-ốp Bưstrơ Vira! (Nâng tiếp, chết tiệt! Nâng nhanh lên)! Đội xây lắp quơ câu liêm, mỗi tốp 1 dây neo, một tay bám chặt vào lan can, một tay kéo cho Block sát vào sàn. Đúng vào thời điểm tàu vào 40m thì toàn Block đã treo trên mặt boong CTP, nhìn rõ mồn một cái Gag 600T tổ chảng lắc lư khối Block bên dưới.

Tự nhiên ầm, sầm, mặt dưới Block đập mạnh xuống sàn nóc CTP, Block chao đảo do sóng dềnh lên.

- Konstantinov! Tiếng Rưbuskin đã khản đặc.

- Mai-na…a, Bưstrơ Mai na! *(Konstantin! Hạ nhanh, hạ nhanh!).

Lại sầm một cái, cả Block đã nằm sõng soài xuống mặt sàn tầng thượng CTP-2.

Nhanh như sóc, 2 thợ xây lắp leo lên đỉnh Block giải phóng ngay Gag cẩu (móc cẩu). Tàu Ispolin thu móc, vừa thu cần, vừa được các tàu Sao Mai lập tức kéo xa ra khỏi CTP-2.

Block-11 nằm lệch một bên nhưng vẫn nằm trên các con lăn và thế là mỹ mãn, đội xây lắp sẽ đưa được nó vào đúng vị trí.

Lúc ấy đã 17h, ai nấy mệt lử gió trên đỉnh giàn CTP vẫn rít mạnh mà áo bảo hộ đã ướt tự lúc nào. Anh Phúc cởi trần, vắt cái áo ướt sũng, những dải mồ hôi tong tong nhỏ xuống.

Tôi trầm ngâm và bất chợt thốt lên: Anh Phúc à, theo anh đi biển dựng giàn khoan nhiều năm, có thể nói, “các công trình dầu khí ngoài mỏ Bạch Hổ đều thấm đẫm hôi của những người thợ xây lắp Vietsovpetro.

Các Modules công nghệ C1-4, C1-5 đã được lắp đặt trên giàn CTP-2 như thế, theo đúng kế hoạch và nhiệm vụ Tổng giám đốc giao cho. Công tác đấu nối, chạy thử toàn hệ thống thu gom khí của Vietsovpetro vượt tiến độ 2 tháng. Mỗi người một việc toàn thể cán bộ, công nhân viên quốc tế Việt - Xô là một khối đoàn kết thống nhất mang trong mình một ý chí, tất cả cho dòng dầu, dòng khí của Tổ quốc, tất cả làm việc hăng say, quên mình, với “Tinh thần Vietsovpetro”.

Những trái ngọt và những chuyển mình

Dự án đưa sớm khí vào bờ đã thành công, dòng khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ qua 130km đã được đưa từ biển vào nhà máy điện Bà Rịa đúng dịp mừng Ngày Giải phóng miền Nam 30-4-1995.

Những năm sau đó, chúng tôi lại tiếp tục không ngừng nghỉ các dự án cung cấp 2 triệu, rồi 3 triệu m3 khí từ mỏ Bạch Hổ vào bờ, cung cấp cho cụm nhà máy điện Phú Mỹ.

Đoàn chúng tôi - những người cùng sát cánh trong dự án đưa sớm khí vào bờ năm xưa xuôi theo Quốc lộ 51, từ Phú Mỹ về Long Hải. Cụm nhà máy điện Phú Mỹ đã phát triển thành Trung tâm Nhiệt điện Phú Mỹ - Tổng công suất 2,600MW; Nhà máy Đạm Phú Mỹ công suất 800.000 tấn urê/năm, ngay bên cạnh là Kho cảng LPG trầm ngâm bên dòng Thị Vải, gợi nhớ lại những thời khắc dự án không thể quên năm 2004.

Chúng tôi về qua Nhà máy điện Bà Rịa, do được ưu tiên nhận khí Bạch Hổ nhiệt trị cao nên nhà máy đã xây dựng bổ sung 2 tổ 306-1 và 306-2 turbine chu trình hỗn hợp thế hệ mới sử dụng đuôi hơi, nâng tổng công suất phát điện lên 387,8MW mà chỉ tiêu thụ 1 triệu m3 khí/ngày đêm.

Xa về phía Long Hải là Nhà nhà máy GPP đồ sộ tựa vào núi, khi lượng khí đồng hành thu gom tại Bạch Hổ quá nhiều, vượt công suất của đường ống Bạch Hổ - Long Hải, Công ty Tư vấn và Thiết kế Dầu khí PV Engineering đã đề xuất lắp bổ sung Trạm nén đầu vào GPP, tăng áp suất dòng khí từ 70 lên 110 barg. Với đề xuất này, đường ống Bạch Hổ - Long Hải đã tăng công suất vận chuyển về bờ từ 1,5 lên 2 tỉ m3 khí/năm. Không những thế, Nhà máy GPP do tăng áp lực đầu vào, đã tăng được chu trình xử lý khí, nâng sản lượng thu hồi LPG từ 850 tấn lên 1.000 tấn/ngày đêm.

Từ khi có Nhà máy LPG, một luồng gió mới đã thổi vào khắp các phố phường, thôn quê các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh, lan ra khắp các tỉnh Nam bộ. Các bà nội trợ từ đó vĩnh biệt với các bếp đun than ống, đen nhẻm và bụi bẩn, khắp nơi là những bình ga sạch Made in PetroVietnam, PVGAS. Các khu công nghiệp Vina Koye, Taicera nối nhau mọc lên trong một thành phố Phú Mỹ đón tương lai.

Đoàn chúng tôi cùng nhìn xa ra biển Long Hải, nơi những đường ống dẫn khí tiếp bờ, sau Bạch Hổ đã có thêm Nam Côn Sơn 1, hoàn thành từ năm 2003, đang chạy hết công suất 20 triệu m3 khí/ngày đêm. Nơi đây không xa sẽ còn có thêm đường ống Nam Côn Sơn - 2 đưa khí từ các mỏ Thiên Ưng - Đại Hùng, Hải Thạch - Mộc Tinh và Sư tử Trắng vào bờ. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giao cho Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), phối hợp cùng Vietsovpetro và PV Engineering thực hiện dự án này.

Các công trình cứ nối tiếp các công trình, chúng tôi ngoảnh lại thì mái đầu đã bạc, thế hệ trẻ Petrovietnam năng động hơn, thông minh và sáng tạo hơn, đầy nhiệt huyết đang viết tiếp những trang sử hào hùng của ngành Dầu khí Việt Nam.

Thay cho lời kết

Chúng tôi viết những dòng này tri ân các lãnh đạo ngành Dầu khí, Công ty Khí đốt Việt Nam, lãnh đạo Liên doanh Vietsovpetro qua các thời kỳ, đã có tầm nhìn và những quyết tâm, truyền lửa cho chúng tôi để có cơ hội được cống hiến, cơ hội tham gia vào những dự án mang tính lịch sử của ngành.

Chúng tôi xin được tri ân tất cả những người đã góp sức cho dòng khí vào bờ ngày ấy, đặc biệt là tập thể lao động Việt - Nga, những người lao động của tất cả các đơn vị trong Liên doanh Vietsovpetro với những đóng góp không mệt mỏi, thầm lặng theo chiều dài lịch sử của công cuộc chế ngự các địa tầng sâu thẳm trong lòng đất, chế ngự Biển Đông viết nên những trang sử huy hoàng trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên dầu và khí cho Tổ quốc.

Thành quả lao động, những hy sinh mất mát và những chiến công của các anh chị, mãi mãi còn ghi lại trong những trang vàng của ngành Dầu khí Việt Nam, trong trái tim của tất cả những người lao động và là những viên gạch đã xây nên tượng đài “Vietsovpetro”.

Năng lượng Mới số 530

DMCA.com Protection Status